"Một điểm tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng khiến giảng viên có hứng thú làm khoa học chính là môi trường làm việc thân thiện, thoải mái” – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh nêu quan điểm.
Thực tế khó khăn

 
 Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội PGS.TS Nguyễn Văn Minh

PV: Có ý kiến cho rằng thủ tục hành chính rườm rà, sự thiếu minh bạch trong tài chính là yếu tố giết chết động cơ làm việc của GV ở các trường ĐH hiện nay. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh: Tôi cho rằng những ý kiến trên cần được lưu tâm.

Giai đoạn vừa rồi nhiều đơn vị đặc biệt là các bộ ngành đã quyết liệt cải tiến thủ tục nhằm tạo điều kiện cho GV làm khoa học và người làm khoa học nói chung. Tuy thế, trong các văn bản thường có tính chất liên bộ. Do đó muốn thay đổi phải làm tổng thể và có lộ trình nên còn những chậm trễ, ảnh hưởng đến người làm khoa học.

Cơ chế tài chính minh bạch là điều vô cùng quan trọng. Ngoài các nguồn kinh phí được hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khoa học của trường cần làm minh bạch, nếu không GV băn khoăn là điều dễ hiểu.

Kinh phí cho hoạt động khoa học phải công khai. Ví dụ hàng năm có bao nhiêu đề tài khoa học, nguồn tiền có được là bao nhiêu. Hội đồng xét duyệt các đề tài cũng làm công tâm và công bố công khai.

Ngoài ra, ở trường chúng tôi, những công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế, quỹ phúc lợi hàng năm của trường đều dành để một khoản từ 1-2 triệu đồng khen thưởng cho một công trình.

Số tiền không nhiều nhưng lại có ý nghĩa động viên tinh thần đối với GV. Thêm đó, hàng năm các tập thể và cá nhân có công trình nghiên cứu tốt cũng được nhận giải thưởng Khoa học và công nghệ của nhà trường với kinh phí hơn 20 triệu đồng. Riêng với đề tài mang tính đột phá, đột xuất thì trường có quyết định khen thưởng sớm và họp bàn tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho GV.

Lãnh đạo phải thay đổi trước

Nói như vậy tức ông đánh giá cao yếu tố con người mà chủ chốt là vai trò người lãnh đạo trong việc tạo động lực làm việc cho các GV hơn việc cần thay đổi thủ tục hành chính?

Luật, cơ chế, thủ tục đều do con người soạn ra. Tôi tin các trường đều muốn cho GV làm khoa học nhưng vì nhiều lí do như cơ sở vật chất thiếu, ý tưởng khoa học chưa rõ ràng, chưa xác định hướng nghiên cứu chủ đạo, thiếu thông tin, sự đánh giá v.v… nên chưa tạo động lực cho GV.

Nếu tư duy quản lí thay đổi sẽ tạo ra những cú hích tích cực cho không chỉ riêng lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Trong khi các thủ tục hành chính có những rườm rà, vướng mắc thì mỗi cơ sở đặc biệt là người lãnh đạo cần có nhận thức và hành động kịp thời. Trong cái khó cần phải tìm ra lối mở để công việc được thuận lợi.

Tôi rất tâm đắc với cách làm của Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia. Ở đó từ người trẻ hay người có kinh nghiệm đều được bình đẳng, mọi thủ tục giấy tờ hành chính đều được tạo điều kiện, giảm nhiều thủ tục và đặc biệt là thái độ phục vụ nên các nhà khoa học đánh giá rất cao.

Rõ ràng những thủ tục thanh toán đang cải tiến nhưng chưa kịp tốc độ phát triển thực tế nên đòi hỏi quan trọng là từng đơn vị phải tự tìm cách vượt qua khó khăn.

Ở Trường ĐH Sư phạm HN, tôi quán triệt từ Hiệu trưởng trở xuống các phòng ban đều phải là những người phục vụ cho các GV, học viên và sinh viên. Hai phòng ban GV thường xuyên phải tiếp xúc là đào tạo và kế hoạch tài chính phải thay đổi phong cách làm việc, niềm nở với GV, sinh viên. Điều này đang diễn ra.

Về tài chính, khi có kinh phí đề tài phòng này thông báo ngay cho các thầy cô ở đơn vị lên để hướng dẫn và làm thủ tục. Các cán bộ chuyên trách của trường thường xuyên được nhắc nhở phải hướng dẫn chu đáo cho các GV để thủ tục được giải quyết nhanh nhất có thể.

Về mặt thái độ của các cán bộ này thường được góp ý, động viên, các giao ban tuần thường lưu ý với các trưởng đơn vị. Tôi vẫn thường nói với GV nếu bị gây khó khăn có thể trực tiếp phản ánh cho lãnh đạo. Từ các cán bộ bảo vệ đến mọi bộ phận trong trường đều luôn quán triệt tinh thần phục vụ.

Đối với GV, có hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi cho nếu làm không tốt 1 trong 2 thì khó thành GV tốt được. Vì vậy, cần sắp xếp thời lượng giữa giảng dạy và nghiên cứu để tạo điều kiện cho GV. Có lẽ, trường chúng tôi là một trong số ít các trường có tỉ lệ GV/SV khá thấp.


 Ảnh minh họa

Ngoài ra, còn có yếu tố nào ảnh hưởng đến động lực làm việc của GV, thưa ông?

Cũng phải nói, nếu không có tài chính, cơ sở vật chất, GV khó làm nghiên cứu. Vì vậy, lãnh đạo trường, phòng Khoa học công nghệ phải nắm bắt thông tin về các nguồn đề tài, có các định hướng nghiên cứu để cán bộ sớm tiếp cận.

Kinh phí có hạn nên trường xác định tập trung đầu tư cho các nhóm, tức là đầu tư có địa chỉ cũng như đề tài liên ngành như Hóa- Lí, Hóa – Sinh đề có những đề tài mang tính tầm vóc.

Hơn thế, việc thế hệ đi trước giúp đỡ thế hệ sau nhiệt tình đã trở thành nét đẹp văn hóa tại ngôi trường sư phạm.

Khoán sản phẩm là cách làm tốt

Về tổng thể, ông có kiến nghị gì để giúp tạo điều kiện cho GV làm khoa học?

Ngoài vấn đề thủ tục, tôi nghĩ nếu làm được việc khoán sản phẩm sẽ giải quyết nhiều khâu, đặc biệt là thủ tục hành chính. Anh đăng ký đề tài thì có sản phẩm. Nộp sản phẩm xong tức anh hoàn thành. Nếu không tức là đề tài không hoàn thành.

Với người lãnh đạo phải thực sự sát sao, nắm bắt năng lực cũng như tâm tư cán bộ để động viên kịp thời hay giải quyết khó khăn cho từng cá nhân. Một GV vừa giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt và thu hút được SV tham gia cùng nghiên cứu cần được vinh danh hơn người khác.

Từng trường phải xác định được chiến lược phát triển để định hướng đầu tư, phát triển đội ngũ GV. Tùy vào hướng phát triển của trường, vào vị trí địa lí, điều kiện kinh tế- văn hóa, xã hội mà mỗi trường nên có hướng nghiên cứu phù hợp.

Ngoài ra, cập nhật thông tin cũng cần được quan tâm nếu muốn hội nhập trong nghiên cứu.

 Nguồn: Vietnamnet.