LTS - Uyn-phơ-ret Bơ-xet (1911-1983) - nhà báo Ô-xtrây-li-a nổi tiếng và là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, ông đã tới nhiều điểm nóng trên thế giới. Tháng 3-1954, tại chiến khu Việt Bắc, lần đầu tiên ông được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó, ấn tượng sâu sắc sau nhiều lần gặp gỡ Người đã thôi thúc ông viết tiểu luận Ho Chi Minh an appreciation (tạm dịch: Giá trị Hồ Chí Minh) và năm 1972 đã được Quỹ Wilfred Burchett và báo The Guardian xuất bản thành sách. Nhân kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân xin giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn từ tiểu luận này (đầu đề là của tòa soạn).
"... Thực tế là người nông dân Việt Nam rất đỗi nhỏ bé, thậm chí mù chữ, nhưng nếu xét về văn hóa và đạo đức thì họ lại tỏ ra ưu việt hơn so với đối thủ của họ là người Mỹ. Hồ Chí Minh thấu hiểu truyền thống và lịch sử của đất nước mình không chỉ qua chiều dài mấy ngàn năm, mà theo đúng nghĩa đen là ông đã hấp thụ nó qua nguồn sữa mẹ. Ngay từ những năm đầu đời, bao quanh ông là di sản lịch sử của tổ tiên, thấm sâu vào tâm hồn ông tự lúc nào. Ðó có thể là điệu hát ru, là câu chuyện cổ tích hoặc những cảnh trí trên sân khấu của một gánh hát lưu động diễn lại lịch sử hai ngàn năm chống giặc ngoại xâm đậm chất anh hùng. Ðó cũng có thể là sự tò mò về nguồn gốc của vị thành hoàng làng - thường là một anh hùng trong truyền thuyết. Ðó còn là những câu chuyện mà người trong gia đình thường kể cho nhau nghe về chiến công dũng cảm của tổ tiên trong bảo vệ Tổ quốc, về những đau khổ bất công dưới sự áp bức của nước ngoài và lời kêu gọi đòi trả thù. Tri thức về hai nghìn năm đấu tranh chống kẻ xâm lược đã in sâu trong dòng máu của những người nông dân nhỏ bé, chân lấm tay bùn. Chỉ riêng điều này đã là nguồn lực vô tận cho lòng dũng cảm, sức chịu đựng, niềm tin vào tương lai và coi thường những kẻ cố gắng phá hoại những giá trị hiện tại, điều mà các chuyên gia "cố vấn" ("cố vấn" Hoa Kỳ tại miền nam Việt Nam ở thời điểm tác giả viết bài - ND) không thể hiểu được. Hồ Chí Minh là hình ảnh thu nhỏ của tất cả những điều này. Dường như có một cái gì đó của mỗi người Việt Nam trong Hồ Chí Minh, cũng như có một cái gì đó của Hồ Chí Minh trong đại đa số những người Việt Nam hôm nay. Dấu ấn của ông đối với dân tộc Việt Nam mới mạnh mẽ làm sao!
Cuộc gặp gỡ đầu tiên đáng nhớ của tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu tháng 3-1954. Người ta thông báo rằng một hội nghị sẽ được tổ chức tại Giơ-ne-vơ để thảo luận về việc chuyển đổi thỏa thuận ngừng bắn Triều Tiên thành một giải pháp hòa bình lâu dài. Ðúng lúc đó, một ý tưởng muộn màng dường như xuất hiện đồng thời, câu hỏi về ngừng bắn ở Ðông Dương dấy lên. Tôi biết khá rõ về vấn đề Triều Tiên, nhưng lại chẳng biết gì về chiến tranh Ðông Dương. Trước khi đến Giơ-ne-vơ, tôi quyết định đến Việt Nam để tìm hiểu về tình hình thực tế. (Trong hai năm rưỡi trước đó tôi đã ở Kaesong-Panmunjom tường thuật các cuộc đàm phán ngừng bắn của Triều Tiên và các vấn đề liên quan, tôi không được thông tin đầy đủ về những gì đang diễn ra trong thế giới bên ngoài). Thông qua Ðại sứ quán Việt Nam DCCH tại Bắc Kinh, tôi có thị thực và cùng với nhà báo người I-ta-li-a là Phran-cô Ca-la-man-drây của L’Unita, chúng tôi bắt đầu chuyến đi bằng tàu hỏa kéo dài năm ngày đến biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Từ đó, chúng tôi đi tiếp bằng xe tải vào ban đêm và bằng ngựa vào ban ngày, tới một sở chỉ huy trong rừng rậm của Việt Minh.
