Ngày 19/1, tại trường Hữu Nghị 80 đã diễn ra hội thảo khoa học: Đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và Campuchia. Tham dự Hội thảo, nhiều Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát biểu ý kiến. Trong nhiều năm qua, Nhà trường đã làm tốt công tác phát triển giáo dục cho các nước bạn Lào và Camphuchia.

a
 

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học: GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, GS.TS Lê A, PGS.TS Hà Quang Năng, TS. Nguyễn Khánh Hà, TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy…các giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Tây Bắc và các thầy cô giáo giảng dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và Campuchia của trường Hữu Nghị.

Hội thảo đã đánh giá một cách tổng quát chương trình đào tạo Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và Campuchia tại trường Hữu Nghị 80. Các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy đã tổng kết những nội dung, phương pháp học tập tích cực và một số khó khăn trong quá trình giảng dạy.

Hội thảo đã được nghe các báo cáo đề xuất cải tiến chương trình. Báo cáo của TS. Nguyễn Khánh Hà (Viện từ điển và bách khoa thư Việt Nam) đã trực tiếp đề xuất cải tiến nội dung chương trình dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và Campuchia. TS cho rằng nội dung giáo trình với thiết kế bài học theo chủ đề, đã coi trọng chủ đề giao tiếp trong dạy học ngoại ngữ. TS đề xuất bổ sung bài luyện theo bốn kĩ năng: nghe – nói – đọc – viết, biên soạn sách bài tập, xây dựng ngân hàng đề thi và kiểm tra theo 4 kĩ năng cơ bản.

v
 

Báo cáo của Ths. Phạm Thị Hà (khoa Việt Nam học, ĐHSPHN) đã thuyết minh xây dựng tài liệu bổ trợ cho giáo trình tiếng Việt (quyển 2, 3). Theo đó, tài liệu bổ trợ này sẽ xây dựng những đề thi mẫu, hệ thống bài tập mở củng cố và nâng cao kiến thức, tăng cường hoạt động nhóm, bổ trợ bằng kênh tiếng CD, VCD.

Đây cũng là hướng đi mà báo cáo của TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa (Phòng khoa học và công nghệ, ĐHSPHN) đề cập. Với việc xây dựng công cụ hỗ trợ media, phương tiện nghe – nhìn, ứng dụng công nghệ truyền thông; việc giảng dạy Tiếng Việt sẽ thu được những kết quả tốt hơn.

Hiện tại, Công ty cổ phần đầu tư và hỗ trợ Giáo dục HTC đã sản xuất được 156 số chương trình dạy Tiếng Việt cho trẻ em là kiều bào nước ngoài. Chương trình đã và đang được phát sóng rộng rãi, có được nhiều phản hồi tích cực trên các kênh truyền hình, internet trong nước và nước ngoài.

Hội thảo đã được nghe những ý kiến đóng góp quí báu của các nhà khoa học hàng đầu về ngôn ngữ: GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện khoa học xã hội Việt Nam), GS.TS Lê A (trường Đại học Sư phạm Hà Nội), PGS.TS Hà Quang Năng (Viện ngôn ngữ học).

Các nhà khoa học đã đánh giá và đưa ra những phương án, đề xuất cho việc dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài. Như đề xuất yêu cầu học sinh viết nhật kí hàng ngày, xây dựng một bộ đề thi, đánh giá, bộ công cụ đánh giá năng lực học sinh, lồng ghép nội dung văn hóa, xây dựng bài tập bổ sung, bổ sung phương tiện dạy học (tranh, ảnh) và yếu tố quan trọng vẫn là con người (giáo viên và học sinh)…

Hội thảo đã thu được những kết quả tốt đẹp góp phần đổi mới chất lượng giảng dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh.

  • Hồng Tiệp
  • Theo: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/201301/Nang-cao-chat-luong-giang-day-Tieng-Viet-cho-luu-hoc-sinh-2214082/
  • Đăng bởi: Nguyễn Anh