Thực hiện kế hoạch năm học 2011 - 2012, hưởng ứng Chương trình hành động "Vì biển đảo quê hương", Đoàn trường đã phát động toàn thể cán bộ trẻ, đoàn viên, học sinh, sinh viên, học viên sau đại học ủng hộ được 104 triệu đồng. Số tiền này được Đoàn trường triển khai các hoạt động: đóng góp "Quỹ góp đá xây Trường Sa" của Thành Đoàn Hà Nội", tặng quà đại biểu gia đình có công tạo dựng Đường Hồ Chí Minh trên biển, tặng quà, thăm hỏi các gia đình có chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Được sự đồng ý của Đảng ủy và sự tạo điều kiện của Ban Giám hiệu Nhà trường, đồng chí Nguyễn Bá Cường, Bí thư Đoàn trường, nhân dịp thực hiện chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã tìm về quê hương Má NGUYỄN THỊ MƯỜI (tên thường gọi là Má Mười Riều) - Người đầu tiên góp tiền, vàng đóng Tàu Không Số đầu tiên (Con trai cả của Má - Đại tá Lê Hà là một trong những người đầu tiên đi trên con tàu đầu tiên đó) tại Huyện Đất Đỏ - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trao tặng món quà của Tuổi trẻ Nhà trường gồm 10 triệu đồng và một số vật phẩm. Món quà tuy không lớn nhưng thể hiện tình cảm biết ơn của tuổi trẻ Trường ĐHSPHN đối với Bà Má Việt Nam anh hùng - nhân vật huyền thoại của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây cũng là nghĩa cử của Đoàn trường nhân dịp kỷ niệm 50 năm con đường huyền thoại này.

Đồng chí Nguyễn Bá Cường, Bí thư Đoàn trường thay mặt Tuổi trẻ Nhà trường tặng Má NGUYỄN THỊ MƯỜI món quà 10 triệu đồng

 Sang tuần tới, Đoàn trường tiếp tục thực hiện các chuyến công tác tại các tỉnh Miền Bắc, tặng quà và thăm hỏi, chúc
Tết các gia đình có chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Đoàn trường tin tưởng rằng, thông qua các hoạt động này, góp phần giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", giáo dục tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ biển đảo Quê hương.

ĐTN.

Tin bài và ảnh liên quan:

Sinh viên Nguyễn Bá Cường chụp cùng má Mười Riều tại Hội nghị tuyên dương toàn quốc

 đại biểu các gia đình tiêu biểu có công với Cách mạng tại Hà Nội năm 1996.

www.nhontrach-dongnai.gov.vn

 

 

Má Mười Rìu.

 

Má Mười Riều bên tấm huy hiệu 40 năm tuổi đảng.
Má Mười Riều bên tấm huy hiệu 40 năm tuổi đảng.
 
Mười Riều - Bà má huyền thoại (Kỳ 1)
 
QĐND - Thứ Ba, 03/05/2011, 17:10 (GMT+7)

QĐND - Người chuyển tiền bị địch phục kích, hy sinh. Số tiền cấp trên cấp cho đơn vị để mua tàu bị mất sạch, trong lúc thời điểm vượt biển đã cận kề. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, má đã dành toàn bộ số tiền tích cóp được để mua một con tàu cho bộ đội vượt biển làm nhiệm vụ trinh sát, mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Má là Nguyễn Thị Mười (tên thường gọi Mười Riều), ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Câu chuyện về cuộc đời má là những trang huyền thoại hùng tráng và cảm động.

Kỳ 1: 10 cây vàng và con tàu vượt biển

Vợ khiến chồng “tâm phục khẩu phục”

Má ngồi tựa lưng vào thành ghế đá, dõi mắt về khu chợ Phước Hải tấp nập người bán kẻ mua. Hôm nay biển lặng, tàu ghe vào cảng nhiều, các chuyến xe vận chuyển hàng hải sản ra vào chợ nhộn nhịp. Ngôi nhà cấp bốn đơn sơ nhưng khá rộng rãi của má nằm sát mép đường bên hông chợ. Mấy khóm cây trước cửa như những chiếc ô xanh xòe ra, làm dịu bớt cái nắng rừng rực ở độ cuối mùa khô và không khí ồn ã, náo nhiệt của khu chợ miền biển này.

