Sáng ngày 5/7/2017, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nghiệp vụ sư phạm tổ chức Seminar về Mô hình trung tâm nghiệp vụ sư phạm đầu mối tại ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Potsdam. Tham gia thảo luận tại Seminar, có GS.TS. Bernd Meier, GS.TS. Andreas Borowski - giám đốc Trung tâm Đào tạo giáo viên và nghiên cứu giáo dục, trường ĐH Potsdam; có giảng viên các trường ĐH Đà Nẵng, ĐH Giáo dục; về phía Trường ĐHSPHN có lãnh đạo, cán bộ Phòng Đào tạo, các Khoa Tâm lí Giáo dục, Quản lí giáo dục, Viện nghiên cứu sư phạm, các Bộ môn phương pháp dạy học và Trung tâm NC&PT NVSP.

Mở đầu Seminar, TS. Trần Bá Trình, Phó GĐ Trung tâm NVSP giới thiệu với đoàn chuyên gia ĐH Potsdam về Chương trình đào tạo năng lực sư phạm cho sinh viên của Trường ĐHSPHN, chức năng của Trung tâm NVSP trong triển khai thực hiện Chương trình và chia sẻ những điều chưa rõ về mô hình liên kết giữa Trung tâm NVSP với các khoa đào tạo, các trường phổ thông và cơ chế tổ chức vận hành mô hình này trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Tiếp theo phần đặt vấn đề này, GS.TS. Andreas Borowski trình bày chương trình đào tạo giáo viên tại ĐH Potsdam, vai trò của Trung tâm Đào tạo giáo viên và nghiên cứu giáo dục (ZeLB). Trung tâm là đơn vị phi tập trung, cùng các khoa chịu trách nhiệm chung về đào tạo giáo viên ở trường đại học. Nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm là điều phối hoạt động đào tạo giáo viên ở nhiều đơn vị đào tạo khác nhau trong trường (về khoa học giáo dục, lí luận và thực hành dạy học chuyên ngành) và ở trường phổ thông (về kiến tập, thực tập sư phạm) và làm đầu mối liên lạc, huy động nguồn lực trong nghiên cứu khoa học giáo dục, tư vấn giáo dục và cung cấp dịch vụ bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Nội dung seminar nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, cán bộ Phòng Đào tạo, các Khoa Tâm lí Giáo dục, Quản lí giáo dục, Viện nghiên cứu sư phạm và các Bộ môn phương pháp dạy học

Thời lượng đáng kể còn lại của buổi Seminar dành cho các ý kiến thảo luận của các giảng viên ĐHSPHN xoay quanh các vấn đề:

- Gắn kết các học phần về kiến thức khoa học chuyên ngành bậc đại học (content knowledge), về kiến thức tâm lí, giáo dục học (pedagogical knowledge), về kiến thức lí luận dạy học khoa học chuyên ngành ở bậc phổ thông (pedagogical content knowledge) và về năng lực sư phạm (năng lực thực hiện); 

- Hỗ trợ giáo viên mới vào nghề: vai trò của giáo viên giàu kinh nghiệm, trường phổ thông và cơ sở đào tạo sư phạm;

- Đánh giá năng lực sư phạm trong đào tạo giáo viên qua các bài kiểm tra năng lực dưới các dạng thức: tự luận, vấn đáp, seminar chuyên đề, dự án nghiên cứu và bài dạy thực tế;

- Thiết kế chương trình đào tạo ứng với đầu ra là năng lực thích ứng của giáo viên với điều kiện, yêu cầu giáo dục biến đổi (sự đổi mới giáo dục bên ngoài) và năng lực nghiên cứu sư phạm ứng dụng (sự tự đổi mới của mỗi giáo viên).

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, bộ môn PPDH Toán, thảo luận về sự gắn kết giữa trang bị kiến thức khoa học chuyên ngành (bậc đại học) và đào tạo năng lực dạy học khoa học chuyên ngành ở bậc phổ thông

Các phản hồi của nhóm chuyên gia Potsdam đã khẳng định nhiều quan điểm chung của ĐH Potsdam và ĐH Sư phạm Hà Nội trong đào tạo giáo viên và gợi mở nhiều ý tưởng tốt cho việc cải tiến Chương trình đào tạo năng lực sư phạm cho sinh viên Trường ĐHSPHN cũng như đổi mới tổ chức, hoạt động của Trung tâm NC & PT nghiệp vụ sư phạm.

Seminar mở ra nhiều khả năng hợp tác giữa hai trung tâm NVSP của ĐH Potsdam và ĐH Sư phạm Hà Nội

 

Tin: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nghiệp vụ sư phạm

Ảnh: Nguyễn Danh Điệp