Sáng ngày 03/6/2013 tại Nhà thi đấu thể thao đa năng Trường ĐHSP Hà Nội đã diễn ra Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân khoa học cho sinh viên khoá 59 (2009 – 2013).

Tới dự buổi Lễ có đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hường, Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH và CĐ thành phố Hà Nội; PGS. TS Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam.

Về phía nhà trường có PGS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng; PGS. TS Đặng Xuân Thư - Bí thư Đảng uỷ, Phó hiệu trưởng; các thầy cô trong Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, các thầy cô trưởng các khoa, phòng, ban trong trường; các thầy giáo, cô giáo, cán bộ viên, các vị phụ huynh và đặc biệt là các em sinh viên K59.

Đến đưa tin về buổi lễ còn có các phóng viên Đài truyền hình Việt Nam, báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, báo Dân trí, báo Giáo dục Thời đại.

Tổng số sinh viên tốt nghiệp khoá 59, khóa 60 (hệ cao đẳng) của ĐHSP Hà Nội là: 1894 em. Trong đó:

- Số sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc: 40 sinh viên, đạt tỷ lệ 2,11%

- Số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi: 444 sinh viên, đạt tỷ lệ 23,44%

- Số sinh viên tốt nghiệp loại khá: 1.185 sinh viên, đạt tỷ lệ  62,57%

- Số sinh viên tốt nghiệp loại trung bình: 225 sinh viên, đạt tỷ lệ 11,89%

Số sinh viên đỗ Thủ khoa gồm 34 em.

1894 tân cử nhân tốt nghiệp năm nay đã góp phần quan trọng làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Trường ĐHSP Hà Nội trong hơn 61 năm xây dựng và phát triển; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cho ngành giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ những tình cảm và suy nghĩ của mình với các em sinh viên K59 nhận tấm bằng tốt nghiệp năm nay, PGS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường đã đặt niềm tin, hy vọng vào thế hệ các thầy cô giáo tương lai trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà.

Thầy Hiệu trưởng cũng lưu ý đến những khó khăn trước mắt trong thực tế mà sinh viên tốt nghiệp sẽ phải trải qua. Qua đó thầy gửi gắm, truyền lửa cho sinh viên: “Trước mắt các em là ngưỡng cửa cuộc đời - Một không gian hiện thực và tươi mới. Ở đó có những hấp dẫn đến mê hoặc, những lạ lẫm đến ngạc nhiên, những quan hệ đan xen đến rối rắm, những thử thách đến khôn lường. Người ta luôn muốn tìm tòi những gì chưa biết, khám phá những gì chưa rõ và dâng hiến những điều tốt đẹp nhất cho đời. Trường đời đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, lòng nhân ái và khát vọng cống hiến. Ở đó, không dành cho những người thiếu ý chí, thiếu bản lĩnh và thiếu nhiệt huyết. Các thầy giáo, cô giáo của Nhà trường luôn có niềm tin vào các em - những sinh viên K59 thân yêu đã dành quãng đời tươi đẹp nhất của mình để học tập, để rèn luyện và trưởng thành dưới mái trường này”.

Nhiều sinh viên đã thể hiện sự cảm động sâu sắc trước những lời căn dặn, chia sẻ tình cảm của thầy Hiệu trưởng:

Cuộc sống thực có những khoảng cách với điều các em mong muốn. Vì vậy, Trong buổi Lễ trọng thể này, có đôi điều thầy muốn chia sẻ cùng các em.

1) Luôn là một người khiêm tốn: Kiến thức nhân loại là vô cùng, sự hiểu biết của chúng ta rất hữu hạn. Vì vậy, hãy luôn biết lắng nghe và thực sự cầu thị để học hỏi. Đây không chỉ là đặc tính của nghề dạy học mà các em còn phải hình thành cho các thế hệ học trò của mình đức tính này.

2) Ứng xử nhân văn: Chia sẻ những hiểu biết của mình với đồng nghiệp, bạn bè; biết cảm thông với người thân, đồng nghiệp và học sinh. Biết đau với nỗi đau đồng loại, biết trân trọng con người, biết vui với niềm vui người khác. Thành công của người khác là niềm vui của chính mình; không đố kị, ganh ghét, nhất là trong chuyên môn. Biết nâng niu và vun đắp những mơ ước hồn nhiên của tuổi học trò, đừng phủ phàng với những tâm hồn non trẻ, biết tha thứ khi học sinh có lỗi lầm, đừng định kiến với học sinh. Đáng sợ nhất trong đội ngũ trí thức là sự đố kị, rồi vô hình chung, ta trở thành kẻ bảo thủ. Dạy cho học sinh “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.” như Bác Hồ đã dạy. Làm nghề dạy học thì càng phải thấm thía điều này.