Má ngồi đó, ngày hai buổi ngắm dòng người xuôi ngược. Nhịp sống thời má còn con gái, dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy má cũng không thể hình dung ra được. Má bảo, đời mình theo Đảng làm cách mạng chỉ mong có ngày được nhìn thấy cuộc sống no ấm, thanh bình. Giờ đây, vùng quê biển này đã có những ngôi nhà chọc trời, được du khách muôn phương biết đến nhờ phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch. Giờ má già yếu rồi, không đụng tay đụng chân được nữa thì nhìn lớp con cháu lao động, làm ăn để cùng vui với tụi nhỏ. Đó cũng là cách để má giữ gìn sức khỏe, sự minh mẫn và nhất là không bị lạc hậu trước cuộc sống hiện đại. Vào tuổi 92, má là người cao niên nhất ở vùng quê biển này trở thành “báu vật sống” của sự nghiệp cách mạng. Thời gian đã lấy đi tuổi trẻ, sức khỏe nhưng bù lại, má vẫn còn rất minh mẫn, mắt vẫn sáng, tai vẫn thông. Những ký ức một thời son trẻ đi làm cách mạng với má, vẫn tươi rói như mới hôm qua...

Tên “cúng cơm” của má là Nguyễn Thị Mười. Sau khi lấy chồng, má được người bạn đời (chiến sĩ Lê Văn Riều) dẫn dắt đi theo cách mạng và được gọi với bí danh Mười Riều. Má kể:

- Ổng đi làm cách mạng từ những ngày đầu có Đảng. Thấy ổng hay đi cùng với mấy người bạn, bàn chuyện làm giao liên, xây cơ sở gì đó, tui hỏi nhưng ổng chỉ nói đi mần ăn. Có lúc tui giận ổng, mần cái chi mà giấu vợ. Về sau mới biết, đó là nguyên tắc. Sau năm 1945, ổng làm Xã đội trưởng xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Từ năm 1954, ổng rút vào hoạt động bí mật cho đến năm 1959 được cử làm Bí thư Chi bộ xã Bình Châu, sau đó tham gia vào Đơn vị 555 (sau nâng cấp, đổi tên thành Đoàn 1.500), xây dựng bến Lộc An để tổ chức cho các đội tàu không số ra Bắc lấy vũ khí, tiếp nhận, cấp phát cho các chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Hai má con tóc bạc như nhau (má Mười và con trai Lê Hà tháng 4-2011).

Nguyên tắc là thế nhưng rồi làm sao mà giấu vợ mãi được. Đi mần ăn chi mà hổng thấy đưa tiền về cho vợ nuôi con. Má biết hết nên bảo chồng: “Là vợ chồng, làm gì thì cho tui theo với, bộ hổng tin tưởng tui sao”. Chồng má nói: “Tui sợ bà hổng đủ sức”. Má gắt: “Đừng coi thường tui hén. Ngó bộ vậy chớ ngon lành lắm à nghen. Khó khăn mấy tui cũng chơi”. Vậy là má đi theo cách mạng. Ban đầu làm giao liên, giúp chồng đi vận động quần chúng tham gia các hoạt động ủng hộ cách mạng. Nhưng phải đến những năm đầu của thập niên sáu mươi, vai trò của má mới thực sự tỏa sáng.

Sau cao trào Đồng khởi năm 1960, phong trào cách mạng miền Nam chuyển qua thời kỳ chiến tranh cách mạng. Để đáp ứng nhu cầu của chiến trường, sau khi mở đường Trường Sơn 559, Trung ương Đảng chủ trương mở đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng với một số tỉnh ven biển Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu được Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền chọn xây dựng các điểm tiếp nhận vũ khí để trang bị cho các đơn vị bộ đội chủ lực Miền, bộ đội quân khu và các địa phương ở miền Đông Nam Bộ, Khu 6 và Sài Gòn - Gia Định. Năm 1961, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Dương Quang Đông (tên thường gọi anh Năm) được phân công về Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo công việc xây dựng địa điểm, chuẩn bị mở tuyến đường trên biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí. Lực lượng đảm nhiệm nhiệm vụ này là Đơn vị 555. Địa điểm được chọn là bến Lộc An, là một đầu mối của đường Hồ Chí Minh trên biển, nằm bên cửa sông Ray. Bên phải cửa biển là xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, bên trái là xã Phước Bửu (nay thuộc xã Phước Thuận), huyện Xuyên Mộc. Hai bên sông Ray là rừng nguyên sinh, ngập mặn, nối liền với rừng Bình Châu - Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn ở phía bắc và tây bắc. Cửa Lộc An thuận lợi cho việc vận chuyển, cất giấu và chuyển tải vũ khí đến các căn cứ kháng chiến. Đây là một vị trí “hiểm” mà địch ít ngờ tới. Vừa lo xây dựng lực lượng, đơn vị vừa chuẩn bị cho chuyến đi trinh sát, mở đường Hồ Chí Minh trên biển từ Vũng Tàu ra Bắc.

