Để triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường ĐHSP Hà Nội biên soạn học phần Kiểm tra đánh giá trong giáo dục dành cho sinh viên các khoa, các trường sư phạm. Ngày 14/01/2016, trường ĐHSP Hà Nội đã tổ chức tập huấn “Hướng dẫn phương pháp giảng dạy học phần kiểm tra đánh giá trong giáo dục” cho giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy thuộc các khoa trong Trường.

Tham dự đợt tập huấn có các chuyên gia về kiểm  tra, đánh giá giáo dục, các giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy đến từ các khoa trong Trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí và PGS.TS Đào Thị Oanh - Viện Nghiên cứu Sư phạm,  trường ĐHSP Hà Nội, các chuyên gia giảng dạy trong đợt tập huấn:

Mục tiêu chung của học phần Kiểm tra đánh giá trong giáo dục là nhằm phát triển cho sinh viên ngành sư phạm các năng lực cần thiết nhất để thiết kế và thực hiện các nhiệm vụ đánh giá trong giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Cụ thể:

1. Thực hiện đánh giá trên lớp để phát triển học tập: Kết hợp đánh giá với quá trình dạy - học. Sinh viên sẽ có thể tích hợp mối quan hệ biện chứng giữa giảng dạy và đánh giá trong thiết kế các thành phần của kế hoạch đánh giá trên lớp, sử dụng các phương pháp đánh giá học sinh trên lớp theo định hướng phát huy năng lực tự học của người học, giúp người học cảm thấy mình có khả năng học và muốn học.

2. Thiết kế một số công cụ đánh giá cơ bản để phát triển năng lực cho học sinh: Năng lực này bao gồm việc phân biệt tầm quan trọng của các loại công cụ đánh giá khác nhau cho mục đích đánh giá trên lớp, sử dụng các loại công cụ, kỹ thuật đánh giá trên lớp học để phát triển học tập.

3. Xử lý kết quả đánh giá: Sinh viên sẽ có thể áp dụng các mô hình đo lường thống kê khác nhau trong các lý thuyết đánh giá cổ điển và hiện đại trong điều kiện Việt Nam để phân tích các loại kết quả học tập của học sinh, cụ thể như phân tích các chỉ số thống kê của kết quả đánh giá dạng định lượng.

4. Phản hồi thông tin về kết quả đánh giá cho học sinh: Năng lực cốt lõi này của quy trình đánh giá bao gồm việc cung cấp phản hồi, nhận xét cho học sinh và các đối tượng khác có liên quan và dựa trên đó thiết kế các chiến lược giảng dạy hỗ trợ để phát triển các năng lực của người học.

5. Lập kế hoạch đánh giá một đối tượng học sinh cụ thể: Năng lực này bao gồm việc nắm vững và sử dụng tất cả cơ sở lý luận cần thiết về đánh giá học sinh trong việc xây dựng nội hàm cho một kế hoạch đánh giá cụ thể, ví dụ như xác định mục đích, mục tiêu/nội dung đánh giá (chuẩn đầu ra) phù hợp, xây dựng công cụ đánh giá, xây dựng chiến lược phản hồi thông tin.

Trong thời gian tập huấn, các học viên đã nghiên cứu tài liệu và thảo luận về những nội dung học phần Kiểm tra đánh giá trong giáo dục theo đặc thù của ngành học, sau đó chia sẻ nhận thức về giảng dạy học phần “Kiểm tra đánh giá trong giáo dục” và các yêu cầu về “Đổi mới kiểm tra đánh giá theo năng lực”.

 

Một số hình ảnh tại buổi tập huấn:

Đào Duy Tuấn - Phòng Công tác Chính trị - Học sinh Sinh viên

Ảnh Lê Gia Linh - Phòng Công tác Chính trị - Học sinh Sinh viên