3) Luôn rèn luyện chuyên môn: Chúng ta không phải là người hoàn chỉnh. Trí tuệ hữu hạn của cá nhân không thể nào thu nhận hết và kịp thời những kiến thức khoa học tăng một cách chóng mặt của nhân loại. Vì vậy, học tập suốt đời là yêu cầu, là kỹ năng các em không được sao nhãng. Do đó, cách tiếp cận của chúng ta với học sinh cũng cần phải thay đổi. Ngoài việc dạy cho học sinh những kiến thức nền tảng, quan trọng hơn chúng ta phải phát triển ở các em năng lực tiếp thu những vấn đề mới và cao hơn là giúp họ năng lực giải quyết vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

4) Có bản lĩnh để vượt qua nhiều khó khăn: Thế giới hiện thực không hoa mỹ như sách vở. Có những cái đẹp hơn ta mơ nhưng cũng không ít các trở ngại lớn. Trong đó, ngay trước mắt, việc làm là một thách thức. Đây là trăn trở và lo lắng đối với các em và gia đình và thầy cô. Vì vậy, có những lúc phải biết chịu đựng để chờ đợi, có những lúc phải chấp nhận nơi khó khăn để có công việc. Thầy vẫn tin rằng, các sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội với chất lượng đào tạo, với trí thông minh và bản lĩnh của mình sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt. Thành công bao giờ cũng trải qua thử thách, vinh quang chỉ dành cho những người dám đương đầu với trở ngại và can đảm vượt qua nó.

5) Yêu công việc mình làm: Mỗi nghề đều có nét đẹp riêng và nghề giáo cũng vậy. Nghề của chúng ta giúp cho con người trí tuệ hơn, sống đẹp hơn, yêu thương nhau hơn, vị tha hơn. Và còn gì đẹp hơn khi mỗi chúng ta yêu thương gia đình mình, yêu thương quê hương đất nước mình hơn. Nghề dạy học có nhiều khó khăn nhưng hơn cả là đáng yêu, đáng quý. Những tâm hồn non trẻ đang chờ đón các em. Vì vậy, thầy tin rằng, các em sẽ ngày càng trân trọng và nâng niu công việc mình làm, yêu quí con người.

6) Khát vọng vươn lên để cống hiến: Chúng ta là con em của một đất nước nghèo. Chúng ta không thể ngồi chờ đợi hay chỉ kêu ca. Khi kinh tế tri thức đã hiện hình và tăng trưởng, người nông dân một nắng hai sương nếu không thay đổi cách canh tác thì làm sao tăng năng suất được; Người công nhân trong các khu công nghiệp thiếu kỹ năng chuyên nghiệp và lành nghề sẽ chật vật với cuộc sống của chính mình. Người nông dân, công nhân là các bậc sinh thành ra các em, là bà con thân thiết của các em, họ hi vọng và trông chờ các em và thế hệ con cháu của họ. Lẽ nào chúng ta lại vô tình trước những mệnh lệnh của cuộc sống này? Khát vọng chân chính của con người phải là khát vọng có gốc rễ từ tình yêu đất nước, tình yêu con người. Thầy hi vọng ở các em và hi vọng ở thành công gieo mầm khát vọng của các em cho thế hệ tương lai”.

Phó Giáo sư Hiệu trưởng cũng dành những lời cảm ơn chân thành tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ, viên chức các phòng ban, thư viện, kí túc xá, bảo vệ, y tế… đã dạy dỗ, dìu dắt, tạo điều kiện cho các em sinh viên có môi trường học tập và sinh hoạt bình yên, sức khỏe, điều kiện học hành tốt.

 

Đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự Lễ bế giảng 

 

PGS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường – trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc 

 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh chụp ảnh lưu niệm với sinh viên xuất sắc và thủ khoa 

 

Nụ cười của các tân cử nhân ĐHSP Hà Nội 

 

Tân cử nhân với Bản tin ĐHSP Hà Nội

 Nụ cười của các tân cử nhân ĐHSP Hà Nội


 Niềm hân hoa của tân cử nhân Phạm Thị Hậu (khoa Quản lý Giáo dục) và mẹ khi nhận tấm bằng xuất sắc

Buổi lễ kết thúc trong không khí phấn khởi thoáng chút ngậm ngùi vì phải chia tay xa mái trường ĐHSP Hà Nội thân yêu đã gắn bó suốt quãng đời sinh viên của các tân cử nhân K59. 

Xin chúc cho các tân cử nhân K59 ĐHSP Hà Nội ra trường luôn mạnh khoẻ và thành công trên chặng đường phía trước!

Phòng Công tác Chính trị