Là thủ khoa đầu vào và đầu ra của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Đức Tâm An chia sẻ mình may mắn khi sớm xác định được mục tiêu cuộc đời. Với bạn “nghề giáo có thể nghèo về vật chất nhưng vô cùng cao quý, được cả xã hội tôn trọng”.

Liên tục trong 12 năm phổ thông là học sinh giỏi, thi đại học được 24 điểm, Nguyễn Đức Tâm An đã trở thành thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 4 năm sau, cô bạn tiếp tục là thủ khoa đầu ra với số điểm xuất sắc.

Hồi THPT mình học chuyên văn Trường THPT chuyên sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rồi sau đó thi đại học chỉ nộp duy nhất một hồ sơ vào trường.

Về lí do thì trước hết bố mẹ mình đều là giáo viên. Mẹ là giáo viên tiểu học, bố mình là giáo viên THCS. Cuộc sống gia đình với mình bình lặng và ấm áp.

Nếu theo giáo viên mình sẽ có được một công việc ổn định cũng như sự tôn trọng của xã hội.

Vào trường sư phạm càng trở thành ước mơ của mình khi thời gian phổ thông mình được nhiều thầy cô từ trường đại học về dạy. Văn học qua sự truyền đạt đầy nhiệt huyết của thầy cô trở thành những bài học cuộc sống gần gũi và đầy thi vị đã cuốn hút mình từ đó.

Thời phổ thông, mình thấy có lẽ văn học là môn duy nhất học sinh được bày tỏ chính kiến của bản thân-điều mà những người trẻ luôn mong mỏi.

Tất cả những lí do trên thôi thúc mình phải thi vào trường sư phạm.

Điều gì giúp bạn duy trì được kết quả học tốt như vậy?

Việc học ở trường đại học khác khi bạn còn ngồi trên ghế trường phổ thông rất nhiều. Sinh viên chủ yếu tự nghiên cứu và tự học nhiều. Giảng viên chỉ là những người hướng dẫn, điều tiết hoạt động học cho sinh viên.

Quan trọng nhất là bạn phải xác định mục tiêu học của mình. Bản thân mình may mắn khi sớm xác định mục tiêu phải học thật tốt và nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Tất cả đã mang lại kinh nghiệm cả về học thuật lẫn cuộc sống quý báu cho mình.

Khi bạn đã có “con đường đúng” thì sẽ về đích với kết quả tốt thôi.

Vậy quanh bạn có nhiều người không xác định được mục tiêu của mình không?

Mình thấy có không ít bạn chỉ tìm được mục tiêu sau khi đã đỗ vào sư phạm. Các bạn không tập trung nhiều vào việc học mà hướng đi làm bên ngoài. Số khác thì chỉ lo học tốt. Nhưng như thế là chưa đủ.

Nhiều người nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Ý kiến của bạn về nhận định này như thế nào?

(Cười). Trước khi thi sư phạm mình nghe nhiều câu như thế như thế này hay thầy giáo tháo giầy tháo ủng, thầy giáo lấy giáo án dán áo, ăn như sư ở như phạm. Tất cả chung ý nghĩa nói về cuộc sống vất vả khó khăn của người thầy.

Nhưng nghề giáo có thể nghèo mặt này nhưng giàu mặt khác. Ấy là sự kính trọng của xã hội. Người thầy luôn là hình tượng mà tất cả mọi giới, mọi tầng lớp đều tôn trọng. Nhìn những thế hệ học trò khôn lớn, trưởng thành từ tình yêu của mình mới thấy nghề giáo cao quý biết bao.

Bản thân mình thần tượng rất nhiều thầy cô. Chính vì nên mình luôn tâm niệm và hướng đến những hình tượng ấy trong tương lai.

Bạn có thể chia sẻ về một trong số những thần tượng của mình không?

Một trong số đó TS Trần Ngọc Hiếu ở khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thầy giảng bài có chiều sâu và biết khơi gợi tình cảm trong sinh viên chứ không áp đặt suy nghĩ lên người học.

Thầy luôn đưa ra lượng thông tin phong phú để người học có cái nhìn đa chiều. Mỗi học trò lại có thể đánh giá bài học theo ý của các bạn chứ không nhất thiết đi theo suy nghĩ của giáo viên.

Theo bạn điều gì còn thiếu, sinh viên mong mỏi khi học ở trường sư phạm hiện nay?

Thực tập là thời gian rất quý báu giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc học sinh phổ thông. Mỗi con người – mỗi học sinh là một tiểu vũ trụ mà người thầy phải khám phá, đào sâu tìm hiểu.

Về kiến thức chuyên môn, trường sư phạm đã trang bị cho sinh viên kiến thức bám sát chương trình phổ thông hiện tại. Tuy nhiên sinh viên chúng mình còn thiếu kĩ năng tiếp xúc học sinh. Năm 3 được thực tập 1 tháng, năm 4 là 1,5 tháng. Như vậy là khá ít. Có bạn năm 4 rồi, chuẩn bị ra trường vẫn còn bỡ ngỡ và run khi đứng trên bục giảng.

Mình mong muốn chương trình sư phạm sắp tới sẽ dành nhiều thời gian để sinh viên rèn nghề, rèn kĩ năng đứng lớp hơn nữa.

Lý lịch trích ngang của thủ khoa kép Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Tâm An

Họ tên: Nguyễn Đức Tâm An

Quê quán: Hà Nội

Sinh viên ngành Ngữ văn, Niên khóa 2010-2014

Sở thích, đam mê: Thích tìm hiểu văn hóa nghệ thuật, phim ảnh và âm nhạc. Diễn viên yêu thích là nam diễn viên quá cố Robin Williams với bộ phim Hội những nhà thơ chết. Phim đặt vào đúng bối cảnh một trường học và diễn viên đóng vai thầy giáo dạy văn khá sâu sắc, ấn tượng.

Thành tích học tập, nghiên cứu:

Cả 4 năm là sinh viên xuất sắc

Học bổng Nguyễn Tuân dành cho sinh viên ngành sư phạm văn của trường

Hai năm liên tiếp giành giải Nhất và giải Ba nghiên cứu chuyên ngành văn học nước ngoài của trường.

Tham gia đội thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường của khoa và giành giải Nhất.

Nhiều bằng khen của đoàn đội nhà trường.

Theo Văn Chung - Vietnamnet