Từ ngày 21/11/2017 đến ngày 2/12/2017, theo lời mời của chương trình Sakura, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cử đoàn cán bộ, giảng viên sang thăm quan và làm việc với Viện Jaist (Nhật Bản). Đoàn trường ĐHSPHN gồm 8 thành viên, trong đó có 6 giảng viên đến từ các đơn vị khác nhau (Khoa CNTT – 02, Lịch Sử - 01, GD ĐB – 01, Tiếng Anh – 01 và Phòng KHCN – 01) cùng với 01 sinh viên khoa CNTT, 01 SV khoa Toán. Với đặc thù thành viên của đoàn hết sức đa dạng về chuyên môn, do đó kinh nghiệm và trải nghiệm tại JAIST có sự khác biệt ít nhiều. Dưới đây là một vài trao đổi của PGS. TS. Dương Minh Lam, Trưởng đoàn – sau chuyến thăm quan và làm việc tại Viện JAIST.

JAIST – Japan Advanced Institute of Science and Technology – Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản – nơi là một viện nghiên cứu được đặt tại thành phố Komatsu, một thành phố nhỏ ở miền Trung nước nhật, cách Tokyo khoảng 2,5 giờ tàu điện cao tốc của Nhật (khoảng 500 km). Komatsu là tên khá nổi tiếng ở Việt Nam với mặt hàng thiết bị công nghiệp như xe tải, xe ben, xe nâng... nhưng ít người dân biết tới sự tồn tại của Jaist- một viện nghiên cứu đầu ngành.

1. Cơ sở hạ tầng của Viện JAIST: Viện Jaist được xây dựng các trung tâm Komatsu khoảng 20 km, cách Kanazawa khoảng 7 phút đi xe buýt nội bộ của Viện tới Tsurugi và từ đó thêm 30 phút đi tàu lửa. Vị trí địa lý không quá khó khăn cho việc đi lại tới các trung tâm nhưng cũng không quá thuận tiện tạo ra một không gian riêng, yên bình rất phù hợp cho học nghiên cứu và đào tạo bậc cao.

Mỗi tòa nhà được thiết kế đảm bảo không gian nghiên cứu được tập trung nhưng không gò bó. Mỗi phòng lab của nhóm khá rộng (100 m2) trong đó có phòng của giáo sư/phó giáo sư/trợ lý giáo sư  và các ô làm việc được ngăn dành cho postdoc, nghiên cứu sinh và học viên cao học. Mỗi phòng thí nghiệm đều có phòng seminar riêng, diện tích đủ lớn cho khoảng 20 người, được trang bị bảng, máy chiếu, trà nước.... là nơi để các nhà nghiên cứu trao đổi, trình bày ý tưởng cũng như báo cáo tiến độ, góp ý cho quá trình nghiên cứu, học tập trong nhóm và ngoài nhóm.

Không gian nghiên cứu còn được làm nổi bật bởi thiết kế tiện ích khi cứ khoảng 30 m lại có 1 nhà vệ sinh, 1 khu rửa cốc chén-nơi để nhiều thùng rác, 1 phòng máy in, máy phô tô chung, 1 phòng uống cà phê với bàn và ghế đủ cho khoảng 4 người, không gian cửa sổ tràn ánh sáng tự nhiên, tầm nhìn vút núi – nơi mọi người có thể thư giãn hoặc tập trung cao độ cho những ý tưởng mới.

2. Phong cách làm việc chuyên nghiệp:

Chương trình trao đổi khoa học và văn hóa được thiết kế chặt chẽ và đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Điều muốn nói ở đây là bài học về thủ tục hành chính đối với những người được nhận học bổng trong đoàn là sự đơn giản và tiện lợi nhưng không kém phần chặt chẽ trong quản lí hành chính, tài chính, tạo cảm giác dễ chịu cho giảng viên, sinh viên. Tất cả các thủ tục hành chính, tài chính đều được chuẩn bị sẵn, thông qua internet và sự cần mẫn, chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên viên. Khi đoàn tới nơi, các giảng viên và sinh viên chỉ mất 10 phút để mỗi người điền thông tin cá nhân, các em sinh viên được nhận thẻ sinh viên; sau đó cả đoàn tới bộ phận tài chính để nhận học bổng; điểm khác biệt cơ bản cần học là mỗi suất học bổng đã được đóng gói, niêm phong và có tên của từng người ở đó, ghi rõ mức tiền. Khi tới bộ phận tài chính, mỗi cá nhân chỉ ký vào tờ nhận tiền là xong. Cả đoàn hoàn tất thủ tục nhận tiền trong khoảng 7 phút. Ngày cuối của đoàn, tất cả các thành viên cần hoàn thành phiếu khảo sát về chuyến đi và gửi email cho người đại diện. Tuy nhiên, đoàn chủ động đến để cảm ơn và chào các bạn đã đón tiếp nhiệt tình, chu đáo;

3. Tình yêu chuyên môn:

Đoàn công tác có cơ hôi gặp gỡ, trao đổi với các giáo, được các giáo sư trực tiếp giới thiệu về phòng thí nghiệm, các hướng nghiên cứu; tham dự các bài giảng, seminar, poster session tại viện. Thông qua các hoạt động này, các thành viên trong đoàn đều cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt dành cho khoa học từ các giáo sư cũng như các nghiên cứu sinh nơi đây.

