Những hình ảnh về Đồng chí - người cán bô lãnh đạo Đoàn xuất sắc trong giai đoạn cách mạng sôi sục của thời đại Hồ Chí Minh cùng những hoạt động của cựu Bí thư Đoàn Trường là niềm tự hào của mỗi chúng tôi. Tuổi trẻ Nhà trường trân trọng ghi nhớ những cống hiến to lớn của Nhà giáo Phạm Như Thân và nguyện học tập noi gương người cán bộ Đoàn suốt đời tận tuỵ phục vụ Nhân dân, tận trung với Nước. Xin thành kính tưởng nhớ Nhà giáo Phạm Như Thân

Chiều 22/6/2013, được tin từ gia đình, dẫu biết rằng Thầy ốm đã lâu, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng đau buồn bởi sự ra đi mãi mãi của Nhà giáo Phạm Như Thân - nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (thời kỳ 1967 - 1969).

          Đồng chí Phạm Như Thân sinh ngày 24/11/1936 tại xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Người thiếu niên Phạm Như Thân học tại trường Trương Hán Siêu, tham gia vào Đội thiếu niên cứu quốc. Lớn lên Đồng chí đi học tại Trường Trung cấp Sư phạm tại Khu học xá Trung ương, tham gia Đội Thanh niên cứu quốc và làm Bí thư Đoàn của Trường. Gần 20 tuổi, Đồng chí đã trở thành giáo viên Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm - Trung Quốc (từ tháng 6/1956-12/1957) và phụ trách công tác Thiếu nhi của Nhà trường. Tham gia lãnh đạo Nhà trường này có Nhà giáo Trần Văn Nội (sau trở thành Trưởng Bộ môn Triết học, Phó Giáo sư Trường ĐHSP Hà Nội). Cùng học tập và công tác với Nhà giáo trẻ Phạm Như Thân lúc này còn có Nhà giáo trẻ Nguyễn Nghĩa Trọng (sau này trở thành PGS.TSKH.NGƯT, công tác tại Trường ĐHSP Hà Nội).

 

Nhà giáo trẻ Phạm Như Thân hồi ở Trường thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm - TQ, (1956-1957.)

 

Từ tháng 1/1958 - 8/1961, Nhà giáo trẻ Phạm Như Thân trở về nước, là Giáo viên rồi giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện, cán bộ Ty Giáo dục tỉnh Thái Bình. Ngày 7/5/1961, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tinh thần học tập không ngừng, được sự tạo điều kiện của tổ chức, đồng chí tiếp tục học chuyên tu Nga văn rồi sau đó học khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm (từ tháng 9/1961 - 6/1965). Sau khi tốt nghiệp, đồng chí được giữ lại làm cán bộ chuyên trách Đoàn Trường (từ tháng 7/1965). Với năng lực công tác tổ chức và nhiệt huyết cống hiến, các phong trào Đoàn Thanh niên Trường ta thời kỳ này diễn ra hết sức sôi nổi, góp phần thúc đẩy các hoạt động cách mạng của Thanh niên Thủ đô. Đồng chí cũng trực tiếp tham gia chiến đấu tại Hàm Rồng - Thanh Hoá (1966). Năm 1967, đồng chí giữ cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động Trường ĐHSP. Sau đó, Trường ta phải đi sơ tán, tách ra thành ĐHSP I (các khoa xã hội) và ĐHSP II (các khoa tự nhiên). Đồng chí làm Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động ĐHSP I, (đồng chí Nguyễn Ngọc Doãn làm Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động ĐHSP II). Trong thời gian từ 1967 - 1970, đồng chí là Uỷ viên Ban Cán sự Đoàn các trường đại học Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Trường (2 khoá) [theo Lí lịch cá nhân].

 

Bí thư Đoàn thanh niên Trường ĐHSP Phạm Như Thân (năm 1968).

  Tháng 10/1970, đồng chí chuyển công tác, làm việc ở Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, đi học Lý luận cao cấp tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí được tín nhiệm giữ các chức vụ: Phó Chánh Văn phòng, Tổng biên tập Tạp chí Khoa giáo, Chuyên viên cao cấp, Biên tập viên cao cấp - Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 3/2000, đồng chí nghỉ hưu và tham gia các hoạt động tại Ban chuyên môn thuộc Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, là Bí thư chi bộ khu dân cư (Phố Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ cựu Bí thư Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội.   

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và tận tuỵ với công việc phục vụ Nhân dân, đồng chí Phạm Như Thân luôn là tấm gương về đức khiêm nhường, sống nghĩa tình, giản dị, thật thà, thẳng thắn, hết lòng hết sức vì thế hệ trẻ. Nhà giáo - Chuyên viên cao cấp, Biên tập viên cao cấp Phạm Như Thân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp khoa giáo, Huy hiệu vì thế hệ trẻ, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công tác văn hoá - tư tưởng,… và nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và các ngành, các địa phương trao tặng.

Đồng chí Phạm Như Thân rất tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động của Câu lạc bộ Cựu Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày từ ngày đầu thành lập (từ năm 1998).

 Cựu Bí thư Phạm Như Thân trong buổi sinh hoạt  của Câu lạc bộ cựu Bí thư Đàon trường ĐHSP Hà Nội tháng 2 năm 2008 tại Trường Phổ thông Đông Đô - Hà Nội.

