Sáng thứ Tư ngày 05 tháng 04 năm 2017, từ 9h00 đến 11h 15 phút, tại Phòng họp số 1, Nhà Hiệu bộ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Lịch sử đã phối hợp với phòng Hợp tác Quốc tế tổ chức buổi seminar khoa học về chủ đề “Lịch sử các tổ chức quốc tế và tiến trình hợp tác quốc tế” do diễn giả Guillaume Devin – GS Viện nghiên cứu Khoa học Chính trị Cộng hòa Pháp trình bày. Tham dự buổi sinh hoạt khoa học có đông đảo giảng viên đến từ Khoa Lịch sử, khoa Việt Nam học và Khoa Lý luận Chính trị - Giáo dục công dân, học viên cao học và sinh viên khoa Lịch sử.

GS. Guillaume Devin đã giới thiệu khái quát về sự ra đời của các tổ chức quốc tế, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay; các khái niệm về “Quan hệ quốc tế”, “Hợp tác quốc tế”, nội hàm của các khái niệm đó đã thay đổi như thế nào theo thời gian. GS Guillaume Devin cũng đã đưa ra những khái niệm mới như “hòa bình tích cực”, “hòa bình tiêu cực” trong quan hệ quốc tế. GSGuillaume Devin đã nhấn mạnh đến vai trò của mỗi quốc gia trong đời sống quan hệ quốc tế, nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi quốc gia, dù quốc gia đó là lớn hay nhỏ, vai trò của các cường quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, nhất là trong bối cảnh Toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Trong bài giảng của mình,  GS Guillaume Devin cũng nhấn mạnh đến mỗi quan hệ giữa các lĩnh vực trong quan hệ quốc tế, quan hệ giữa các nước trong quan hệ và hợp tác quốc tế giữa các quốc gia không chỉ trong lĩnh vực an ninh chính trị, an ninh quân sự mà còn cần chú ý đến an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh môi trường v.v… Bên cạnh đó, cần nhận thấy sự đa dạng của các chủ thể tham gia vào đời sống quan hệ quốc tế. Không chỉ có các quốc gia mà còn có các doanh nghiệp, các chủ thể phi quốc gia (đã được Liên Hợp Quốc- tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh - công nhận). GS. Guillaume Devin cũng nhấn mạnh đến xu thế hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và tăng cường trong thời gian tới, là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Tuy hiện nay trong đời sống quan hệ quốc tế có sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc, sự đề cao quá mức lợi ích dân tộc trước tác động của Toàn cầu hóa. GSGuillaume Devin cũng nhấn mạnh, mỗi quốc gia, bên cạnh việc chú ý lợi ích quốc gia, dân tộc thì cũng cần quan tâm lợi ích chung của thế giới. Cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới cần được nhìn nhận một các đa chiều. Nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới tuy vẫn còn, song sự đe dọa lớn nhất đối với nền hòa bình và an ninh thế giới lại bắt nguồn từ các cuộc xung đột nội bộ của nhiều quốc gia. Sự quản trị kém của các chính phủ, tình trạng tham nhũng lan tràn, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu v.v… là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nạn đói đang hoành hành ở nhiều quốc gia ở Đông và Đông Phi như Somalia, Nam Xu Đăng, Nigeria v.v…

Sau phần trình bày bài giảng của GSGuillaume Devin là phần trao đổi giữa các giảng viên khoa Lịch sử, học viên cao học, sinh viên khoa Lịch sử một số nội dung liên quan đến bài giảng của GS và các vấn đề quan tâm khác.

Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, PGS.TS. Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử đã thay mặt khoa, các giảng viên, học viên cao học, sinh viên cảm ơn GSGuillaume Devin đã có một bài giảng hấp dẫn, thành công, cung cấp nhiều thông tin mới, bổ ích, mong GSGuillaume Devin sẽ tiếp tục ủng hộ khoa và sẽ có những buổi giảng bài khác trong thời gian tới. PGS.TS. Đào Tuấn Thành cũng đã cảm ơn Phòng Hợp tác Quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với Khoa Lịch sử trong hoạt động tổ chức các buổi giảng bài và sinh hoạt khoa học của các chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, góp phần vào hoạt động bồi dưỡng cán bộ và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của khoa.

 

Bài và ảnh: PGS.TS. Đào Tuấn Thành