(GD&TĐ)-Là gương mặt xuất sắc nhất về thành tích học các môn khoa học tự nhiên nhưng vẫn quyết tâm nộp đơn vào khoa Triết trường ĐHSP Hà Nội bất chấp sự phản đối quyết liệt của người thân. Chính sự đam mê kỳ lạ với môn Triết là động lực giúp cô sinh viên khuyết tật Trần Thị Thơm làm nên kỳ tích – trở thành thủ khoa xuất sắc với điểm học tập toàn khóa 8.8/10. Thơm cũng là gương mặt thủ khoa khuyết tật duy nhất được vinh danh trong số 107 thủ khoa tiêu biểu nhất của các trường ĐH, học viện của Hà Nội năm 2012.

 

cxcxcxcfd
Thủ khoa Trường ĐHSP Hà Nội năm 2012 Trần Thị Thơm

Mối duyên với Triết học

Sinh ra trong một gia đình cơ bản, mặc dù có thiệt thòi nhất định về sức khỏe nhưng bên Thơm là cả một đại gia đình luôn hết lòng yêu thương và sẵn sàng dành tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất có thể em. Bù lại thiệt thòi về ngoại hình, sức khỏe, từ nhỏ, Thơm đã khá thông minh và luôn là niềm tự hào của gia đình. Trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn, thấm thía nỗi đau thể xác, Thơm thấu hiểu thế nào là nỗi đau, sự mất mát và kém may mắn hơn những người bình thường vì vậy, em càng cố gắng chăm chỉ học tập, quyết tâm chiến thắng số phận.

Tuy nhiên, việc lựa chọn chuyên ngành sư phạm Triết học không phải là lựa chọn đầu tiên, càng không phải là ước mơ của Thơm khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Vốn học xuất sắc các môn tự nhiên, dự định ban đầu của Thơm là sẽ thi vào các trường khối kỹ thuật. Nhưng, ngay lần đầu tiên được học Triết học, Thơm đã bị cuốn hút. Thơm cho biết, ở môn Triết có gì đó rất hấp dẫn, rất ăn nhập với tư duy của em và em đã học môn này không hề vất vả một chút nào. Rồi không biết tự bao giờ, Thơm đã yêu nó, thậm chí thần tượng cả giáo viên phụ trách môn học. Cũng từ đó, Thơm bắt đầu nuôi mơ ước trở thành giáo viên giảng dạy Triết học, chấp nhận khó khăn khi phải chuyển khối thi.

Tốt nghiệp THPT, không một trăn trở, không một toan tính nào, Thơm quyết định nộp đơn vào chuyên ngành sư phạm Triết học Trường ĐHSP Hà Nội bất chấp sự phản đối quyết liệt của người thân.

Ngày thi ĐH, Thơm phải tự đạp xe để đến địa điểm thi. Khoảng cách từ KTX Trường ĐHSP Hà Nội đến sân vận động Mỹ Đình với người bình thường không xa, nhưng với Thơm là cả quãng đường dài. “5h30 em bắt đầu xuất phát từ nhưng đến trường thi cũng tầm khoảng hơn 6h30. Cổng trường tấp nập xe cộ, bạn nào cũng có người thân đưa đón. Lúc đó, em cũng thấy tủi thân lắm nhưng tự nghĩ ai bảo mình trốn bố mẹ để tự đi lại. Thi xong buổi sáng, đến trưa các bạn lại được người thân đến đón về còn em thi xong thì ở lại phòng thi để chiều thi tiếp. Bữa trưa hôm đó thật không làm sao mà quên được. Em chỉ có duy nhất một nắm xôi và một chai nước trắng. Xôi mua từ sáng ở KTX mà trời tháng 7 lại nóng nực nên cũng hơi khó ăn nhưng em vẫn cố để giữ sức chiều còn thi tiếp. Ăn xong, em xuống cuối lớp nằm ngủ. Cứ tưởng như thế là xong xuôi, ai ngờ vừa chợp mắt một lúc thì có bảo vệ vào kiểm tra, quét dọn. Người ta yêu cầu em ra ngoài vì chưa đến giờ thi. Quét dọn xong, người ta khóa cửa lại, thế là em phải ngồi ngoài hành lang một mình suốt cả buổi trưa hôm đó. Môn thi buổi chiều kết thúc, em lại đạp xe về KTX trong trạng thái khá mệt mỏi nhưng lòng khấp khởi niềm vui”. Thơm tâm sự, đó là kỷ niệm mà em không bao giờ quên về những ngày khó khăn khi quyết tâm sống thật với lòng mình để theo đuổi ước mơ.

