Đến tham dự Lễ mít-tinh có các vị đại biểu và khách mời: Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Đồng chí Vũ Mão – nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cămpuchia; đồng chí Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo dạy nghề, Bộ Giáo dục – Đào tạo; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Thành ủy viên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội; đặc biệt là sự có mặt của đồng chí Trịnh Ngọc Trình, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ Ba Sẵn sàng, một nhân chứng lịch sử của Phong trào Ba Sẵn sàng; Nhạc sỹ Phạm Tuyên; Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, UV BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội; NSND Đỗ Tiến Định, Đạo diễn cao cấp, Nguyên Giám đốc nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam;… Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Đoàn Thanh niên các trường đại học, cao đẳng trong cụm Đoàn số 4 nói riêng, khối trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.
Phía trường ĐHSP Hà Nội, có: PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường; TS Nguyễn Bá Cường, Đảng uỷ viên phụ trách công tác Thanh niên, nguyên Bí thư Đoàn trường; ThS Nguyễn Nhật Tân, Chủ tịch Công đoàn trường; ThS Lê Xuân Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên trường; đại diện Đảng uỷ, Ban Giám hiệu; đại diện Ban Chủ nhiệm các khoa, lãnh đạo các Phòng ban, các đơn vị trực thuộc Trường; quý thầy, cô trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu qua các thời kì; các đồng chí cán bộ Đoàn chủ chốt các thời kỳ; đại diện Hội Cựu giáo chức Trường; các đồng chí cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt; các đoàn viên, sinh viên tiêu biểu.
Đến dự và đưa tin về buổi Lễ còn có các phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn, Báo Tiền phong, Báo Giáo dục Thời đại, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Viêt Nam net, báo Dân trí, báo Sinh viên Việt Nam, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm truyền hình internet báo điện tử Đảng Cộng sản và nhiều cơ quan thông tấn Trung ương và Hà Nội.
Chương trình mít-tinh kỷ niệm gồm 3 nội dung chính: Lễ kỷ niệm; Giao lưu với các nhân chứng lịch sử; Và chương trình nghệ thuật đặc biệt sử thi “Hào khí thanh niên” chào mừng kỷ niệm 50 năm ĐHSP Hà Nội khởi xướng phong trào Ba Sẵn sàng.
Ở phần đầu, đồng chí Lê Xuân Quang – Bí thư Đoàn Thanh niên Trường – đã khẳng định vai trò của Đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong việc khơi nguồn, khởi xướng phong trào “Ba Sẵn sàng”. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ngày càng khốc liệt, với nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc và tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần xung phong, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong Nhà trường; từ thực tế hoạt động của các cơ sở Đoàn trong Nhà trường, Ban Chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào “Tam bất kỳ” với ba nội dung cở bản: Bất kỳ đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến; Bất kỳ làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Bất kỳ chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận. Sau đó, phong trào được đổi tên thành “Ba Bất kỳ”. Trong quá trình hoạt động, những nội dung của phong trào được điều chỉnh, cùng với đó tên gọi của phong trào cũng được đổi thành “Ba Sẵn sàng”.
Phong trào đã thực sự tạo được khí thế mới, sẵn sàng xung phong nhận mọi nhiệm vụ được giao của đông đảo đoàn viên, thanh niên trong Nhà trường. Trước thực tế đó, Ban Chấp hành Đoàn trường đã báo cáo và đề xuất với Thành Đoàn phát động thành phong trào chung của tuổi trẻ Thủ đô. Thành Đoàn và Trung ương Đoàn đã xuống khảo sát, kiểm tra những kết quả hoạt động của phong trào.
Và một dấu mốc quan trọng, chính thức đánh dấu sự hiện diện của phong trào “Ba Sẵn sàng”, đó là vào buổi chiều tối ngày 30/4/1964, Lễ phát động phong trào “Ba Sẵn sàng” đã diễn ra tại nghĩa trang Mai Dịch. Trước sự chứng kiến của anh linh các anh hùng, liệt sĩ, trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ Đoàn, hàng nghìn đoàn viên, sinh viên trường ĐHSP Hà Nội đã cùng nhau hô vang lời thề “Ba Sẵn sàng”:
Những kết quả từ thành công trong những hoạt động bước đầu của phong trào “Ba Sẵn sàng” của Đoàn trường ĐHSP Hà Nội là cơ sở để ngày 9/8/1964, Thành Đoàn Hà Nội chính thức phát động phong trào “Ba Sẵn sàng” trong đoàn viên, thanh niên Thủ đô. Sau đó, phong trào tiếp tục được phát động trên toàn miền Bắc, lan rộng thành phong trào xung phong, quên mình sôi nổi vì độc lập tự do của Tổ quốc của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.
