Sáng ngày 21/10/2014, trường ĐHSP Hà Nội trang trọng kỉ niệm tròn 50 năm Bác Hồ đến thăm Trường (21/10/1964 – 21/10/2014).

Tham dự lễ kỉ niệm có các khách mời bà Phạm Thu Hương – Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; ông Đào Trung Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu. Phía trường ĐHSP Hà Nội có PGS. TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS Đỗ Việt Hùng – Phó Hiệu trưởng; các thầy cô giáo nguyên là bí thư Đảng uỷ, hiệu trưởng Nhà trường qua các thời kì; ThS. Nguyễn Nhật Tân - Chủ tịch Công đoàn trường; ThS. Lê Xuân Quang – Bí thư Đoàn Thanh niên trường; đại diện hội cựu giáo chức; và đông đảo các thầy giáo, cô giáo, đại diện sinh viên trong trường. Đến đưa tin về lễ kỉ niệm có phóng viên báo Nhân dân; báo Điện tử Đảng Cộng sản và báo Giáo dục Thời đại.

Khi còn sống Hồ Chủ tịch rất quan tâm tới giáo dục nói chung và trường ĐHSP Hà Nội nói riêng. Người đã nhiều lần đến thăm trường ĐHSP Hà Nội. Trong lần đến thăm cuối cùng vào ngày 21/10/1964 Bác Hồ đi cùng Tổng thống nước Cộng hoà Mali, Môđibô Câyta và Phu nhân. Bác đã có bài nói chuyện với thầy trò, cán bộ, công nhân viên toàn trường. Trong bài nói chuyện ấy Người đã để lại câu nói nổi tiếng, như là một di sản thiêng liêng cho cán bộ sinh viên Nhà trường: “Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”.

Một phần trong câu nói của Bác đã được đề trang trọng trên trước nhà Hiệu bộ của trường ĐHSP Hà Nội vừa là để ghi khắc lời Bác dặn, đồng thời cũng là khẩu lệnh hành động, là quyết tâm của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường: thực hiện lời Bác dặn để xứng đáng là “trường MÔ PHẠM của cả nước”.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt 50 năm qua, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, sinh viên Nhà trường đã luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ để xây dựng một trường ĐHSP Hà Nội đàng hoàng, bề thế và có vị trí trọng điểm vững vàng như ngày hôm nay. Những nỗ lực ấy của thầy và trò Nhà trường đã được lược ghi lại trong cuốn sách “Bác Hồ với trường Đại học Sư phạm Hà Nội”. Cuốn sách được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu chỉ đạo xuất bản đúng dịp kỉ niệm 50 năm ngày Bác đến thăm trường ĐHSP Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao. Cuốn sách phản ánh: không chỉ là sự quan tâm của Bác lúc còn sống đối với trường ĐHSP Hà Nội, đối với ngành giáo dục nước nhà; không chỉ là những chia sẻ, những tình cảm xúc động khi được gặp Bác, làm theo lời Bác của các thế hệ thầy và trò Nhà trường mà cô đọng và nổi bật hơn cả là tâm huyết, là suy ngẫm về những việc đã làm của nhiều thế hệ thầy cô giáo các thời kì, được tập hợp lại. Cuốn sách như một lời báo công của trường ĐHSP Hà Nội trân trọng dâng lên Bác kính yêu!

Những nỗ lực trong 50 năm kể từ khi Bác Hồ về thăm trường và trong suốt 63 năm xây dựng, phát triển của Nhà trường cũng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

Trường ĐHSP Hà Nội:

          Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1961

          Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 1962

          Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 1981

          Huân chương Độc lập hạng Nhì, năm 1986

          Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1996

          Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất, năm 2001

          Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới, năm 2004

          Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai, năm 2011

          Huân chương Lao động hạng Nhất (Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tặng), năm 2000

Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội:

          Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1997

          Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2001

          Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2006

          Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2004    

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ĐHSP Hà Nội:

          Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2001

          Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2007

          Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2012

Học tập theo Bác, làm theo lời Bác luôn là điều mà mỗi cán bộ sinh viên Nhà trường ý thức sâu sắc và không thể bằng lòng dù mỗi ngày qua trường ta đã làm tốt. Điều này được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh chia sẻ trong bài phát biểu tại lễ kỉ niệm: “Giờ đây, dù đã 50 năm trôi qua, những những lời dạy của Bác vẫn còn mang giá trị thời đại. (…) Tuy nhiên, còn nhiều việc chưa được như mong muốn, còn nhiều việc phải làm; nhất là trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà với vai trò của một trường trọng điểm. Hiện nay, toàn trường đang triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng các việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa. Trong đó, một số việc cần tập trung đó là:

1. Xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường, tạo được môi trường làm việc dân chủ, thuận lợi; môi trường học tập văn minh và hiện đại; môi trường phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả. Thường xuyên nâng cao nhận thức tốt của cán bộ và sinh viên, học sinh về lí tưởng, đạo đức và lối sống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, sinh viên và học viên.

2. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên viên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận.

3. Xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, thiết thực gắn bó mật thiết với chương trình phổ thông giúp đào tạo đội ngũ giáo viên không chỉ có năng lực dạy học mà còn làm tốt chức năng giáo dục toàn diện cho học sinh; xây dựng và đưa vào vận hành chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo hướng dạy học hiện đại.

4. Tập trung xây dựng chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên các cấp phù hợp với chương trình đổi mới.

5. Xây dựng nền tảng nghiên cứu khoa học cả khoa học giáo dục và khoa học cơ bản mang tính chiến lược trong phát triển nhà trường.

6. Xây dựng lộ trình về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt cho công tác đào tạo, nghiên cứu.

7. Thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đối với phát triển giáo dục các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc anh em.

Làm tốt các việc này là hành động thiết thực để ghi nhớ công ơn của Bác và thực hiện lời dặn dò của Người, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đất nước.

Tham dự lễ kỉ niệm còn có cả những cán bộ của trường là nhân chứng lịch sử, từng được gặp Bác, nghe bác nói chuyện. Câu chuyện giản dị, cảm động của bác Phạm Thắng - một cựu cán bộ của trường - đã tái hiện lại phần nào hình ảnh Bác Hồ rất quan tâm, sát sao với trường ĐHSP Hà Nội trong mỗi lần đến thăm. Qua câu chuyện ấy, là thái độ trân trọng là những trăn trở, những việc làm theo lời Bác dạy mà mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường đã nỗ lực thực hiện.

Dưới đây là một số hình ảnh về lễ kỉ niệm:

 Sinh viên trường ĐHSP Hà Nội hát về Bác, hát về Trường.

Đại biểu tham dự lễ kỉ niệm

 PGS. TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại lễ kỉ niệm.

Bác Phạm Thắng - cựu cán bộ trường ĐHSP Hà Nội - một nhân chứng lịch sử từng được gặp Bác, chia sẻ những câu chuyện về Bác Hồ.

 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