TT - Đã 78 tuổi nhưng với ông Trịnh Ngọc Trình - nguyên bí thư Đoàn ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) - ký ức về những ngày sục sôi của phong trào Ba sẵn sàng vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Ông tự hào kể: “Sau này bí thư khu ủy khu 6 đã nói với tôi: Phong trào Ba sẵn sàng của các anh đã tạo thêm khí thế cho miền Nam chiến đấu”. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi khai sinh phong trào “Tam bất kỳ” - tiền thân của phong trào Ba sẵn sàng.

Trong lịch sử 80 năm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phong trào “Ba sẵn sàng” chính là một điểm sáng ghi nhận một thực tế lịch sử: khi vận mệnh Tổ quốc lâm nguy thì một lời kêu gọi đúng lúc có thể tạo nên những mốc son chói lọi của tình yêu đất nước.

Kỳ 1: Thủ đô những ngày rực lửa

TT - Đã 78 tuổi nhưng với ông Trịnh Ngọc Trình - nguyên bí thư Đoàn ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) - ký ức về những ngày sục sôi của phong trào Ba sẵn sàng vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Ông tự hào kể: “Sau này bí thư khu ủy khu 6 đã nói với tôi: Phong trào Ba sẵn sàng của các anh đã tạo thêm khí thế cho miền Nam chiến đấu”. ĐHSPHN là nơi khai sinh phong trào “Tam bất kỳ” - tiền thân của phong trào Ba sẵn sàng.

Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình tuyên bố phát động phong trào “Ba sẵn sàng” (30/4/1964) tại Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

 

Những năm 1964-1965, lớp trẻ thủ đô sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - Ảnh tư liệu chụp lại từ Bảo tàng LSQS VN

 

Bí thư Thành đoàn Hà Nội khi đó là Vũ Hữu Loan - nay đã 83 tuổi, người trực tiếp chỉ đạo phong trào của ĐHSPHN - nhớ lại: “Tôi suy nghĩ rất lung khi anh Nguyễn Lam (bí thư Trung ương Đoàn) nói: Cách mạng đã chuyển giai đoạn rồi. Đánh Mỹ là nhiệm vụ chính của đất nước. Các anh phải chuyển phong trào của thanh niên Hà Nội sang một phong trào cách mạng mới”.

Và phong trào của ĐHSPHN mà đặc biệt là “Tam bất kỳ” đã gợi cho ông Loan suy nghĩ: Thành đoàn Hà Nội phải có một phong trào thể hiện lý tưởng của thanh niên và thể hiện tầm suy nghĩ về thời đại mới.

Suy nghĩ đó trở thành chỉ thị cho bí thư Đoàn ĐHSPHN Trịnh Ngọc Trình. Sau một cuộc thảo luận, ĐHSPHN đã tìm ra một cái tên thuần Việt Nam thay cho “Tam bất kỳ”: phong trào Ba sẵn sàng.

Lời thề Mai Dịch

Đêm 30-4-1964. Tại nghĩa trang Mai Dịch, hơn 7.000 SV ĐHSPHN đứng xen kẽ kín quanh những ngôi mộ liệt sĩ. Sau khi Bí thư Thành ủy Hồ Trúc thắp hương trầm ở đỉnh nghĩa trang xong, tất cả đồng loạt đốt đuốc.

7.000 ngọn đuốc như biển lửa làm rực sáng cả góc trời phía tây thủ đô. Ông Hồ Trúc ra chỉ thị cho Đoàn Trường ĐHSPHN, rồi đến ông Vũ Hữu Loan đọc diễn văn. Sau đó, bí thư Đoàn ĐHSPHN Trịnh Ngọc Trình đọc bản tuyên thệ với lời thề: “Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi - đoàn viên thanh niên SV - xin thề: Sẵn sàng làm bất cứ việc gì Tổ quốc giao; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc yêu cầu; sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh!. Hơn 7.000 SV đồng loạt giơ đuốc, hô vang “Sẵn sàng”! Chúng tôi chọn nghĩa trang Mai Dịch vì anh linh, hồn thiêng của các liệt sĩ sẽ chứng giám cho lời thề và huyết tâm của mình. Chúng tôi không sợ hi sinh, quyết noi gương cha anh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”. Quang cảnh ấy bây giờ còn làm ông Trình xúc động đến rơi nước mắt.

Dòng người trong biển lửa hừng hực khí thế bắt đầu rước đuốc về phía Cầu Giấy. Hơn 7.000 bó đuốc trùng trùng điệp điệp đi qua các dãy phố cổ kính, tiến về hồ Gươm, Tràng Tiền rồi lại quay trở về Trường ĐHSPHN. Người rước đuốc cuối cùng về trường hơn 1 giờ đêm. Họ lại tiếp tục rì rầm luận bàn suốt đêm không ngủ.

Sáng 1-5-1965, không ồn ào phô trương, hàng trăm SV ĐHSPHN lặng lẽ trích máu viết huyết thư. Những nét chữ nguệch ngoạc còn đỏ tươi dòng máu nóng tha thiết xin được ra chiến trường làm bí thư Đoàn Trịnh Ngọc Trình run run xúc động. Ông kể: “Khí thế rừng rực quá. Ngay cả cán bộ giảng dạy cũng nhấp nhổm không yên tâm: không biết mình được gọi đi hay chưa?”.

Và chỉ sau một đêm, ĐHSPHN đã trở thành một công trường của trận địa phòng không dày đặc. Bảy tòa nhà cao năm tầng của trường biến thành một trận địa pháo. Mỗi tòa nhà trang bị 2 - 3 khẩu súng pháo, nòng súng vươn lên trời cao.

