Chiều ngày 5 tháng 5 năm 2014, tại hội trường K1 trường ĐHSP Hà Nội, GS. Michel Mayor, người đầu tiên phát hiện hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời đã có buổi nói chuyện khoa học về chủ đề:” Có bao nhiêu anh em song sinh của Trái Đất trong vũ trụ?”.

Tham dự buổi giao lưu khoa học có PGS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội, đại diện lãnh đạo các phòng ban, đơn vị cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trong thời gian giao lưu, Giáo sư Michel Mayor đã trình bày về giả thuyết hình thành các hành tinh và các ngôi sao trong vũ trụ với những nội dung rất thú vị. Trong vũ trụ có hàng tỉ tỉ ngôi sao, Mặt Trời cũng là một ngôi sao và quanh Mặt Trời chúng ta biết có 8 hành tinh lớn. Các ngôi sao ở rất xa, ngôi sao ở gần nhất cũng cách chúng ta 4,2, năm ánh sáng, vậy quanh các ngôi sao đó cũng có các hành tinh và các hành tinh đó gọi là hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Lần đầu tiên vào năm 1995, GS Michel Mayor cùng học trò của mình, Didier Queloz, phát hiện thấy một hành tinh chuyển động quanh sao 51 Pegasi là ngôi sao cỡ Mặt Trời của chúng ta và cách chúng ta 50,9 năm ánh sáng. Và từ đó đến nay chúng ta đã phát hiện được cỡ 1000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời như vậy.

Với các kính thiên văn hiện đại trong không gian và trên mặt đất, chúng ta có thể phát hiện ngày càng nhiều hơn nữa các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, chúng ta có thể nhìn tới được các thiên hà cách chúng ta tới hàng tỉ năm ánh sáng, và trong các thiên hà đó lại chứa hàng tỉ sao,v.v. Vậy liệu trong các hành tinh chúng ta đã phát hiện và sẽ phát hiện có các điều kiện cho sự sống tồn tại và phát triển? Câu hỏi đó vẫn đang được các nhà khoa học không chỉ vật lí mà cả hóa học, sinh học nghiên cứu tìm câu trả lời.

GS cũng trình bày các phương pháp mà các nhà vật lí thiên văn dùng để nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời như phương pháp quang phổ dựa vào hiệu ứng Doppler và phương pháp trắc quang là những phương pháp chính để phát hiện các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đến nay. Người ta cũng đã phân loại các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, đề có thể tìm được các hành tinh nằm trong “habitable zone” là miền mà ở khoảng cách đến các sao có thể phù hợp cho sự tồn tại chất lỏng ở bề mặt của các hành tinh.

Trong phần trình bày của mình, GS cũng giới thiệu về các dự án thực nghiệm đang và sẽ xây dựng để tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời như kính thiên văn không gian Kepler của NASA, kính thiên văn với đường kính 39m của châu Âu đặt tại Chile được đưa vào sử dụng năm 2020, hay kính thiên văn không gian JWSP dự kiến phóng vào năm 2018, v.v.  Với những kính thiên văn này chúng ta có thể có nhiều phương pháp để phát hiện các hành tinh hơn và số lượng các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời và xác xuất để xuất hiện hành tinh có điều kiện khả dĩ cho sự sống như sự sống đơn bào chảng hạn ngày càng cao.

Bài thuyết trình của GS Mayor đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của những người tham dự. Có rất nhiều câu hỏi được gửi tới GS về các vấn đề liên quan đến sự sống ngoài Trái đất, các hành tinh có sự sống khác…

Vài nét giới thiệu về GS Michel Mayor

GS Mayor tốt nghiệp đại học ngành Vật lý tại ĐH Lausanne và lấy học vị tiến sỹ về Vật lý Thiên văn tại ĐH Geneva. Năm 1995, GS cùng với sinh viên của mình là Didier Queloz khám phá ra hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời. Sự khám phá này là kết quả của sự phát triển công nghệ mới. Hành tinh phát hiện đầu tiên với những đặc tính kỳ thú đã có tác động to lớn đến lý thuyết hình thành các hệ hành tinh và mở ra một chương mới trong vật lí thiên văn hiện đại.

Hiện tại, GS Mayor là giáo sư về hưu của ĐH Geneva, là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp và Mỹ. GS đã nhận được một số giải thưởng danh giá cho sự đóng góp của mình.

Một vài hình ảnh của buổi nói chuyện:

                   

                   

                   

                   

Nguồn: PGS.TS Nguyễn Quỳnh Lan- khoa Vật lý