Trong chuyến hành trình của tôi đến Việt Bắc, đài phát thanh phát rất nhiều tin tức về một địa danh gọi là Ðiện Biên Phủ. Các bản tin phát thanh phương Tây cho biết, người Pháp đã xây dựng một căn cứ lớn ở đó và đã bắt đầu các hoạt động tiến công "để quét sạch Việt Minh" khỏi toàn bộ vùng Tây Bắc Việt Nam và bao vây họ trong một chiến dịch gọng kìm lớn kéo dài từ Ðiện Biên Phủ đến đồng bằng sông Hồng. Và đây là nơi mà chiếc mũ đi vào câu chuyện. Vì chiếc mũ đó là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và người ngồi cạnh chiếc mũ chính là vị Chủ tịch.
Sự quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết mà tôi thấy sau đó chính là đặc trưng của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi chúng tôi đến, ông đã cho gặp ngay để bảo đảm chúng tôi còn sống sót sau cuộc hành trình gian nan và vẫn có sức khỏe tốt. Thật khó tin, chỉ sau mấy giờ đồng hồ từ khi đặt chân đến đây, chúng tôi đã được ngồi đối diện với nhà lãnh đạo cách mạng huyền thoại. Nhưng ông ấy ở đó, với khuôn mặt nhân hậu không thể nhầm lẫn được, đôi mắt sâu mầu nâu lấp lánh, chòm râu thưa, đó đúng là khuôn mặt mà chúng tôi đã biết qua các tấm ảnh và chân dung trong các năm qua. Ông đột nhiên bước ra khỏi bóng tối của rừng già mà không báo trước, trên vai vắt một chiếc áo khoác, bước đi nhanh nhẹn với một cây gậy tre dài, chiếc mũ nhô cao trên vầng trán rộng. Ông làm cho chúng tôi thấy hoàn toàn thoải mái khi trao đổi bằng tiếng Pháp và tiếng Anh trôi chảy, ông còn giới thiệu đôi lời bằng tiếng I-ta-li-a với người đồng nghiệp của tôi.
Chúng tôi hỏi Hồ Chủ tịch tại sao đài phát thanh lại đưa tin về Ðiện Biên Phủ ầm ĩ như thế, ở đó thật sự đang xảy ra điều gì? "Ðây là Ðiện Biên Phủ", ông nói và lật ngửa chiếc mũ của mình trên mặt bàn. "Ðây là những rặng núi", ông lướt những ngón tay thon dài, khỏe khoắn theo rìa chiếc mũ. "Và đó là nơi chúng tôi đang có mặt. Còn dưới này", ông dằn mạnh nắm tay xuống đáy mũ, "là thung lũng Ðiện Biên Phủ. Người Pháp đang ở đó. Họ sẽ không thể ra khỏi đó. Việc này có thể mất nhiều thời gian, nhưng họ sẽ không thể ra khỏi đó", ông nhắc lại "đó là trận chiến Ðiện Biên Phủ trong một chiếc mũ". Sau này chúng tôi được biết hôm trước, ngày 13-3-1954, tướng Giáp đã tung ra cú đánh đầu tiên ở Ðiện Biên Phủ và trong bốn ngày đã thâu tóm được ba vị trí trọng yếu bảo vệ các con đường vào cứ điểm Ðiện Biên Phủ từ phía bắc.
Ấn tượng đầu tiên của tôi như tôi đã viết trong cùng một cuốn sách, là tất cả đều vô cùng thân mật, ấm cúng, giản dị. Hồ Chí Minh có khả năng làm cho người khác cảm thấy thoải mái ngay từ giây phút đầu tiên và trả lời những câu hỏi phức tạp nhất chỉ bằng một vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ sau đó với nhân cách vĩ đại này, sự cởi mở, giản dị và diễn đạt rõ ràng của ông đi kèm với trí thông minh đặc biệt và khả năng nắm bắt đầy đủ đối tượng đã tạo nên ấn tượng sâu sắc. Bất cứ ai tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều có chung nhận xét về những đặc điểm này, và trên hết là cảm giác như đang được "ở nhà" với ông ùa đến tức thì...
