Nhận lời mời từ phía Sado Marine Biological Station (SMBS) thuộc trường Đại học Niigata, Nhật Bản, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cử TS. Trần Đức Hậu (Trưởng Bộ môn Động vật học) và 4 sinh viên Lại Quốc Đạt (K66C), Trương Ngọc Mai (K65C), Nguyễn Đăng Quang (K65E), Nguyễn Thị Thanh Hiền (K64K) tham gia khóa học Sinh học biển quốc tế (International Marine Biology Course). Khóa học đã được tổ chức thật hiệu quả và bổ ích. Tuy rằng với thời lượng chương trình chỉ 4 ngày, nhưng mỗi thành viên đều đã tiếp thu được những điều thật mới mẻ không chỉ trong các bài giảng từ các thầy cô mà còn ở phong cách sống của con người Nhật Bản cũng như bạn bè quốc tế.

Trong ngày đầu tiên đến đảo Sado, sinh viên đã được tự giới thiệu về bản thân mình cũng như được làm quen với các thầy cô và bạn bè thuộc các trường Đại học ở Hồng Kông, Đài Loan, Ma-lay-si-a. Sau đó, thầy cô tại SMBS đã dẫn đi tham quan khu nghiên cứu và chỉ dẫn những điều lệ cũng như thời gian biểu của khóa học. Ngay khi kết thúc bữa ăn tối, sinh viên đã được đi thu mẫu động vật biển và quan sát chúng trong bể ở phòng thí nghiệm.

Thu mẫu động vật biển vào buổi tối tại trạm

Giáo sư Ando hướng dẫn cách quan sát động vật biển và giới thiệu về chúng cho sinh viên quốc tế

Ngày thứ hai, khoá học đã được lắng nghe bài giảng đầu tiên: “Đặc điểm của biển Nhật Bản và động vật biển ở Nhật Bản” tới từ Giáo sư Hironori Ando. Tiếp đó là bài giảng của Tiến sĩ Takashi Kitahashi về “Phân loại học: Sự đa dạng của các sinh vật”. Sau hai bài giảng của các thầy đến từ SMBS, sinh viên phần nào đã hiểu thêm về sự phong phú về tài nguyên sinh vật biển Nhật Bản và cách thức phân loại động vật nói chung hay động vật biển nói riêng. Sau những bài giảng trên, là hoạt động quan sát sự thụ tinh của nhím biển cũng như theo dõi sự phát triển phôi của chúng. Đến buổi chiều, Tiến sĩ Trần Đức Hậu tới từ khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hoạt động nhóm thú vị cùng bài giảng về “Sinh học biển”. Sau đó, sinh viên được đi thu mẫu và quan sát động vật phù du. Đến tối, các nhóm được phân công từ trước thảo luận, vẽ những sinh vật đã quan sát được và định loại chúng.

Tiến sĩ Takashi Kitahashi chỉ dẫn cho mọi người cách thu mẫu và quan sát mẫu động vật

Hoạt động nhóm của tiến sĩ Trần Đức Hậu giúp cho buổi giới thiệu về Sinh vật biển trở nên vui vẻ và thoải mái

Thu mẫu động vật phù du bằng lưới chuyên dụng

Hoạt động nhóm với bạn bè quốc tế

Ngày thứ ba, những bài giảng về “Bộ não của cá và tiềm năng của nó đối với sửa chữa dây thần kinh chức năng” của tiến sĩ Satoshi Ogawa và “Ứng dụng sinh học phân tử trong sinh học biển” của tiến sĩ Shogo Moriya tới từ Đại học Monash, Ma-lay-si-a đã cho thấy sự đa dạng trong các chuyên ngành nghiên cứu sinh học trên động vật biển. Tiếp theo, sinh viên đã được đi lặn để quan sát trực tiếp các sinh vật biển và thấy hoạt động sống của chúng qua đó làm tư liệu cho hoạt động nhóm diễn ra vào buổi chiều. Mỗi người trong khóa học đã được lên thuyết trình về loài sinh vật của mình và cả nhóm cũng đã cùng thể hiện trong bài thuyết trình nhóm ngay sau đó.

Sinh viên Lại Quốc Đạt - Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội với phần trình bày của mình

Trải nghiệm lặn thu mẫu khiến mọi người vô cùng hào hứng

Kết thúc những giờ học thành công, mọi người đã cùng chuẩn bị cho bữa tiệc chia tay khóa học. Sinh viên đã có một khoảng thời gian vui vẻ với các thầy cô cũng như bạn bè quốc tế và đây có lẽ sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý giá mà các bạn sinh viên sẽ không bao giờ quên. Cảm ơn Đại học Niigata và khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có được chuyến học tập thật bổ ích và lý thú.

Cán bộ và sinh viên các nước chụp ảnh lưu niệm kết thúc khóa học

Sinh viên khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một chuyến học tập thật bổ ích và lý thú

 

Nguồn: Nhóm sinh viên tham gia khoá học - 2017