Không biết đến bao giờ xã Nậm Kè và các xã khác của huyện Mường Nhé cũng như nhiều vùng quê khác ở vùng sâu, vùng xa của đất nước mới có điện, đường, trường, trạm khang trang nhưng sự cảm thông, chia sẻ của những tấm lòng thơm thảo sẽ là nguồn động viên rất lớn cho những em bé, những con người giản dị, thuần phác ở những nơi này

Năm 2008, hưởng ứng lời kêu gọi của Công Đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục đào tạo ủng hộ giáo dục vùng sâu, vùng khó, Công đoàn Trường Đại học Sư  phạm Hà Nội là Công đoàn cơ sở đầu tiên của ngành Giáo dục Việt Nam đã lên với giáo dục Điên Biên, ủng hộ 25,5 triệu đồng và 1,5 tấn hàng gồm quần áo, chăn màn, sách vở, đồ dùng học tập. Ngày 13/12/2008 đích thân chủ tịch công đoàn, thạc sĩ Nguyễn Văn Vận, cùng Ban chấp hành công đoàn nhà trường đã lên tận nơi để trao quà cho các cháu học sinh của một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh - huyện Mường Nhé. Mường Nhé nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Điện Biên, cũng là điểm cực tây của Tổ quốc, giữa ngã ba biên giới Việt Nam- Trung Quốc- Lào. Mường Nhé có tới quá nửa diện tích là đất rừng, chủ yếu là người H’mông, đến từ con đường di cư tự do. Nghèo, càng thêm khó...

 


Mỗi phòng học được ngăn cách bằng tấm phên tre. Thứ sang nhất của phòng học là bàn ghế và bảng viết. Ảnh: Dân trí

Tiếp theo sự khơi nguồn của Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một cuộc vận động, ủng hộ giáo dục Mường Nhé đã được phát động rộng rãi trong toàn ngành  Giáo dục đào tạo. Chỉ trong thời gian ngắn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã  quyên góp được 800 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ đặc biệt quan trọng của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên cả về vật chất lẫn tinh thần,  từ ngày 9 đến ngày 12  tháng 3 năm 2012, Bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận cùng Chủ tịch  Công đoàn  Giáo dục Việt Nam Trần Công Phong, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Sở giáo dục & đào tạo, Công đoàn giáo dục tỉnh đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Nhà công vụ cho giáo viên tại Bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tổng mức đầu tư lên tới trên 1 tỷ đồng. Với tinh thần hết mình vì vùng sâu, vùng xa thân yêu; vì các em nhỏ thơ ngây đang thèm khát cái chữ, công trình đã được xây dựng khẩn trương và hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay, năm 2012.

Ngày 01 tháng 7 năm 2012, Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam dẫn đầu là Chủ tịch Trần Công Phong và ngành Giáo dục Điện Biên do chính Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo  Lê Xuân Quý đã lên tận nơi để khánh thành, nghiệm thu công trình gồm 5 phòng ở công vụ tại 2 điểm trường rộng rãi, khang trang với đầy đủ trang thiết bị

Tháng  7. Điện Biên thời tiết thất thường, thoắt nắng rồi lại ào ào mưa. Đường vào Mường Nhé lượn vòng bám theo sườn núi. Một bên là vách đá cao sừng sững, một bên là vực sâu. Càng tới gần bản Huổi Khon, càng khó đi. Đường  hẹp, gặp mưa, đất cuộn lên quấn chặt vào bánh xe. Đất đá từ trên cao theo nước, theo gió tràn xuống đường, có đoạn sạt lở, mặt đường trở thành một đống bùn đá nhão nhoét. Mọi người phải đi bộ dưới trời mưa tới 5km mới tới được trường. Đích thân giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo phải huy động  giáo viên và dân địa phương mang cuốc xẻng ra san lấp, dọn dẹp  mới có lối cho xe đi. Thế mới biết nỗi nhọc nhằn không sao kể xiết của các em học sinh nơi đây. Con đường đến trường là đường về với “Mẹ Chữ”, là đường đi tới tương lai, xóa cái đói nghèo.


Toàn bộ khuôn viên trường tiểu học và THCS Na Cô Sa nhìn từ trên cao

Không biết đến bao giờ xã Nậm Kè và các xã khác của huyện Mường Nhé cũng như nhiều vùng quê khác ở vùng sâu, vùng xa của đất nước  mới có điện, đường, trường, trạm khang trang nhưng sự cảm thông, chia sẻ của những tấm lòng thơm thảo sẽ là nguồn động viên rất lớn cho những em bé, những con người giản dị, thuần phác ở những nơi này…

Mưa vẫn đang trắng trời Điện Biên. Hơn 10 năm nay, hầu như năm nào tôi cũng lên mảnh đất này, năm nào cũng gặp mưa rừng. Mùa mưa năm nay sao khác lạ. Nghĩ tới các em bé Huổi Khon, Nậm Kè, tôi tự nhủ với mình: Hẹn gặp lại Mường Nhé! Hẹn gặp lại Điện Biên - Tây Bắc!

                                                                        Điện Biên, Mùa mưa năm 2012

PGS.TS Lã Thị Bắc Lý