Khả năng làm đơn giản các tình huống phức tạp bằng hình ảnh dễ hiểu, sinh động như dùng cái mũ để minh họa là điển hình trong phong cách giản dị của ông. Mười một năm sau, tôi hỏi ông nghĩ gì về khả năng người Mỹ xâm lược miền bắc. Ðó là giai đoạn mà Mỹ tiếp tục xây dựng lực lượng ở miền nam, báo chí đã nói về kế hoạch mở rộng xâm lược ra miền bắc. "Tất nhiên chúng tôi cân nhắc rất kỹ điều này", ông trả lời, "nhưng nó làm tôi nhớ tới một con cáo bị mắc một chân trong bẫy. Nó bắt đầu giãy giụa tìm cách thoát ra, nhưng đáng thương thay, cái chân còn lại mắc nốt vào một cái bẫy khác. Ðó là những gì sẽ xảy ra nếu người Mỹ xâm lược miền bắc".
Ngược lại với các "thầy tu" cao siêu của khoa học chính trị Mỹ, những người ngày càng thích thú diễn đạt các ý tưởng bằng thứ ngôn ngữ máy móc vô nhân đạo và công thức kiểu toán học thay vì hình ảnh con người, thích trầm trọng hóa vấn đề bằng ngôn ngữ mà quảng đại công chúng cảm thấy vô cùng khó hiểu; thì khoa học chính trị đầy sức thuyết phục của Hồ Chí Minh được thể hiện trong ngôn ngữ đơn giản và sinh động, những hình ảnh mộc mạc mà người nông dân hoặc công nhân bình thường nhất cũng có thể hiểu được. Khi chuẩn bị các bài báo hoặc các văn bản tuyên cáo, thậm chí cả những văn bản chính sách quan trọng, Hồ Chí Minh thường cho nông dân đọc thử, điều chỉnh từ ngữ cho đến khi chắc chắn rằng toàn bộ văn bản là dễ hiểu đối với quảng đại quần chúng. (Hen-ri Kit-xinh-gơ, Cố vấn của Tổng thống Ni-xơn hẳn sẽ thấy ngôn ngữ của mình được cải thiện nếu ông làm điều tương tự!). Người ta thậm chí có thể nghi ngờ các nhà khoa học chính trị, những người đã bán tài năng của mình cho giới quyền uy, phát minh ra công thức ngôn ngữ chỉ dễ hiểu đối với nhóm những người thuê mướn họ trong khi những người dân thường chắc chắn không thể hiểu nổi. Giống như ngôn ngữ của nhà thờ thời trung cổ, nó phải được cách ly khỏi công chúng. Còn Hồ Chí Minh lại khai mở niềm tin từ quần chúng. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn luôn khẳng định quần chúng, chứ không phải các nhà lãnh đạo, mới là người làm nên lịch sử. Do đó ngôn ngữ của ông, phong cách làm việc và phong cách sống của ông luôn hướng tới làm sao giữ mối liên hệ gần gũi nhất với quần chúng để biết khát vọng sâu xa của quần chúng và đề ra chính sách phù hợp.
... Một vấn đề mà Tổng thống Ni-xơn và những người tiền nhiệm của ông ta không nhận thấy nhưng chắc chắn nhân dân Việt Nam thì khác, đó là Hồ Chí Minh thuộc về toàn thể dân tộc Việt Nam. Không có ranh giới tùy tiện nào dọc theo vĩ tuyến 17 có thể chia ly người dân miền nam với Hồ Chí Minh vì Thủ đô của họ ở phía bắc của ranh giới. Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo được chấp nhận và là nguồn cảm hứng cho toàn thể dân tộc Việt Nam, ngoại trừ số ít người lần lượt phục vụ các quan thầy Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Phong cách làm việc và chiến đấu của ông là phong cách dành cho người Việt Nam ở miền nam cũng như ở miền bắc...".
Khiêm tốn và giản dị là một trong những đức tính đặc sắc nhất của đạo đức Hồ Chí Minh. Trong cuốn sách "Vĩ đại một con người" (H), Giáo sư Trần Văn Giàu viết:
"Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ Hồ rất sôi nổi, long trời, lở đất đến như vậy, tiếng thơm lan tỏa khắp năm châu bốn bể, trong Ðảng và Chính phủ (nhà nước và đoàn thể) Việt Nam. Cụ Hồ là người lãnh đạo tối cao được kính mến như vậy, nhưng đời sống của Cụ rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tính khiêm tốn, giản dị của Cụ được ca tụng hết lời, cũng như đức quên mình vì mọi người".
Giáo sư Giàu nêu lên nhiều chứng dẫn.
Chủ tịch Thượng nghị viện Chi-lê Xan-va-đo A-giên-đê, sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tháng 5-1969, nhận xét: "Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại lại kết tinh ở một con người như Hồ Chí Minh".
