Ngày 09/01/2013, tại khu vực Nhà đa năng của Trường ĐHSP Hà Nội đã diễn ra nhiều sự kiện lớn, thu hút hàng nghìn lượt sinh viên, học sinh và cán bộ tham gia.
Ngày Hội sách – Edubook 2014 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
Mở đầu là Lễ khai trương Ngày Hội sách – Edubook 2014 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (diễn ra từ 8h00 đến 21h) với sự ưu đãi đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên và bạn đọc quan tâm. 897 đầu sách được chào bán: Sách giáo trình mới được xuất bản giảm giá ưu đãi tới 30% theo giá bìa; các sách tham khảo, sách hướng dẫn, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảm giá ưu đãi 40% hoặc 50%; đặc biệt có nhiều đầu sách được ưu đãi với giá đồng hạng: 5.000đ hoặc 10.000đ/1 quyển. Ngày Hội sách đã thu hút hơn 4.000 lượt người tham gia, trong đó có tổng số 2.768 người mua sách. Không khí tưng bừng của Ngày Hội sách diễn ra khắp khu vực phía ngoài Nhà đa năng và sau Nhà D3 song song với các hoạt động sôi nổi, rộn rã của Hội sinh viên Trường.
Bà Đặng Minh Thuý - Biên tập viên Ban KHXH của Nhà xuất bản cho biết: “Số lượng người xem và mua rất đông, chúng tôi với gần 30 cán bộ được sự hỗ trợ của Đội thanh niên xung kích của Đoàn trường phục vụ liên tục, không ngừng nghỉ. Do không khí nhộn nhịp và nỗ lực phục vụ người mua sách nên chúng tôi quên cả mệt mỏi. Chúng tôi rất hào hứng với hoạt động này. Cảm ơn Nhà trường đã tạo điều kiện cho Nhà xuất bản chúng tôi”.
Sinh viên Bùi Văn Niên chia sẻ: Chưa bao giờ sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội được thừa hưởng một không khí văn hóa đọc sách và mua sách như lần này. Sinh viên chúng em không phải không thích sách, mà trái lại, rất yêu sách và cần sách. Hôm nay được dịp NXB ưu đãi, nhiều bạn đã khuân về cả một túi sách rất to và nặng. Sinh viên, học sinh mong muốn hoạt động này thường xuyên diễn ra, nhất là vào các ngày có nhiều sự kiện như ngày 09/01, 26/3 hoặc là dịp tuần lễ học sinh – sinh viên và khai giảng, bế giảng năm học,…
Theo TS Nguyễn Bá Cường – Giám đốc Nhà xuất bản ĐHSP: Ngày Hội sách lần này là sự kiện đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận phục vụ người học. Nhà xuất bản sẽ có nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu xuất bản phẩm giúp cho người học có được nhiều cuốn sách hay, chất lượng và hữu ích. Được sự tạo điều kiện của Lãnh đạo Nhà trường, Nhà xuất bản sẽ mở tổ chức một không gian văn hóa sách và cửa hàng giới thiệu sản phẩm đảm bảo văn minh, hướng tới phục vụ ưu đãi cho người học là học sinh, sinh viên của Nhà trường.
Ngày Hội sách khép lại vào lúc 21h00 trong khi vẫn còn nhiều khách hàng muốn mua ưu đãi nhưng để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ sau một ngày đêm nỗ lực làm việc, Nhà xuất bản xin hẹn vào dịp khác. Ngày Hội sách đã để lại dấu ấn hết sức đậm nét trong bất cứ ai đã đến cảm nhận được không khí đó và tạo hiệu ứng tích cực to lớn trên các phương tiện truyền thông, trên các trang báo điện tử và trang mạng xã hội. Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã đưa tin trên chuyên mục “Nhịp điệu ngày mới” của HTV1.
Chương trình giáo dục Chính trị - học tập Nghị quyết lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng (khóa XI)
Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ Trường ĐHSP Hà Nội, căn cứ Kế hoạch công tác năm học 2013 - 2014, Nhà trường đã tổ chức hoạt động giáo dục chính trị cho sinh viên toàn trường nhằm nâng cao hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục và đào tạo. Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày vắn tắt những nội dung cơ bản của Nghị quyết lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. PGS.TS Đặng Xuân Thư – Bí thư đảng ủy, Phó Hiệu trưởng và đại diện lãnh đạo các khoa, cán bộ giáo vụ - tổ chức khoa tham dự cùng với hơn 3.500 đoàn viên, sinh viên các khóa 60, khóa 61 và các khóa khác, đặc biệt có sự tham gia của 370 đoàn viên lớp bồi dưỡng Đoàn viên ưu tú.
Sinh viên thể hiện sự quan tâm nhiều đến đường lối giáo dục và đào tạo, chính sách tuyển dụng và chế độ lương cho đội ngũ giáo viên mới ra trường. Nhiều sinh viên năm thứ tư bày tỏ băn khoăn về vấn đề xin việc sau khi tốt nghiệp cũng như những trăn trở về năng lực của bản thân trong việc đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015. Các sinh viên năm thứ ba và năm thứ hai mong muốn Nhà trường có biện pháp tăng cường bồi dưỡng chuyên môn - nghiệp vụ để sao cho sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của sách giáo khoa mới, để không phải đào tạo lại,…
PGS.TS Đặng Xuân Thư – Bí thư đảng ủy, Phó Hiệu trưởng tặng hoa cảm ơn TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương
Chương trình giáo dục Chính trị cho sinh viên lần này được đổi mới trên cơ sở có sự lồng ghép với chương trình giao lưu giữa các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tuổi trẻ, khoa học và giáo dục.
Lễ ra mắt cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo” và giao lưu với các tác giả cuốn sách về Đại tướng
Ca sĩ Văn Lực trình bày ca khúc Võ Tướng quân
Được sự đồng ý của Đảng ủy – Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chiều cùng ngày, vào hồi 15h00, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tổ chức trọng thể Lễ ra mắt cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo”. Đây là một ấn phẩm đặc biệt thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm ngưỡng mộ cùng với niềm tự hào lớn lao của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm nói riêng và của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói chung, nhân dịp 100 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới người hiền.
Tham dự có TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.VS.TSKH.NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam; Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, XIII, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng - Đại biểu Quốc hội khoá X, XI, XII, Tổng thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; Ông Võ Hồng Nam – con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người thân trong gia đình Đại tướng; Đại tá Trịnh Nguyên Huân – Thư ký khoa học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; GS.TS.NGƯT Nguyễn Viết Thịnh - Đại biểu Quốc hội khoá XII, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Đặng Xuân Thư –Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ThS Lê Xuân Quang – Bí thư Đoàn Trường; ThS Nguyễn Thanh Xuân – Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên Trường.
Ông Võ Hồng Nam – con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tham dự Lễ ra mắt cuốn sách còn có đại diện các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), các Vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan nghiên cứu khoa học,…. đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn, Trung ương Hội sinh viên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Thành đoàn Hà Nội; Các nhà giáo trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ, các giáo sư, các nhà khoa học, lãnh đạo các khoa, phòng ban, các đơn vị trong toàn trường cùng toàn thể sinh viên khóa 60, 60 và các bạn học sinh, sinh viên các khóa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều học sinh, sinh viên ngoài Trường cũng tham dự Chương trình. Đến dự và đưa tin cho sự kiện có đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh - truyền hình Trung ương và Hà Nội (báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, báo Tiền phong, báo Tuổi trẻ, báo Giáo dục và Thời đại, báo VietNamnet, báo Dân trí, báo Công an nhân dân,… Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV6), Đài phát thanh và truyền hình Quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, VOVTV), Truyền hình Thông tấn xã, Truyền hình An ninh – ANTV,…).
Phát biểu tại Lễ ra mắt, TS. Nguyễn Bá Cường - Giám đốc Nxb Đại học Sư phạm là đơn vị có vinh dự được xuất bản cho biết cuốn sách dày 410 trang gồm 2 phần: Phần một của cuốn sách là tuyển tập 26 bài viết của Đại tướng về khoa học, giáo dục và đào tạo (trong đó có những bài lần đầu tiên được công bố). Phần hai của cuốn sách là tuyển tập 20 bài trả lời phỏng vấn, bài viết về Đại tướng của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà sử học, nhà giáo... Những bài viết cuối cùng của Đại tướng là những trăn trở tâm huyết đối với sự nghiệp đổi mới nền giáo dục, là niềm mong mỏi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ sẽ thúc đẩy sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Phần phụ lục gồm 39 bức ảnh phản ánh cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt gia đình, ông Võ Hồng Nam đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu và khẩn trương để ra mắt cuốn sách. Ông cho rằng, cuốn sách có nhiều ý tưởng mang dấu ấn riêng mà không dễ gì có ở các ấn phẩm khác về Đại tướng và mong muốn Nxb Đại học Sư phạm sẽ có nhiều cuốn sách khác về Đại tướng phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước.
Ông Võ Hồng Nam hết sức xúc động cảm ơn Nhà trường và Nhà xuất bản đã xuất bản cuốn sách đặc biệt về Đại tướng với khoa học, giáo dục. Chia sẻ với toàn thể các đại biểu, sinh viên, học sinh tham dự sinh viên, Ông Võ Hồng Nam kể lại nhiều câu chuyện cảm động về Đại tướng với tuổi trẻ, với giáo dục, đồng thời gửi gắm sự mong muốn của Đại tướng đối với sự nỗ lực của học sinh, sinh viên trong việc rèn luyện kĩ năng thuyết trình, học ngoại ngữ và quan tâm đến các bạn là người dân tộc thiểu số,…
Ngay sau Lễ ra mắt đã diễn ra chương trình giao lưu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tuổi trẻ, khoa học và giáo dục”.
Khách mời của chương trình là GS.VS.TSKH.NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam; Nhà Sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội khoá XI - XIII, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng - đại biểu Quốc hội khoá X - XII, Tổng thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam và Đại tá Trịnh Nguyên Huân - Thư ký khoa học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Các sinh viên của trường đã có hơn một tiếng để lắng nghe chia sẻ của các nhà giáo, nhà khoa học về Đại tướng - người thầy đã trở về với “thế giới người hiền”.
Không giấu nổi xúc động, ngay từ lúc bắt đầu trò chuyện với sinh viên, nhà sử học Dương Trung Quốc đã thốt lên rằng: “Cuốn sách không chỉ nói đến chiến công hiển hách của Đại tướng mà còn nói về một người thầy gắn bó với thế hệ trẻ. Các bạn sinh viên - chính những người đang ngồi đây - chúng ta phải tự hào về điều đó”… “Có một bạn hỏi tôi rằng: Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, trên báo Tuổi trẻ có đăng bài viết ngắn của cháu nội Võ Hoài Nam về tình cảm của ông đối với cháu trong gia đình, đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc quan niệm “Con phải có chí và trí thì sẽ thành công”, điều gì khiến Đại tướng có phẩm chất ấy?… Tôi trả lời rằng Đại tướng của chúng ta là người tiếp thu giá trị truyền thống từ ông cha, lấy ba chữ trung - hiếu - nghĩa làm trọng. Trong bối cảnh đất nước là thuộc địa, ông cùng nhân dân tham gia kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân nhưng vẫn tiếp thu những quan điểm xuất sắc phương Tây. Chính điều này đã khiến ông có quan niệm luôn tin cậy thế hệ trẻ - trong đó có con cháu của mình” - nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại.
Là người vinh dự viết Lời giới thiệu cuốn sách, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc chia sẻ: “Đại tướng luôn luôn suy nghĩ về nền giáo dục nước nhà. Trong các chuyến đi công tác và những buổi làm việc ở văn phòng, không lần nào nói về giáo dục mà Đại tướng lại quên các nhà giáo. Đại tướng không vui một chút nào nếu thấy trong đội ngũ chúng ta có những người xấu. Một nỗi day dắt có lẽ cả đời Đại tướng là đời sống của giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa cực kỳ khó khăn. Đại tướng còn nhớ y nguyên hình ảnh cô giáo leo từ lưng đồi hàng trăm mét chỉ để múc một chậu nước. Những chuyện này ông luôn nhắc lại sau những bữa cơm trưa ở Tây nguyên”.
Từ những câu chuyện xúc động kể về đời sống giản dị, phong thái làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên bộ trưởng Phạm Minh Hạc nhắn nhủ với sinh viên rằng: “Chúng ta hãy nhớ câu nói của Đại tướng: Muốn có một xã hội tốt thì phải có nền giáo dục tốt. Tôi muốn nói rằng các bạn đang ngồi ở trường mai đây sẽ là những giáo viên tỏa đi muôn phương, sẽ đóng góp vai trò to lớn trong xây dựng xã hội độc lập, đất nước phồn vinh. Vì thế các bạn phải bồi dưỡng và phát huy chí của thế hệ trẻ Việt Nam và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Hai điều đó quyết định số phận của dân tộc, bảo vệ Tổ quốc”.
Còn trong ký ức của đại tá Trịnh Nguyên Huân - thư ký khoa học của Đại tướng - là: “Lần đầu tiên gặp Đại tướng, tôi gọi Đại tướng là “anh Văn”. Trong suốt 37 năm vẫn là “anh Văn” mặc dù Đại tướng là Đại tướng tổng tư lệnh và tôi chỉ đáng tuổi con. Tôi được sống trong bầu không khí làm việc mà Đại tướng đề cao người giúp việc cho mình phải trung thực, có chính kiến và bảo vệ chính kiến của mình. Đại tướng không bao giờ quan tâm tôi đeo quân hàm gì mà quan tâm đến làm việc hiệu quả của tôi như thế nào. Cho đến bây giờ ngồi đây, tôi vẫn hình dung Đại tướng sờ trên vai khi tôi đang ngồi viết trên bàn như người ông, người cha của mình”.
“Đọc cuốn sách mình đã hiểu được nhiều hơn về Đại tướng trong cuộc đời làm khoa học, giáo dục và đào tạo. Trên tất cả những gì mình muốn gửi gắm chính là lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm ngưỡng mộ với Đại tướng - người thầy mãi mãi sống trong lòng sinh viên” - Nguyễn Thị Phương, cựu sinh viên khoa văn học Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ. (Kiều Linh ghi – báo Tuổi trẻ).
Thay mặt Ban tổ chức và Nhà xuất bản, MC Hồng Minh chia sẻ: Trong quá trình chuẩn bị xuất bản cuốn sách, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm luôn thể hiện tinh thần “thần tốc” của Đại tướng. Chúng tôi đã chú ý đặc biệt việc tuyển chọn bài viết và ảnh để đưa vào cuốn sách lần này, sắp xếp trang sao cho mỗi trang ảnh, trang bìa đều có ý nghĩa hướng tới những dấu ấn thời gian trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chẳng hạn: sau Lời nói đầu và Lời giới thiệu, sách có 4 trang ảnh màu 4 Sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp kí theo uỷ quyền của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh; trang 48 gắn ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để kỉ niệm năm được phong hàm Đại tướng (năm 1948); trang 75 gắn với ảnh Đại tướng trong dịp kỉ niệm 50 năm Điện Biên Phủ (ngày 7/5) và cũng là năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước hoà bình, thống nhất (năm 1975); trang 103 gắn với hai bức ảnh hết sức cảm động về tình cảm của nhân dân cả nước dành cho Đại tướng khi Người rời Thủ đô Hà Nội về với đất mẹ Quảng Bình; trang 258 là bức ảnh Đại tướng trồng cây nhân dịp Người trở về quê nhà tại thôn An Xá – nơi Đại tướng đã sinh ra (ngày 25/8)... Số trang của cuốn sách được Nhà xuất bản ấn định là 410 trang – ứng với ngày Đại tướng vĩnh viễn ra đi – ngày 04/10/2013. Trang 410 của cuốn sách là bức ảnh Đại tướng giơ tay chào đồng bào cả nước. Cuốn sách được in với giá bìa chỉ 103.000đ trên chất liệu giấy siêu nhẹ và tốt nhất, hiện đại nhất hiện nay để ứng với số tuổi của Đại tướng,…
Một bạn sinh viên hồ hởi có trong tay cuốn sách về Đại tướng
Chiều ngày 08/1/2014, tập thể lãnh đạo, cán bộ Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã làm Lễ dâng sách lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng - số 30 Hoàng Diệu.
Đón đoàn cán bộ NXB Đại học Sư phạm vào làm Lễ dâng sách lên Đại tướng có Ông Võ Điện Biên, Ông Võ Hồng Nam (hai con trai Đại tướng), Đại tá Trịnh Nguyên Huân – Trợ lí khoa học của Đại tướng cùng những người thân trong Gia đình và Văn phòng Đại tướng.
TS.Nguyễn Bá Cường - Giám đốc NXB Đại học Sư phạm đã kính cẩn thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ anh linh Đại tướng và báo cáo với Người về công tác xuất bản cuốn sách. Toàn thể cán bộ NXB Đại học Sư phạm rất xúc động được đứng trước di ảnh của Đại tướng để bày tỏ tấm lòng thành kính và tưởng nhớ công ơn trời biển của Người đối với non song, đất nước, đối với sự nghiệp phát triển khoa học, văn hoá và giáo dục - đào tạo và xin hứa với Đại tướng sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Thay mặt gia đình, Ông Võ Hồng Nam bày tỏ sự cảm ơn chân thành của Gia đình Đại tướng đối với NXB Đại học Sư phạm, dù trong thời gian ngắn đã hoàn thành được một cuốn sách đẹp, tốt và rất có ý nghĩa trong dịp chuẩn bị 100 ngày Đại tướng ra đi gặp Bác Hồ. Ông đánh giá cao sự chuẩn bị công phu và khẩn trương cũng như nhiều ý tưởng mang dấu ấn riêng mà không dễ gì có ở các ấn phẩm khác về Đại tướng. Gia đình và Văn phòng Đại tướng hi vọng Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tiếp tục có nhiều cuốn sách khác về Đại tướng phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước.
------------------
Một số thông tin báo chí tiêu biểu về sự kiện ra mắt cuốn sách:
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10005&cn_id=630659
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Media/Media.aspx?cm_id=3873&type=1&co_id=0
Báo Giáo dục và Thời đại: http://gdtd.vn/van-hoa/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-khoa-hoc-gddt-72533-v.html
Báo Tiền phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/ra-mat-sach-ve-dai-tuong-vo-nguyen-giap-667624.tpo
Báo Tuổi trẻ
http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=589286
Báo VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/156976/-chien-luoc-con-nguoi--trong-giao-duc-cua-dai-tuong.html
Báo Dân trí
http://dantri.com.vn/khuyen-hoc/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-khoa-hoc-giao-duc-va-dao-tao-825088.htm
Cổng thông tin điện tử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: http://doanthanhnien.vn/newsdetail/DaituongVNG/21214/ra-mat-sach-%C4%91ai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-su-nghiep-khoa-hoc-giao-duc-va-dao-tao.htm
Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam: http://vov.vn/Van-hoa/Van-hoc/Dai-tuong-Vo-Nguyen-Giap-voi-su-nghiep-khoa-hoc-giao-duc/305194.vov
v.v,..
Báo Công an Nhân dân: http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2014/1/220333.cand
Các Chương trình của Hội sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội
Trong cả ngày 09/01, Hội sinh viên trường Đại học sư phạm Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9/1/1950 – 9/1/2014) với chùm các hoạt động: tổ chức ngày hội lần 3 đổi đồ cũ, tổ chức các gian hàng sinh viên trưng bày các sản phẩm do chính các sinh viên tự sáng tạo, thực hiện và được giới thiệu tới các bạn trẻ trong dịp này; ngày hội sách cùng các hoạt động trò chơi tập thể, nhảy dân vũ ...đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia.
Tối cùng ngày đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên 9/1 và chương trình “S-Festival 2014.
Tại chương trình, Hội Sinh viên trường Đại học sư phạm Hà Nội đã trao tặng giải thưởng “Hoa tháng Giêng” cấp trường cho 20 sinh viên; trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường cho 300 sinh viên tiêu biểu, năm học 2012 - 2013 và trao 17 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ” cho 17 sinh viên vượt khó học tốt, mỗi suất trị giá 500.000đồng.
Hội sinh viên Việt Nam trường Đại học sư phạm Hà Nội trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường cho sinh viên tiêu biểu, năm học 2012 - 2013 |
Cũng trong chương trình đã diễn ra Chung kết “Hành trình đôi” với sự tham gia của 7 cặp đôi xuất sắc sau khi đã vượt qua 23 cặp đôi khác đua tài ở vòng loại với 3 phần thi: Thông thái, Khỏe – khéo và Kết nối.
Trao tặng các suất học bổng cho sinh viên vượt khó học tốt. |
Qua 2 phần thi: “Ý hợp tâm đầu” và “Tài năng” ở vòng chung kết, Ban tổ chức đã tìm ra cặp đôi xuất sắc nhất trong 7 cặp đôi để trao giải.
Hà Châu - Ban truyền thông NXB