“Ở các nước, tâm lý học trường học (còn gọi là tâm lý học đường) rất phát triển nhưng ở ta, mãi những năm gần đây mới được quan tâm và đơn vị mà đã đặt nền móng cho ngành này là Khoa Tâm lý-Giáo dục của trường”, GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội khẳng định.
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh (người thứ 3 từ phải sang) cùng các chuyên gia, cán bộ dự buổi tổng kết khóa đào tạo tháng 1 năm 2011.
Sự manh nha xuất hiện của bất cứ môn khoa học hay ngành nghề nào cũng bắt nguồn từ thực tiễn, từ những nhu cầu xuất hiện trong hiện thực và cụ thể hơn nữa là từ những nghiên cứu thực chứng và ngành Tâm lý học trường học (TLHTH) cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Bắt đầu từ năm 2004, với dự án Xây dựng phòng tham vấn học đường với sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam bao gồm các hoạt động điều tra nhu cầu tham vấn học đường của học sinh trung học phổ thông; xây dựng, duy trì và đánh hoạt động mô hình phòng tham vấn học đường tại 2 trường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Tất Thành; song song với đó là các buổi trao đổi học thuật, tư vấn về tâm lý học ứng dụng tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), các nghiên cứu lý luận và thực tiễn tâm lý học ứng dụng trong và ngoài nước; đặc biệt là công văn “Đẩy mạnh hoạt động tham vấn trong các trường phổ thông” của Bộ GD-ĐT..., các chương trình đào tạo tâm lý học ứng dụng; các đợt học tập thực hành tâm lý tại Trường ĐH St Jonh’s (Hoa Kỳ), đào tạo chuyên gia tâm lý và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về TLHTH (tâm lý học học đường), đào tạo giảng viên nguồn và giám sát viên chuyên ngành TLHT... đã diễn ra liên tục trong suốt 7 năm liền (2004 - 2010).
Một trong những dấu mốc có tính quyết định cho sự ra đời của lĩnh vực đào tạo TLHTH tại ĐHSPHN chính là chuyến thăm và ký kết Văn bản thỏa thuận hợp tác (MOU) với đại học St. John's - Hoa Kỳ (hướng tới mục tiêu ưu tiên cho việc hợp tác xây dựng và phát triển TLHTH) của GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng trường ĐHSPHN và ThS. Đinh Quang Thú- Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế trường ĐHSPHN) ngày 5/12/2006.
Và sau một thời kỳ khá dài hợp tác với trường đại học St.John's- Hoa Kỳ (STJ), Khoa Tâm lý - Giáo dục (TLGD) đã xây dựng được chương trình đào tạo TLHTH, công việc chuyên môn được thực hiện thông qua việc đại học STJ và một số trường đại học khác của Hoa kỳ cử chuyên gia sang Việt Nam và Việt Nam cử giảng viên, cán bộ sang nghiên cứu, học tập và trao đổi kiến thức tại các trường đại học ở Hoa Kỳ; tháng 9 năm 2008 khóa đào tạo cử nhân tâm lý học, chuyên ngành TLHTH đầu tiên đã được thực hiện tại khoa Tâm lý giáo dục thuộc trường ĐHSPHN .
“Nền tảng của TLHTH khá vững chắc, có sự tiếp thu các thông tin tiên tiến và kinh nghiệm của quốc tế”, GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh nhận định.
Thầy Nguyễn Viết Thịnh cũng khẳng định: “ĐHSPHN có trách nhiệm hoàn thiện và phát triển hơn nữa về chương trình đào tạo và thực hành TLHTH, không chỉ cho bậc đại học mà cả sau đại học; đảm bảo đặt nền móng vững chắc ngay từ đầu cho sự phát triển của ngành này”.
Không chỉ được các chuyên gia trong nước đánh giá cao, các chuyên gia nước ngoài, những người đang trực tiếp hỗ trợ xây dựng chuyên ngành mới này tại Việt Nam cũng có những đánh giá rất tích cực. GS.TS. Brent Ducan, giảng viên khóa Phát triển chương trình Phòng ngừa và Can thiệp toàn trường cho học sinh với 46 học viên của Trường ĐHSPHN và các đối tác vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, cho biết: “So với ngành TLHTH ở Mỹ cùng giai đoạn (những năm 1970), ngành TLHTH tại Việt Nam đã tiến xa hơn rất nhiều. Các bạn đã làm được nhiều hơn. Các học viên khóa học này đã rất tích cực. Rất nhiều thầy cô đã tham gia nhiều khóa học từ các nước khác và đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế mà họ có; đồng thời cũng nỗ lực rất cao để đặt ra được tiêu chuẩn tâm lý học học đường (TLHTH) trong tương lai”.
Bên cạnh những thuận lợi được Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, ủng hộ, ngành TLHTH vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo PGS.TS Trần Quốc Thành, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, một trong những khó khăn đầu tiên của ngành không phải là tài chính, mà thực tế là chưa có mã số viên chức cho ngành, hay số lượng học viên quan tâm tới ngành còn ít (do quá mới)… nhiều phụ huynh cũng như trẻ em - thanh thiếu niên còn e ngại, chưa muốn chia sẻ những vướng mắc liên quan đến các vấn đề tâm lý của mình.
“Chúng tôi chỉ có mong muốn xã hội nhận thấy ngành này rất cần thiết, ví dụ như xử trí ra sao với trẻ em nghiện game, bạo lực học đường, bắt nạt học đường, …, phòng ngừa thế nào để các vấn đề đó ngày càng bớt xảy ra; và thấy rằng trẻ em cần phải có người chuyên trách về tâm lý trợ giúp. Còn giáo viên hay người thân của các em, dù nhiệt tình nhưng vẫn có những hạn chế nhất định vì không phải là nhà chuyên môn”, PGS.TS Trần Quốc Thành chia sẻ.
Với nỗ lực và nhiệt huyết của tập thể khoa Tâm lý giáo dục, sự ủng hộ của ban giám hiệu Trường ĐHSPHN, sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và tài trợ của Quỹ Hỗ trợ khoa học công nghệ quốc gia, “các nhà quản lý và các nhà giáo dục sẽ nhận ra sự cần thiết và sẽ tích cực ủng hộ ngành tâm lý học học đường hay TLHTH phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, PGS.TS Trần Quốc Thành bày tỏ.
Nguồn: Thu Phương (Dantri.com.vn)