Việc của Đảng là số một

Nhiệm vụ đặt ra cấp bách là phải mua một con tàu, cải trang thành tàu đánh cá để đưa lực lượng trinh sát ra Bắc. Lúc này, má Mười cùng chồng và người con trai Lê Hà đều tham gia Đơn vị 555. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, mọi việc phải hoạt động trong tầm bí mật, việc lo đủ tiền để mua tàu đã khó, đi mua tàu còn khó hơn. Vùng cửa biển Lộc An lúc bấy giờ rất hoang vắng, dân cư các vùng lân cận thì thưa thớt và đều có hoàn cảnh khó khăn, lại nằm trong tầm kiểm soát của địch. Các ấp, xã bị địch sử dụng hàng rào dây thép gai giăng kín mít. Để tháo gỡ khó khăn, đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Khu 1 (nay là Quân khu 7) đã vét quỹ được 100 nghìn đồng, giao đồng chí Bửu Hoa đưa xuống Bà Rịa cho Đơn vị 555 để mua tàu. Chẳng may dọc đường đi, đồng chí Bửu Hoa bị địch phục kích bắn chết. Tiền mua tàu mất sạch. Tình hình rơi vào thế ngặt nghèo. Anh Năm và các đồng chí chỉ huy Đơn vị 555 như ngồi trên đống lửa. Thấy anh Năm lo lắng, Mười Riều hỏi:

- Bộ có chuyện gì không ổn sao anh Năm?

- Gay go lắm chị Mười ơi! Đồng chí của ta bị địch phục kích, hy sinh, tiền mua tàu bị mất sạch rồi. Khi phát hiện số tiền lớn đồng chí Bửu Hoa mang theo, chắc chắn địch sẽ nghi ngờ. Kể cả bây giờ có tiền, chúng ta đi mua tàu sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị lộ. Tình hình đang rất khó khăn chị Mười à.

Mười Riều nghe anh Năm nói vậy thì cảm thấy như bản thân mình cũng đang ngồi trên đống lửa. Nhưng việc của cách mạng không thể trì hoãn được. Bằng mọi giá phải có tàu để ra Bắc. Mười Riều nói với anh Năm:

- Để tui tính giùm anh xem sao.

Tối đó, má Mười mang cái hộp thiếc được cất giấu rất kỹ ở nhà ra. Đó là toàn bộ gia tài của má chắt chiu dành dụm từ thời còn là con gái. Là người tháo vát, chịu thương chịu khó, má làm đủ mọi việc để nuôi con và lo cho chồng đi làm cách mạng, từ việc trồng trọt, làm vườn cho đến buôn bán rau quả ở các chợ. Mỗi năm má dành dụm được một ít, tiết kiệm mua vàng với ý nguyện để dành lo cho cuộc sống, tương lai của hai đứa con. Dưới ánh đèn dầu leo lét, má cẩn thận mở nắp hộp. Một… hai… ba… những chiếc nhẫn vàng, những tờ giấy bạc gấp vuông vắn. Tất cả cộng lại, trị giá chừng 10 cây vàng. Má Mười nhớ lại cảm xúc lúc bấy giờ:

- Thằng Hai (tức Lê Hà) cưới vợ rồi, cũng phải lo cho nó mái nhà. Còn thằng Út (Nguyễn Văn Mắng) thiệt thòi hơn vì trí não chậm phát triển, phải có ít vốn liếng sau này cho nó ổn định cuộc sống. Nhưng bây giờ, việc của Đảng là số một.

Chúng tôi hỏi má, vì sao hai anh em ruột mà người mang họ Lê, người mang họ Nguyễn, má cười bảo:

- Khổ vậy đó. Thằng Út đâu có được lanh lẹ như người ta. Bữa nó ra chính quyền làm căn cước, nó khai lộn họ cha ra họ mẹ. Vậy là người ta ghi vô căn cước của nó như vậy.

Đến bây giờ má vẫn còn nhớ như in buổi sáng cuối năm 1961. Sau khi cho hết tiền, vàng vào cái túi vải, má tức tốc đến gặp đồng chí Dương Quang Đông:

- Tui có cách rồi, anh Năm!

- Cách chi vậy chị Mười?

- Tui buôn bán vài chục năm nay cũng dành dụm được một khoản tiền và mấy cây vàng, tính chuyện sau này lo cưới vợ, dựng nhà cho mấy sắp nhỏ. Giờ anh cứ dùng số tiền, vàng đó mà mua tàu.