Sau cơn tai biến đầu năm 2011, Thầy được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Tiếc thay Thầy không đi lại được nữa. Mọi sự vất vả lo toan chăm sóc Thầy dồn cả lên vai người vợ hiền. Chúng tôi vẫn đến thăm Thầy thường kỳ. Thầy nhìn thấy anh em chúng tôi, tuy cố nói dù không rõ lời, chúng tôi đều cảm nhận sự xúc động của Thầy. Lúc nào ánh mắt Thầy cũng không ngưng lệ. Có lần, Thầy còn bực tức đạp tung tay chân vì không đứng lên được mà vào dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường. Dịp Đoàn trường được đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất, chúng tôi ra thăm, báo cáo Thầy. Thầy vui mừng hét to lên rồi ôm mặt quay vào trong khóc rưng rức. Tình cảm của những người cán bộ Đoàn là một sợi dây vô hình nhưng có sức mạnh và sự cảm hoá to lớn. Thầy đã tiếp cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tâm, nhiệt tình, trách nhiệm với tổ chức, với đồng chí, đồng nghiệp, với công việc chính nghĩa đáng làm mà mỗi chúng tôi đang theo đuổi. Dù không vận động được cơ thể nhưng Thầy luôn tỏ rõ sức sống bền bỉ và sự tỉnh táo đầu óc. Những điều đó để lại trong chúng tôi những bài học sâu sắc.

Tôi còn nhớ, có lần Thầy nói: Khi ai đó mất đi, thường trong những dòng viết của người ở lại, đều nói điều hay mà dân gian gọi là “bốc thơm”. Bây giờ Thầy đi xa rồi, tôi ngồi đây viết những dòng này, với tấm lòng trân trọng và chân thật về một người Thầy, một nhà giáo, một cán bộ của Đảng và người phục vụ của Nhân dân. Những gì được biết về Thầy trong hơn 10 năm nay, những điều chia sẻ trên đây, tôi không hề “bốc thơm” Thầy. Những hình ảnh về Thầy - người cán bô lãnh đạo Đoàn xuất sắc trong giai đoạn cách mạng sôi sục của thời đại Hồ Chí Minh cùng những hoạt động của cựu Bí thư Đoàn Trường là niềm tự hào của mỗi chúng tôi. Tuổi trẻ Nhà trường trân trọng ghi nhớ những cống hiến to lớn của Nhà giáo Phạm Như Thân và nguyện học tập noi gương người cán bộ Đoàn suốt đời tận tuỵ phục vụ Nhân dân, tận trung với Nước. Xin thành kính tưởng nhớ Nhà giáo Phạm Như Thân.

Nguyễn Bá Cường

 

Những hình ảnh về cựu Bí thư Đoàn trường Phạm Như Thân với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Phong trào Ba sẵn sàng được Đoàn trường khởi xướng tháng 4/1964. người sinh viên khoa Văn Phạm Như Thân và sau này trở thành cán bộ chuyên trách Đoàn Trường đã tích cực tham gia dẫn dắt phong trào phát triển. 

 

 

 

Bí thư Đoàn trường Phạm Như Thân báo cáo chuyên đề trong Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Các Mác (tháng 5/1968).

 

 Lễ tuyên thệ tình nguyện lên đường ra mặt trận chiến đấu chống Mỹ, cứu nước.

Cán bộ Đoàn Thanh niên Trường hướng dẫn học sinh tập thể dục ở địa phương nơi Trường sơ tán thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

 

 Nữ cán bộ, sinh viên của Trường chắc tay súng bảo vệ Miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

 

Học sinh, sinh viên tự tập thể dục ở địa phương nơi Trường sơ tán.

 

Cán bộ, đoàn viên sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội thăm mộ Anh hùng Cù Chính Lan (năm học 1966 - 1967)

 

 Nhà giáo Phạm Như Thân (thứ 3 từ trái sang) cùng Bí thư Đoàn Thanh niên Trường các thời kỳ chuẩn bị đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007)

 

 Nhà giáo Phạm Như Thân (ngoài cùng bên trái) và Bí thư Đoàn Thanh niên Trường các thời kỳ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007).

 

Cựu Bí thư Phạm Như Thân - Chủ tịch danh dự Giải thưởng 26/3/2008 và Bí thư Đảng uỷ Trường Trần Văn Ba trao Giải thưởng cho các cán bộ Đoàn.

 

 Các cựu Bí thư dự Lễ Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn - 26/3/2008 (Cựu Bí thư Phạm Như Thân đứng thứ hai từ trái sang).

 Lễ Kỷ niệm 45 năm phong trào Ba sẵn sàng do Đoàn Trường ĐHSP khởi xướng (1964 - 2009)

Các cựu lãnh đạo Đoàn Trường nhận hoa tri ân tại Lễ Kỷ niệm 45 năm phong trào Ba sẵn sàng (9/2009).

 

 Các đại biểu và cán bộ Đoàn, sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại Lễ Kỷ niệm 45 năm phong trào Ba sẵn sàng (9/2009).

 

Gặp mặt truyền thống các thế hệ cán bộ Đoàn trường năm 2010 (cựu Bí thư Phạm Như Thân ngồi đầu tiên bên phải)

 

 Lãnh đạo Đảng uỷ - Ban Giám hiệu Trường ĐHSP Hà Nội tặng hoa tri ân Bí thư Đoàn các thời kỳ tại Trường vào tháng 3/2010 (cựu Bí thư Phạm Như Thân hàng trên ngoài cùng bên trái).

Chụp ảnh lưu niệm tại buổi Gặp mặt các thế hệ cán bộ Đoàn Trường vào tháng 3/2010 (cựu Bí thư Phạm Như Thân thứ hai hàng ngồi từ trái sang). 

Ảnh: Nguồn tư liệu của Đoàn Trường ĐHSPHN