Sáng ngày 7/2/2015, tại trường quay S1 Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng đã diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp buổi tọa đàm “Hiểm họa từ việc sử dụng sản phẩm động vật hoang dã”. Chương trình được phát trực tiếp trên sóng truyền hình Đà Nẵng từ 8h00 đến 8h45’ ngày 7/2/2015 và phát lại trong dịp Tết Ất Mùi.

Tham dự chương trình tọa đàm có 3 vị khách mời: PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh thái học Việt Nam, Trưởng Bộ môn Động vật học, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Trần Tới, Chi cục Phó Chi cục Thú y thành phố Đà Nẵng và Ca sĩ Mỹ Nương, Phó Đoàn Ca múa nhạc Thành phố Đà Nẵng, một giọng ca ngọt ngào, sâu lắng khá quen thuộc với người dân Đà Nẵng qua các ca khúc thân quen như: Đà Nẵng tình người, Đà Nẵng mến yêu. Cùng tham gia đối thoại trong chương trình truyền hình có đông đảo các bạn sinh viên của các trường Đại học ở Đà Nẵng và các tình nguyện viên hoạt động ở Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).

Thông qua nội dung buổi tọa đàm, với tư cách là một nhà khoa học đã có nhiều hoạt động nghiên cứu ở nhiều vùng khác nhau trong cả nước về động vật hoang dã, PGS Nguyễn Lân Hùng Sơn đã chia sẻ với khán giả sự đa dạng của khu hệ động vật ở Việt Nam. Kể từ thập kỷ cuối của thế kỷ 20 trở lại đây, các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác có hiệu quả với các chuyên gia quốc tế để điều tra và phát hiện ra rất nhiều loài mới cho khoa học đặc biệt là những loài thú lớn điển hình như Sao la (Pseudoryx nghetinhensis). Việc phát hiện ra loài thú hoang dã trông giống như linh dương này tại Việt Nam và nước láng giềng Lào vào năm 1992 tạo một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thú của thế giới, bởi lẽ đây là loài động vật sống trên cạn lớn nhất được tìm thấy trên thế giới kể từ năm 1937, khi các nhà khoa học mô tả loài Bò xám (Bos sauveli). Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều loài thú mới, chim mới, lưỡng cư, bò sát mới … đã liên tiếp được phát hiện ở Việt Nam. Sự phong phú về loài và tính đặc hữu cao của khu hệ động thực vật ở Việt Nam đã chứng tỏ Việt Nam là một điểm nóng về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức trong việc tìm cách bảo vệ phần đa dạng sinh học quý giá còn lại trong khi vẫn đảm bảo được nhu cầu của dân số đang ngày một gia tăng với ước mong phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững.

Theo Sách Đỏ Việt Nam, số loài động vật nguy cấp, quý hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 407 loài (năm 2007), trong đó có 46 loài đang ở mức rất nguy cấp - CR. Ngoài ra có một số loài đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam như: tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà. Loài hươu sao cũng đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên (EW). Xác của con tê giác một sừng java được cho là cá thể cuối cùng ở Việt Nam đã được tìm thấy vào ngày 29/4/2010 đã cho thấy áp lực quá lớn đối với công tác bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Các loài động hoang dã của Việt Nam sẽ biến mất rất nhanh, vì thế chúng ta cần hành động ngay, hoặc không còn cơ hội nữa.

Việt Nam đứng trong top 19 nước về số loài hoang dã bị đe dọa, 15 nước về số loài thú bị đe dọa, 20 nước về số loài chim bị đe dọa và top 30 nước về số loài thực vật và lưỡng cư bị đe dọa.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã, cụ thể: (1) sửa đổi Bộ luật Hình sự để tăng hình phạt đối với tội phạm các loài hoang dã, có thể lên tới 7 năm tù giam, (2) xây dựng Chương trình hành động quốc gia về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã đến năm 2020, (3) ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn Voi đến năm 2020, Kế hoạch hành động bảo tồn Hổ đến năm 2022, Chương trình quốc gia về giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác với kết quả đặc biệt: nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam đã giảm 38%. Đặc biệt là sau Tuyên bố Luân Đôn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kí ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 về tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và nhận thức của toàn xã hội về bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp.

Vì một tương lai Việt Nam tươi đẹp, cây cối xanh tươi, muông thú đa dạng, không khí trong lành, con người sống hài hòa thân thiện với thiên nhiên, mỗi chúng ta hãy cùng có ý thức trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã. Hãy nói không với việc sử dụng động vật hoang dã. Những người sử dụng động vật hoang dã thu bắt trái phép từ ngoài tự nhiên có thể được coi là tội phạm và người kém văn minh. Buổi tọa đàm diễn ra khá sôi nổi với sự đồng lòng chia sẻ hiểu biết của các vị khách mời và quyết tâm của đông đảo khán giả trong việc bảo tồn động vật hoang dã.

Một số hình ảnh buổi Truyền hình trực tiếp tọa đàm “HIỂM HỌA TỪ VIỆC SỬ DỤNG SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT HOANG DÔ

Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm (từ trái qua phải): Ông Trần Tới (Chi cục Phó chi cục Thú y Thành phố Đà Nẵng), Ca sĩ Mỹ Nương (Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc Thành phố Đà Nẵng), PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh thái học Việt Nam) và người dẫn chương trình Bích Liên.

Các vị khách mời đang trả lời các câu hỏi của khán giả tại trường quay S1, Đài truyền hình Đà Nẵng.

Chụp ảnh lưu niệm trong trường quay cùng êkíp thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp và các bạn sinh viên tham dự buổi tọa đàm

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn sinh viên là tình nguyện viên của Trung tâm GreenViet tại Đài truyền hình Đà Nẵng.

Nguồn bài và ảnh: GreenViet