Ông M. Kha-li của Cộng hòa A-rập thống nhất khẳng định: "Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống giản dị, khiêm tốn".
Giáo sư viết tiếp: "Cả Việt Nam, toàn thế giới đều biết đến bộ quần áo ka-ki sờn, đôi dép cao-su mòn, ngôi nhà gỗ đơn sơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Quả thật, từ cuộc sống thường ngày của Bác, ta có thể nêu lên hàng trăm hàng nghìn dẫn chứng về đức khiêm tốn và giản dị của Người.
Năm 1948, từ chiến khu Việt Bắc, giữa lúc phong trào thi đua xây dựng đời sống mới đang lên, Bác Hồ gửi thư chúc thọ cụ Phùng Lục, phụ lão cứu quốc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Ðông. Thư viết:
"... Những vị thượng thọ như Cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà.
Trong ngày chúc thọ, cụ lại miễn sự tế lễ linh đình, mà đem số tiền 500 đồng quyên vào quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái tấm gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo.
Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe...".
Vị Chủ tịch nước 58 tuổi gửi thư cho một bậc thượng thọ, tự xưng mình là cháu, quả là việc xưa nay hiếm, có một không hai.
Cũng tại chiến khu Việt Bắc, năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch biên giới. Anh em cảnh vệ kiếm được một con ngựa, mời Bác cưỡi. Bác nói: "Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện".
Anh em khẩn khoản mãi, không nỡ từ chối, Bác trả lời:
- Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba-lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân. Càng gần trưa, nắng càng gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng, ai cũng băn khoăn. Ðồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che cho Bác, Bác quay lại hỏi:
- Thế chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi. Bác có phải là vua đâu.
Có lẽ những mẩu chuyện cụ thể như thế này thì nhiều lắm, kể ngày này qua ngày khác cũng không hết được.
Về bộ quần áo ka-ki, đôi dép cao-su và ngôi nhà gỗ của Bác Hồ, sẽ không có gì đáng nói nếu đó chỉ là những vật dụng thông thường, nếu đằng sau những thứ ấy không phải là một nếp sống thanh cao, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn.
Bộ quần áo ka-ki
Bộ quần áo ka-ki gắn liền với cuộc đời của Bác ngay từ những ngày đầu nước nhà giành được độc lập, trải qua hai cuộc kháng chiến cho đến khi Bác qua đời. Báo Pháp Ðây Paris, số ra ngày 18-6-1946, đã viết:
"Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi". Quanh năm ông chỉ mặc một bộ quần áo ka-ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị của ông ngày nay, nhiều khi cần phải ăn mặc cho trang trọng, thì ông mỉm cười trả lời: "Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào đang mình trần rét run trong thành phố và các vùng quê".
Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Hai mươi lăm năm sau, năm 1971, sau khi Bác Hồ đã mất, một người Mỹ - nhà báo, nhà văn Ðây-vít Hăm-bớc-xtơn, trong cuốn sách "Hồ" của mình, do nhà xuất bản Răng-đôm Hao-xơ ở Niu-oóc ấn hành, đã viết:
"... Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găng-đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất cứ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn mặc quần áo đơn giản nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất - một phong cách mà phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông".
Ðôi dép cao-su
Ðôi dép cao-su của Bác "ra đời" vào năm 1947, được "chế tạo" từ một chiếc lốp ô-tô quân sự của địch bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc.
Trên đường công tác, Bác nói vui với anh em cán bộ đi cùng: Ðây là đôi hài vạn dặm trong chuyện cổ tích ngày xưa...
Mười một năm sau, đôi dép cao-su ấy vẫn được Bác sử dụng trong chuyến thăm Ấn Ðộ vào tháng 2-1958.
Chuyện kể lại: Khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng, anh em cảnh vệ lập mẹo, giấu dép đi, để sẵn một đôi giày mới. Bác phát hiện và ôn tồn nói:
- Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn. Nhân dân ta còn khó khăn. Bác đi dép cao-su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự.
Ðiều ít ai nghĩ tới là suốt thời gian ở Ấn Ðộ, các chính khách, nhà báo, quay phim, chụp ảnh lại rất chú ý đến đôi dép của Bác. Nói đúng hơn là họ quan tâm đến phong cách giản dị của một con người vĩ đại.
Bác Hồ đã được các nhà lãnh đạo và đông đảo các tầng lớp nhân dân, nơi Bác đến thăm, dành cho sự yêu mến và kính trọng đặc biệt. Bác Hồ từ chối không ngồi chiếc ghế vàng dành để đón tiếp Người, mà ngồi cùng ghế như những người bình thường. Bác đến tận nơi bắt tay người lái tàu còn đầy than bụi.
