(GD&TĐ)-Sáng nay (22/2), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức buổi lễ vinh danh những nhà giáo của trường vừa được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2010.

 

xcxcx
Trường ĐHSP Hà Nội vinh danh những nhà khoa học của trường vừa được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: gdtd.vn

Đợt trao tặng này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc đạt nhiều giải thưởng nhất với 3 trên tổng số 12 giải thưởng Hồ Chí Minh 2010. Những nhà khoa học của trường nhận đuợc giải thưởng cao quý lần này là cố GS.NGƯT Lê Bá Thảo, cố GS.NGND Lê Trí Viễn và GS.TSKH.NGND Bùi Văn Ba (Phương Lựu).

Trường ĐHSP Hà Nội còn có 3 nhà giáo, nhà khoa học là đồng tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (Cụm công trình: Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam. Đồng tác giả: 45 người), đó là Cố GS.TS Hoàng Đức Nhuận, GS.TS Trần Kiên và PGS.TS Vũ Quang Mạnh (đều ở khoa Sinh học).

Với cụm công trình: Thiên nhiên, lãnh thổ và các vùng địa lý Việt Nam, gồm ba công trình: Thiên nhiên Việt Nam (1977), Việt Nam: Lãnh thổ và các vùng địa lý (1998) và Lê Bá Thảo: Những công trình địa lý tiêu biểu (2007), Cố GS Lê Bá Thảo – người gần như gắn bó cả cuộc đời sự nghiệp với Trường ĐH sư phạm Hà Nội đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010.

Theo đánh giá của Hội đồng Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, cụm công trình có những thành tựu khoa học đặc biệt xuất sắc cũng như có những đóng góp to lớn trong thực tế. Cụ thể, đã tổng kết và đánh giá một cách toàn diện và đúng đắn tiềm năng của đất nước Việt Nam, đặt cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới; có giá trị khoa học rất cao về lý luận, phương pháp luận địa lý hiện đại; có những đóng góp lớn về lý luận tổ chức lãnh thổ, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam (lần đầu tiên ở nước ta vấn đề tổ chức lãnh thổ được nhìn nhận theo cách tiếp cận chiến lược).

Cụm công trình cũng đã xác định được các cực phát triển và các tuyến trọng điểm cho cả nước và mỗi vùng lãnh thổ, làm bộ khung cho việc tổ chức lãnh thổ; đã đánh giá lại và phát hiện những đặc tính, thế mạnh, những hạn chế và những điểm chưa hợp lý trong phát triển các vùng lãnh thổ, đồng thời đã đề xuất những định hướng chiến lược và những giải pháp cụ thể về tổ chức lãnh thổ để phát triển kinh tế-xã hội trên quy mô cả nước và các vùng địa lý đã thực sự phát huy tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học địa lý, kinh tế, văn hóa-xã hội cũng như trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước.

GS.NGND. Lê Trí Viễn, nguyên chủ nhiệm Khoa Ngữ văn – người chủ nhiệm Khoa Ngữ văn lâu nhất với 15 năm (từ năm 1963 đến 1978) đã vinh dự được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình Nghiên cứu, phê bình Văn học Trung đại Việt Nam và Ngữ văn Hán Nôm. Đây là các công trình sớm nhất viết về Văn học Trung đại Việt Nam theo quan điểm Mác – Lê nin. Dựa trên các quan điểm của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, các công trình của GS. là những nghiên cứu sâu sắc và hệ thống về các đặc điểm của Văn học Trung đại Việt Nam với hầu hết các tác gia lớn nhỏ của giai đoạn này. Những công trình về Ngữ văn Hán Nôm của Ông đã đưa chương trình Hán Nôm trong đào tạo Ngữ văn trở nên có hệ thống, khoa học, được phản biện và có tính văn chương.

GS. TSKH. NGND. Bùi Văn Ba (ảnh phải) tại lễ trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước ề KH&CN 2012. Ảnh: gdtd.vn
GS. TSKH. NGND. Bùi Văn Ba (ảnh phải) tại lễ trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước ề KH&CN 2012. Ảnh: gdtd.vn

GS. TSKH. NGND. Bùi Văn Ba được giới khoa học và các thế hệ học trò được biết đến với bút danh Phương Lựu. GS. được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh lần này với cụm công trình gồm 5 cuốn: Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX. NXB Văn học, 2001 (628 trang); Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh. NXB Văn học, 2002 (374 trang); Lí luận phê bình văn học. NXB Đà Nẵng, 2004 (956 trang); Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. NXB ĐHSP, 2005 (376 trang); Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây. NXB Thế giới, 2007 (344 trang). 2678 trang của 5 cuốn chuyên luận này tập trung vào các vấn đề lí luận phê bình và phương pháp luận nghiên cứu văn học – đối tượng nghiên cứu và mối quan tâm khoa học rất riêng của Ông.

Ngoài 3 nhà giáo vừa được vinh danh với giải thưởng cao quý nhất về khoa học của nước nhà, Trường ĐH sư phạm Hà Nội còn có 3 nhà giáo cùng được nhận giải thưởng Nhà nước dịp này. Đó là GS.TS Nguyễn Ngọc San (Khoa Ngữ Văn), GS.TS Diệp Quang Ba (Khoa Ngữ Văn) và GS.TS Vũ Tự Lập (Khoa Địa lý).

Hiếu Nguyễn

Theo: giaoducthoidai.vn