Thấy thủ trưởng còn lưỡng lự, má quả quyết:

- Tui đã suy nghĩ kỹ rồi. Anh không phải đắn đo gì cả. Tiền đã có, việc mua tàu anh để tui lo nốt. Tui là người địa phương, rành rẽ vùng này. Tui sẽ tìm được mối mua tàu đảm bảo bí mật tuyệt đối.

Đồng chí Dương Quang Đông ôm lấy bờ vai má lắc lắc:

- Thiệt tình chị là vị cứu tinh cho cách mạng lúc này đây.

Được sự chấp thuận của tổ chức, má Mười bắt tay vào việc tìm mối mua tàu. Việc tìm mối không khó, nhưng làm cách nào để qua mắt bọn thám báo, chỉ điểm mới là điều đáng lo. Sau khi tính toán các khả năng có thể xảy ra, má Mười quyết định không trực tiếp đi mua tàu và cũng không nhờ người quen cùng xã, vì sẽ dễ bị lộ. Má chọn người họ hàng, ruột thịt ở một xã khác. Lấy cớ đi mua lưới đánh cá, má Mười liên hệ với hai đứa cháu họ thân tín, rủ cháu đi qua xã Phước Tỉnh tìm mua ngư cụ đánh cá. Chả là Phước Tỉnh là vùng sản xuất nhiều ngư cụ phục vụ cho ngư dân làm nghề chài lưới. Tại xã Phước Tỉnh, má hỏi mua được một chiếc tàu cũ của một hộ dân, đồng thời mua được một máy tàu hiệu YAMAHA, cùng bộ lưới đánh cá. Để hợp thức hóa việc mua bán, má đã liên hệ xin được một giấy căn cước giả. Con tàu rời Phước Tỉnh về Phước Hải, sau đó được đưa ra Lộc An một cách an toàn. Bọn địch ở các trạm kiểm soát và đi tuần không một chút mảy may nghi ngờ. Con tàu mua được là tàu loại nhỏ, không có mui, sử dụng cho đánh bắt gần bờ. Ngay sau đó lực lượng của đơn vị đã gấp rút sửa sang, nâng cấp cho con tàu thêm phần chắc chắn để đủ khả năng vượt sóng gió trùng khơi ra Bắc.

----------------

www.qdnd.vn

Mười Riều-Bà má huyền thoại (Kỳ 2)
 
QĐND - Thứ Tư, 04/05/2011, 10:12 (GMT+7)

Kỳ 2: Đợi con ngày về

QĐND - Điều đặc biệt trong chuyến vượt biển làm nhiệm vụ trinh sát, mở đường Hồ Chí Minh trên biển là trong số 6 đồng chí thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng này có người con trai đầu của má - chiến sĩ Lê Hà. Đến bây giờ nhiều người vẫn đặt câu hỏi với má: “Dành cả gia tài rồi, sao má lại dành cả đứa con cho cách mạng?". Bởi ai cũng biết, những chuyến đi như vậy không ai hẹn ngày về, trong lúc người con út của má thì bị thiểu năng trí tuệ.

Lời chúc cho con

Thách thức đối với đơn vị lúc bấy giờ là lựa chọn những đồng chí tham gia vào đoàn công tác đặc biệt này. Yêu cầu đặt ra, đó phải là những đồng chí có đủ bản lĩnh, khả năng, kinh nghiệm đi biển, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh. Khi đồng chí Dương Quang Đông tham khảo ý kiến vợ chồng má, má nói:

- Tui có hai thằng con, thằng Hai (tức Lê Hà) đã có vợ con rồi. Nó đã trưởng thành, có bản lãnh, lại đã quen với nghề biển. Tui giao nó cho Đảng. Anh cứ cho nó đi. Việc nhà và vợ con nó đã có tui lo.

Người con trai của má lúc bấy giờ cũng tha thiết xin đơn vị được tham gia vào chuyến công tác. Vậy là đoàn công tác đặc biệt với tổ chức biên chế như một đơn vị cơ động gồm 6 người được thành lập, gồm: Nguyễn Sơn (Thuyền trưởng), Lê Hà (Chính trị viên), Thôi Văn Nam (thợ máy) và các chiến sĩ: Võ An Ninh, Nguyễn Văn Thanh, Trần Văn Phủ. Họ được đơn vị bí mật bồi dưỡng nghiệp vụ, học chính trị, học tiếng Hoa, chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho ngày lên đường.

- Sao má lại để cho con trai của mình tham gia chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm ấy? Má có sợ con trai đi sẽ không có ngày về? - Chúng tôi hỏi má câu mà không ít người đã hỏi.