Tại cuộc đồng diễn của hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Ðộ chào mừng Bác Hồ, các em rầm rộ hô vang: "Cha, cha Hồ" (Bác Hồ). Thủ tướng Nê-ru ngồi cạnh Bác sung sướng nói vui:
- Ngài là "đối thủ" đáng yêu của tôi, vì được các em gọi là Bác.
Ở Ấn Ðộ, các em thiếu nhi chỉ gọi Nê-ru là Bác và Bác Hồ là người thứ hai được các em gọi là Bác.
Tờ báo Tri-nu-ne Am-ba-la xuất bản tại Niu Ðê-li, ngày 8-2-1958, viết:
"Thật là một đặc ân cho nhân dân Ấn Ðộ được vinh dự chào mừng tiến sĩ Hồ Chí Minh. Với sự giản dị và chân tình của mình, tiến sĩ Hồ Chí Minh đã khiến mọi người yêu mến ở bất cứ nơi nào ông đến".
Thủ tướng Nê-ru nói: "Chúng ta được tiếp xúc với một người. Người đó là một phần của lịch sử châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ mà còn được tăng thêm cả về tầm vóc. Ðược gặp Người ấy là một người từng trải, khiến chúng ta trở nên tốt hơn".
Ngôi nhà nhỏ
Trong tạp chí "Những vấn đề Viễn Ðông" số 4 năm 1990, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây) Ni-ka-lai Phê-đê-ren-cô, kể lại khá tỉ mỉ chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ðoàn Xô-viết tối cao Liên Xô Vô-rô-si-lôp vào năm 1957. Viện sĩ đặc biệt nói đến cuộc thăm "xã giao" của Chủ tịch Vô-rô-si-lôp tại nhà riêng của Bác Hồ ngay trong khuôn viên Phủ Chủ tịch (căn nhà trước đây người thợ điện trong Phủ Toàn quyền ở). Tiếp khách Bác Hồ nói:
- Ðồng chí Vô-rô-si-lôp thân mến ạ. Tôi thật băn khoăn khi thấy đồng chí phải tới thăm ngôi nhà nghèo nàn của tôi. Ðồng chí thấy đấy, tôi thích giản dị. Cái buồng nhỏ này là nơi tôi đọc sách. Còn bên kia là buồng ngủ. Nhà chỉ vừa đủ cho một người nên cũng chẳng có chỗ để mời đồng chí ngồi. Hay là mời đồng chí ngồi ngay trên chiếc chiếu này. Không phải là tôi không có ghế dài, nhưng bày ra nó chiếm chỗ.
Buồng đọc sách chỉ có một chiếc bàn giấy và một chiếc ghế tựa. Còn buồng ngủ có một chiếc giường trải chiếu.
Hồ Chí Minh nói khẽ:
- Xin lỗi vì đồ đạc quá ít, nhưng tôi lại thích như vậy.
Chúng tôi không ở lại lâu trong nhà của Chủ tịch. Rời khỏi nhà, Vô-rô-si-lôp nói với tôi:
- Tôi không thể tưởng tượng được rằng một vị Chủ tịch nước, một nhà lãnh đạo nổi tiếng lại chỉ ở một cái nhà xoàng xĩnh như vậy. Hay là có chuyện đùa gì đây?
Tôi đáp:
- Tôi không tin rằng Hồ Chí Minh muốn đùa. Nhà của đồng chí đó thật. Vì vậy đồng chí đó mới không muốn có cuộc viếng thăm của chúng ta.
- Nếu thật quả như vậy thì chúng ta phải suy nghĩ về những lâu đài, biệt thự của chúng ta tại Mát-xcơ-va. Và Vô-rô-si-lôp buồn rầu nói thêm: Bây giờ thì tôi nhìn thẳng mặt đồng chí Hồ Chí Minh làm sao đây? Và tôi sẽ nói làm sao đây với các đồng chí của tôi...
Tôi đã từng qua nhiều thành phố lớn trên trái đất. Thành phố Mê-hi-cô, Tô-ki-ô, Niu-oóc, Thượng Hải. Nhưng cuộc đi thăm ngôi nhà nhỏ của Hồ Chí Minh có lẽ là một kỷ niệm đã khắc sâu trong tâm trí tôi nhiều hơn tất cả.
---------------------------------------
Tháng 5-2013
(*) NXB Chính trị quốc gia, 2008.
