Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013). |
“Tôi sẽ chỉ nói với các em về hai chủ đề: cuộc cách mạng và Napoléon”
Trong trí nhớ của nhiều thế hệ học trò, ông là diễn giảng rất giỏi về các đề tài lịch sử, đặc biệt là lịch sử quân sự. Các học sinh cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ về ông như một “chiến binh cuồng tín, không mấy khi mỉm cười và không để ai thuyết phục được ông trong bất cứ lĩnh vực nào”. Người ta còn nói thêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể vẽ trên bảng đen đến cả những chi tiết những trận đánh của Napoléon.
Ngay từ đầu, ông đã cuốn hút cả lớp bằng cách trình bày vấn đề theo cách riêng của ông. Đứng thẳng trước lớp, ông nhìn thẳng vào đám học trò dõng dạc nói: “Khá nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp thời kỳ này rồi. Nếu muốn các em có thể tham khảo. Tôi sẽ chỉ nói với các em về hai chủ đề: cuộc cách mạng và Napoléon”.
Trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" của tác giả Cecil B. Curey (NXB Thế giới, tháng 8/2013, dịch giả Nguyễn Văn Sự) có đưa chi tiết: Nửa thế kỷ qua rồi, ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của Ngô Đình Diệm tại Mỹ thời đó là một cậu bé 13 tuổi, vẫn không bao giờ quên được phương pháp sư phạm của Đại tướng Giáp: “Sự miêu tả chi tiết về sự tàn tạ của vương triều cũng như đồi bại của Marie Antoinette đã đưa học trò đến một nhận định không chút nghi ngờ về số phận dành cho nền quân chủ Pháp. Như bị hút hồn về cuộc cách mạng Pháp và những nhân vật nổi bật của thời đó: Danton Robespierre, ông giáo sư họ Võ sôi nổi hào hứng kể lại những việc làm của Uỷ ban cứu quốc, của Công xã Paris để trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ lợi ích của quần chúng”.
Ông muốn học trò của ông hiểu “tại sao một đội long kỵ binh (kỵ binh cận vệ của nhà vua) lại được bố trí ở vị trí chính xác như thế hay đội cận vệ của Napoléon đã nổ súng đúng lúc như thế nào để giành chiến thắng”. Lớp học im phăng phắc, đám học trò thiếu niên đang ở tuổi hiếu động bị cuốn hút về những câu chuyện kể hết sức hấp dẫn như sống lại đến từng chi tiết võ công hiển hách của Napoléon. Tướng Giáp nói rằng ông giảng giải kỹ về các trận đánh của Napoléon đơn giản vì ông có trách nhiệm phải giảng về cách mạng Pháp. Vì vậy ông phải nghiên cứu kỹ chiến lược và chiến thuật của Napoléon.
Vị tướng tâm huyết với giáo dục
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết khá nhiều bài báo, cả hàng trăm bài; xuyên suốt, nổi bật trong các bài viết như thế là tư tưởng chỉ đạo sát sao mang tầm chiến lược với mục tiêu xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa và chủ trương phát triển toàn diện con người, là tư tưởng chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, cải cách triệt để nội dung và phương pháp giáo dục.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Cần phải tạo ra được một môi trường giáo dục thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội". |
Đại tướng thường tâm sự với các vị lãnh đạo ngành, các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên rằng: “Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài… mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống…”.
Trong nhiều thập kỷ qua, một trong những nhiệm vụ lớn lao có tầm quan trọng chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là đào tạo con người phát triển toàn diện, có tinh thần làm chủ và năng lực làm chủ, có tinh thần yêu nước và lý tưởng XHCN, có trình độ văn hoá và khoa học ngày càng cao. Đại tướng khẳng định: Cần phải coi chiến lược con người, “tất cả cho con người và tất cả vì con người” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ sự khẳng định: “Sự phát triển của con người là liên tục… Con người là một thể thống nhất với sự phát triển liên tục, không thể chia cắt được trong không gian, trong thời gian”, Đại tướng nhấn mạnh: Giáo dục với tư cách là quá trình hướng dẫn sự phát triển con người, cũng phải liên tục. Giáo dục thế hệ trẻ là một quá trình liên tục từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc trưởng thành và là sự nghiệp của toàn xã hội.
Cần phải tạo ra được một môi trường giáo dục thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đảm bảo “giáo dục toàn diện, giáo dục thường xuyên, giáo dục liên tục”, thực hiện được sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, tư tưởng và lối sống XHCN, phổ cập văn hoá, khoa học, kỹ thuật và công nghệ song song với phổ cập nghề nghiệp. Ông chủ trương: cần phải hình thành trong toàn xã hội một phong trào, một nếp sống chăm lo học hành sôi nổi trong cả nước, học ở trường, học ở nhà, học ở xã hội, vừa học vừa làm, theo tinh thần “học tập, học tập nữa, học tập mãi mãi”. Học tập để thành con người mới XHCN, học tập để xây dựng thành công xã hội văn minh và hạnh phúc, học tập để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ông là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng, luôn coi trọng thực tiễn là lý luận, là chân lý, dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào khuyết điểm để chuyển bại thành thắng, rất chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, chuyên gia, các nhà trí thức, khoa học… Ông đã đề xuất nhiều vấn đề đi trước thời gian như có ý kiến rất sớm về kinh tế tri thức, kinh tế biển, khoa học kỹ thuật công nghệ cao, kinh tế trang trại, chiến lược phát triển con người…
Khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, ông ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị và phương thức lãnh đạo củaĐảng cầm quyền nhằm mục tiêudân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chất lượng giáo dục đào tạo là chất lượng toàn diện (chính trị, chuyên môn, sức khoẻ) được xác định trên cơ sở mục tiêu giáo dục đào tạo của từng ngành học, từng loại hình giáo dục, từng cấp học gắn chặt với những mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nước, từng ngành từng địa phương trong từng thời kỳ. Theo ông, để nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường cần phải thực hiện: giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức; giáo dục tri thức văn hoá và khoa học; chú trọng giáo dục lao động sản xuất và công tác hướng nghiệp; giáo dục thể chất và thẩm mỹ.
Ở chuyên ngành nào thuộc phạm vi mình phụ trách, ông cũng đều có những ý kiến xác đáng, thấu tình đạt lý. Với ngành sử học, ông góp rất nhiều chính kiến rất cơ bản. Ông cho rằng môn Sử - Địa giúp ích rất lớn về nâng cao tri thức, lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội. Và ông đặt câu hỏi: “Mình đã nhiều lần đi trao giải cho các học sinh giỏi Toán, Vật lý nhưng sao không thấy có giải của môn Sử - Địa? Cần nghiên cứu vấn đề này kể cả trong cách dạy và học, cùng với nhiều hình thức sinh động khác”.
Ngay cả sau khi nghỉ hưu, tuổi đời rất cao, nhưng khi được hỏi, ông vẫn rất minh mẫn, sắc sảo, sáng suốt đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đảng, Chính phủ và Quân đội.
(Theo Tiến sĩ Sử học Phạm Anh/ Dân trí)
Nguồn: http://vietnamnet.vn