Ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng GS. NGND Lê Trí Viễn (PGS.TS Lê Lưu Oanh, con gái cố GS. NGND Lê Trí Viễn nhận Bằng chứng nhận) và GS.TSKH.NGND Bùi Văn Ba (Phương Lựu)
Tham dự buổi trao giải có ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước; ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch quốc hội; ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng chính phủ, cùng lãnh đạo nhiều ngành và địa phương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi lễ trao giải thưởng nhà nước về khoa học hôm nay. Ảnh: Hoàng Hà |
Giải thưởng được xem xét và công bố 5 năm một lần. Đây là những giải thưởng cao nhất về khoa học của Việt Nam, và là sự công nhận, tôn vinh, khích lệ, của nhà nước đối với các nhà khoa học. Các công trình đạt giải có giá trị cao về khoa học và ảnh hưởng lâu dài tới đời sống nhân dân.
Năm nay, Ban tổ chức trao tặng giải thưởng cao quý cho 32 công trình thuộc 5 lĩnh vực Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học kỹ thuật; Khoa học nông nghiệp; Khoa học Y-Dược. Trong đó, 12 công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 công trình được trao tặng Giải thưởng Nhà nước.
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ, tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước khoa học công nghệ chúc mừng tác giả của 32 công trình.
“Các thế hệ nhà khoa học Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, để cống hiến cho đất nước. Việc trao giải thưởng hôm nay là sự khích lệ và cổ vũ của Nhà nước với cộng đồng khoa học và thành quả mà họ mang lại”, tiến sĩ Quân nói.
Theo ông Quân, các công trình đạt giải đều có ảnh tới sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về nông nghiệp, về thủy điện và dầu khí.
Chủ tịch nước trao chứng nhận giải thưởng cho đại diện các công trình khoa học. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao các giải thưởng và nhấn mạnh, các công trình xuất sắc là sự dày công nghiên cứu của nhiều trí tuệ, tài năng với sự lao động say mê, sáng tạo, các nhà khoa học đã góp phần phục vụ vì sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhiều công trình tiêu biểu có giá trị cao và sẽ có tác động lâu dài trong cuộc sống.
“Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào rằng, trong các thành tựu đạt được của đất nước đều có sự đóng góp của đội ngũ cán bộ các nhà khoa học với quá trình làm việc kiên nhẫn và tâm huyết”, chủ tịch nước nói.
Ông bày tỏ hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc hơn nữa, để khoa học luôn là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, ông mong mong muốn khoa học cần tập trung vào tiềm lực đất nước, nhất là quan tâm tới các cán bộ khoa học, họ sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các lĩnh vực của cuộc sống bằng các nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao.
Trong số các cụm công trình, đặc biệt có sự tham gia của các nhà khoa học Liên bang Nga trong đề tài “Tìm kiếm phát hiện và khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lựa địa Việt Nam”.
Công trình đã thực hiện từ năm 1984 đến 2007, có giá trị khoa học xuất sắc, làm thay đổi quan điểm khoa học địa chất dầu khí, làm tiền đề mới về hệ thống dầu khí để tìm kiếm thăm dò thành công ở Việt Nam và trên thế giới.
Nhiều công trình xuất sắc như Cụm công trình thiên nhiên Việt Nam, Việt Nam lãnh thổ các vùng địa lý của cố giáo sư Lê Bá Thảo, được ban tổ chức đánh giá là công trình đặc biệt xuất sắc. Nghiên cứu đã tổng kết đánh giá toàn diện thiên nhiên, dân cư các hoạt động kinh tế của Việt Nam.
Công trình “Ứng dụng 5 giải pháp khoa học công nghệ chế tạo thiết bị nâng hạ tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Tăng Cường, cung cấp thiết bị có sức nặng lớn và rất lớn, đóng góp công trình trọng điểm của quốc gia như thủy điện Sơn La, nhà máy đóng tàu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Đại diện các tác giả nhận giải, tiến sĩ khoa học Phùng Đình Thực phát biểu, giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ là nguồn khích lệ với cộng đồng khoa học Việt Nam.
“32 giải thưởng là kết tinh lòng đam mê, khát khao cống hiến của giới khoa học cho đất nước. Giải thưởng cao quý này là sự công nhận, tôn vinh, khích lệ, cổ vũ kịp thời của Nhà nước đối với các nhà khoa học. Đó sẽ là động lực để các thế hệ tiếp tục đóng góp cho công việc xây dựng nước nhà”, ông Thực nói.
Hương Thu