HỒ CHÍ MINH, vị lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam rất coi trọng vị trí của trí thức trong lịch sử dân tộc. Từ khá sớm, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản năm 1923, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã kích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ" (1). Mùa xuân năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời.
Ðộc lập tự do là tư tưởng cốt lõi, lực lượng cách mạng không chỉ bao gồm công nhân, nông dân mà còn phải có tiểu tư sản, trí thức... - những điều đó được khẳng định trong Cương lĩnh đầu tiên của Ðảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Ðến phong trào cách mạng "Ðánh Pháp đuổi Nhật" giành độc lập tự do những năm 1941 - 1945, nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân được mặt trận dân tộc rộng rãi Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo tổ chức toàn dân đồng tâm tiến hành. Hội Văn hóa cứu quốc, thành viên của Việt Minh, ra đời năm 1943 đã tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ, trí thức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội Văn hóa cứu quốc cuốn hút ngày càng rộng rãi học sinh, sinh viên, trí thức tư sản trong các thành phố hướng theo phong trào Việt Minh. Với sự giúp đỡ của Việt Minh, Ðảng Dân chủ Việt Nam tập hợp nhiều trí thức yêu nước được thành lập ngày 30-6-1944, tự nguyện tham gia Mặt trận Việt Minh.
Giữa tháng 8-1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện. Cuộc tổng khởi nghĩa dân tộc đã diễn ra thắng lợi trong toàn quốc. Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, đã tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số Ủy viên Việt Minh đã tự nguyện rút ra để mời thêm một số nhân sĩ, trí thức tham gia để cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề của quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ... và nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên cộng sản như: Dương Ðức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Vũ Ðình Hòe, Ðào Trọng Kim...
Những năm đầu tiên của chính quyền cách mạng, vận mệnh độc lập tự do của dân tộc vừa mới giành lại được đã đứng trước nguy cơ mất còn. Lịch sử đặt ra những thách thức lớn với trí tuệ, bản lĩnh của Ðảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là phải lãnh đạo và tổ chức toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập. Với tầm nhìn chiến lược về nhiệm vụ kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo công việc kiến thiết ngay sau khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều" (2).
Theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ, sau khi hỏi ý kiến của các nhà trí thức, thân sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (gồm 50 thành viên là các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, các bộ trưởng và thứ trưởng) để nghiên cứu một kế hoạch kiến thiết quốc gia và dự thảo những đề án kiến thiết đệ trình lên Chính phủ. Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đã góp phần động viên và tạo cơ sở pháp lý để các trí thức, nhân sĩ yêu nước phát huy tài năng của mình vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Các nhân sĩ trí thức, hiền tài của dân tộc, đã hưởng ứng lời tìm mời trân trọng người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, nhất là về chính trị. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã được Quốc hội khóa 1 bổ nhiệm vào Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ. Nhà trí thức nổi danh Nguyễn Văn Tố được Quốc hội bầu giữ cương vị Trưởng ban Thường trực và các Ủy viên chính thức là Bùi Bằng Ðoàn, Hoàng Văn Ðức, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Minh Giám, Dương Ðức Hiền... Huỳnh Thúc Kháng: Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ðặng Thai Mai: Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Vũ Ðình Hòe: Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trần Ðăng Khoa: Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính...
Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhiều nhà trí thức đã được Chính phủ cử tham gia các đoàn đàm phán... Tại Hội nghị đàm phán chính thức Việt- Pháp ở Phông-ten-nơ-blô tháng 7-1946, đoàn Việt Nam có Phạm Văn Ðồng là trưởng đoàn và các đoàn viên gồm: Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Ðặng Phúc Thông, Vũ Văn Hiền, Dương Bạch Mai, Huỳnh Thiện Lộc, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Tạ Quang Bửu, Bửu Hội, Nguyễn Mạnh Gia, Phạm Khắc Hòe, Hoàng Văn Ðức, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Ðệ, Hồ Ðắc Liên, Nguyễn Văn Luyện, Chu Bá Phượng và Vũ Trọng Khánh.
