Trân trọng thông báo và kính mời quý Thầy/Cô đến dự khai mạc triển lãm mỹ thuật của Khoa Sư phạm Âm nhạc - Mỹ thuật- Trường Đại Học Sư phạm Hà Nội và Khoa Sư phạm Mỹ thuật - Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tại:
Applied arts gallery - số 5 Phan Đăng Lưu, P.3, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
http://amnhacmythuat.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=67:trin-lam-tranh-m-thut-s-phm-s-phm-m-thut&catid=7:tin-tc-s-kin&Itemid=2
LỜI GIỚI THIỆU TRIỂN LÃM
Trong cuộc sống bộn bề những lo toan, mỗi con người đều muốn tìm cách nào đó để giãi bày tâm sự của riêng mình. Người họa sĩ thời hiện đại đôi khi mắc mớ với những giằng co cơm áo khiến tâm tư có phần phân tán. Nhưng cũng vì thế mà khi đối diện với tác phẩm của mình họ có một miền tâm trạng đầy đặn và sốt sắng. Các họa sĩ ở phòng tranh này cũng vậy, ngoài công việc giảng dạy mỹ thuật, những khoảng thời gian quý giá cùng mặt toan trắng đem lại nhiều tự tin hơn cho mỗi giờ dạy trên giảng đường. Sáng tác mỹ thuật khó bao nhiêu thì nghề dạy mỹ thuật lại càng khó bấy nhiêu. Tất thảy những gì có được qua nhiều năm rèn luyện vẫn là chưa đủ để giải nghĩa mọi mong muốn khát khao của các thế hệ sinh viên. Bởi vậy vẽ là một cách rèn luyện tốt nhất, một cách tích lũy hữu hiệu nhất để chia sẻ cho các thế hệ sinh viên.
Khoa Sư phạm Âm nhạc - Mỹ thuật, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Sư phạm Mỹ Thuật, trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Có chung một nhiệm vụ đào tạo. Với thời gian, lớp lớp những giáo viên mỹ thuật được trang bị kiến thức nghề nghiệp vững vàng từ các họa sĩ - giảng viên đã và đang đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Có lẽ từng tác giả ở đây đã ý thức rất rõ ràng công việc và trách nhiệm đang mang trong mình nên họ mang đến triển lãm nhiều bất ngờ thú vị với nhiều tác phẩm mỹ thuật đa dạng và chuyên nghiệp, nhiều phong cách tạo hình của các thầy cô ở đây đã từng được ghi nhận của giới mỹ thuật trong và ngoài nước.
Triển lãm lần đầu tiên tại Applied arts gallery mà hai khoa phối hợp để ra mắt với công chúng thành phố Hồ Chí Minh là một hoạt động đầy ý nghĩa và tự hào đối với các họa sĩ - giảng viên ngành sư phạm mỹ thuật của Việt Nam. Điểm qua phòng tranh này, các thầy cô ngành sư phạm hai miền nam bắc đem đến sự hòa trộn những phong cách nghệ thuật của 2 miền . Với trên 50 tác phẩm của 16 thầy cô, cuộc triển lãm mang nhiều sắc thái biểu đạt trong ngôn ngữ hội họa, phong cách đa dạng trên những Chất liệu tạo hình như sơn mài sơn dầu , lụa , khắc gỗ.v.v
Các thầy cô khoa Sư phạm Mỹ thuật – Trường Đại học Mỹ thuật Tp HCM mỗi người một phong cách tạo hình riêng biệt. Ths Lê Xuân Chiểu, với ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật rõ nét, đằm thắm, bút pháp mạnh mẽ trong những tác phẩm sơn dầu như “ Múa xoe hoa” , “ Đợi bạn”.v.v . Cao Thị Song với những tác phẩm sơn dầu bút pháp dung dị “ Hạ” “ khoảng không đô thị “ .v.v. Nguyễn Thùy Hương với những sáng tác về những sinh hoạt đời thường thể hiện bằng thủ pháp sáng tác theo không gian mở , những tác phẩm cảm hứng về cái đẹp của thiên nhiên như “ Cây Quất” , “ Đá ở Sapa’ chất liệu Acrylic… Nguyễn Tố Uyên đi sâu về chất liệu khắc gỗ , trung thành với cách in khắc cổ truyển trong mỗi tác phẩm thể hiện tính trang trí cao như việc xử lý đường nét mềm mại , tạo những mảng màu lớn mang tính ước lệ như các tác phẩm “ Thổ cẩm” “ Gốm Chăm” , “ Xuân vùng cao” .. Nguyễn Minh Quang chọn chất liệu sơn dầu với gam màu lạnh , lược giản tốt đa về màu như “Blue of now “. Tiêu Văn Khoa với một số tác phẩm sơn dầu mang tính hiện thực kết hợp lối vẽ trừu tượng , sử dụng những mảng màu nguyên chất..được trộn lẫn tạo hòa sắc cho không gian hư ảo trong tranh .v.v ,. Nguyễn Thị Mỹ Linh với một số tác phẩm khắc gỗ in đen trắng đường nét mảng hình khúc chiết.
Các Giảng viên - họa sĩ Hà Nội mang về đây một vài tự sự đầy duyên ý. Hoàng bào với cảm xúc miền Tây bắc trong tác phẩm "xuống chợ", "chợ vùng cao". Các chuyển động của mặt tranh của anh đem đến một cấu trúc vững chãi như bàn chân những người H' Mông ở Bắc Hà - Lào Cai. Phạm Đình Bình với tạo hình hiện đại mà tinh tế, chuyển vận gợi không gian sâu trên chất liệu lụa truyền thống. Nguyễn Thu Lan hồ hởi với sơn dầu, các vệt bút vô định mà trúng, màu thì vang sâu nhưng nhẹ nhàng ẩn chứa xung mãn bên trong. Ngô Văn Sắc sáng tạo trên nền cơ bản vững vàng cùng với ván gỗ mộc phối hợp chất liệu hiện đại, các bức tranh của anh đem lại nhiều ngỡ ngàng nhờ sáng tạo. Phạm Văn Tuyến trải nghiệm sức căng của ứng tác trong các tác phẩm tress rồi lại dàn lên trên mặt toan một cảm thức vang xa của những "mùa sông" mang âm hưởng Sông Hồng với đặc điểm bốn mùa của miền Bắc. Đỗ Kiều Linh triệt để hóa các mô típ về với hai chiều để nhường lại không gian cho các sắc độ trên chất liệu tổng hợp. Tranh của Linh đầy đó những tâm trạng với suy tư mê mẩn… Nguyễn Khắc Tú với cái nhìn nghiêng về giản lược hình ảnh, chú trọng đến ý hơn là diễn đạt hình, họa sĩ tạo ra một bề mặt tranh mênh mang rộng mở thu hút mắt người xem đến những chân trời lạ quen.
Các họa sĩ - Giảng viên đem lại một bữa tiệc bằng mắt đầy ắp những ý tưởng còn chưa được khám phá hết. Phần còn lại xin nhường cho quý khách luận bàn và xin được ghi nhớ trong lòng quý vị một triển lãm nhiều ý nghĩa sâu xa.
Phạm Văn Tuyến