Chiều 28/5, Trường ĐH sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề liên quan về chính tả tiếng Việt”. Tới dự có nhiều nhà khoa học của Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Văn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khoa, các viện nghiên cứu thuộc Trường ĐHSP Hà Nội.
Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin: Giới thiệu "bản đồ" chính tả tiếng Việt

 

(GD&TĐ)-Chiều nay (28/5), tại Trường ĐH sư phạm Hà Nội, nhiều nhà khoa học đã cùng tham gia góp ý kiến cho Bảng chính tả tiếng Việt – một nghiên cứu của Việt kiều, Kiến trúc sư Lê Văn Lang. 

Kiến trúc sư tại hội thảo góp ý kiến về
Kiến trúc sư  Lê Văn Lang  tại hội thảo góp ý kiến về bảng chính tả tiếng Việt tại ĐHSP Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn
Theo tác giả, Bảng chính tả tiếng Việt là bảng tóm lược hệ thống chính tả tiếng Việt, được thiết kế theo phương pháp bản đồ, tiện dùng có mục đích ứng dụng – làm thiết bị dạy học đọc và viết tiếng Việt. Bảng này được thiết kế hoàn toàn dựa trên sự quan sát thực tiễn của tác giả về khả năng, quy luật kết hợp giữa các con chữ trong việc thể hiện các âm, vần trong tiếng Việt.
 
Trong bảng này, tác giả Lê Văn Lang chia vần tiếng Việt thành 5 nhóm. 
 
Nhóm vần độc lập, gồm những vần tự mình làm thành các tiếng, có khả năng tạo từ; đồng thời khi kết hợp với một phụ âm đầu nhất định nào đó thì tạo ra một tiếng khác.
 
Nhóm vần phụ thuộc là những vần tự mình không tạo nên tiếng mà luôn luôn phải kết hợp với một phụ âm đầu nhất định nào đó.
 
Nhóm vần cố định – những vần luôn luôn đứng một mình trong vai trò tiếng tạo từ - không thể kết hợp với bất cứ một phụ âm đầu nào.
 
Nhóm vần Việt hóa – những vần vốn không phải là vần của tiếng Việt, chúng được Việt hóa và được sử dụng qua quá trình phiên âm.
 
Nhóm vần triệt – gồm 10 vần bị triệt tiêu khả năng kết hợp với phụ âm đầu (không có khả năng tự mình kết hợp với phụ âm đầu), có thể coi là không hoạt động trong phép chính tả của tiếng Việt.
 
Theo tác giả Lê Văn Lang, ưu điểm lớn nhất của bảng Chính tả tiếng Việt là tổng kết được hầu hết những quy luật về chính tả tiếng Việt trên một trang giấy, ví như một “bản đồ chính tả”. Sự tổng kết có hệ thống này đã cung cấp cho người sử dụng một khái niệm bao quát nhưng rất chi tiết về các quy tắc chính tả tiếng Việt. 
 
Hiếu Nguyễn