Trên lĩnh vực giáo dục Chính phủ đã tạo dựng ngay nền giáo dục dân tộc dân chủ của nước Việt Nam độc lập, tự do. Theo quyết định của Chính phủ, Ðại học Việt Nam dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa đã khai giảng khóa học đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến chủ tọa buổi lễ. Ðại học Việt Nam gồm có Y khoa, Khoa học, Văn học, Chính trị xã hội, Mỹ thuật. Chính phủ đã lập Ðại học vụ do Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên làm Giám đốc, Thạc sĩ Ngụy Như Kon Tum làm Phó Giám đốc. Việc lựa chọn, bổ nhiệm giám đốc, giáo sư, giảng viên do Chính phủ bàn định và nếu cần có thể mời giáo sư nước ngoài vào dạy. Giáo sư Ðặng Thai Mai được bổ nhiệm hàm Giám đốc Ðại học Văn khoa. Chính phủ đã chọn cử các ông Cao Xuân Huy, Ðặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Ðức Nguyên (Hoài Thanh) làm giáo sư Văn khoa Ðại học và các ông Ðào Duy Anh, Cù Huy Cận, Trần Văn Giáp, Ngô Xuân Diệu, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Nguyễn Ðình Thi và Ðoàn Phú Tứ giảng về những vấn đề đặc biệt trong chương trình Ðại học Văn khoa...
Trải qua hơn một năm hoạt động của Chính phủ trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao đã đưa đất nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo để tiếp tục tiến lên. Ðây là một thắng lợi lớn của nghệ thuật kết hợp kháng chiến và kiến quốc. Kiến quốc thắng lợi là sự nghiệp của toàn dân, trong đó nhân tài của dân tộc có ý nghĩa quyết định. Trí thức là vốn quý của dân tộc, không có trí thức đi cùng với công nông thì cách mạng cũng không thắng lợi và kiến quốc không thể thành công được song vai trò trí thức của trí thức có phát huy được hay không luôn luôn phụ thuộc vào đội tiên phong cách mạng của dân tộc đứng đầu của một lãnh tụ anh minh. Trí thức, nhân tài Việt Nam được phát huy thắng lợi trên mặt trận kiến quốc trong năm đầu của sự nghiệp bảo vệ quyền độc lập tự do tiếp tục diễn ra trên các chặng đường tiếp theo dưới tay lái tài tình của Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc.
PGS, NGND LÊ MẬU HÃN
--------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB.CTQG.H 2011, Tập 1, trang 221.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập. NXB. CTQG.H 1995, Tập 4, trang 99.
Trong khoảng 10 năm Bác Hồ cùng gia đình sinh sống ở Huế, nét văn hóa tình nghĩa, yêu thương con người của vùng đất này đã trở thành ký ức sâu thẳm trong tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thừa Thiên - Huế ở trong lòng Bác Hồ và Bác cũng luôn ở trong lòng nhân dân Thừa Thiên - Huế.
Nơi in đậm dấu ấn tuổi thơ của Người
Những năm tháng sống ở Huế của Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành tuy không trải dài nhưng rất quan trọng trong cuộc đời của Người. Ðó là thời kỳ từ năm 1895 đến 1901, những năm tháng cậu bé Nguyễn Sinh Cung cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp, tình thương, sự cao cả, nỗi đau, sự hy sinh của mẹ đối với chồng và các con. Tại ngôi nhà nằm trong khu vực nội thành này, ông Nguyễn Sinh Sắc ngày ngày thức khuya dậy sớm chuyên tâm học hành, bà Hoàng Thị Loan quán xuyến việc gia đình, quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái giúp chồng yên tâm đèn sách. Nếp sống sinh hoạt gia đình giản dị, thanh bạch, chan hòa tình nhân ái, yêu thương. Những năm tháng sống ở đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc bị mất nước qua lời kể của cha hằng đêm...
Thời kỳ thứ hai Bác và gia đình đến Huế là từ năm 1906 đến 1909, khi Người đã bước vào tuổi thanh niên, với tên gọi Nguyễn Tất Thành. Người lại được cùng anh theo cha về Dương Nỗ, một làng quê vùng ven Huế để sinh sống và học tập. Chính lẽ sống chân tình, mộc mạc của người miền quê đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến Người, hình thành tình yêu thương vô bờ bến với tình làng, nghĩa xóm thấm đẫm chất nhân văn. Mười năm trời sống ở đất kinh đô, gia đình Người đã hòa vào đời sống của dân nghèo thành thị, hình thành nên một lối sống thanh bạch và cần kiệm. Thừa Thiên - Huế là địa phương in đậm dấu ấn tuổi thơ của Người với những địa danh như Tòa Khâm sứ Trung kỳ, Trường Quốc học - Huế, ngôi nhà tại 112 Mai Thúc Loan - TP Huế, ngôi Ðình, Am Bà, Bến Ðá tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang... Những địa danh này giờ trở thành các điểm di tích văn hóa có giá trị tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế và cả nước mà không địa phương nào có được.
