NDĐT - Hai năm trở lại đây, đoàn học sinh giỏi của Việt Nam đã có những thành tích rực rỡ tại các kỳ thi Olympic các môn học dành cho học sinh khối Trung học phổ thông khu vực và quốc tế. Sau nhiều năm, Toán học của Việt Nam đã trở lại top 10, đến 2012 chúng ta đứng top 9/100 nước, và năm 2013 vươn lên thứ 7/117 nước với ba huy chương vàng, ba huy chương bạc. Môn Vật lý, ngoại trừ năm 2008, từ năm 2004, Việt Nam không có huy chương vàng Olympic Vật lý Châu Á, nhưng đến năm 2012, chúng ta đã có một huy chương vàng và năm 2013 có hai huy chương vàng.
Mỗi một tấm huân chương của học sinh Việt Nam có được tại các cuộc tranh tài đỉnh cao đã luôn làm nức lòng đông đảo những người quan tâm đến giáo dục, kể cả với những người vốn luôn nhìn giáo dục nước nhà bằng con mắt nghi ngại. Để có một tấm huân chương lấp lánh cần có quá nhiều yếu tố: tố chất và sự rèn luyện của học sinh, công sức của thầy cô, phụ huynh, tâm huyết của những cán bộ làm công tác quản lý...Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà giáo, những năm gần đây, thật may mắn, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của chúng ta có được đầu vào tốt hơn, xuất hiện nhiều gương mặt có tố chất. Nhưng cũng cần nói tới vai trò của những người làm công tác tổ chức, tuyển chọn cũng như đội ngũ các nhà giáo làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Tháng 7 tới đây, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46, và dự kiến năm 2016, sẽ tiếp tục là nước chủ nhà của Olympic Sinh học Quốc tế. Nhân dân điện tử có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người có nhiều năm làm công tác tổ chức, tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc tế.
PV: Những năm gần đây, việc tổ chức các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ Olympic quốc tế có đổi mới gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Tùy theo môn thi mà việc thành lập đội tuyển được triển khai sớm hay muộn. Chẳng hạn như Hóa học là tháng 5, 6 bắt đầu thi. Vật lý có hai cấp là châu Á và quốc tế. Từ năm 2004, chúng ta bắt đầu tham gia khá đầy đủ và đều đặn các môn. Tuy nhiên, có thể nói Toán luôn là điểm nóng nhất.
Thường Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức tuyển chọn vào đội tuyển quốc tế sau đó giao cho trường bồi dưỡng đội tuyển. Việc tuyển chọn học sinh tham gia đội tuyển do Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) làm, công tác bồi dưỡng thì giao cho các trường: ĐH Tổng hợp cũ, bây giờ là ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm...
Trước đây, có giai đoạn bỏ chính sách tuyển thẳng nên các em được gọi vào đội tuyển rất lo lắng. Sau đó Bộ GD- ĐT thực hiện chính sách tuyển thẳng đối với những em vào đội tuyển quốc tế nên chiều hướng tốt lên nhiều.
Gần đây công tác tổ chức đội tuyển không còn làm đơn lẻ mà thành hẳn thành chủ chương và liên tục nên không riêng học sinh mà các thầy giáo ở các trường cũng có kế hoạch hẳn hoi hơn.
Thêm nữa, các đề thi tuyển chọn của chúng ta bắt đầu tiến đến cập nhật với thể lệ thi quốc tế.
Đông đảo bạn bè và người thân đón đội tuyển tại sân bay.
PV: Một trong những khâu quan trọng nhất là lựa chọn thành viên đội tuyển. Ông có thể cho biết việc này đang được thực hiện thế nào không?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Riêng năm 2013, số học sinh được chọn đưa lên là 1,5 lần. Đây là công việc rất khó do thứ nhất là ai đứng ra làm việc này, thứ hai là thời gian thường gấp rút, có những đội tuyển mà thời gian giữa các lần thi ngắn. VD như Vật lý thi rất gần nhau nên chọn xong là đi thi luôn, thi cả Châu Á lẫn quốc tế. Thứ ba việc này có rất nhiều áp lực.
Khi có mấy đoàn Sinh, Toán, Hóa, Lý giao hẳn cho trường ĐH Sư phạm HN chọn lúc đó là điện thoại mình phải tắt. Tôi nói với các anh trong ban giám hiệu là mình nhận trách nhiệm với Bộ, với quốc gia. Do trường ĐH Sư phạm HN có trường chuyên, cũng có lúc có học sinh nằm trong số được chọn vào đội tuyển nên thầy cô có những áp lực.
Khâu ra đề thì phải mời khá nhiều thầy ra đề nhưng dùng đề của ai chỉ có một người biết. Như vậy gần như tuyệt đối.
Năm nay sẽ bỏ dự tuyển, chọn bao nhiêu em là đi từng ấy. Việc lập đoàn dự tuyển cũng có những ưu điểm của nó. Tức là anh vào đội dự tuyển không phải anh nghiễm nhiên đi, có sự sàng lọc trở lại.
