Trong những năm gần đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức, phát động nhiều cuộc vận động , nhiều phong trào thi đua manh tính xã hội rộng lớn. Nhưng cuộc vận động thiết thực nhất, hiệu quả nhất lan tỏa toàn xã hội đó là cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa”. Từ một cuộc vận động do CĐGD Việt Nam khởi xướng, phát triển thành phong trào xã hội rộng lớn và đã trở thành chính sách của Đảng và Chính phủ.

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, đời sống của cán bộ, giáo viên trong cả nước còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua khảo sát của CĐGD Việt Nam tại 14 tỉnh và báo cáo của 30 tỉnh có địa bàn miền núi thì khó khăn lớn nhất, bức xúc nhất về đời sống  của các nhà giáo là thiếu nhà ở tập thể giáo viên. Có gần 90% giáo viên đang giảng dạy ở miền núi, vùng sâu, vùng xa là người của địa phương khác, giáo viên phải ở nhờ nhà dân, một số phải thường xuyên đi bộ hàng ngày từ 10 đến 20 km để đến trường; 85% nhà ở của giáo viên làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Với những khó khăn trên, nhiều giáo viên công tác ở miền núi chán nản và có tư tưởng bỏ nghề.  

Trước tình hình trên, Nghị quyết Đại hội XI (1998 - 2003) của CĐGD Việt Nam khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ: “Chăm lo ổn định và cải thiện đời sống cán bộ giáo viên tạo động lực nâng cao chất lượng hiệu quả GD&ĐT”, đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

          Ngày 28 tháng 7 năm 2000, tại thành phố Vũng Tàu, Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam (mà Chủ tịch là PGS.TS Lê Hồng Sơn) phát động trong toàn ngành một cuộc vận động mới: “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa” với mục tiêu chính là tập trung xây dựng nhà ở công vụ giáo viên, với phương châm ban đầu là “Tỉnh giúp tỉnh, trường giúp trường”.

Ngay từ khi mới ra đời cuộc vận động đã được các địa phương, các đơn vị, công đoàn giáo dục các cấp triển khai hưởng ứng tích cực. Theo số liệu thống kê của CĐGD Việt Nam, đến năm 2005 đã có 37 tỉnh/thành phố, 40 trường đại học, cao đẳng, đơn vị trực thuộc và 10 tổ chức xã hội tham gia ủng hộ; Đến năm 2011 có 63/63 tỉnh/thành phố và 53 đơn vị Đại học Quốc gia, Đại học vùng, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các đơn vị trực thuộc và nhiều đoàn thể xã hội, các ngành, các cấp đã tham gia ủng hộ. Công đoàn Giáo dục các cấp đã phối hợp với chính quyền đồng cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, lập kế hoạch, tổ chức hỗ trợ xây dựng nhà công vụ tại địa phương và hỗ trợ các địa phương khác. 100% các tỉnh, thành phố và các đơn vị thành lập Ban chỉ đạo quyên góp ở cơ sở, kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện.

          Ban chỉ đạo quyên góp của CĐGD Việt Nam và các cấp đã kịp thời phân công cụ thể cho các thành viên, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đài, báo từ Trung ương đến địa phương xây dựng kế hoạch phân phối, giao nhận tiền, hiện vật, giám sát thi công đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao.

Từ năm 2000 đến 2006, cuộc vận động đã quyên góp được 130 tỷ đồng, xây dựng mới 4000 nhà công vụ giáo viên, giải quyết trên 3,3 vạn giáo viên có nhà ở công vụ.

Tuy kinh phí hỗ trợ của ngành giáo dục không nhiều, nhưng cuộc vận động mà CĐGD Việt Nam khởi xướng đã tạo ra một điểm nhấn quan trọng để các ngành, các địa phương trong toàn quốc quan tâm đến đời sống của nhà giáo. Những khó khăn của ngành giáo dục các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn được nhà giáo trong toàn quốc luôn quan tâm, hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn trước mắt. Cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa” có ý nghĩa rất thiết thực: trực tiếp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn về nhà ở cho nhà giáo đang công tác ở những vùng khó khăn, nhà ở công vụ đã bước đầu thu hút giáo viên miền xuôi lên công tác ở miền núi, góp phần xóa “điểm trắng” về mạng lưới trường, lớp, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở những địa bàn không thuận lợi về giao thông.       Ngoài ra, cuộc vận động còn tạo ra sự liên kết toàn diện giữa giáo dục đại học với giáo dục phổ thông. Không chỉ dừng lại ở việc xây nhà ở giáo viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng còn chia sẻ về những khó khăn của đồng nghiệp: giúp đỡ đào tạo giáo viên nâng cao trình độ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi, hỗ trợ tài liệu thiết bị đồ dùng dạy học, xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ sở giáo dục vùng sâu…

Thấy rõ ý nghĩa to lớn và tính nhân văn của cuộc vận động, ngày 09 tháng 3 năm 2007 Bộ GD - ĐT và CĐGD Việt Nam đã ra lời kêu gọi số 1904 về “Tiếp tục cuộc vận động hỗ trợ giáo dục miện núi, vùng sâu, vùng xa” và ngày 24/9/2008 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch CĐGD Việt Nam tiếp tục kêu gọi “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Đến thời điểm này, cuộc vận động đã lan tỏa khắp các vùng miền và trở thành phong trào xã hội.

