Ngay trong Trường ĐHSP Hà Nội của chúng ta, những tấm gương học theo Bác cũng hiện hữu rất gần, rất cụ thể. Còn nhớ năm 2010, sinh viên Đào Thu Hương - một sinh viên khiếm thị - nhưng với ý chí và tinh thần vươn lên không mệt mỏi, em đã tốt nghiệp khoa Tiếng Anh - ĐHSP Hà Nội với danh hiệu Thủ khoa xuất sắc nhất. Và Hương cũng đã được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết 4 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
|
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chúc mừng Đào Thu Hương tại Hội nghị tổng kết 4 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2010. Ảnh tư liệu phòng Công tác Chính trị. |
Trong số này, Bản tin ĐHSP Hà Nội muốn giới thiệu với bạn đọc câu chuyện kể của bác Phạm Thắng, nguyên cán bộ Phòng Công tác Chính trị của Trường. Bác Phạm Thắng đã tham gia cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt ở chỗ: câu chuyện mà bác Thắng kể không nằm trong danh mục 117 câu chuyện mà Ban tổ chức đưa ra để thí sinh dự thi lựa chọn. Do có thời gian được công tác gần bên Bác Hồ, bác Phạm Thắng đã kể những điều mắt thấy, tai nghe. Và thật tuyệt vời khi những câu chuyện đời thường bình dị ấy đã đưa bác Phạm Thắng vượt qua nhiều vòng thi để vinh dự có mặt và nhận giải trong vòng thi cuối cùng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm câu chuyện dưới đây của bác Phạm Thắng.
Cuộc đời tôi có một niềm hạnh phúc rất lớn đó là cuối năm thập niên 50 của thế kỉ trước, sau khi rời quân ngũ tôi được tuyển làm nhân viên phục vụ tại Phòng Hội nghị Trung ương thuộc khu vực 3 văn phòng: Trung ương Đảng, Chủ tịch phủ và Thủ tướng phủ. Nhờ vậy, tôi được gần, được thấy, được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tấm gương khiêm tốn, giản dị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bác Hồ.
|
Đồng chí Phạm Thắng nhận bằng khen tại Hội thi toàn quốc “Kể chuyện về tấm gương đạo đức HồChí Minh”. Ảnh tác giả cung cấp |
Còn nhớ thời ấy đất nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền. Miền Nam còn phải tiếp tục đấu tranh chống kẻ thù, miền Bắc mới được giải phóng mấy năm, bộn bề khó khăn. Nhân dân miền Bắc thực hiện lời kêu gọi của Hồ chủ tịch: Mỗi người thi đua làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Khi ấy, câu ngạn ngữ ngày xưa “Đói cho sạch, rách cho thơm” được Bác Hồ nói lại với những người phục vụ thành câu ngạn ngữ lúc ấy: “Sống trong sạch, rách vá lành”, Bác nói vui: “Rách muốn vá lành cũng phải học khôn”, bởi vì khéo vá vai, tài vá nách. Câu chuyện tôi kể hôm nay là từ một buổi sinh hoạt Đảng. Tôi còn nhớ rất rõ, chi bộ Đảng bộ phận phục vụ thuộc Văn phòng Trung ương hồi đó do đồng chí Tô Công làm bí thư, trong chi bộ có nữ đồng chí Nguyễn Thị Toán - một phụ nữ nông thôn hiền lành, chất phác, đôn hậu. Chồng là liệt sĩ hi sinh ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chị ở vậy nuôi đứa con nhỏ 4 tuổi. Trong một lần sinh hoạt chi bộ, nữ đồng chí Toán thủ thỉ báo cáo như một lời tâm sự, chị nói:
“Tôi thật thà báo cáo với chi bộ và xin được hỏi các đồng chí, trong chúng ta có ai phải mặc quần xuống gấu, mặc áo vá không. Vậy mà… Tháng trước đồng chí Vũ Kì bảo tôi vá lại một nốt rách ở vai chiếc vỏ áo bông vải xanh chéo Trung Quốc. Tuần vừa rồi đồng chí lại đưa tôi chiếc quần kaki và bảo tôi xuống gấu, còn chiếc áo kaki thì đã cạp lại gấu từ trước rồi. Tôi đinh ninh rằng chiếc vỏ áo bông kia, bộ quần áo kaki đó là Bác Hồ đã mặc từ hồi kháng chiến chống Pháp”. Nói đến đây giọng đồng chí Toán lạc đi và bật lên một câu hỏi: “Các đồng chí ơi tại sao Bác Hồ không có được một bộ quần áo lành để mặc”. Rồi giọng chị thổn thức gọi: “Bác ơi, vì sao Bác phải khổ thế” và òa lên khóc. Tiếng khóc của chị Toán trong cuộc sinh hoạt Đảng khiến cả chi bộ bàng hoàng lặng đi.
Tại lễ kỷ niệm 118 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (18.5.2008), sau khi kể lại câu chuyện vềtấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổng bí thư Nông Đức Mạnh xúc động ôm hôn đồng chí Phạm Thắng. Ảnh tác giả bài viết cung cấp |
Ngừng giây lát, đồng chí Tô Công nói: “Đồng chí Toán đừng khóc nữa. Một bộ quần áo chứ một trăm bộ quần áo hay hơn thế nữa thì dù đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn thiếu thốn đến đâu vẫn có thể cung cấp cho Bác. Thế nhưng Bác đã từ chối tất cả sự ưu tiên, ưu đãi của nhà nước và của nhân dân, Bác tiết kiệm là vì dân vì nước”. Tôi còn nhớ có lần đồng chí Tô, tức thủ tướng Phạm Văn Đồng, đề nghị Bác cho thay chiếc vỏ áo bông, Bác cười thân mật, vỗ vai đồng chí Tô và nói: “Đất nước còn tạm bị chia cắt làm 2 miền, đồng bào còn đang rất kham khổ khó khăn. Lúc này mà Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước mặc áo vá là hạnh phúc của dân, là hồng phúc của một đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn mà lại phải chống một kẻ thù vô cùng độc ác, nham hiểm, rất giàu có”.