Toàn bộ vũ khí được huyện đội huyện Từ Liêm cấp. SV còn được một trung đội bộ đội huấn luyện bắn máy bay. Mỗi khoa là một tiểu đoàn, luyện tập rất say sưa. “Cả trường rầm rộ đào hào xung quanh khuôn viên trường để máy bay Mỹ đến là bắn ngay. Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng không khí hối hả, gấp gáp đào hầm cá nhân, hầm để đặt súng liên thanh, cảnh SV nhận súng, đạn, phân ban, phân đội... vẫn làm tôi thấy rừng rực như đang trở về những ngày tháng đó mỗi khi nhớ lại”, ông Trình xao xuyến.

Ban đêm học, ban ngày tập quân sự, đào hầm. Những lớp học ban ngày thì buổi tối lên trường tập quân sự. Hơn 1.000 SV ròng rã xây dựng trận địa trong hơn một tháng. Họ thay nhau làm ngày làm đêm. Có người được cử đi nước ngoài học nài nỉ xin được chiến đấu. Những người chuẩn bị đi vào Nam ráo riết tập cõng gạo, vác gạch, đeo súng, đeo băng đạn... chạy xung quanh khuôn viên trường. Vẻ mặt rất tự hào. Những ai không được đi thì nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, thèm muốn lẫn ghen tị.

Trước đó, mỗi năm ĐHSPHN có khoảng 200 cán bộ và SV tốt nghiệp xung phong vào Nam. Nhưng trong hai năm 1964-1965, con số này lên đến hàng nghìn người.

Cuộc họp khẩn trong đêm

Trước khí thế Ba sẵn sàng hừng hực ở ĐHSPHN, Thành đoàn nhận thấy cần phải nhân rộng phong trào lên quy mô toàn thành. Tối 7-8-1964, tại trụ sở 43 Lý Thái Tổ, thường vụ Thành đoàn Hà Nội họp đột xuất và thống nhất việc phát động phong trào Ba sẵn sàng càng sớm càng tốt. “Chúng tôi gấp rút quyết định phát động phong trào, gấp rút viết lời kêu gọi, chạy khắp nơi để chuẩn bị tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9 để phát động toàn thành”, ông Vũ Hữu Loan hào hứng kể.

4g30 chiều 9-8-1964, hàng ngàn SV ĐHSPHN đi bộ hơn 7km từ trường ra hội trường Bộ Công nghiệp nặng (phố Hai Bà Trưng), vừa đi vừa hô “Ba sẵn sàng” rộn ràng khắp đường phố thủ đô. Các trường ĐH khác cũng nườm nượp hàng ngàn SV kéo về. Đêm. Hội trường Bộ Công nghiệp nặng đã chứng kiến một sự kiện lịch sử: Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào Ba sẵn sàng toàn thủ đô. Trong hội trường chỉ có 500 đại biểu thanh niên - SV tham gia trực tiếp. Nhưng ở bên ngoài có tới hai vạn học sinh, SV, thanh niên tập trung trong những khu phố, con đường xung quanh được bắc loa ra nghe.

Đêm ấy hàng vạn thanh niên, học sinh, SV đã xuống đường. Cả rừng người đi từ hồ Hoàn Kiếm đến đường Hai Bà Trưng và hô vang “Ba sẵn sàng”. Dòng người như lũ tràn thác đổ. Hà Nội rúng động trong biển người rừng rực khí thế. Người dân đổ ra đường xem. Những em nhỏ, những cụ già cũng cùng hô “Sẵn sàng chiến đấu! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”. Ngay sau đó, bài viết “Thanh niên thủ đô quyết xứng đáng với thủ đô anh hùng” của ông Nguyễn Hoàng Tùng - lúc đó là tổng biên tập báo Nhân Dân - đã thổi bùng thêm ngọn lửa hi sinh vì Tổ quốc trong tuổi trẻ thủ đô.

Tháng 3-1965, khi Trung ương Đoàn phát động phong trào trên toàn quốc thì phong trào Ba sẵn sàng như triều dâng thác đổ. Hơn 26.000 đoàn viên thanh niên thủ đô và hàng triệu thanh niên miền Bắc nhập ngũ.

Lý giải về sự thành công kỳ diệu của phong trào Ba sẵn sàng, nguyên bí thư Thành đoàn Hà Nội Vũ Hữu Loan khẳng định: “Sáng kiến và nguyện vọng là của quần chúng, thanh niên. Thành đoàn chúng tôi nắm bắt được đúng lúc nên phát động kịp thời, đáp ứng được hàng triệu nguyện vọng của thanh niên. Điều đó làm nên sức sống mãnh liệt của phong trào”.

MY LĂNG - ĐỨC BÌNH

_____________

“Biết bao thanh niên xin được đi chiến đấu. Nhiều học sinh muốn gia nhập quân đội vào chiến trường. Có nhiều thanh niên tự nhiên mất tích. Về sau cả làng mới biết anh ấy đã lẳng lặng đi B...”.

Kỳ tới: Những người con của thời đại

Theo tuoitre.vn

Nguyên Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình - Giám đốc HEDO bây giờ.

Giám đốc HEDO vui khi nghĩ về những điều làm được giúp đồng bào miền núi phát triển văn hóa - giáo dục, y tế. (ảnh: Đoàn TN ĐHSPHN)

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh tặng hoa chúc mừng cựu Bí thư Trịnh Ngọc Trình nhân ngày kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. (ảnh: Đoàn TN ĐHSPHN)

Cựu Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình phát biểu tại Đại hội Đoàn trường khóa XV. (ảnh: Đoàn TN ĐHSPHN)

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội và đồng chí Nguyễn Bá Cường tặng hoa cựu Bí thư Trịnh Ngọc Trình và các cán bộ lãnh đạo Đoàn TN thời kỳ "Ba sẵn sàng" (ảnh: Đoàn TN ĐHSPHN)