Gửi thư tới VietNamNet, Hoàng Vân Long, HS Lớp 12, Trường Chuyên Đại Học Sư phạm Hà Nội viết: “Em có đọc được bài viết của một 9X về sự hy sinh trên qúy báo. Em rất thích cách bạn tác giả thể hiện ý kiến của mình. Em có một vài lời thể hiện quan điểm của một 9X đồng môn, mong quý tòa soạn xem xét và coi đây như ý kiến của một bạn cùng lứa tuổi với tác giả bài báo”.

 

     Gửi thư tới VietNamNet, Hoàng Vân Long, HS Lớp 12, Trường Chuyên Đại Học Sư phạm Hà Nội viết: “Em có đọc được bài viết của một 9X về sự hy sinh trên qúy báo. Em rất thích cách bạn tác giả thể hiện ý kiến của mình. Em có một vài lời thể hiện quan điểm của một 9X đồng môn, mong quý tòa soạn xem xét và coi đây như ý kiến của một bạn cùng lứa tuổi với tác giả bài báo”.

 Dưới đây là bài viết của Hoàng Vân Long

 Theo ý hiểu của tôi, lỗ hổng văn hóa của của tôi, của bạn và của mọi người, nằm ở chỗ động lực khiến chúng ta hy sinh là không cao cả. Và cũng theo những gì mà tôi đọc từ bài viết của bạn, dân tộc Nhật Bản chính là tấm gương mà nếu chúng ta “thẳng thắn thừa nhận sự thật” và khiêm nhường học hỏi. 

 Bạn thẳng thắn chỉ trích sự hy sinh của những người “bỏ qua quyền lợi của mình vì trách nhiệm, nhiệm vụ, vì các quan niệm truyền thống, hay nói chung là vì những áp lực từ bên ngoài.

Bạn hỏi về những “sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có đáng được coi là anh hùng không khi họ bị đẩy ra ngoài chiến trận, ngầm mắng chửi thứ chiến tranh phi lý đã hủy hoại cuộc đời họ”. Tôi xin được hỏi:” chúng ta, những người ngày ngày đi học bằng xe máy, xe ôtô, còn chưa ngửi thấy mùi thuốc súng, lấy tư cách gì để chất vấn sự hy sinh những người lính đã từng ôm nhau trong những giây phút kinh hoàng dưới cơn mưa lửa”? Thiết nghĩ, một con người đã cụt tay vì mảnh pháo, trên người chi chít vết lưỡi lê… những sự hy sinh như thế cho họ quyền được phán xét và mắng chửi.

Bạn hỏi về “người làm cái việc thu gom rác rưởi, bị người khác coi thường có phải vì anh ta nghĩ nghề đó sẽ giúp ích cho xã hội không”. Xin được hỏi rằng, trong những công tử và tiểu thư đang ngày ngày cuốc bộ đến trường, trong đầu vẩn vơ với những hoài bão lớn lao, có ai dám đương đầu với những thứ nhớp nhúa và hôi thối của cống rãnh?
 
Xin được kể với bạn một câu chuyện nhỏ:” năm 1805, Napoleon tham gia duyệt binh ở Paris… ở quảng trường Quần Ngựa, người ta nghe được tiếng khua gươm của tất cả những binh lính thời cộng hòa và đế quốc… những người anh hùng chạm trán nhau trước mặt Napoleon: những người lính sông Ranh, và sông Nile, lính khí cẩu Floruytxo, lính thủ pháo Mai ăng xơ, công binh ở Giêno, kỵ binh mà các Kim Tự Tháp đã có dịp quan chiêm, pháo binh bị đại bác của Guyno làm bẩn áo, linh thiết kỵ đã từng xung phong vào hạm đội địch bỏ neo ở vinh Duyđecxê.Trước mặt họ là chiến thắng Marănggô và sau lưng là Austerlitz(những chiến thắng vĩ đại bậc nhất của nước Pháp)… Quan thượng thư tâu với Napoleon:

-Thưa bệ hạ, hôm nay tôi gặp con người dũng cảm nhất trong giang sơn của bệ hạ.

-Ai vậy? Y đã làm gì? Hoàng đế vội hỏi…

-Muôn tâu bệ hạ, y muốn làm 1 việc?

-Việc gì?

-Thám hiểm cống ngầm…”

(lược trích “Những người khốn khổ”-V.Hugo)

Bạn thấy đó, những thứ kinh tởm và nhớp nhúa bị xã hộ này bỏ quên, thì người dám đương đầu với nó phải dũng cảm vô cùng.

Vậy sự “hy sinh” của những người quét rác và móc cống đó, vì động lực gì đi chăng nữa, cũng là một hành động dũng cảm tột cùng. Hẳn thế, đã có ai trong số các bạn dám hy sinh đời mình để đương đầu với bùn đen của xã hội?

Bạn cũng đưa ra một “phân loại” thứ hai về những con người hy sinh theo nghĩa “phi cao cả”, những người:” tự cho rằng mình đang hi sinh vì người khác”.

Ở điểm này tôi không có cùng quan điểm với bạn. Người ta nếu giúp được một ai đó và tự coi lời cảm ơn của người khác là một phần thưởng, thì âu cũng là lẽ bình thường. Họ làm ơn và chỉ đòi hỏi đáp một câu nói, như thế đã là cao thượng lắm rồi… Người ta coi sự đáp trả về tinh thần như một niềm phấn khởi nhỏ nhoi.

Mỗi người trong số chúng ta, từng người một, đều là một “kẻ khốn khổ về tâm hồn”. Đơn giản là chúng ta là sinh ra là con người, là một con người bình thường với những suy nghĩ và toan tính. Đôi khi người ta tự cảm thấy mình thật nhỏ bé và thảm hại, những lúc như thế, một sự trả ơn về tinh thần của đồng loại dường như là một sự cứu rỗi nhỏ nhoi cho cái thảm hại và đáng thương của tâm hồn chúng ta… Như vậy có phải là “phi nhân văn hay không”?

Về câu chuyện nhỏ bạn đưa ra, nó thực sự khiến tôi xúc động. Nhưng dù sao, như bạn nói, nó chỉ là một “lát cắt”. Người phương Tây có nói:”một mẩu bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một mẩu của sự thật thì không bao giờ là sự thật”.

Tôi không rõ rằng, sau khi thực hiện hành động như một vị thánh của mình, người đàn ông đó sống phần đời còn lại ra sao?
 
Nếu là tôi, thật sự tôi không dám nói là mình có làm như ông ta hay không, bởi lẽ những tình huống như thế, ranh giới của cao thượng và hèn nhát chỉ là 1 đường vạch mờ.

Nhưng nếu tôi có làm, chắc chắn rằng, phần đời còn lại của tôi - nếu tôi đủ can đảm để sống - thì tôi sẽ sống với một tâm hồn hoàn toàn rách nát… Một người đã giết con để cứu hàng trăm người là một vĩ nhân, nhưng tôi không tin là ông ta có thể cảm thấy được an ủi bởi những nụ cười của những người xa lạ…

Tóm lại mà nói, đối với tôi, mọi sự chỉ là tương đối, tôi là một người bình thường, thế nên tôi không đòi hỏi sự việc phải diễn ra theo một cách tuyệt đối. Và vì thế, theo tôi, những sự “hy sinh” mà bạn không đồng tình lại là những sự hy sinh phổ biến nhất. Và bởi lẽ nó phổ biến nhất, nó cần được trân trọng nhất…

Để kết lại, bạn nói rằng, nếu chúng ta thẳng thắn nhìn vào lỗ hổng của mình và học hỏi Nhật Bản, chúng ta sẽ học được rất nhiều...

Tôi hoàn toàn đồng ý, một dân tộc Nhật Bản là một dân tộc vĩ đại vô cùng.

Tuy nhiên, tôi nghĩ bạn nên xem xét lại câu nói “chính họ mới là những người thấu hiểu sự hy sinh hơn ai hết”. Mặc dù vô cùng cảm thông cho nước Nhật, tôi cũng không khỏi băn khoăn: "Vậy một dân tộc có hàng triệu người con hy sinh cho Tổ quốc, chẳng lẽ không biết đến đau thương và hy sinh?

 

Hoàng Vân Long (Lớp 12-K42-Trường Chuyên Đại Học Sư phạm Hà Nội)

 Theo: vietnamnet.vn

 Đăng bởi: NBC