Má nói:

- Lúc bấy giờ có ai nghĩ gì đến gian khổ, hy sinh, chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, đánh thắng giặc Mỹ thôi. Nhiệm vụ cách mạng lúc ấy sục sôi lắm. Ai ở vào hoàn cảnh của má cũng làm vậy thôi.

6 chiến sĩ trên chuyến tàu vượt biển ra Bắc tháng 2-1962 (Lê Hà đứng giữa, hàng sau). Ảnh: Lữ Ngàn.

Sau khi nhân sự, phương tiện đã sẵn sàng, vấn đề đặt ra là làm sao hợp thức hóa nhóm người này thành những người đi đánh cá. Một lần nữa má Mười Riều bằng mối quan hệ của mình ở địa phương đã liên hệ làm được 6 tấm căn cước giả, may cho mỗi người mấy bộ quần áo nâu và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, xăng dầu... cho chuyến đi. Con tàu vượt biển làm nhiệm vụ trinh sát, mở đường này được đồng chí Dương Quang Đông đặt tên là tàu Thống Nhất. Thực ra cái tên ấy chỉ được mọi người ghi nhớ để tạo cho mình niềm tin, sức mạnh chứ nào có văn bản gì. Sự nghiệp thống nhất nước nhà là niềm mơ ước, mục tiêu lớn nhất của cách mạng và của mỗi đồng chí trên chuyến tàu.

Tháng 2-1962, con tàu Thống Nhất chở 6 đồng chí rời bến Lộc An ra khơi, hòa vào đoàn ghe, tàu đang tấp nập lướt sóng. Họ đi lặng lẽ, bình dị như những ngư dân ra khơi đánh cá. Tiễn con và đồng đội lên tàu, má Mười nói:

- Má chúc con luôn mạnh giỏi, lúc nào cũng đặt nhiệm vụ của Đảng lên trên hết. Việc ở nhà, con đừng lo. Má đủ sức lo được hết. Má đếm tuần trăng đợi ngày con trở về.

Chúng tôi có hỏi má, sao ngày ấy má lại có niềm tin sắt son rằng, con trai và những đồng chí trên chuyến tàu ấy sẽ trở về, thì má cười nói:

- Phải có niềm tin chớ con. Làm cách mạng mà không tin tưởng thì hổng làm được. Ngay cả bây giờ cũng vậy. Các con làm việc gì có ích thì trước hết phải có niềm tin.

Đồng chí Lê Hà, con trai của má, chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa, bây giờ cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Mặc dù vậy, ngồi bên má, đồng chí vẫn lễ phép, “bé bỏng” như thuở nào. Nghe chúng tôi hỏi má vậy, đồng chí cười nói:

- Tình cảm, niềm tin và sự động viên, tiếp sức của má ngày ấy như một thứ “bùa hộ mệnh” đối với tui, tiếp cho tui niềm tin và sức mạnh, dù chuyến đi ấy gian khổ, hiểm nguy không thể nào lường trước được.

Dù đã được chuẩn bị khá chu đáo nhưng khi ra giữa biển khơi, gặp mùa gió biển mạnh, nhiều đồ đạc và lương thực, thực phẩm mang theo bị sóng đánh văng xuống biển. Thế là hết cái ăn. Anh em lại sử dụng lưới bắt cá để làm đồ ăn. Lênh đênh mấy ngày trời, tàu ra đến vùng biển Khánh Hòa thì lại gặp bão. Mọi người quyết định ghé vào Cam Ranh trú bão và tìm nguồn lương thực, nước ngọt bổ sung cho chuyến đi. Chẳng ngờ khi tàu cập bến, các thành viên trong đoàn bị tụi lính thủy quân lục chiến bắt giữ. Đồng chí Lê Hà nhớ lại:

- Lúc vào gần bờ, gặp mấy ghe đánh cá của ngư dân, một thành viên trong đoàn đã hỏi, gần đây có đồn lính nào không? Câu hỏi ấy đã gây sự chú ý của bọn chỉ điểm trà trộn trong ngư dân. Nó lập tức báo về đồn lính. Tụi tui bị bắt ngay sau đó. Cũng may tụi lính thủy quân lục chiến này khá “ngu” nên bị tụi tui qua mặt. Trước sau gì tụi tui cũng chỉ khai, mình là ngư dân Bà Rịa đi đánh cá, tàu bị mất phương hướng nên lạc ra đây. Còn việc vì sao tụi tui lại hỏi có đồn lính nào gần đây, chẳng qua là vì nếu trú bão gần đồn lính thì sẽ được an toàn hơn. Các ông có phương tiện, nếu ngư dân tụi tui có mệnh hệ gì, còn có các ông cứu mạng. Tụi lính nghe vậy thì tạm thời tin nên nó chỉ kiểm tra qua loa, sau đó bàn giao tụi tui cho bọn cảnh sát. Bọn cảnh sát thì tụi nó chỉ thẩm tra căn cước và xác minh lý lịch thôi. Dù không tìm thấy chứng cứ gì, nhưng tụi nó cũng giam các thành viên trong đoàn đến gần một tháng rồi mới chịu thả.

Cái “ngu” của tụi lính này, theo đồng chí Lê Hà là việc mùa ấy gió biển thổi theo hướng đông - bắc. Nếu bị lạc thì tàu sẽ bị dạt về vịnh Thái Lan chứ không thể ngược gió mà ra đến Cam Ranh được. Một chi tiết mà nếu không phải là dân đi biển chuyên nghiệp, sẽ không nhận ra sự vô lý ấy. Nhưng cũng từ việc bị bắt ấy, anh em mới nắm được quy luật, mánh lới hoạt động của địch trên biển. Chúng thường tung thám báo, chỉ điểm trà trộn trong ngư dân để nắm tình hình. Các tình tiết, diễn biến này được anh em ghi nhớ như một kinh nghiệm xương máu để tìm ra biện pháp đối phó trong những chuyến tàu không số sau này.

Sau khi được thả, anh em tiếp tục cuộc hành trình trong thiếu thốn, khó khăn chồng chất. Cuộc hành trình kéo dài đến giữa tháng 5-1962 thì đến được Hải Phòng.

Làm cách mạng cốt ở cái tâm

Trong những ngày con tàu vượt biển ra Bắc, ở Lộc An, má Mười cùng các đồng chí trong đơn vị tất bật lo chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đón những chuyến tàu không số cập bến.

Nhiệm vụ đặt ra là phải lo đủ số lượng lương thực dự trữ để cung cấp cho các chuyến tàu ra Bắc theo kế hoạch. Trách nhiệm lại đè nặng lên đôi vai má Mười. Một mặt, má đi vận động các cơ sở của cách mạng, bà con họ hàng thân thích tham gia đóng góp ủng hộ cách mạng. Ai có gạo góp gạo, ai có tiền góp tiền. Má gom hàng, tiền lại để mua lương thực. Mặt khác má cùng với hai người bạn thân, trong đó có chị ruột của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, bí mật đi mua lương thực dự trữ. Sau một thời gian, má Mười đã gom được hơn 4 tấn gạo. Cả tiền mua tàu trước đó và góp vào mua lương thực cho bộ đội, má đã sử dụng hết trọn 10 cây vàng.

Đầu tháng 10-1963, những chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên từ Bắc vào Nam cập bến Lộc An. Má Mười mừng rơi nước mắt đón đứa con bình an trở về.

Sau những đóng góp và thành tích to lớn ấy của đồng chí Mười Riều, thủ trưởng Dương Quang Đông nói:

- Chị Mười à! Tui thấy tinh thần cách mạng của chị thật là cao cả. Tình hình bước đầu vậy là tạm ổn. Tui tính tới đây sẽ cử chị đi học nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ để có hướng phát triển, phục vụ cách mạng lâu dài.

Má Mười đáp:

- Làm cách mạng cốt ở cái tâm mà anh Năm. Sức tui đến đâu tui làm hết mình đến đó. Việc học hành phát triển để dành cho các đồng chí trẻ anh Năm à.

Thế là má Mười lại tiếp tục công việc của mình. Mỗi khi có tàu cập bến, má lại cùng anh chị em bốc dỡ, vận chuyển vũ khí vào điểm tập kết. Đặc biệt là những lúc ấy, thế nào má Mười cũng gom hàng, huy động bà con đóng góp chăm lo cho bữa ăn, sức khỏe của anh em để bù lại những ngày tổn hao sức lực trên biển. Anh em của các chuyến tàu không số coi má như là người mẹ, người chị của mình. Riêng người con trai cả của má - chiến sĩ tàu không số Lê Hà sau chuyến đi trinh sát mở đường ấy, đã tiếp tục cùng đồng đội thực hiện 12 chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí trong nhiều năm liền. Năm 1972, trong một lần đưa tàu vào Nam, bị lộ nên anh em đã cho tàu chạy thẳng ra hướng vịnh Thái Lan để tránh truy đuổi nhưng không có kết quả. Trước lúc bị địch bắt, anh em đã cho phá hủy con tàu để xóa dấu vết. Con trai của má bị địch giam gần 11 tháng, sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 mới được trả tự do.

