Olympic Hoá học quốc tế 2014 tổ chức tại Việt Nam từ 20/7 đến 29/7 đã thành công tốt đẹp. Tin tức về sự kiện quốc tế này đã được giới truyền thông đăng tải từ đầu năm đến nay, nhất là trong mấy ngày qua. Ở những bài trước, chúng tôi đã thông tin về việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho thi thực hành của IChO 2014 và về công tác tập huấn đội tuyển quốc gia do Trường đại học Sư phạm Hà Nội đảm nhiệm. Tuy nhiên có những bí mật được giữ kín suốt 2 năm qua chỉ sau thành công của IChO 2014 mới được tiết lộ. Đó là công tác chuẩn bị đề thi.

Ra đề thi cho 75 nước và vùng lãnh thổ tham dự là công việc lặng thầm nhưng lại mang tính chất quyết định đối với IChO 2014, là thành quả lao động khoa học, thể hiện tầm vóc, trí tuệ và bản lĩnh khoa học của các nhà hoá học Việt Nam nói chung và khoa Hoá học trường ĐHSP Hà Nội nói riêng. Bài viết này, sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chính về công tác chuẩn bị đề thi IChO 2014.

Theo quy định của Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế thì nước đăng cai phải ra toàn bộ đề thi. Ngay từ đầu năm 2012 Ban tổ chức cuộc thi đã thông báo rộng rãi mời các nhà khoa học của một số trường đại học, viện nghiên cứu Hoá học trong nước tham gia. Sau 2 vòng phản biện trong nước và 1 vòng phản biện quốc tế, 36 đề bài (29 lí thuyết và 7 thực hành, gọi chung là 36 bài chuẩn bị) của các nhà khoa học Việt Nam đã được đưa công khai lên mạng từ ngày 31/1/2014 cho tất cả các nước trên thế giới có thí sinh tham dự biết và ôn luyện.

Trường ĐHSP Hà Nội có 8 cán bộ khoa Hoá học đóng góp 11 bài chuẩn bị, đó là các thầy cô:

1. GS. TS Nguyễn Hữu Đĩnh

2. PGS. TS Trần Thị Đà

3. PGS. TS Phạm Hữu Điển

4. PGS. TS Lê Minh Cầm

5. PGS.TS Đào Thị Phương Diệp

6. PGS. TS Vũ Quốc Trung

7. TS Nguyễn Hiển

8. TS Hoàng Văn Hùng

Sau 2 lần làm việc tại Hà Nội, đến giữa năm 2013 ông Chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế và Hội đồng chuyên môn quốc tế đã tư vấn chọn được 3 bài thực hành và 9 bài lí thuyết dùng làm đề thi chính thức tại IChO 2014. Mười hai “hạt giống” này được các nhà hóa học Việt nam tiếp tục “ươm trồng” trong các “nhà kính” giữ ở chế độ tối mật và tuân thủ đúng theo quy định bảo mật quốc gia.

Ngay trước ngày thi các tác giả có bài được lựa chọn làm đề thi chính thức phải tiếp tục trải qua thêm 3 vòng bảo vệ thành quả khoa học của mình:

Vòng 1, trao đổi với Chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế.

Vòng 2, trực tiếp trao đổi, tranh luận với trưởng đoàn của từng nước tham gia về nội dung khoa học và mức độ khó dễ của bài thi.

Vòng 3, tranh luận, bảo vệ trước Hội trường để các nước tham dự chất vấn trước khi bỏ phiếu tán thành hoặc cắt bỏ.

Thế nên, các đề bài được lựa chọn thi chính thức có thể được xem như một công trình nghiên cứu khoa học công phu, đã qua kiểm chứng khắt khe. Một minh chứng nhỏ về sự kiểm chứng khắt khe này: Chỉ riêng vòng 3 (tranh luận, bảo vệ và bỏ phiếu tán thành của 75 đoàn) của phần thi thực hành đã diễn ra từ 8h tối hôm trước đến tận 2h sáng hôm sau, phần thi lí thuyết cũng từ 8h tối đến 12h đêm.

Đánh giá về nội dung đề thi của IChO 2014 tổ chức tại Việt Nam, ngài Chủ tịch Uỷ ban Olympic Hoá học quốc tế, cho rằng đề thi đạt trình độ quốc tế, đặc biệt đã đưa được những thành tựu nghiên cứu của các nhà hóa học Việt Nam vào nội dung đề thi, tạo được dấu ấn Việt Nam.

Trong số 9 bài thi lí thuyết có 3 bài mang dấu ấn các công trình nghiên cứu của các nhà hóa học Việt Nam. Trường ĐHSP Hà Nội tự hào có 2 bài thi của GS. TS Nguyễn Hữu Đĩnh và PGS. TS Trần Thị Đà trong số 3 ít ỏi này.

PGS. TS Trần Thị Đà đã dựa vào công trình nghiên cứu phức chất của platin có hoạt tính kháng tế bào ung thư xây dựng nên nội dung của đề bài.

GS. TS Nguyễn Hữu Đĩnh với công trình nghiên cứu tinh dầu hồi để tổng hợp ra loại hợp chất có hoạt tính sinh học cao xuất hiện trong đề thi, được đánh giá đặc biệt thú vị vì mang đậm màu sắc Việt Nam. Với lời đề dẫn là: Illicium verum, thường gọi là cây hồi, một loại cây xanh bản địa được trồng ở đông bắc Việt nam. Quả hồi được sử dụng trong y học cổ truyền Việt nam. Nó còn là thành phần chính tạo ra hương vị cho phở, một thứ súp Việt nam được ưa thích” hầu hết các thí sinh tham dự đều cảm thấy “ngọt ngào” khi giải một đề thi với đối tượng mà họ đã được thưởng thức (có trong hương vị món Phở) khi tới Việt Nam. Điều này cho thấy một thực tế, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực Hoá học đã và đang phát triển song hành cùng với những vấn đề của Hoá học hiện đại thế giới, được thế giới biết đến và đánh giá cao.

Đề thi tuy chỉ là một khâu, một phần việc trong một IChO 2014, song có thể xem công việc đó như là nội dung khoa học chủ đạo của cuộc thi. Ở đó hội tụ trí tuệ Việt Nam. Với những thành công từ cuộc thi này, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì có những công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và ĐHSP Hà Nội tự hào là nơi có đội ngũ các nhà khoa học như vậy.

Các chuyên gia quốc tế kiểm tra phòng thí nghiệm tại điểm thi ĐHSP Hà Nội lần cuối, trước ngày thí sinh IChO thi phần thực hành. Ảnh: Lê Long

Các thành viên đội tuyển Olympíc Hoá học dự thi quốc tế của Việt Nam vui vẻ chụp ảnh lưu niệm trong dịp ôn luyện tại ĐHSP Hà Nội. Từ trái qua: Đỗ Việt Hưng (Huy chương Bạc), Phạm Mai Phương, Phạm Ngân Giang (Huy chương Vàng) và Đoàn Quốc Hoài Nam (Huy chương Bạc). Ảnh: Phòng Công tác Chính trị

Nguồn: Phòng Công tác Chính trị