Sáng 03/6/2013, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cái nôi của ngành sư phạm của cả nước - đã vinh dự được đón đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về dự Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 59.

Đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân khoa học năm 2013.

Sáng 03/6/2013, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cái nôi của ngành sư phạm của cả nước - đã vinh dự được đón đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về dự Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 59.


 Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tháng 6/2013. Ảnh: NBC

Trong diễn văn trọng thể tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng, khẳng định: “Trong nhiều năm qua, đồng chí Lê Khả Phiêu đã dành nhiều quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng, với ngành giáo dục của đất nước nói chung. Sự hiện diện của Đồng chí ngày hôm nay là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể cán bộ, viên chức Nhà trường và đặc biệt là đối với các nhà giáo tương lai”.

 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh chụp ảnh lưu niệm với sinh viên xuất sắc và thủ khoa 

Tặng phẩm của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành tặng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa và xuất sắc năm 2013.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh kỷ niệm với đại biểu trong buổi Lễ.

Ngày 31/8/1998, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự được đón Đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về thăm Trường. Đồng chí đã có bài phát biểu trước toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn Trường. Sau 15 năm, những quan điểm chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất của Đảng khi đó về phát triển hệ thống các trường sư phạm, xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trọng điểm và đặc biệt là quan điểm coi trọng nghề thầy giáo vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Những nội dung dưới đây được trích trong Bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.


Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng cây Ngọc Lan lưu niệm tại khuôn viên tiền sảnh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1998. Ảnh tư liệu.

 

 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trò chuyện thân mật với cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhân dịp về thăm Trường năm 1998. Ảnh tư liệu.

 Trước hết, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về vai trò của giáo dục và đào tạo: “Muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững”. Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải đặc biệt chăm lo củng cố hệ thống các trường sư phạm và coi trọng nghề thầy giáo”.

1. Vai trò của người Thầy và của hệ thống các trường sư phạm

Từ quan điểm của Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định:

- Đội ngũ giáo viên là lực lượng cốt cán biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực. Đây là nói tới vai trò của người thầy, vị trí của người thầy trong sự nghiệp “trồng người”, cả xã hội cùng chăm lo sự nghiệp “trồng người”, mà “trồng người” thì thầy giáo giữ vai trò quyết định.

- Xã hội tôn vinh thầy giáo, nhưng tôn vinh chưa đủ mà xã hội phải coi trọng sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng thầy giáo, tạo mọi điều kiện để thầy giáo đảm đương được sự nghiệp vinh quang đó. Phải thực sự chăm lo đội ngũ giáo viên thì mới có được sự chuyển biến chất lượng giáo dục, đáp ứng những yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Coi trọng thầy giáo cũng có nghĩa là coi trọng sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng thầy giáo, coi trọng hệ thống các trường sư phạm. Sự phát triển của đội ngũ giáo viên về số lượng, chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào quy mô và trình độ đào tạo của hệ thống các trường sư phạm. Vì ở nước ta, các trường sư phạm đã và sẽ giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

2. Vai trò của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Trường đại học trọng điểm

- Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là con chim đầu đàn trong hệ thống các trường sư phạm. Trong tình hình mới, Nhà trường cần tiếp tục phát huy vai trò chủ lực của ngành Giáo dục.

- Nêu chủ trương của Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII: “Xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm để vừa đào tạo giáo viên chất lượng cao, vừa nghiên cứu khoa học giáo dục đạt trình độ tiên tiến”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: phải đặc biệt chăm lo củng cố hệ thống trường sư phạm và xây dựng Trường đại học Sư phạm trọng điểm”… Nguồn lực lao động chất lượng cao, hiện đại chủ yếu được đào tạo ở các nhà trường các cấp, vì vậy củng cố hệ thống sư phạm như là “hệ thống máy cái”.

- Đổi mới hệ thống các trường sư phạm, trước hết cần xác định vị trí ngành sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục sư phạm là chăm lo đào tạo người dạy nên nó được xác định là một ngành học bên cạnh ngành học chăm lo giáo dục người học.

- Cần có sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo trực tiếp, thống nhất và chặt chẽ đối với hệ thống sư phạm. … Hệ thống các trường sư phạm là công cụ có hiệu quả nhất của ngành giáo dục - đào tạo để nghiên cứu, thử nghiệm, đề xuất những chủ trương, giải pháp mới liên quan đến giáo dục phổ thông, đến đào tạo và sử dụng giáo viên.

Tóm lại, hệ thống sư phạm phải được tổ chức như một chỉnh thể có cấu trúc - chức năng của ngành giáo dục. Hệ thống đó chỉ được quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng mức, sử dụng hiệu quả khi Nhà nước xem đào tạo giáo viên là một ngành đặc thù, ngành của mọi ngành thông qua việc nó vừa trực tiếp, vừa gián tiếp quyết định chất lượng giáo dục phổ thông - đầu vào cho tất  cả các trường, các ngành đào tạo trong nền kinh tế quốc dân.

- Nhà nước phải có đầu tư, trong đó đầu tư trước hết cho hệ thống các trường sư phạm. Nếu chúng ta không làm tốt cái này, rất khó phát huy được vai trò của giáo dục - sư phạm…

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngành sư phạm ngâng cao chất lượng giáo viên sẽ không thể có hiệu quả cao nếu theo cách quan tâm dàn trải, riêng rẽ từng trường sư phạm. Khi có trường đại học sư phạm trọng điểm, nhà nước tác động vào đó sẽ tác động được cả hệ thống, làm xuất hiện “lực cộng hưởng” của các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của cả nước.

- Để thực hiện được chức năng đó, đại học sư phạm trọng điểm cần được ưu tiên đầu tư mọi mặt và đặc biệt phải có một cơ chế quản lý thích hợp đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, trực tiếp của Bộ Giáo duc và Đào tạo. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu “muốn nhấn mạnh sự quan tâm xây dựng một mô hình quản lý trường đại học sư phạm sao cho nó phát huy cao nhất nội lực sẵn có trên cơ sở ưu tiên đầu tư của Nhà nước… Một trường đại học sư phạm trọng điểm khi nó đã có những tiền đề tiềm năng ban đầu cộng với sự ưu tiên đầu tư mới cao hơn và hoạt động trong một cơ chế tự chủ cao hơn sẽ có một sức mạnh nội lực rất lớn. Cơ chế “khoán 100”, “khoán 10” trong nông nghiệp đã chứng minh sức mạnh vật chất của cơ chế quản lý thích hợp”.

Nguyễn Anh tổng hợp

 ---------------------------------

MỘT SỐ HÌNH ẢNH NGUYÊN TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU VỚI LÃNH ĐẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nghe PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng báo cáo công tác của Trường ĐHSP Hà Nội tại nhà riêng. Ảnh: NBC

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh kỷ niệm với PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội tại nhà riêng. Ảnh: NBC 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng tại Trường ĐHSP Hà Nội, 3 tháng 6 năm 2013. Ảnh: NBC 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (PGS.TS Đặng Xuân Thư - Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng) tại nhà riêng. Ảnh: NBC

PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng kính tặng Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bức ảnh lưu niệm chụp với sinh viên thủ khoa xuất sắc tại Trường ĐHSP Hà Nội năm 2013. Ảnh: NBC 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NBC

 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bên tập sách "Từ bục giảng đến văn đàn" của các thế hệ văn nghệ sĩ là cán bộ, cựu sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NBC.