CÔNG TÁC ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
ĐÀO TẠO TỪ XA CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

PGS.TS. ĐỖ XUÂN THẢO

(Tham luận đọc tại hội thảo “Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng đào tạo từ xa” tổ chức tại Viện Đại học mở Hà Nội ngày 23-05-2012).

          Kính thưa các Quý vị đại biểu!

          Trong báo cáo này, chúng tôi sẽ trình bày những kinh nghiệm trong công tác đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo từ xa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong 19 năm qua. Bản báo cáo gồm ba phần: Những đặc trưng của loại hình đào tạo từ xa ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Một số thành tích đạt được và Những kinh nghiệm trong công tác quản lý hệ đào tạo từ xa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

 

I. Những đặc trưng của loại hình đào tạo từ xa ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Phát triển GDTX được coi là một giải pháp có tính khả thi nhằm thực hiện các chiến lược về giáo dục và đào tạo nước nhà, tiến tới xây dựng một xã hội học tập. Sự phát triển không ngừng của xã hội đòi hỏi ai cũng phải học- học suốt đời. Chất lượng của nguồn nhân lực là điều quyết định nhất trong cạnh tranh. Đối với nghề làm Thầy, việc không ngừng bồi dưỡng trình độ, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Do đó, để cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước, người thầy cần luôn cập nhật những thay đổi trong hệ thống chương trình, sách giáo khoa, tìm hiểu và tiếp cận phương pháp dạy học mới. Để đạt được điều đó, Giáo dục từ xa chính là giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi đối với các giáo viên đang trực tiếp đứng lớp tại các địa phương. Họ có thể vừa đi làm vừa đi học, có thể áp dụng trực tiếp những kiến thức lý thuyết học được vào thực tế giảng dạy. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên nên từ năm 1993, cùng với sự hỗ trợ của dự án Việt - Bỉ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thành lập Trung tâm Giáo dục từ xa trực thuộc Nhà trường để tổ chức điều hành việc bồi dưỡng nâng chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo trong cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối tượng tham gia các chương trình đào tạo từ xa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Họ đều có bằng tốt nghiệp Trung học Sư phạm hoặc Cao đẳng Sư phạm và đang trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trường không tuyển đối tượng học sinh tốt nghiệp phổ thông theo học các chương trình đào tạo từ xa (ngoại trừ một số ngành ngoài sư phạm như: Công nghệ thông tin, Công tác xã hội...).

     Như vậy, đặc trưng cơ bản của công tác đào tạo từ xa ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực chất là NÂNG CHUẨN đội ngũ giáo viên các cấp từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở và các cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo.

II. Một số thành tích đạt được trong công tác đào tạo từ xa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

          Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Giáo dục từ xa thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn là một địa chỉ tin cậy của ngành Giáo dục và đào tạo trong việc triển khai đề án Phát triển giáo dục từ xa. Nhà trường đã nghiêm túc thực hiện chiến lược phát triển của Ngành, cụ thể là loại hình đào tạo từ xa nhằm nâng cao trình độ cho giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhờ phát triển tốt loại hình đào tạo từ xa, Trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tăng nguồn thu cho trường. Thành công của đào tạo từ xa trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn được thể hiện rõ nét ở các kết quả nghiên cứu khoa học về sư phạm từ xa, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển giáo dục từ xa. Trong đó Trường đã xây dựng đề án phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2012-2017 và những năm tiếp theo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa mà sự tham gia của công nghệ thông tin trong đào tạo được coi là khâu then chốt.       

   Chúng tôi quan niệm rằng, số lượng và chất lượng học viên chính hai yếu tố quan trọng phản ánh rõ nét sự ưu việt của mỗi loại hình đào tạo. Trong những năm qua, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tự hào luôn có số lượng học viên theo học hệ đào tạo từ xa đông đảo với chất lượng ngày càng được cải thiện. Cụ thể là:

1. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh

          Mặc dù điều kiện xét tuyển rất nghiêm ngặt nhưng do chất lượng đào tạo của Trường đã được khẳng định nên quy mô tuyển sinh ngày càng phát triển. Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng học viên hệ từ xa của Trường là 26.768 học viên ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù việc chuẩn hóa giáo viên hệ từ xa đã có lịch sử 19 năm nhưng quy mô đào tạo vẫn còn khá dồi dào. Điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo và năng lực đáp ứng nhu cầu đào tạo của trường ĐHSP Hà Nội với các địa phương ở loại hình đào tạo là phù hợp và hiệu quả.

2. Thực hiện tốt công tác quản lý  đào tạo:

 

          Tính đến thời điểm này, trường đã tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân hệ từ xa cho 77.657 học viên thuộc 20 chuyên ngành đào tạo. Như vậy trong những năm qua, ngoài các ngành học của khối Giáo dục tiểu học, Trung học cơ sở, số lượng học viên theo học ngành Giáo dục mầm non ngày càng phát triển. Trong khối THCS,  ngoài các ngành học truyền thống, Trường còn khai thác các ngành học mới như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Công tác xã hội và phát triển loại hình đào tạo cấp chứng chỉ. Qua các công trình nghiên cứu về đào tạo từ xa được triển khai những năm gần đây, kết quả khảo sát cho thấy việc theo học loại hình đào tạo từ xa trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, đảm nhiệm tốt các vai trò là giáo viên hoặc cán bộ quản lý, có thêm nhiều cơ hội tốt trong nghề nghiệp. Hiện tại có rất nhiều cán bộ quản lý các cấp là học viên đã hoặc đang theo học hệ đào tạo từ xa trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Điều này thể hiện tinh thần nâng chuẩn giáo viên như mục tiêu của công tác đào tạo từ xa mà chúng tôi đã nêu ban đầu. Trái với những lo lắng cũng như định kiến xã hội về phương thức cũng như chất lượng của hệ đào tạo từ xa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn có hướng đi đúng đắn được học viên tin cậy và xã hội thừa nhận.

III. Những kinh nghiệm trong quản lý hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

          Như trên đã trình bày, chất lượng là thước đo chính xác nhất cho quá trình đào tạo. Để có được những kinh nghiệm trong quản lý đào tạo hệ từ xa của Nhà trường, chúng tôi bắt đầu bằng hệ thống những vấn đề có liên quan đến chất lượng đào tạo và giải quyết một cách triệt để. Theo chúng tôi, những vấn đề đó là: (Xếp theo thứ tự ưu tiên).

          1. Người học có động cơ đúng đắn, nghiêm túc

          2. Người học được tham gia vào loại hình đào tạo với cơ chế tổ chức chặt chẽ, hợp lý năng động và hiệu quả

          3. Có đủ giáo trình, tài liệu hướng dẫn tự học ( tài liệu in) và các học liệu bổ trợ: giáo án điện tử, các học liệu nghe nhìn...

          4. Nhận được sự hướng dẫn tự học và giải đáp thắc mắc kịp thời của đội ngũ các nhà khoa học, các giảng viên có chuyên môn sâu và uy tín

          5. Có sự kiểm tra đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc trong suốt quá trình đào tạo

          6. Có cơ sở vật chất tốt phục vụ quá trình đào tạo

          7. Có sự hỗ trợ của các cơ sở liên kết đào tạo, của các cơ quan trực tiếp quản lý và gia đình học viên.

          Sau đây chúng tôi phân tích những kinh nghiệm đã đạt được dựa trên các yếu tố then chốt trên.

1. Cơ chế tổ chức quản lý các hoạt động đào tạo từ xa

      Bộ máy quản lý đào tạo từ xa của Trường bao gồm: Ban Giám hiệu, Trung tâm GDTX, các khoa chuyên ngành, các phòng ban hữu quan.        1.1. Ban Giám hiệu Nhà trường có chức năng và nhiệm vụ chỉ đạo định hướng phát triển giáo dục từ xa, chỉ đạo công tác tuyển sinh, công tác quản lý dạy và học, cấp phát văn bằng chứng chỉ, giáo trình học liệu và công tác quản lý tài chính.

1.2. Trung tâm Giáo dục từ xa là cơ quan chức năng có nhiệm vụ cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các kế hoạch đào tạo bao gồm: xây dựng đề án, tổ chức tuyển sinh hàng năm theo chỉ tiêu, xây dựng, quản lý điều phối các kế hoạch dạy của giảng viên và học của học viên, tổ chức, kiểm tra đánh giá, thực hiện in ấn tái bản và phân phối giáo trình học liệu và các hoạt động thông tin tuyên truyền hỗ trợ đào tạo từ xa.

1.3. Các khoa chuyên môn: Xây dựng chương trình đào tạo, theo dõi việc thực hiện chương trình, phụ trách các công tác chuyên môn như: viết giáo trình, tài liệu hướng dẵn tự học, tham gia giảng dạy và chấm thi học phần, thi tốt nghiệp.

1.4. Các phòng ban hữu quan (Phòng KHTC, HCTH, QTĐS) có nhiệm vụ soạn thảo và theo dõi hợp đồng đào tạo, nguồn thu - chi kinh phí đào tạo, phối hợp với Trung tâm GDTX tổ chức khai giảng, bế giảng, tổ chức Hội nghị liên kết đào tạo với các địa phương và đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.

2. Tổ chức quản lý quá trình dạy và học hệ từ xa

2.1. Yếu tố then chốt đầu tiên là xây dựng các chương trình đào tạo ( CTĐT): Các CTĐT của Trường được xây dựng trên cơ sở các CTĐT hệ chính quy và được thiết kế theo hướng liên thông. Trong đó, khối kiến thức giáo dục đại cương khoảng 26 đến 36 đvht, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp chiếm từ 94 đến 110 đvht. Điều quan trọng là các chương trình này phải được thường xuyên chỉnh sửa để cập nhật những nội dung đổi mới trong giáo dục phổ thông như đổi mới SGK, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá... Hiện nay, Trường đã có 22 bộ chương trình phục vụ đào tạo từ xa.

2.2. Yếu tố then chốt thứ hai là giáo trình và các tài liệu hướng dẫn tự học (dưới dạng in ấn) và các học liệu nghe nhìn: Trường đã tổ chức biên soạn giáo trình cho tất cả các ngành học. Hiện có 411 giáo trình, 213 bài giảng kèm hướng dẫn tự học. Điều cơ bản là các giáo trình tài liệu này hàng năm được tái bản, chỉnh sửa bổ sung phù hợp với những đổi mới trong giáo dục phổ thông. Về học liệu nghe nhìn: Trường có phòng studio được trang bị khá hiện đại để xây dựng học liệu nghe nhìn. Hiện Nhà trường đã phát hành 114 học liệu nghe nhìn (với 86 đĩa VCD và 28 giáo án điện tử).

2.3. Yếu tố thứ ba là các phương tiện và thiết bị phục vụ cho hệ đào tạo từ xa

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn chú trọng đến các phương tiện và thiết bị phục vụ cho hệ đào tạo từ xa. Trong những năm qua, Nhà trường đã:

- Khai thác trang Web của Trường phục vụ việc cung cấp thông tin và các văn bản về đào tạo từ xa. Trang web luôn được đổi mới, cập nhật thường xuyên. Sử dụng dịch vụ cung cấp dữ liệu các thông tin về khóa học, báo điểm qua tin nhắn...

- Xây dựng hộp thư điện tử giải đáp thắc mắc cho học viên.

- Xuất bản Bản tin Giáo dục Từ xa và Tại chức phát hành định kỳ. Đây được coi là một trong những kênh thông tin quan trọng của Trường đồng thời là học liệu bổ trợ cho giáo trình và tài liệu hướng dẫn tự học. Hiện đã có 32 số tạp chí được phát hành.

- Phát sóng trên đài truyền hình Việt Nam (VTV2) và Đài tiếng nói Việt Nam. Từ hơn chục năm nay, Trường đã liên tục ký hợp đồng với đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thu và phát sóng phổ biến kiến thức ở các ngành học chủ yếu như GDTH, GDMN, Ngữ văn, Toán, Sinh học... và thường xuyên phát sóng trên sóng của đài Tiếng nói Việt Nam cho tất cả các ngành học.

2.4. Yếu tố then chốt thứ tư là đội ngũ các nhà khoa học, các GS, PGS, TS, các giảng viên tham gia biên soạn giáo trình và trực tiếp hướng dẫn tự học và giải đáp thắc mắc cho học viên: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có thuận lợi là có một đội ngũ đông đảo các giảng viên có học hàm học vị cao, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp vững vàng. Nhưng vấn đề đặt ra là làm cách nào để các thầy tham gia vào loại hình đào tạo từ xa một cách tâm huyết và tận tuỵ. Để có câu trả lời này, chúng tôi đã quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng của các giảng viên khi tham gia giảng dạy hệ đào tạo từ xa từ chỗ ăn ở đến phương tiện đi lại, kinh phí giảng dạy để các thầy cô yên tâm giảng dạy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những cam kết chặt chẽ với người dạy để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Chính mối tương tác hai chiều đó giúp hệ đào tạo từ xa của Trường luôn thu hút được đội ngũ nhà giáo có chuyên môn vững vàng tâm huyết, nhiệt tình. Mỗi dịp học hè, Trường huy động khoảng 200 giảng viên tham gia giảng dạy cho hệ từ xa.

2.5. Yếu tố thứ năm là công tác kiểm tra đánh giá quá trình học của học viên:

a. Xây dựng ngân hàng đề thi mở phục vụ cho đào tạo từ xa: Từ năm 2005,  chúng tôi đã xây dựng hơn 300 bộ ngân hàng đề thi mở. Đề thi vừa có phần ghi nhớ kiến thức, nội dung môn học vừa có phần vận dung các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn giảng dạy. Như vậy đề thi sẽ tạo ra một chuỗi các yêu cầu có mức độ phát triển hợp lí, đặc điểm này sẽ đặt học viên trước một tình huống có vấn đề nhưng lại gần gũi với quá trình học tập và công tác. Do đó việc làm bài thi là học viên tập dượt giải quyết một vấn đề mang tính chủ động, độc lập và có ý nghĩa sáng tạo. Một lần nữa, việc học và thi như thế là tiệm cận với chủ trương nâng chuẩn giáo viên. Đề thi mở cũng hạn chế được những tiêu cực trong thi cử.

b. Trường ĐHSP Hà Nội đặc biệt coi trọng khâu tổ chức thi hết học phần, thi tốt nghiệp. Các kì thi đều được tổ chức nghiêm túc để đánh giá đúng chất lượng học viên, trong đó:

          - Các kì thi học phần, thi tốt nghiệp đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ trường Đại học Sư phạm Hà Nội với cán bộ của các cơ sở liên kết đào tạo trong việc coi thi, niêm yết bảo quản bài thi.

          - Tất cả các khâu làm phách, chấm thi, lên điểm, báo cáo kết quả về các địa phương đều thực hiện nghiêm túc và đúng tiến độ.

          - Phòng thi chỉ bố trí tối đa 24 học viên, đề thi phân chia chẵn - lẻ.

          c. Phối hợp với Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng như với Ban thanh tra giáo dục của Trường tổ chức giám sát việc học và thi ở các cơ sở liên kết đào tạo.

 

          2.6. Yếu tố then chốt thứ sáu là giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà trường với các cơ sở kiên kết đào tạo và với học viên: Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ở các cơ sở liên kết đào tạo, coi trọng công tác quản lý việc tự học và hỗ trợ học viên nhất là học viên ở vùng sâu vùng xa. Tổ chức lấy ý kiến về công tác đào tạo từ xa để có những giải pháp phù hợp cải tiến công tác đào tạo từ xa thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học đặc biệt là thông qua Hội nghị liên kết đào tạo tổ chức hàng năm.

 

          Một phương hướng hiện đại hóa đào tạo của Trường là: thử nghiệm đào tạo từ xa theo tín chỉ, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra đánh giá và các dịch vụ hỗ trợ học viên. Đồng thời hoàn thiện việc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hệ từ xa để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo từ xa.

Kết luận: Trên đây là những kinh nghiệm trong việc quản lý chất lượng đào tạo hệ đào tạo từ xa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi hy vọng, trên cơ sở những thành tích đã đạt được, với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự tăng cường trao đổi kinh nghiệm đào tạo từ xa giữa các trường đại học trong cả nước, hệ đào tạo từ xa trường ĐHSP Hà Nội ngày càng phát triển. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ góp phần giúp người học đáp ứng những thách thức của một thế giới luôn thay đổi, để mọi nguồn tri thức và sáng tạo đều được phát huy và người học luôn nhìn thấy viễn cảnh phát triển của cá nhân mình. Cũng có nghĩa là chúng ta có thêm nhiều người thầy giỏi và có quyền hy vọng vào sự hoàn thiện của nền giáo dục nước nhà.   

Xin trân trọng cảm ơn!