Nếu như năm ngoái không chọn số dư mà vẫn lấy như bình thường thì Ngô Phi Long (Huy chương vàng môn Vật lý - PV) bật ra ngoài. Nhưng khi chấm ba vòng để chọn tuyển chính thức thì Ngô Phi Long điểm cao nhất. Khi làm ba bài kiểm tra để chọn có những em giải nhất quốc gia thì vào đây điểm cũng khác. Khâu tuyển chọn là phải hết sức thận trọng.
PV: Điểm quyết định nữa cần được nhắc đến là đội ngũ các thầy làm công tác bồi dưỡng?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Tôi làm trưởng khoa Vật lý năm 2010 và tham gia công tác này từ năm 2007, 2008. Khoa Vật lý khi đó đã chủ trương chuẩn bị một đội ngũ. Trước đây, thường tổ chức một đợt đi mời anh A, anh B, anh C...làm theo mùa vụ. Nhưng sau đó, đã hình thành một đội có thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản làm nòng cốt và sau đó mời thêm các thầy có kinh nghiệm ở các đơn vị khác như ĐH quốc gia, các viện tham gia...
Khi tôi lên làm hiệu trưởng tháng 4-2012, thì để chuẩn bị cho đợt thi cũng đề nghị các khoa, đặc biệt là các đơn vị như khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh... hình thành một đội ngũ có kế cận. Do vậy tham gia từ những năm tới đây có những thầy rất trẻ, có cả về chuyên môn, khả năng ngoại ngữ.
Trong đội ngũ chuyên gia đưa đoàn cần phải có chuyên môn và giỏi tiếng. Tiếng mà không tốt nhiều khi không lý giải được với giám khảo. Đây là cái chúng ta cần tập trung.
Thực tế khi thi, lúc chấm có sự thảo luận khá căng thẳng trong ban giám khảo. Các em thường làm bài thi bằng tiếng Việt, người ta chấm trên cơ sở các biểu điểm. Và có những cái phải tranh luận. Tranh luận ở đây cũng phải có thủ thuật . Chẳng hạn năm 2010, mình và thầy Khôi đưa đoàn đi thi Vật lý quốc tế tổ chức ở Thái Lan. Trong đó, đoàn mình có một em đầu tiên không được gì, sau đó mình cũng phải thảo luận với người ta và sau đó được huy chương đồng. Có học sinh khi làm bài đã bỏ nhiều bước nếu thảo luận xong người ta cũng thống nhất những gì mình đưa ra là đúng thì sẽ bảo vệ được thành quả.
Nhiều đoàn cũng có trường hợp lẽ ra là được một bạc, ba đồng, thế nhưng ba đồng mình đừng bàn nữa mà phải xem em bạc có khả năng lên vàng hay không. Đó là lúc phải trao đổi với nhau nhiều khi nảy lửa để nói rằng giải như vậy là chưa thỏa đáng. Trong này cũng có cái là danh dự quốc gia, nhưng cũng là bảo vệ tính khoa học chứ không phải nói không.
PV: Ông có thể cho biết về đội ngũ các thầy cô làm công tác này ở trường ĐH Sư phạm HN nói riêng?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Tôi cho rằng đến giờ ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã hình thành một đội ngũ về cơ bản là đảm bảo được cho công tác bồi dưỡng học sinh của bốn môn cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Sinh.
Hóa học thì về cơ bản các điều kiện của mình không thua kém, nhưng tính chuyên nghiệp cần phải tăng lên nhiều. Tuy nhiên may mắn là đội hình bồi dưỡng ngoài những thầy cô có kinh nghiệm ở trường Tự nhiên, ở trường Sư phạm, còn có những thầy cô trẻ tham gia nhiều.
Các hệ thống thi năm ngoái ổn cả. Riêng Sinh chưa bứt lên được. Hiện môn Sinh đã được bổ sung thêm ba tiến sĩ được đào tạo bài bản và rất trẻ tham gia tập trung sâu vào việc này và một số tiến sĩ trẻ năm nay cỡ 36, 37 tuổi để tập trung cho Olympic sinh học năm 2016.
PV: Các thầy bỏ tâm huyết “bồi dưỡng” học sinh giỏi, vậy chúng ta đang “bồi dưỡng” các thầy như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Có thể chia sẻ với nhau như thế này: Kinh phí bồi dưỡng cho các thầy trong một hai năm nay định mức cũng có tăng nhưng so với thực tế là rất ít. Một giờ của các thầy như năm 2012 đến giờ chỉ có vài trăn nghìn, không cao đâu. Bởi kiểu lao động như thế này là cực kỳ đặc thù mà thấp hơn nhiều so với dậy thêm ở phổ thông. Đối với đội ngũ thầy cô này thì Bộ không thể thoát ra được khỏi các quy định tài chính, nhưng trường thì cũng phải nghĩ đến những cơ chế đặc thù cho các thầy cô. Khác hẳn với dạy bình thường, để dạy được một giờ như thế này các thầy cô phải chuẩn bị cả tháng. Nên phải tạo cơ chế đặc thù: những điều kiện nào thuận lợi, những chuyến công tác nào có ít thường những thầy cô này phải được ưu tiên trước trường cũng đã có chính sách rất rõ.