Từ trong phong trào, hàng nghìn cán bộ, sinh viên trường ĐHSP Hà Nội đã lên đường ra trận, có mặt trên khắp các mặt trận, cùng với nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều người đã hy sinh anh dũng, trở thành tấm gương sáng mãi trong lòng các thế hệ Nhà trường, tiêu biểu như đồng chí Phó Bí thư Đoàn trường Phạm Xuân Dương.
Phong trào “Ba Sẵn sàng” không chỉ là niềm tự hào của tuổi trẻ trường ĐHSP Hà Nội từ xưa tới nay, mà còn trở thành một giá trị truyền thống có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và tạo động lực cho các thế hệ trẻ tiếp sau của Nhà trường tiếp bước “Ba Sẵn sàng”.
Phát huy tinh thần “Ba Sẵn sàng”, tuổi trẻ Nhà trường tiếp tục có nhiều phong trào sôi nổi, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của thời đại mới, góp phần thực hiện hiệu quả các hoạt động của đoàn viên, thanh niên Thủ đô. Tiêu biểu trong số những phong trào đó là phong trào “Thanh niên Tình nguyện”.
Tham dự Lễ kỷ niệm, PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường cũng đã khẳng định “Phong trào “Ba Sẵn sàng” không bao giờ là ký ức mà là một mạch ngầm chảy xuyên thế hệ”. Đông thời, thầy Hiệu trưởng cũng kêu gọi tuổi trẻ nhà trường hôm nay hãy lắng lại trong “thời khắc long trọng và ý nghĩa này để cùng suy ngẫm về sứ mạng tiên phong của mình”, hãy cùng nhau sẵn sàng hành động vì tương lai của ngành Giáo dục, của các thế hệ con cháu và của chính mỗi cá nhân tuổi trẻ. Bên cạnh đó, thầy cũng chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết về lý tưởng, về ước mơ hoài bão, về việc học tập, làm việc, rèn luyện,… với các cán bộ đoàn, và đoàn viên, thanh niên trong trường.
Tới dự Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đã phát biểu chúc mừng, ghi nhận những đóng góp trong phong trào “Ba Sẵn sàng” của Đoàn trường ĐHSP Hà Nội và mong muốn Đoàn trường tiếp tục có những hoạt động, phong trào thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới để góp phần xây dựng đất nước.
Nhân dịp này Trung ương Đoàn cũng đã trao tặng cho Đoàn trường ĐHSP Hà Nội, cái nôi khởi xướng phong trào “Ba Sẵn sàng” một bức trướng.
Phần giao lưu với các vị khách mời để lại những ấn tượng sâu đậm. Những chia sẻ, tường thuật của đồng chí Vũ Mão, Trịnh Ngọc Trình, nhạc sĩ Phạm Tuyên và nguyên Phó Hiệu trưởng Kiều Thế Hưng đã đưa lại cho các vị khách quý và thầy trò Nhà trường những phác hoạ chân thực hơn về khí thế thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, về phong trào “Ba Sẵn sàng”.