Người con yêu dấu của má giờ đây vẫn hằng ngày gần gũi, ân cần bên má, dù hai má con tóc đã bạc như nhau. 6 chiến sĩ vượt biển ngày ấy, bây giờ chỉ còn 3, trong đó một người đang bị bệnh nặng. Những ngày này, đồng chí Lê Hà cùng đồng chí Nguyễn Sơn - Thuyền trưởng năm ấy, khá bận rộn với những cuộc hành trình, họp mặt, gặp gỡ, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trên bàn thờ trong ngôi nhà má ở, bên cạnh di ảnh của các cụ thân sinh và người chồng quá cố là di ảnh của đồng chí Dương Quang Đông. Ở cái bàn kê cạnh bàn thờ là bức ảnh chân dung của má. Má bảo, má đã chuẩn bị sẵn ảnh thờ của mình rồi. Khi nằm xuống, chỉ cần đặt lên nóc tủ nữa là xong. “Ông bà đã cho má cuộc đời, chồng má đã cho má hạnh phúc, anh Năm đã cho má lý tưởng cách mạng. Đó là những người má phải thường xuyên nhang khói để ít nữa từ giã cõi trần, má sớm được đoàn tụ ở thế giới bên kia. Sống thọ được như vầy, má thanh thản lắm”.

Má nói rồi cười móm mém. Còn chúng tôi thì thấy lòng mình nghèn nghẹn.

Kỳ 1: 10 cây vàng và con tàu vượt biển

Kỳ 3: Cuộc hóa thân hoàn hảo

Ký của THANH KIM TÙNG

www.qdnd.vn

Mười Riều - Bà má huyền thoại (Kỳ 3)
 
QĐND - Thứ Tư, 04/05/2011, 22:48 (GMT+7)

Kỳ 3: Cuộc hóa thân hoàn hảo

QĐND - Để trở thành người giúp việc cho gia đình một sĩ quan cảnh sát ở Sài Gòn, Mười Riều đã phải nhổ hai hàm răng để thay bằng một bộ răng giả đắt tiền, hóa thân thành một thiếu phụ Sài Gòn. Những lần phục vụ gia đình viên sĩ quan đi dạ tiệc, du lịch, Mười Riều “đỏm dáng” trong bộ áo lụa dài, mắt đeo cặp kính cận.

Nhổ răng để vào thành

Năm 1970, chồng của má-chiến sĩ Lê Văn Riều được tổ chức chuyển lên hoạt động ở biên giới Tây Nam và Cam-pu-chia. Trong trận càn Đông Dương của Mỹ, ông cùng nhiều đồng chí khác đã hy sinh vì dính pháo kích của địch. Đến nay, hài cốt của liệt sĩ Lê Văn Riều vẫn chưa tìm được. Chồng hy sinh, con trai cả đang lênh đênh trên biển với những chuyến tàu không số. Tung tích Mười Riều bị lộ, bị địch truy lùng gắt gao. Tổ chức đã đưa má vào Chiến khu Đ, làm nhiệm vụ ở Đoàn Hậu cần 84 thuộc Bộ Tư lệnh Miền.

Thời điểm đó, Đoàn Hậu cần 84 phối hợp cùng các đội dân công và nhân dân vùng chiến khu, ngày đêm băng rừng, lội suối tải hàng từ biên giới Cam-pu-chia về chiến khu, chuẩn bị cho các đơn vị chủ lực Miền chiến đấu. Người con út của má-anh Nguyễn Văn Mắng được gửi đến một đơn vị khác. Ở rừng, má Mười cùng các đồng chí làm công tác hậu cần, vừa lo vận chuyển hàng hóa, vừa quần quật lo tăng gia sản xuất, đào củ mài cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm nuôi quân đánh giặc. Nhưng rồi tình hình càng ngày càng khó khăn. Khí hậu khắc nghiệt, việc tăng gia sản xuất bị thu hẹp. Địch tăng cường bao vây, kiềm tỏa hòng ngăn chặn nguồn tiếp tế từ bên ngoài của ta. Nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho Chiến khu Đ ngày càng khan hiếm, thiếu thốn.

Má Mười bên bàn thờ và những kỷ vật kháng chiến.