Trong suốt 4 năm học tại trường ĐHSP Hà Nội, chính nhờ ước mơ trở thành cô giáo đã giúp Thơm vượt qua tất cả mọi khó khăn, sự mặc cảm để không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập, để khẳng định mình. Trở thành thủ khoa với số điểm đáng mơ ước đối với bất kỳ sinh viên nào, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, Thơm cho biết, một phần lớn là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện của các thầy cô giáo trong khoa Triết học, trường ĐHSPHN, sự yêu thương và bao bọc của gia đình, sự giúp đỡ của bạn bè.

Thơm tâm sự: Giờ đây, sau 4 năm học tại trường ĐHSP Hà Nội, em thấy mình thật hạnh phúc vì đã được sống trong tình yêu, sự bao dung của thầy cô, sự giúp đỡ, động viên của bạn bè. Trường ĐHSP Hà Nội là mái trường ĐH em yêu mến nhất, nơi em được tạo mọi điều kiện để có thể phát huy khả năng của mình, được thể hiện và khẳng định mình.

Mong có cái nhìn cởi mở, nhân ái hơn với người khuyết tật

Ghi nhận những thành tích mà Thơm đã đạt được trong suốt 4 năm học, với ưu ái đặc biệt, các thầy trong BCN khoa Triết học đã có dự định đề nghị lãnh đạo Nhà trường giữ Thơm ở lại khoa. Dưới mái trường ĐHSP Hà Nội, ước mơ của cô bé khuyết tật dũng cảm ngày nào đã trở thành hiện thực. Mặc dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, thành công của ngày hôm nay cũng chỉ là bước đầu nhưng Thơm cho biết sẽ cố gắng học tập, không ngừng phấn đấu vươn lên, cầu thị, sáng tạo và cống hiến để xứng đáng với niềm tin yêu của thầy cô và bạn bè, noi gương, tiếp bước các thầy cô, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người – sự nghiệp dùng nhân cách để tác thành nhân cách.

Trả lời câu hỏi còn mong ước gì trong cuộc sống, thật xúc động khi Thơm cho rằng, mình là một người may mắn, nhưng còn nhiều bạn có hoàn cảnh đặc biệt như em đang gặp khó khăn trong cuộc sống. “Em mong sao, Nhà nước có những chính sách đặc biệt, có cái nhìn cởi mở hơn, nhân ái hơn đối với những người khuyết tật để họ có thể hòa nhập, ước mơ và cống hiến (trong khả năng có thể) cho xã hội. Bởi quả thật, họ đã luôn có một ước mơ mà sẽ không bao giờ trở thành hiện thực đó là ước mơ được khỏe mạnh bình thường như bao người khác. Điều đó họ phải chấp nhận bởi nó không thể khác được. Chỉ mong sao ước mơ còn lại, ước mơ được lao động và cống hiến theo đúng năng lực và sở nguyện (khi họ hoàn toàn có thể và đang cố gắng hết sức cho điều đó) được trở thành hiện thực. Mong sao những ước mơ đó không bị những quy định do chính con người đặt ra, không bị những định kiến xã hội làm cho không bao giờ có thể chạm tới bến bờ hiện thực”.    

  Hiếu Nguyễn

Theo: giaoducthoidai.vn