Đặc biệt, đồng chí Trịnh Ngọc Trình - nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ “Ba Sẵn sàng”, một nhân chứng lịch sử của phong trào “Ba Sẵn sàng” đã thuật lại khá tỉ mỉ những diễn biến, những sự kiện xoay quanh phong trào “Ba Sẵn sàng”. Theo đồng chí Trịnh Ngọc Trình, khi mới được đề xướng, phong trào có tên “Tam Bất kỳ” với 3 nội dung cơ bản: Làm bất kỳ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Đi đến bất kỳ nơi nào mà Tổ quốc cần; Bất kỳ chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận. Sau khi được Ban Chấp hành Đoàn trường báo cáo với Ban Giám hiệu, có nêu ý kiến nên đổi tên phong trào nghe cho “thuần Việt” hơn. Sau đó, phong trào được đổi tên thành “Ba Bất kỳ”. Trong quá trình triển khai phong trào, nội dung của phong trào có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn; đồng thời với đó là khi được báo cáo lên Thành Đoàn thì Đoàn trường cũng nhận được góp ý về tên gọi của phong trào. Do đó, cái tên “Ba Bất kỳ” cũng được đem ra xem xét, thảo luận. Đã có cả một cuộc họp để quyết định vấn đề này. Trong cuộc họp có cả thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Thông tham dự. Rất nhiều ý kiến về tên gọi đã được đưa ra: “Ba quyết tâm”, “Ba xung phong”, “Ba tiến lên”,… và ý kiến của một đồng chí đoàn viên khoa Toán đã nêu “Ba Sẵn sàng”. Lập tức thầy Hiệu trưởng và tất cả mọi người có mặt trong cuộc họp đồng ý với phương án “Ba Sẵn sàng”.
Khi tất cả mọi việc đã sẵn sàng, buổi chiều tối ngày 30/4/1964, Lễ phát động chính thức phong trào “Ba Sẵn sàng” trong đoàn viên thanh niên trường ĐHSP Hà Nội đã trang trọng diễn ra tại nghĩa trang Mai Dịch, đánh dấu mốc quan trọng của tuổi trẻ nhà trường. Sau đó phong trào tiếp tục được phát động rộng rãi và trở thành phong trào chung của tuổi trẻ cả nước thời chống Mỹ như chúng ta đã biết.
Phần giao lưu của thầy Kiều Thế Hưng, nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường cũng để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Thầy cũng là một trong số hàng ngàn sinh viên trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ “Ba Sẵn sàng”, đã lên đường ra trận với tinh thần và khí thế của phong trào. Qua những chia sẻ của Thầy, khí thế hào hùng, oanh liệt nhưng cũng đời thường của một thế hệ dần hiện ra trước mắt người nghe chân thật hơn. Người nghe không chỉ cảm nhận được những hy sinh, cống hiến của một thế hệ mà còn trăn trở, suy nghĩ phải sống như thế nào để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh, phải sống, học tập và làm việc như thế nào để có thể tự hào là những thế hệ tiếp bước Ba Sẵn sàng.
Phần cuối là chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Hào khí Thanh niên”, chào mừng kỷ niệm 50 năm trường ĐHSP Hà Nội khởi xướng phong trào “Ba Sẵn sàng”. Chương trình có nội dung gồm: Phần 1 - Khi Tổ quốc cần, phần 2 - Nhằm thẳng quân thù mà bắn, phần 3 - Bài ca thống nhất; với sự tham gia góp mặt của 150 diễn viên quần chúng là sinh viên trường ĐHSP Hà Nội; dưới sự dàn dựng của các đạo diễn NSND Đỗ Tiến Định, NSND Kim Chung, NSƯT Bích Lan – Nhà hát Ca Múa Nhạc đã thực sự đem lại cho người xem nhiều cảm xúc về một thời kỳ lịch sử khốc liệt mà hào hùng, đồng thời khép lại một Lễ kỷ niệm 50 năm khởi xướng phong trào “Ba Sẵn sàng” đầy ý nghĩa.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi lễ:
Các đại biểu tham dự Lễ mít-tinh
PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường, phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Đồng chí Lê Xuân Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên trường, đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phát biểu chào mừng tại Lễ kỷ niệm
Phần giao lưu với các khách mời: Từ trái qua: đồng chí Trịnh Ngọc Trình (Bí thư Đoàn thanh niên trường thời kỳ Ba Sẵn sàng), đồng chí Vũ Mão, nhạc sĩ Phạm Tuyên và nguyên Phó hiệu trưởng PGS. TS Kiều Thế Hưng
Chương trình nghệ thuật “Hào khí Thanh niên” với những màn trình diễn ý nghĩa, lôi cuốn
Đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm với Thầy trò Nhà trường sau Lễ kỷ niệm
Bài và ảnh Phòng Công tác Chính trị