Ngày 30-1, Báo SGGP có bài viết đặt vấn đề học sinh giỏi chê ngành nghề sư phạm, cách nào cứu vãn đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả, nhất là người trong nghề. Đây cũng là vấn đề mà xã hội đang lo ngại lâu nay. PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh quận 10 hướng dẫn học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký thi ĐH - CĐ năm 2012. Ảnh: Mai Hải

- Phóng viên: Những năm gần đây, sự quan tâm dành cho ngành sư phạm của học sinh, nhất là học sinh giỏi có giảm sút nhiều không và liệu có sự suy giảm của chất lượng đầu vào sư phạm?

>> PGS-TS NGUYỄN VĂN MINH: Trong 3 năm qua, số sinh viên thi vào sư phạm có xu hướng giảm, nhưng năm 2012 tôi thấy sự quan tâm của học sinh đối với ngành sư phạm đã quay trở lại. Nguyên nhân vì có một số chính sách ra đời gắn liền với nghề giáo viên như chế độ thâm niên của nhà giáo được áp dụng trở lại (đó là một trong những động lực làm cho học sinh sẽ quay lại nghề sư phạm). Cùng với đó, sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề giáo ngày càng đúng đắn hơn cũng như những chính sách khác của Đảng, Nhà nước ra đời nhằm động viên nghề giáo đã giúp một số sinh viên khá giỏi chọn thi vào sư phạm.

Là người trong cuộc, tôi thấy rõ một điều là chính sách của nhà nước tác động rất trực tiếp vào việc này. Quá trình quan tâm đến ngành sư phạm có sự khác nhau, tùy theo sự tác động của chính sách nhà nước.  Nếu có sự tập trung của Đảng, Nhà nước với các chính sách vĩ mô như vừa rồi thì đầu vào của sinh viên sư phạm sẽ không còn là điều đáng lo ngại. Cái chúng tôi quan tâm là chúng ta phải có chiến lược về quy hoạch nguồn nhân lực giáo dục và giao cho các trường để đào tạo một cách tốt nhất. Cùng với đó phải quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, chứ nếu dàn trải, đánh đồng chất lượng đào tạo sư phạm như hiện nay thì rất đáng ngại, bởi thực tế đã có những trường không tập trung về đào tạo sư phạm nhưng vẫn đào tạo sư phạm, khiến chất lượng đầu ra  bị ảnh hưởng. Đổi mới,  hay làm bất cứ điều gì về giáo dục thì gốc gác phải là từ người thầy chứ không phải từ học trò, mấu chốt chính là việc người thầy dạy như thế nào.

- Theo ông, đâu là những điểm mấu chốt trong chiến lược thu hút học sinh giỏi vào ngành sư  phạm cũng như bảo đảm cho giáo viên trụ lại với nghề?

Trước hết là vấn đề chế độ chính sách đối với nghề giáo, đó là điều bất di bất dịch để các em lựa chọn nghề thầy. Hiện nay, các em chọn nghề đều có sự so sánh đầu ra, đầu vào, khi ra trường các em cũng phải nghĩ đến tương lai cuộc sống của mình, chúng ta không thể trốn tránh sự thật đó. Các địa phương cần có quy hoạch rõ ràng về nhân lực ngành giáo dục - đào tạo theo nhu cầu để bảo đảm cam kết về việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.

- Một thực tế nhức nhối hiện nay đó là nhiều học sinh xuất sắc không vào sư phạm không đơn thuần là vấn  đề thu nhập mà là vấn đề việc làm. Ở rất nhiều địa phương, sinh viên sư phạm ra trường rất khó xin việc. Giải quyết việc này ra sao?

Bình quân mỗi năm ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ tuyển trên 2.000 chỉ tiêu, chúng tôi không đào tạo ồ ạt mà thay vào đó là cam kết chất lượng đầu ra đối với xã hội. Chúng ta đã có một chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực và cần phải làm quyết liệt ngay, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực không chỉ trong ngành sư phạm mà còn ở các ngành khác. Chúng ta phải quy hoạch lại nguồn nhân lực cho ngành giáo dục từ nay cho đến năm 2020, đó là bước tiến quan trọng để thích hợp với hiện tại.

- Hiện nhiều trường có đào tạo ngành sư phạm. Vì đào tạo nghề sư phạm là một nghề đặc thù, vậy theo ông có nên ban hành chuẩn riêng của các trường ĐH-CĐ sư phạm?

Ra được quy chuẩn trong tình hình hiện nay là không đơn giản nhưng kiểm định là vấn đề mấu chốt để chúng ta công khai với xã hội về chất lượng đầu ra của các trường để xã hội thừa nhận. Chỉ có những trường làm tốt mới phát triển bền vững. Trong giai đoạn hiện nay có sự bất cập nhưng tôi vẫn tin đến lúc nào đó, giá trị chân chính sẽ trở về với giá trị chân chính. Không thể có chuyện một học sinh bình thường nhưng sau 4 năm ở ĐH Sư phạm lại trở thành sinh viên xuất sắc, trừ trường hợp  em đó có sự thăng hoa về trí tuệ hay lúc trước chưa có điều kiện học giỏi, còn lại là rất khó. Hiện nay có tình trạng một số trường nới lỏng trong khâu đánh giá nên đầu vào thấp nhưng đầu ra lại xuất sắc, khiến xã hội nghi ngờ về chất lượng đào tạo sư phạm chung. Giá trị bằng cấp thực phải được trả lại cho xã hội và trường nào cũng phải có trách nhiệm tham gia.

- Cá nhân ông có  tin tưởng ngày càng có nhiều người giỏi  đến với nghề làm thầy?

Không nên đánh đồng tất cả tuổi trẻ bây giờ với chuyện cơm áo gạo tiền. Nghề sư phạm có yếu tố truyền thống gia đình là điều không thể loại bỏ; hoặc nhiều em có tình yêu nghề nghiệp, có ấn tượng với thầy cô giáo tốt từ thời phổ thông và quyết định chọn nghề thầy... Đó là những yếu tố kích động lòng yêu nghề, sự lựa chọn nghề nghiệp của các em chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề tiền lương, thu nhập. Tôi đi dạy đã 30 năm, tôi thấy sinh viên ra trường không chỉ nghĩ đơn thuần chuyện tiền bạc mà còn có quan niệm về hạnh phúc, vì vậy  các em có sự cân bằng giữa thu nhập và cuộc sống. Kích thích lòng yêu nghề và trách nhiệm công dân của các em cũng là một khâu rất quan trọng  trong chiến lược thu hút nhân tài cho ngành sư phạm.

Phan Thảo thực hiện

Theo: http://www.sggp.org.vn