Kết quả: Từ năm 2007 đến 2010, cuộc vận động đã quyên góp được trên 105 tỷ đồng, xây dựng mới 2000 nhà ở công vụ giáo viên, giải quyết cho trên 1,5 vạn giáo viên có nhà ở công vụ. Về cuộc vận động “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” toàn ngành đã quyên góp được trên 136 tỷ đồng tiền mặt, trên 6,8 triệu quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết; trên 468 ngàn bộ đồ dùng học tập; 1,3 triệu quần áo các loại; 63 ngàn hiện vật khác trị giá trên 17 tỷ đồng. Ngoài việc thực hiện cuộc vận động xây nhà ở công vụ giáo viên, nhiều địa phương đã tổ chức tốt phong trào “Tỉnh giúp tỉnh, trường giúp trường” mà kết quả đạt được là đáng kể, góp phần giải quyết những khó khăn cho các nhà giáo và học sinh vùng khó.

Bộ GD&ĐT, CĐGD Việt Nam đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực, có hiệu quả của các địa phương, các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị trực thuộc trong cuộc vận động xây nhà công vụ cho giáo viên. Tiêu biểu là các địa phương và đơn vị: TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng; tỉnh: Hưng Yên, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Trị, Bình Định; các đơn vị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), các trường: Đại học Cần Thơ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Lạc Hồng và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tiêu biểu cho phong trào “Tỉnh giúp tỉnh, trường giúp trường” là Công đoàn Giáo dục TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Nam Định; Công đoàn các trường: Đại học Quy Nhơn, Đại học Đà Lạt, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TW1, Báo Giáo dục & Thời đại…

Từ thực tiễn và hiệu quả cuộc vận động, trên cơ sở đề nghị của Bộ GD&ĐT (tại Tờ trình số 501/TTr-BGDĐT ngày 21 tháng 01 năm 2008), ngày 01/02/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 mà mục tiêu của đề án là: Xoá bỏ phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại (bao gồm: các phòng học tranh tre, nứa lá, các phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác nhau, các phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp nặng, cần xây dựng lại); Giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, các xã có nhiều đồng bào dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác.

Từ 2008-2010 cả nước đã có hơn 55.000 lớp học được đưa vào sử dụng (đạt 66,3% kế hoạch); hơn 17.000 nhà công được hoàn thành (đạt 71,2%). Cũng giai đoạn này, ngoài nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, các địa phương cũng đã chủ động bố trí vốn từ ngân sách địa phương huy động, với số tiền lên tới hơn 5.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tiến độ kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 cơ bản đã đạt đúng kế hoạch giải ngân nguồn vốn trái phiếu. Đề án có tổng nguồn vốn đầu tư là 18.582 tỷ đồng, triển khai xây dựng 107.705 phòng, trong đó 83.519 là lớp học, 24.186 nhà công vụ cho giáo viên.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhằm góp phần triển khai có hiệu quả Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, CĐGD Việt Nam còn triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển đời sống văn hóa của giáo viên miền núi” do PGS.TS Trần Công Phong, Chủ tịch CĐGD VN khóa 13 làm chủ nhiệm. Mục đích của đề tài nhằm nghiên cứu giải pháp phát triển đời sống văn hoá của giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa; nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về đời sống văn hoá của giáo viên đang công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa từ đó đề xuất các giải pháp và xây dựng mô hình chung về phát triển đời sống văn hoá của giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa. Từ lý luận và thực tiễn, dựa vào cơ sở nghiên cứu khoa học của đề tài, Công đoàn Giáo dục các cấp phối hợp với chính quyền đồng cấp vận động các cơ sở trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tổ chức thực hiện và đề xuất với ngành phát động cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hoá trường học”. Việc xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ giáo viên sống ở khu nhà công vụ cũng là yêu cầu mang tính cấp thiết và lâu dài nhằm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác và công hiến lâu dài ở vùng khó khăn.

Như vậy, từ một cuộc vận động mang đậm tính nhân văn do CĐGD Việt Nam khởi xướng (năm 2000), phát triển thành một phong trào xã hội rộng lớn và đã trở thành chính sách của Đảng và Chính phủ (năm 2008), giải quyết những khó khăn cơ bản của giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của cả nước.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, hiện trên phạm vi cả nước vẫn còn hơn 7.500 phòng học và hơn 2.700 nhà công vụ cho giáo viên chưa được triển khai xây dựng; trên địa bàn cả nước vẫn còn rất nhiều địa phương thiếu phòng học, nhà công vụ.

Để sự nghiệp GD&ĐT miền núi, vùng sâu, vùng xa được phát triển, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước, đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển nền kinh tế tri thức; phát huy truyền thống và chức năng của tổ chức công đoàn, đề nghị trong nhiệm kỳ tới CĐGD Việt Nam kịp thời phát động cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hoá trường học” tiếp tục có những đề xuất với Đảng, Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương trong cả nước tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả cuộc vận động này.

                                                         Th.S Nguyễn Văn Vận

                                                        Chủ tịch Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội

                                                            UV BCHCĐGDVN khóa XII, XIII

                                                                                                              Hà Nội, tháng 3 năm 2013