Ngày 26/9/2014 tại Hội trường nhà K, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phối hợp với Đại học Wakayama, Nhật Bản tổ chức Hội nghị Quốc tế với chủ đề: “Giáo dục trẻ khuyết tật học tập và trẻ khuyết tật trí tuệ”. Đây là Hội thảo thứ 2 được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi, học hỏi, giao lưu giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế về lĩnh vực Giáo dục đặc biệt nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật học tập và trẻ khuyết tật trí tuệ nói riêng. Hội thảo còn hướng tới mục tiêu phát triển các chương trình hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở Việt Nam với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến của các nước trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Các chủ đề chính của Hội thảo như sau:

  1. Đánh giá trẻ khuyết tật học tập và khuyết tật trí tuệ;
  2. Can thiệp, giáo dục và hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập, khuyết tật trí tuệ;
  3. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy trẻ khuyết tật học tập, khuyết tật trí tuệ;
  4. Phúc lợi xã hội cho trẻ khuyết tật học tập, khuyết tật trí tuệ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội nêu rõ: “Năm học 2014-2015 bắt đầu với khí thế của năm bản lề trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Trong tiến trình thay đổi, việc hợp tác quốc tế và học hỏi các nền giáo dục tiên tiến là một trong những con đường quan trọng để hội nhập và tiến đến thành công. Khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường.” Ông Masami Takahashi, đại diện Đại học Wakayama, Nhật Bản khẳng định trong thời gian qua, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Wakayama đã có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Đây không chỉ là tinh thần giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nhà trường, mà còn thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Nhật.

Hội thảo tập hợp hơn 40 báo cáo từ các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, giáo viên từ các đơn vị/tổ chức làm việc về Giáo dục đặc biệt; Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật Bộ GD&ĐT; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; các Khoa Giáo dục đặc biệt của các trường Đại học, Cao đẳng có đào tạo về Giáo dục đặc biệt; các Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập các tỉnh; Các trường dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt trong cả nước. Các hình thức báo cáo bao gồm: Báo cáo trình bày tại hội thảo và Báo cáo treo tường (Poster Presentation). Nhiều báo cáo đã được trình bày và đánh giá cao tại Hội thảo như: “Thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt Nam và định hướng phát triển giai đoạn 2015-2020” của ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ GDTH, Bộ GD&ĐT; “Sử dụng ICT trong giáo dục trẻ khuyết tật học tập và trẻ khuyết tật trí tuệ” của GS. Eda Yusuke, ĐH Wakayama, Nhật Bản. Các báo cáo của các học giả khác của Nhật Bản và Việt Nam đã giành được sự chú ý và tranh luận sôi nổi của đại biểu tham dự Hội thảo.

Ngoài các thành viên của Đoàn đại biểu Trường Đại học Wakayama, Nhật Bản (đơn vị đồng tổ chức), các cơ quan Quốc tế như UNESCO, UNICEF và các nhà khoa học của các tổ chức NGO cũng đã quan tâm tham gia. Hội thảo một lần nữa khẳng định niềm tin ở mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác hiệu quả giữa hai trường đại học, hứa hẹn mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong tương lai. Hai trường đã có kế hoạch để tiến tới nâng tầm quan hệ và phát triển thêm các lĩnh vực và hai bên có thế mạnh.

Dưới đây là một vài hình ảnh của Hội thảo.

                                                                                                                                              Nguồn: Phòng QHQT, Ảnh K.GDĐB

                                                                                                                                               Publish: Phòng HCTH