Trước bối cảnh đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, tăng cường các hoạt động dạy học tích hợp gắn với thực tiễn cuộc sống, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu trường ĐHSP Hà Nội, Khoa Vật lí phối hợp với Khoa Hóa học, Khoa Sinh học, Khoa Sư phạm kĩ thuật và công ty thiết bị - chuyển giao công nghệ CETT tổ chức Hội thảo: “Dạy học theo định hướng giáo dục STEM” kết hợp với hoạt động trải nghiệm STEM dành cho học sinh THCS.

Trong thời gian gần đây, các thuật ngữ “STEM” và “giáo dục STEM” được nhắc tới nhiều, không chỉ bởi các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục, mà còn có cả các chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Với ngữ cảnh giáo dục, STEM có thể được hiểu và diễn giải ở nhiều cấp độ như: chính sách STEM (những chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy giáo dục STEM), chương trình STEM (chương trình giáo dục quan tâm, nhấn mạnh tới các môn học STEM), nhà trường STEM (trường học chú trọng và có thế mạnh dạy học các môn học STEM), môn học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán), bài học STEM hay hoạt động STEM (bài học hay hoạt động dạy học dựa trên chủ đề tích hợp liên môn STEM). Với ngữ cảnh nghề nghiệp, STEM được hiểu là nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Việc khuyến khích, thúc đẩy giáo dục STEM tại mỗi quốc gia đều hướng tới mục đích sau cùng là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những trường đại học tiên phong ở Việt Nam trong nghiên cứu cơ bản và triển khai giáo dục STEM ở trường phổ thông và tích hợp nội dung giáo dục STEM trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm. Các nhóm nghiên cứu Giáo dục STEM của Nhà trường đang hình thành từ các khoa Vật lí, Hóa học, Sinh học và Sư phạm kĩ thuật, có hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu Giáo dục STEM uy tín của Đài Loan, Hà Lan, Thái Lan, Mỹ và đã công bố những bài báo mang tính chất định hướng việc vận dụng giáo dục STEM của Việt Nam (V-STEM). Nhiều thành viên trong các nhóm nghiên cứu giáo dục STEM của Trường ĐHSP Hà Nội đang là chuyên gia tư vấn cho Bộ Giáo dục và đào tạo trong triển khai Giáo dục STEM ở trường phổ thông. Ngoài ra, các khoa Vật lí, Hóa học, Sinh học và Sư phạm kĩ thuật đã trực tiếp triển khai giáo dục STEM tới các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội thông qua các hoạt động trải nghiệm thực nghiệm theo định hướng giáo dục STEM.

Xuất phát từ thực tiễn trên, hội thảo “Dạy học theo định hướng giáo dục STEM” được tổ chức để các nhà khoa học, giảng viên, học viên sau đại học của Trường ĐHSP Hà Nội, các chuyên gia của hãng thiết bị dạy học PASCO – Mỹ, học viện sáng tạo S3 và đại diện ban giám hiệu, giáo viên của hơn 35 trường phổ thông ở Hà Nội và các tỉnh lân cận chia sẻ, thảo luận về các nguyên tắc tiếp cận trong giáo dục STEM và về nhu cầu, thực tiễn triển khai giáo dục STEM. Từ đó, đưa ra được các giải pháp tăng cường giáo dục STEM trong nhà trường. Hội thảo cũng là dịp để các khách mời, các chuyên gia cùng với hơn 60 học sinh đến từ 06 trường phổ thông tham gia các hoạt động thực nghiệm STEM do hãng PASCO (CETT), học viện sáng tạo S3 và các Khoa Vật lí, Hóa học, Sinh học, Sư phạm kĩ thuật thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng.

Dưới đây là các hình ảnh của hội thảo.

PGS.TS. Lục Huy Hoàng – Phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Văn Biên trình bày về mô hình STEM tại trường ĐHSP Hà Nội

PGS.TS. Lê Huy Hoàng trình bày về định hướng giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới

TS. Laurie Chiu-Mar trình bày về thiết bị dạy học hiện đại sử dụng trong các hoạt động thực nghiệm STEM

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền – trình bày về nghiên cứu chung về giáo dục STEM của các chuyên gia 03 nước: Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam.

Chùm ảnh học sinh hứng thú trải nghiệm thực nghiệm STEM bên lề Hội thảo

 

Tin bài: Khoa Vật lí

Ảnh: Đội truyền thông - LCĐ Khoa Vật lí