(GD&TĐ) - Trong những ngày đầu tháng ba ấm áp, chúng ta lại rạo rực hướng tới đón mừng một sự kiện đặc biêt: Ngày Quốc tế phụ nữ 8/ 3 – Ngày hội của phụ nữ thế giới, cũng là ngày hội của phụ nữ Việt Nam.

Ngày hội của phụ nữ cũng là ngày hội của toàn xã hội, bởi mỗi chúng ta, ai chẳng có trong tim hình ảnh những người phụ nữ thân thương của mình. Phụ nữ là một nửa thế giới này. Hơn thế nữa, phụ nữ đã góp phần quan trọng sinh thành, tạo dựng thế giới này. Ta được sinh ra và lớn khôn trong lời ru đằm thắm, mênh mang của mẹ. Những bàn tay dịu hiền của mẹ, của vợ, của chị, của em ta mang đến cho cuộc đời ta nhành lúa, bông hoa, gieo mầm và nuôi lớn trong ta hoài bão, ước mơ, giúp ta sống có nhân, có nghĩa, là chỗ dựa cho ta những khi gian khó, vấp ngã, lỡ lầm.

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

Văn hóa được kết tinh trong giá trị. Những giá trị mà người phụ nữ mang đến cho cuộc đời này góp phần làm nên những gì cốt lõi nhất của văn hóa tinh thần Việt Nam. Một tiếng nói, một nụ cười, một lá thư bạn gái gửi ta lúc đi xa, mái đầu mẹ ta bạc trắng..., tất cả đồng hành cùng ta trong suốt cuộc đời, giúp ta có thêm sức mạnh vững bước trên con đường đi lên phía trước.

Thật tự hào biết bao về người phụ nữ Việt Nam. Lật xem những trang sử từ xa xưa của dân tộc, ta như con nghe văng vẳng tiếng voi gầm ngựa hí của một thời trận mạc. Hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu oai phong dũng mãnh trên bành voi xung trận đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định rằng ở mỗi trang của cuốn Biên niên sử dân tộc ta đều thấp thoáng bóng hình của người phụ nữ, những người đã cùng chồng, con, với ý chí kiên cường và trái tim nhân hậu, đã dựng nhà, vỡ đất, khai hoang, dệt vải và cấy cày làm nên những mùa vàng cho đất nước; và khi đất nước có giặc xâm lăng lại sẵn sàng đứng lên chống giặc. Ta không bao giờ quên một Nguyên Phi Ỷ Lan nhiếp chính cho chồng là đấng quân vương cầm quân ra trận. Nhưng ta cũng luôn khắc ghi cùng với những người phụ nữ đã được lưu danh sử sách còn có biết bao người phụ nữ khác đã chung tay góp sức dệt gấm thêu hoa làm nên cái đẹp và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam trước hết là cái đẹp của tâm hồn, rồi từ đó tỏa sáng trong muôn mặt của đời sống xã hội. Đó là cái đẹp trong lao động, trong học tập, trong tình yêu, trong chiến đấu và trong cả cuộc sống thường ngày. Càng trong gian khó, ác liệt cái đẹp đó càng bừng sáng

Thanh  niên xung phong (ảnh: Internet)
Thanh niên xung phong (ảnh: Internet)

Phụ nữ Việt Nam – đó là những phụ nữ ba đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng con ra trận. Có những bà mẹ đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng từ lúc tóc còn xanh cho đến khi phơ phơ đầu bạc. Có những bà mẹ thức thâu đêm vá áo cho chiến sĩ. Có những người chị ngã xuống khi tuổi đời mới 18, đôi mươi như Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc... Máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cái đẹp của Người phụ nữ Việt Nam đã đi vào thơ ca nhạc họa. Cái đẹp ấy đã kết tinh trong những cái tên lung linh những sắc màu huyền thoại. Đó là Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thị Hồng Gấm, chị Út tịch, mẹ Suốt...

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam đang tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời nâng tầm những gì đã có để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới – thời đại đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Người phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò to lớn của mình trong xã hội. Phụ nữ chiếm 50,1% lao động khu vực nông thôn, chiếm tỷ lệ cao trong các ngành giáo dục, công nghiệp chế biến, dệt may, giầy da, thương mại, dịch vụ và tham gia ngày càng nhiều vào các ngành kinh tế đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, công nghệ cao. Nhiều lãnh đạo và chủ các doanh nghiệp thành đạt là phụ nữ. 61,1% lao động ngành y tế là nữ. Trong lĩnh vực chính trị vị thế của người phụ nữ cũng không ngừng được nâng cao: Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII chiếm 24,4%; nữ công chức trong cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên chiếm 31%; nhiều phụ nữ được giao đảm nhiệm trọng trách ở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Riêng trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, phụ nữ chiếm 74% trong tổng số 1.044.035 nhà giáo trực tiếp đứng lớp, đặc biệt chiếm số đông ở các cấp học phổ thông. Đội ngũ này không ngừng được trẻ hóa và được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm học 2010 – 2011, tỷ lệ nữ giáo viên đạt chuẩn ở giáo dục phổ thông là 96%, vượt chuẩn 20 – 25%. Phụ nữ chiếm gần 40% số người có trình độ thạc sỹ, trên 21,4% số người có học vị tiến sỹ, 14,08% số giáo sư và 37,87% số phó giáo sư. Lực lượng lao động và cán bộ nữ đông đảo ở các lĩnh vực nêu trên đang được tập hợp, tổ chức, động viên thông qua việc tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc tiếp tục triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động do các cấp, các ngành, các địa phương phát động. Từ đó, sức mạnh, hiệu quả hoạt động và vị thế, vai trò xã hội của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Phụ nữ Việt Nam ngày nay có được sự tiến bộ, vị thế, vai trò xã hội như vậy một phần quan trọng là nhờ ở sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân mình, một phần quan trọng khác là nhờ thường xuyên có sự quan tâm to lớn, sự chăm lo thiết thực và hiệu quả của Đảng và Nhà nước.

Phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với đà tiến bộ và phát triển hiện nay, nhất định phụ nữ nước ta sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời luôn là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/ 3, chúng ta hãy cùng gửi tới phụ nữ cả nước và những người mẹ, người vợ, người chị, người em trên thế giới lời chào thân thiện cùng những bó hoa tươi thắm và những lời chúc tốt đẹp nhất.

TS. Nguyễn Danh Bình

Nguồn: www.gdtd.vn