Bác Hồ trong lòng dân Huế
Trong mỗi câu chuyện về những người Huế được gặp Bác Hồ, sự quan tâm của Bác đến cuộc sống riêng của mỗi người, mỗi cán bộ, chiến sĩ thể hiện một tầm vóc văn hóa sâu sắc trong con người Hồ Chí Minh. 14 tuổi, dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa (còn gọi là cu Theo) ở Hương Thủy ra bắc được vào gặp Bác Hồ. Ông Hòa kể lại: "Tôi được Bác Hồ cho ăn kẹo, tặng sách, Bác lại động viên cố gắng chữa bệnh, ăn uống cho mau khỏe để đi học. Chúng tôi được Bác cho phép cùng Bác đón tiếp khách quốc tế, được nghỉ ngơi thoải mái ở Nhà sàn của Bác. Ðược ngồi ăn cơm với Bác, chúng tôi cảm động và sung sướng quá. Ăn cơm xong, chúng tôi quây quần bên Bác kể chuyện để Bác nghe. Và tôi đã kể cho Bác nghe câu chuyện đánh xe Mỹ của mình, được Bác khen ngợi. Ðiều tôi xúc động nhất, sau khi biết về hoàn cảnh gia đình, biết ba tôi tập kết ra bắc đến nay chưa biết tin tức, Bác Hồ đã nhắc đồng chí Tố Hữu tìm ba cho tôi để hai cha con được gặp nhau".
Trong ký ức của nữ Anh hùng dân tộc Pa Cô (huyện A Lưới) vẫn nhớ như in ngày được đến Phủ Chủ tịch gặp mặt Bác Hồ. Bà Kăn Lịch nhớ lại: Khi tôi đến Phủ Chủ tịch, Bác nhìn tôi hiền từ và nói: "Cháu Kăn Lịch đấy à", rồi Bác đứng lên dang hai tay ôm hôn thắm thiết, hai hàng nước mắt Bác chảy xuống hai bên má. Tôi vô cùng cảm động rưng rưng nước mắt mà không nói được lời nào. Bác nói: "Cháu đang ốm, sức khỏe còn yếu, ra đây cố gắng điều trị an dưỡng cho mau lành bệnh. Cần gì có Bác, Chính phủ và các đồng chí giúp đỡ".
Trong hai cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, hình ảnh của Người, niềm tin về Người luôn là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn, vượt qua mọi khốc liệt và hy sinh. Vì vậy, gìn giữ những hình ảnh của Người cũng như các tư liệu, hiện vật liên quan đã trở thành việc làm hết sức phổ biến, gây được niềm xúc động sâu xa. Hình ảnh những người dân bình dị, gìn giữ và nâng niu hình ảnh Người là một biểu tượng đẹp của lòng dân Huế hướng về Bác Hồ. Ðó là những cơ sở kháng chiến như mẹ Tề, ông Toàn, ông Lô... ở trong vùng địch, bất chấp nguy hiểm, họ đã cất giấu tờ giấy bạc có hình Bác Hồ để vững niềm tin.
Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để ghi nhớ công ơn trời biển của Bác, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã tiến hành để tang, lập bàn thờ riêng. Ðiều đặc biệt mang dấu ấn lịch sử sâu đậm có một không hai đó là nhiều người đã lấy họ Hồ của Bác làm họ của chính mình. Ðây là một việc làm xưa nay hiếm đối với đồng bào các dân tộc, chứng tỏ rằng sức mạnh, lòng tin của đồng bào đối với Bác là hết sức to lớn.
Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong hai năm qua, Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực triển khai nhiều phong trào hành động và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện nhiều phong trào và điển hình tiên tiến như: Bệnh viện T.Ư Huế với phong trào "Thực hiện tốt 12 Ðiều y đức và Bộ quy tắc ứng xử của ngành y tế", gắn nghiên cứu khoa học với thực hiện những ca phẫu thuật ghép tạng thành công, được đưa vào y văn của thế giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh có phong trào "Tận tâm với đơn vị, tận tụy với nhân dân", "Mười xây, mười chống"; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với phong trào "Tự hào về truyền thống, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; Công an tỉnh có phong trào "Làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân". Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đạt những kết quả trong cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tích cực triển khai cuộc vận động "Tuổi trẻ Việt Nam làm theo lời Bác"...
Dù năm tháng có qua đi nhưng hình ảnh của Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim của những người dân Huế. Nhớ Bác, nhớ những tình cảm thiêng liêng mà Bác dành cho nhân dân Thừa Thiên - Huế, càng khẳng định niềm tin vào con đường mà Người đã chọn dẫn dắt cả dân tộc đi theo.