Nhà trường bao giờ cũng là người đứng sau cổ vũ cho tất cả mọi người. Tôi có ý tưởng xây dựng một đội ngũ các cán bộ tài năng của trường. Đội ngũ này dự định gửi sang nước ngoài làm việc. Mỗi năm chỉ về làm việc ở đây ba tháng, cố gắng để diện tài năng là cho đi ra nước ngoài, sau đó về đây vừa giảng dạy, tham gia bồi dưỡng đội tuyển.
PV: Tuy nhiên, thầy có giỏi mà trò, là nguồn vào mà không thật xuất sắc thì cũng rất khó...
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: May mắn là hiện nay nhiều trường chuyên ở các tỉnh cũng đã chú trọng đến điều này. Mấy năm vừa rồi có những em ở tỉnh rất xa vào đội tuyển và được giải cao. Như vậy không phải riêng ở các thành phố lớn mà ngay cả các tỉnh nếu tập trung tìm hiểu và bồi dưỡng học sinh có tiềm năng thì đây là nguồn khá tốt cho đất nước. Trong các kết quả, hiện tại, sinh học là môn có kết quả chưa cao, năm vừa rồi đồng là chính. Nguyên nhân chính phải nói thẳng là thầy thì không kém nhưng các thí nghiệm sinh học thì đòi hỏi đầu tư rất lớn mà hệ thống đầu tư của mình ở các trường đại học cũng đã có các phòng nghiên cứu, nhưng các phòng nghiên cứu khác với những điều kiện thí nghiệm cho học sinh phổ thông. Phòng thí nghiệm ở các trường thì cho giảng viên còn các phần khác tập trung vào nghiên cứu. Trong khi mặt bằng thi đòi hỏi không sâu về nghiên cứu mà gần với phổ thông nhưng cũng đòi hỏi thiết bị hiện đại. Đây cũng là khó khăn cho phía VN mình. Trong tương lai, Bộ GD-ĐT cũng có chủ trương đầu tư cho các trường ĐH Sư phạm. Tôi cũng có đề xuất bổ sung một số thiết bị cho đào tạo, một số thiết bị phục cụ cho bồi dưỡng trong đó có bồi dưỡng học sinh giỏi.
PV: Ngoài những yếu tố mang tính điều kiện cần có trên, ông thường tâm niệm về điều gì khi làm công tác này?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Cần đặt lợi ích quốc gia lên đầu. Ai cũng nói như vậy nhưng để thực hiện như thế nào thì phải hiểu thật sâu sắc. Năm ngoái trường hợp loại một em của trường chuyên của Sư phạm đã lọt vào đội dự tuyển, bản thân tôi thấy đó là việc không dễ. Mà trường Sư phạm tổ chức chuẩn bị bài kiểm tra, đề kiểm tra cho đến khi chấm chính thức. Như thế có thể nói là đã vượt qua được tư tưởng giữa tình và lý.
PV: Điều gì đã làm ông suy nghĩ nhất?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Thực ra, các em đã vào đến đây đều là những em xuất sắc cả. Nhưng để chọn đi thi thì đại diện cho quốc gia nên phải chọn những em tốt nhất. Cái khó là làm thế nào để đừng có lỗi nhỏ nào với các em, không để xảy ra sai sót. Tức là phải tạo ra cuộc chơi bình đẳng để người được cũng thấy thỏa mãn và người không được cũng thấy thỏa mãn. Đó là điểm mấu chốt trong tuyển chọn.
Điều thứ hai là vinh danh thì không hết được các thầy tham gia bồi dưỡng đội tuyển. Những thầy được bằng khen, giấy khen có lẽ cũng chỉ là đại diện, những cống hiến của các thầy thầm lặng và không đo đếm được. Đây là điều đáng cảm phục các thầy. Khi cần, tôi vẫn phóng xe máy đến nhà các thầy để xin đề, các thầy luôn sẵn sàng cho. Các thầy là những con người lao động quên mình, đôi khi không có điều kiện gì cả. Đây là cái chúng ta phải học.
PV: Tháng 7 tới, VN sẽ là nước chủ nhà đăng cai Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46. Các thí sinh sẽ thi phần thi thực nghiệm tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Trường đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Năm nay, thi Olympic Hóa học quốc tế thực hiện vào tháng 7, cái này Bộ đã giao cho trường ĐH Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đăng cai, phần thi lý thuyết sẽ thi ở Trung tâm Hội nghị quốc gia, còn phần thi thực nghiệm sẽ làm ở đây.
Hiện trường dành hai tầng rưỡi ở nhà K để phục vụ cho kỳ thi. Đoàn công tác vào xem đã nhận xét chưa có nước nào người ta chuẩn bị thận trọng như ở VN. Tôi đã đi nhiều nước, có thể nói chuẩn bị của chúng ta về cơ sở vật chất là không thua kém mặc dù chúng ta ít tiền. Đồng thời, chúng ta cũng chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm tham gia các kỳ thi quốc tế và có khả năng nhìn nhận tất cả các vấn đề.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn