(TT&VH) - Việc thưởng thức âm nhạc nói riêng hay nghệ thuật nói chung của những người trẻ đang bị kêu ca là “có vấn đề”, khi mà đại bộ phận chạy theo dòng nhạc giải trí với những bản “hit” nhạt nhẽo, vô vị...
Trào lưu nghệ thuật giải trí có lúc, có nơi tưởng chừng có thể lấn át những dòng nghệ thuật bác học hay các tác phẩm đỉnh cao, tạo nên sự mất cân bằng nghiêm trọng trong thưởng thức nghệ thuật, khiến bức tranh tổng thể về công chúng trẻ không mấy khả quan.
Để giải quyết tình trạng này cần có sự “đóng góp” không nhỏ của công tác giảng dạy nghệ thuật ở các trường phổ thông. TT&VH có cuộc gặp gỡ với Thạc sĩ Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa Nghệ thuật của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, trước khi giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội, ông đã nhiều năm là giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Ông có cho rằng tình trạng thưởng thức nghệ thuật hiện nay của giới trẻ phần lớn do sự thiếu hụt kiến thức cơ bản về các ngành nghệ thuật?
- Trước tiên, tôi muốn chia sẻ đôi nét về chương trình giáo dục các môn nghệ thuật hiện nay ở ta. Không kể các trường nghệ thuật hay các trường năng khiếu thì các môn âm nhạc và mỹ thuật đang được giảng dạy từ bậc học mẫu giáo cho đến hết học kỳ I lớp 9.
Chưa nói về chất lượng dạy và học ở một số nơi còn nhiều bất cập thì việc chúng ta chỉ dừng lại ở lớp 9 tạo nên sự “trống vắng” đáng kể, nhất là khi các em ở lứa tuổi này bắt đầu hình thành và phát triển những nhu cầu thưởng thức và đánh giá nghệ thuật nhất định, cùng với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi. Chưa kể việc giáo dục nghệ thuật góp phần bồi đắp tâm hồn và nhân cách, nâng cao thẩm mỹ của các em.
"Trống vắng” khác chính ở việc trong gần chục loại hình nghệ thuật thì chỉ mới âm nhạc và mỹ thuật được đưa vào nhà trường, mà cũng chỉ dừng lại dạy học hát, đọc nốt nhạc và (tạm gọi) mỹ thuật giá vẽ. Trong khi thực tế âm nhạc và hội họa đang phát triển rất phong phú, vượt qua nhiều khuôn mẫu thông thường. Việc giảng dạy hiện nay, có không ít nơi bỏ qua những loại hình âm nhạc hay mỹ thuật truyền thống, càng khiến giới trẻ xa rời với những giá trị của cha ông để lại.
Trong một thời gian dài, chúng ta quá quan tâm đến giáo dục tri thức mà xao lãng việc giáo dục đào tạo, giáo dục nhân cách thẩm mỹ, tâm hồn, dẫn đến hệ lụy có thể thấy như sự sai lệch về tư tưởng, thẩm mỹ trong bộ phận giới trẻ...
* Vậy các ông đã khắc phục tình trạng trên ra sao?
“Chúng tôi đang hoàn chỉnh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ phổ cập âm nhạc và giáo dục nghệ thuật trong hệ thống các trường THPT và Đại học và hy vọng khi áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần tạo nên thay đổi đáng kể cho những lớp công chúng của 10-20 năm nữa…” (Phát biểu của Thạc sĩ Lê Anh Tuấn) |
Để đào tạo giáo viên tạo nên những buổi học có sức thu hút học sinh, quan điểm dạy học của chúng tôi luôn coi người học là trung tâm, đồng thời trang bị và nâng cao năng lực thực hành nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh việc nắm vững lý thuyết. Giáo viên không chỉ “miệng hát, tay đàn” để thuyết phục được học sinh, tạo nên không khí của các giờ học nghệ thuật, mà còn được trang bị khả năng tổ chức chương trình, sự kiện.
Khác với các môn học khác, học nghệ thuật càng có nhiều cơ hội thực hành, biểu diễn, càng tạo sức hấp dẫn đối với học sinh và chương trình tổ chức thành công càng củng cố uy tín của người giáo viên nghệ thuật... Thực tế cho thấy những môi trường học tập như vậy góp phần quan trọng tạo ra những khán giả tương lai yêu thích hay biết thưởng thức nghệ thuật.
Khoa Nghệ thuật đang đảm nhận việc giảng dạy môn nghệ thuật cho tất cả các khoa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường chúng tôi là đại học đầu tiên đưa môn âm nhạc vào chương trình đào tạo tín chỉ. Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên đăng ký theo học tín chỉ về âm nhạc và đã thấy có khá nhiều tín hiệu vui khác như việc một số trường đại học mời chúng tôi giảng dạy các môn nghệ thuật cho giáo viên hay sinh viên của trường.
Việc khoa đang xây dựng chương trình, đề án đào tạo Cao học ngành Quản lý giáo dục nghệ thuật và ngành Sư phạm nghệ thuật cũng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đông đảo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật và của các cán bộ quản lý văn hóa nghệ thuật trong cả nước.* Còn việc đưa những loại hình nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy phổ thông?
- Hiện tôi được biết có một số dự án đưa các loại hình sân khấu truyền thống, âm nhạc dân tộc vào giảng dạy và ít nhiều thu được những kết quả khả quan. Với hệ thống liên kết đào tạo trong cả nước, đặc biệt ở cả các vùng sâu vùng xa, chúng tôi luôn chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phát huy và lồng ghép vào chương trình học các giá trị văn hóa truyền thống hay các “đặc sản” nghệ thuật của mỗi vùng miền.Các em có thể chưa hiểu hết những vẻ đẹp văn hóa của cha ông để lại, nhưng sự yêu thích và nhiệt huyết của giảng viên cũng như việc tạo điều kiện để các em được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nơi các em sống, giúp các em có cơ hội gần gũi và có thể tự mình khám phá...
* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Hải Đông (thực hiện)
Theo: thethaovanhoa.vn