GD&TĐ - "Tối qua, thầy cứ ngồi nghĩ mãi, thầy vẫn chưa biết nên chia sẻ với các em những gì có thể. Khó quá, vì rằng 30 năm đi dạy học, cũng bằng ấy lần thầy đã chứng kiến những giây phút chia xa như thế này.
Nhưng thầy vẫn nghĩ rằng, đi để đến, đi để thắp sáng hồn người; đi có thể nhọc nhằn nhưng vinh quang vì có gì hơn khi ta dám hiến dâng sức trẻ cho đời, cho đất nước phồn vinh".
Đó là gửi gắm, tâm tình của Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - GS.TS Nguyễn Văn Minh tới gần 1.600 tân cử nhân trong lễ bế giảng hôm qua (5/6).
Không giống một bài diễn văn thông thường, người đứng đầu trường sư phạm đầu ngành của cả nước, như người thầy, người cha, gửi đến những tân cử nhân 3 điều tâm huyết, đó là: Bản lĩnh; mang theo cái mới; sẻ chia và cảm hóa.
Bản lĩnh để vượt qua cám dỗ đời thường và gian nan cuộc sống
Nói về bản lĩnh, thầy Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ: Ngày mai, mỗi em về một nơi. Phía trước là bầu trời rộng mở, ở đó có bình minh, có hoàng hôn, có bầu trời xanh, có những ngày mây mù u ám và có cả những mùa giông bão.
Bên gia đình, các em mãi mãi là những đứa trẻ yêu quí của mẹ cha; ở mái trường này các em mãi mãi là các học trò mà thầy cô luôn dành tình yêu thương chăm chút. Ở đây, sự tha thứ, bao dung và trách nhiệm với các em cao hơn tất cả.
Nhưng các em ạ, ở cuộc đời thực, không du dương như điệu nhạc; ở đó có lòng trắc ẩn, yêu thương chia sẻ, nhưng ở đó cũng có cả sự đố kỵ; các em sẽ phải va đập nhiều chiều với cuộc sống.
Khó khăn về công việc, về điều kiện sinh hoạt, nếu không đủ bản lĩnh thì những thứ này sẽ gặm nhấm dần những hoài bão và khát vọng chân chính của đời người.
Ra đời, theo thời gian kinh nghiệm sống, kinh nghiệm về công việc của các em sẽ dày thêm; nhưng cũng đáng sợ khi con người chỉ sống bằng kinh nghiệm mà không chịu tìm tòi khám phá, tiếp nhận những điều tươi mới để làm tốt cho nghề, cho đời.
"Các em ạ, nói thì dễ nhưng để làm được những việc tưởng chừng đơn giản đó không dễ chút nào. Vì vậy, thầy hi vọng một quá trình rèn luyện trưởng thành của các em sẽ hun đúc nên ý chí, nên bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đời thường, vượt qua những gian nan của cuộc sống để làm tốt hơn những việc ý nghĩa của mình.
Có một bản lĩnh vững vàng, có một cái nhìn chân thực cuộc đời để yêu cuộc đời này hơn, yêu con người nhiều hơn và rèn chính mình để làm cho xã hội tốt hơn..." - Thầy Hiệu trưởng tâm tình.
Hãy mang theo cái mới
Nhắc đến hành trang cuộc đời sinh viên với những vầng trăng dịu êm và ngày hè rát bỏng, có cả những đêm thâu bên bạn bè trang lứa, có cả trăn trở và khát khao cống hiến cháy bỏng cho đời, thầy Hiệu trưởng gửi gắm:
Hãy đừng để những điều đó lụi tàn, những điều mà các em đã chắt chiu trân trọng để sưởi ấm lòng mình đi qua giá rét ngày đông, để giữ cái bình tâm khi lòng người bão tố, hãy giữ lấy và mang theo để khoảng trời khát vọng luôn sống trong tâm thức của các em.
Thầy mong các em luôn ấp ủ những điều tươi mới của một người thầy trẻ trung, giàu nhiệt huyết để thổi luồng gió mới vào hơi thở cuộc sống nhà trường, thắp lên khát vọng cho những tuổi thơ trong sáng.
Thầy mong các em giữ lấy những cái mới mà mình học được, nuôi dưỡng nó, đừng để những gì lỗi thời, lạc hậu đồng hóa nó và đồng hóa chủ nhân của nó.
Ngày mai, dù có khó khăn, dù điều kiện khách quan có chi phối, dù có những ngăn trở vô hình thì thầy vẫn hi vọng các em sẽ giữ được những gì tiến bộ và chăm chút để nó thăng hoa trong trong mỗi việc làm chính đáng của các em.
Mang cái mới vào trong đời sống thực, thay đổi những nếp gấp suy nghĩ đã hằn sâu trong tâm trí quả không dễ chút nào, nên cần ở các em sự kiên trì và hóa giải..
Thời gian gần đây, chắc chắn các em đã nghe nhiều về đổi mới giáo dục, chính các em là những người trong cuộc, chính các em là những người tạo nên sự thay đổi.
Thời đại đang đặt ra yêu cầu khắc nghiệt, hoặc đổi mới hoặc tụt hậu. Một nhận thức mới, một tâm thế mới, một cách làm mới sẽ là một hào khí mới của một thế hệ thầy cô giáo tương lai, đó chính là các em. Đất nước, nhân dân và các thầy cô đặt niềm tin vào các em.
Biết sẻ chia và cảm hóa
Sẻ chia, cảm hóa, đó là điều không thể thiếu với người làm nghề dạy chữ - dạy người. Khi nói đến phẩm chất này, giọng thầy Hiệu trưởng như lắng lại khi nhắc đến hình ảnh đất nước Việt Nam còn nghèo, người dân Việt Nam còn quá nhiều khó khăn.
Trong số các sinh viên, có em sinh ra ở phố thị, có em ở trung du và có em ở vùng xa xôi cách trở, hãy sẻ chia với nhau để thương yêu vun đắp thương yêu.
Cho rằng, biết chạm tới nỗi đau, tới chiều sâu thẳm của số phận con người để sẻ chia và cảm hóa họ, thầy Hiệu trưởng mong mỏi các tân cử nhân sẽ là những người đánh thức lòng trắc ẩn, gieo mầm cho sự sẻ chia, đem tình thương để xua tan những ý nghĩ hận thù.
"Nhưng ước mơ vẫn chỉ là ước mơ nếu mình không hành động. Những chuẩn mực văn hóa, những nét đẹp ứng xử, những truyền thống nhân văn nếu không được bảo tồn sẽ bị xói mòn đến đáng sợ khi những giá trị chân chính bị xâm thực một cách oan nghiệt.
Nghề dạy học mang bản chất nhân văn cao cả là sẻ chia và cảm hóa con người để họ sống tốt hơn, yêu đời hơn và trách nhiệm hơn. Các em là một thế hệ có trọng trách vinh quang với đất nước, nhân dân...
Thầy muốn nhắn nhủ với các em nhiều hơn nữa, nhưng thầy tin rằng, thế hệ sau bao giờ cũng trưởng thành hơn thế hệ trước và thầy tin tưởng ở các em, chờ đợi ở các em. Trường ĐH sư phạm Hà Nôi là mái nhà chung của các em, mỗi khi có dịp trở lại đó là trở về nhà mình" - Thầy Nguyễn Văn Minh chân tình nhắn gửi.
Nguyễn Hiếu