Mặc dù thế mạnh của viện là nghiên cứu các lĩnh vực về tri thức và công nghệ thông tin nhưng sau khi thăm quan các phòng thí nghiệm, tham dự các buổi seminar, đọc các tài liệu giới thiệu về Viện, đoàn ĐHSPHN thấy rằng các lĩnh vực nghiên cứu của viện rất đa dạng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực cũng như các vấn đề thời sự trong công nghệ thông tin hiện nay, liên quan trực tiếp tới sự phát triển các lĩnh vực KHCN và kinh tế. Các nghiên cứu tại viện JAIST là luôn cố gắng cân bằng giữa học thuật và ứng dụng, nhiều bài toán nghiên cứu được đặt hàng từ chính phủ, công ty, ….

Môi trường học tập và nghiên cứu tại JAIST thực sự tốt: các không gian sử dụng chung, thư viện, phòng Lab, … cơ sở vật chất: trung tâm Nano-materials, trung tâm tính toán hiện năng cao đều được đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại nhất.

Ngoài ra, một số nghiên cứu chuyên sâu, phù hợp với chuyên môn của  thành viên đoàn như những nghiên cứu của GS. Hidaka Shohei liên quan đến giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt: can thiệp ngôn ngữ cho trẻ có khó khăn về ngôn ngữ, trẻ có vấn đề về hành vi, suy giảm trí nhớ; Các các phương pháp dạy học hiện đại, hiệu quả ở trường đại học từ giáo sư Kim Eouyoung, GS Hồ Tú Bảo, Huỳnh Văn Nam...; những nghiên cứu ứng dụng tâm lý, sinh lý, thần kinh, công nghệ thông tin... được tích hợp trong nghiên cứu của GS. Tsutomu Fujinami và những nghiên cứu rất chuyên sâu về vật liệu của GS. Suzuki. Những nghiên cứu mang tính tích hợp cao thực sự là bài học lớn, mở mang quan điểm về nghiên cứu và vùng nghiên cứu cho các thành viên trong đoàn.

4. Bảo tồn văn hóa truyền thống

Mặc dù là một trong những quốc gia có nền kinh tế, KHCN hiện đại nhất thế giới nhưng chuyến tham quan cũng cho chúng tôi thấy Nhật bản là đất nước của nền văn hóa cổ truyền. Trong chuyến đi, đoàn ĐHSPHN có cơ hội tham quan Kanazawa garden, castle, khu phố Geisha, khu phố của tướng và các võ sỹ Samurai... Các di tích lịch sử được bảo tồn khá tốt và thể hiện được đầu óc tư duy vượt trội cũng như tinh thần quyết tâm của người Nhật từ xưa tới nay. Kimono là một trải nghiệm khó quên trong đoàn khi các thành viên đã dành ra 20 phút để mặc được bộ quần áo cổ truyền của Nhật. Trải nghiệm còn khắc sâu hơn nữa bởi thời tiết lạnh, nhiệt độ ngoài trời thấp 5oC, với guốc và Kimono trong suốt 5 tiếng liền – chân đau, lạnh... nhưng đau và lạnh không thể mạnh hơn niềm vui khi đoàn đồng phục Kimono trở thành trung tâm của khu du lịch. Nhiều khách du dịch người Nhật trầm trồ khen ngợi các cô giáo, chàng trai của đoàn thật đẹp trong trang phục truyền thống, họ chụp ảnh lưu niệm và nói những lời chúc mừng, khen ngợi thật ấm lòng người. Đây cũng là điểm đáng học tập trong thiết kế các chương trình giao lưu KHCN, trao đổi với đối tác của HNUE.

5. Cơ hội hợp tác, phát triển

Cuối chuyến thăm, đoàn ĐHSPHN có một ngày để các thành viên báo cáo về những gì thu được trong suốt chuyến đi với các giáo sư tại viện JAIST. Mặc dù thời gian không nhiều nhưng đoàn ĐHSPHN cũng đã giới thiệu được truyền thống cũng như sứ mệnh và  tầm nhìn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các thành viên trong đoàn cũng có những chia sẻ thật cởi mở về nghiên cứu riêng, những gì thu được trong suốt chuyên đi và mong muốn hợp tác của mình. Đặc biệt là 2 em sinh viên đã có những trải nghiệm cho lần đầu báo cáo trong môi trường quốc tế.

Viện JAIST thực sự là cơ hội cho những người yêu nghiên cứu khoa học và là cơ hội đối tác cho trường ĐHSP Hà Nội trong tương lai khi phạm vi nghiên cứu rất phù hợp với những gì chúng ta đang triển khai, thực hiện. Để xúc tiến các công việc hợp tác, trường ĐHSP Hà Nội và các sinh viên, học viên, NCS được cử sang trao đổi học tập, nghiên cứu cần có một sự chuẩn bị kỹ về nền tảng kiến thức cũng như một chút về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản.

Với cơ chế khá mở của Viện Jaist, dựa trên mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa chính phủ Nhật bản và Việt Nam, giữa Viện Jaist và ĐHSPHN, hợp tác lâu dài, toàn diện cần thiết được xúc tiến. Đoàn công tác hy vọng rằng chuyến đi là điểm khởi đầu tốt đẹp và tất cả hy vọng, sẵn sàng đóng góp sức mình để mối quan hệ hợp tác giữa Viện Jaist và ĐHSPHN lớn mạnh.

 

Bài và ảnh: PGS. TS. Dương Minh Lam