Cuộc họp chi bộ hôm đó tiếng khóc nức nở của nữ đồng chí đảng viên Nguyễn Thị Toán cứ đeo bám tôi suốt 50 năm hoạt động và công tác sau đó. Để cho đến hôm nay tôi đã bước sang tuổi 80 mà vẫn cứ day dứt một điều: “Phải sống sao cho trong sạch” và “rách thì phải biết học khôn để vá lành”. Tôi hiểu rất rõ, không phải vá lành là chỉ vá lành quần áo, mà ý của Bác Hồ muốn nói với chúng tôi rằng phải biết tu dưỡng rèn luyện để vá lại những khiếm khuyết về tư cách đạo đức sao cho xứng đáng là một con người hoàn thiện.
Tôi vẫn còn nhớ vào ngày 10/5/1990, tuần cao điểm của tháng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, thầy trò Trường ĐHSP chúng tôi, khi ấy tôi đã chuyển về ĐHSP Hà Nội được một số năm, chúng tôi được vào thăm ngôi nhà sàn của Bác Hồ và được quây quần nghe đồng chí Vũ Kì kể chuyện. Chuyện rằng năm 1964 Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng Bác Hồ một chiếc quạt máy nhãn hiệu Đông Phong, sản phẩm mới của ngành công nghiệp nhẹ Thượng Hải - Trung Quốc. Bác cho gọi mấy đồng chí phục vụ lên nhà sàn rồi bảo bật quạt. Thế rồi bác cháu cùng nhau ngồi thưởng thức làn gió mát từ quạt Đông Phong thổi ra và bác cháu cùng nhau bình luận, nhận xét về kiểu dáng, tính năng và chất lượng của quạt. Được độ dăm phút Bác nói thôi tắt đi, cất vào góc phòng, ở trên này thoáng mát rồi, nếu cần thì dùng quạt giấy cũng đủ, dùng quạt máy làm gì cho tốn điện. Bà con nông dân còn đang hết sức vất vả đêm hôm tát nước chống hạn chống úng, công nhân trong các nhà máy thì đang thiếu điện sản xuất, bác cháu mình phải tiết kiệm điện để dành năng lượng cho sản xuất.
Tôi cũng còn nhớ vào năm 1975, báo chí thời ấy đã đăng tải một câu chuyện: Sau khi vào thăm ngôi nhà sàn của Bác Hồ, được tận mắt chứng kiến những đồ dùng đơn sơ của Bác, trong đó có chiếc quạt giấy nhiều chỗ can vá và chiếc quạt bằng lá cọ đặt trên đầu giường của Người, nhà văn lớn châu Mỹ La tinh người Cu Ba Felix Rôdiget đã hết sức xúc động nói: “Phải chăng đây là sự khiêm nhường, khiêm tốn, giản dị ư. Không, những từ ấy không trúng với cảm nghĩ của chúng ta và cũng không thật trúng với những điều chúng ta định nói. Đây thực sự là đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của một con người kiệt xuất, có sức mạnh cảm hóa thế giới. Người chỉ dùng cho mình thứ gì thật cần thiết, chứ không phải cho mình tất cả mọi thứ cần thiết.”
|
Bác Hồ trong một lần về thăm Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh tư liệu phòng Công tác Chính trị |
Ngày 25/8/2007, tôi nhớ là vào thứ 7, trên báo An ninh thế giới số 683, nhân dịp kỉ niệm 38 năm Bác Hồ đi xa có đăng tải một bài viết nhan đề: “Nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của giáo sư Trần Văn Giầu - một bậc lão thành cách mạng, nhà lý luận uyên thâm nổi tiếng. Bài ấy có đoạn kết như sau:
“Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở cuộc sống khiêm tốn, giản dị. Cả Việt Nam và thế giới đều biết rất rõ bộ quần áo kaki sờn, đôi dép cao su mòn và ngôi nhà sàn đơn sơ của cụ. Cụ đã sống như những gì cụ từng dạy cán bộ. Đạo đức sống khiêm tốn giản dị, tiết kiệm của cụ còn để lại trong di chúc: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình làm tốn kém thì giờ, tiền bạc của nhân dân”. Thật hiếm thay một con người công lao đạt tới tột đỉnh vinh quang mà vẫn giữ được cuộc sống khiêm tốn, giản dị như thủa hàn vi còn hoạt động giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù. Tấm gương sáng chói ấy không một hạt bụi nào có thể bám vào được.”
Tôi là một cựu chiến binh, là cựu giáo chức ĐHSP Hà Nội, tuổi cũng gọi là cao, sức thì yếu mất rồi, không còn hoạt động năng nổ được như xưa nữa. Tôi tự nhủ phải sống sao cho trong sạch, phải làm gương cho con cháu mình, để rách mà biết học khôn vá lành. Vợ chồng tôi và tất cả các con tôi đều đã là đảng viên, đều đã tốt nghiệp đại học, có 3 người là Thạc sĩ - Đó là công ơn của cách mạng do Đảng lãnh đạo mang lại cho gia đình tôi. Chúng tôi thường nhắc nhở nhau: Phải luôn luôn nhớ để học và làm theo 4 chữ THẬT mà Bác Hồ thường căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi Đảng viên cán bộ phải thật thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đày tớ và là người lãnh đạo thật trung thành của nhân dân”.
Tháng 4 năm 2013
Phạm Thắng