Tham dự Lễ ký kết có TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề cùng lãnh đạo Viện và lãnh đạo các đơn vị của Viện. Về phía trường Đại học Sư phạm Hà Nội có sự tham gia của PGS. TS. Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng nhà trường; lãnh đạo Phòng Đào tạo Sau đại học và lãnh đạo Khoa Sư phạm kỹ thuật. Ngoài ra, tham dự Lễ ký kết còn có TS. Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam, đại diện cho chuyên gia cộng tác viên của Viện; Ông Phạm Trần Phú, đại diện của Tổ chức Đào tạo nghề và Xã hội châu Âu (EBG), đại diện cho các đối tác của Viện.
Sau phần tuyên bố lý do của buổi lễ ký kết, TS. Vũ Xuân Hùng đã có bài phát biểu giới thiệu khái quát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và năng lực hoạt động của Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề và khả năng hợp tác giữa hai bên. Tiếp đó, PGS. TS. Đặng Xuân Thư cũng đã phát biểu giới thiệu khái quát chức năng, nhiệm vụ của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu của đại diện lãnh đạo hai cơ quan đều thống nhất mục tiêu hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về một số hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên, góp phần tạo sự phát triển bền vững của Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.Theo đó, nội dung hợp tác tập trung vào ba hoạt động chính là nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác như là một căn cứ pháp lý cho hai bên tiến hành các hoạt động hợp tác cụ thể, trước mắt tập trung vào hoàn thiện chương trình, tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành SPKT và sau đó sẽ là các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên.
Phát biểu chỉ đạo trong Lễ Ký kết, TS. Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, việc hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong nhiều nội dung, có nội dung đào tạo thạc sĩ là rất đúng và rất trúng với chủ trương nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ nhà giáo hiện nay và cũng là việc làm rất cần thiết và đề nghị Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau lễ ký kết này, cần có ngay các phiên họp kỹ thuật, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động trong khuôn khổ hợp tác. Ví dụ như đào tạo thạc sĩ: Kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh, tổ chức giảng dạy, bố trí giáo viên.v.v…, để trong thời gian sớm nhất, việc hợp tác đi vào thực tiễn.
TS. Nguyễn Hồng Minh tin tưởng sự hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại nhiều kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực lao động cho quốc gia.
Một số hình ảnh của Lễ ký kết: