Ở Việt Nam, các dịch vụ công tác xã hội (CTXH) đặc thù như: Chăm sóc người già, trẻ lang thang, bạo hành gia đình, tâm thần, sức khỏe sinh sản, người nhiễm HIV/AIDS đang có nhu cầu lớn và rất cần đội ngũ cán bộ làm CTXH chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng về đào tạo trong các lĩnh vực này còn hạn chế.
Lễ kỷ niệm ngày công tác xã hội thế giới lần thứ 16 được tổ chức tại ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thiếu nhân lực làm CTXH
Theo nghiên cứu của chuyên gia Trish Kane, Trung tâm Phát triển CTXH VN (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), VN hiện có khoảng 40% dân số cần tiếp cận với dịch vụ CTXH, gồm: 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 180.000 người nhiễm HIV, gần 200.000 người nhiễm ma túy. Đặc biệt trong lĩnh vực CTXH trẻ em, cả nước có tới 1,4 trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc da cam. Thực tế trên cho thấy, VN cần nhiều nhân lực thuộc các chuyên ngành khác nhau để hỗ trợ đối tượng CTXH. Tuy nhiên, khả năng còn nhiều hạn chế. 
Theo tiến sĩ Vũ Thị Kim Dung - Trưởng khoa CTXH (ĐH Sư phạm Hà Nội), cả nước hiện có hơn 500 trung tâm CTXH phục vụ cho khoảng 80.000 đối tượng yếu thế, trong đó 1/2 trung tâm thuộc các tổ chức tư nhân và phi chính phủ. Về nhân lực, đội ngũ cán bộ CTXH và cộng tác viên mới có 35.000 người, trong đó 8,5% được đào tạo bài bản, 81,5% không có chuyên ngành đào tạo và 10% chưa qua đào tạo. Công tác đào tạo không thể một sớm, một chiều bởi nhiều lý do: Việc làm cho sinh viên ngành CTXH chưa ổn định, nhận thức của xã hội về nghề còn chưa đúng. Một khảo sát của ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, nhu cầu đào tạo kiến thức chuyên sâu ngành CTXH nhằm đáp ứng thực tiễn khá cao. Cụ thể: Học viên ngành CTXH hệ vừa học vừa làm tại Hải Dương là 92,3 %, Phú Thọ: 90%, Thái Bình: 88,8%... 
 
Nhu cầu nhân viên CTXH chuyên ngành luôn cao. Ảnh: P.M
Nhiều thách thức
Theo tiến sĩ Vũ Thị Kim Dung, nhu cầu đào tạo chuyên sâu về CTXH nhiều nhưng thực tế gặp các thách thức: Sự hạn chế trong công tác đào tạo nghề tại VN, bất cập về đội ngũ nhân lực đào tạo, mạng lưới cơ sở thực hành còn yếu, hệ thống giáo trình bất cập. Tiến sĩ Vũ Thị Kim Dung cho rằng hạn chế trong công tác đào tạo là trở ngại hàng đầu. Nguyên nhân do nhân sự làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội và số lao động tự do trực tiếp chăm sóc người già tại cơ sở y tế lên tới hàng chục ngàn người. Chưa kể đội ngũ cộng tác viên dân số và bảo vệ trẻ em tại các thôn bản, phường xã lên tới hơn 160.000 người. Đa số làm việc theo kinh nghiệm, lòng thiện tâm mà chưa được tập huấn kỹ năng CTXH.
Hiện 500 trung tâm bảo trợ xã hội tại VN thì 1/2 trong số này do Nhà nước quản lý. Một số lượng rất lớn đối tượng yếu thế bên ngoài xã hội chưa được đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, đa số những nhân viên làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội chưa phải là nhân viên CTXH, chưa được đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu của từng chuyên ngành như chăm sóc người già, người nghiện ma túy, gái mại dâm, trẻ lang thang...
Để thúc đẩy công tác đào tạo theo hướng chuyên sâu, theo TS Vũ Thị Kim Dung cần chú trọng việc xây dựng hoàn thiện chương trình đào tạo; tăng cường việc bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, xây dựng và kết nối nguồn lực; hợp tác phối hợp trong đào tạo, chú trọng xây dựng đội ngũ kiểm huấn viên tại các cơ sở xã hội và mạng lưới thực hành...
Theo: Phan Minh