Một kế hoạch táo bạo nhưng rất cần thiết được đặt ra, đó là bằng mọi cách phải kiếm được nguồn cung lương thực, thực phẩm từ Sài Gòn. Kế hoạch được Đoàn Hậu cần 84 đề xuất và được trên chấp thuận. Một mặt, sử dụng đặc tình của ta ở nội thành móc nối với những sĩ quan, binh lính có cảm tình với cách mạng tìm nguồn cung lương thực, thực phẩm từ các chợ, sau đó vận chuyển đến những địa điểm khác nhau. Mặt khác, bố trí lực lượng của ta (chủ yếu là dân) vận chuyển nhỏ lẻ về gia đình, sau đó đưa vào chiến khu. Thông qua công tác trinh sát, dân vận, địch vận, ta móc nối được với một số đầu mối, trong đó có gia đình viên sĩ quan cảnh sát ở khu vực Bà Chiểu. Tên ông là Ký Dũng, thường gọi là anh Sáu Chống. Sáu Chống là người thức thời. Một mặt vẫn tỏ ra trung thành với chế độ Sài Gòn, mặt khác lại muốn thông qua các mối quan hệ khác để làm ăn, thu lợi riêng. Gia đình Sáu Chống làm nghề buôn bán, cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm cho các đầu mối bán lẻ ở vùng ngoại thành Sài Gòn và Đồng Nai. Gia đình Sáu Chống khá giàu, có đầy đủ phương tiện, xe cộ phục vụ buôn bán. Ở nhà lúc nào cũng có dăm ba lính cảnh sát túc trực và một số người giúp việc. Kế hoạch “lót ổ” của ta lập tức được triển khai. Thông qua một số người thân của vợ chồng Sáu Chống và binh lính đã được ta cảm hóa, tổ chức của ta sẽ đưa một người trong vai trò là người giúp việc lọt vô nhà Sáu Chống. Là một phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, đảm đang, Mười Riều là lựa chọn số một cho vị trí này. Mười Riều được thủ trưởng Ba Cử ở Đoàn Hậu cần 84 gặp riêng:

- Có một nhiệm vụ hết sức quan trọng ở thành, chị có sẵn sàng vô thành không?

- Bất kể việc gì, nếu sức tui cáng đáng được, tui sẽ sẵn sàng! - Mười Riều đáp.

 Thủ trưởng Ba Cử đã bàn bạc cụ thể mọi đường đi nước bước với Mười Riều. Trong vai một người giúp việc, Mười Riều có nhiệm vụ nắm bắt các thông tin liên quan đến đường dây cung ứng lương thực, thực phẩm cho chiến khu từ nhà Sáu Chống, qua đó khai thác, nắm bắt thông tin về kế hoạch tuần tra, kiểm soát ngoại tuyến của địch, đảm bảo cho đường dây không bị lộ.

Chọn được người rồi nhưng vấn đề đặt ra tiếp theo là Mười Riều đã quá quen mặt đối với bọn lính ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Nay được tung vào thành, nguy cơ bị lộ là không tránh khỏi. Kế hoạch thay hình đổi dạng để hóa thân làm phụ nữ thành thị của Mười Riều được triển khai. Mười Riều được làm tóc, làm móng, sửa sang da mặt và đặc biệt là hai hàm răng thật buộc phải nhổ đi để trồng răng giả. Má Mười nhớ lại cảm giác lúc đó:

- Nhờ bác sĩ chích thuốc gây tê nên khi nhổ răng hổng bị đau nhưng sau đó thì đau buốt óc. Mỗi tuần nhổ vài cái cho đến khi sạch trơn. Cứ nghĩ đến việc được vào thành hoạt động là tự dưng người mình “sung” dữ lắm, hổng biết đau là gì nữa.

Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, cuối năm 1970 Mười Riều cùng hai đồng chí trẻ rời chiến khu. Nhưng vừa mới ra đến bìa rừng thì gặp trận pháo kích của địch bắn phá dữ dội. Hai đồng chí hy sinh. Mười Riều bị thương ở hai bên đùi, buộc phải trở lại căn cứ. Gần một tháng sau, vết thương được chữa khỏi, Mười Riều rời căn cứ lần thứ hai. Với ngoại hình là một phụ nữ trẻ trung, duyên dáng và một tấm căn cước giả, Mười Riều đã khôn khéo qua mặt được các trạm kiểm soát để vào nội thành Sài Gòn, sau đó được người của ta đưa đến nhà Sáu Chống làm người giúp việc với tên gọi chị Mười.

Bằng sự khôn khéo, nhanh nhẹn, tháo vát của mình, chị Mười nhanh chóng trở nên thân thiết với vợ chồng ông chủ cùng các thành viên trong nhà, kể cả đám lính và được coi như người “chị cả” trong đám giúp việc. Công việc hằng ngày của chị Mười là chăm sóc các cháu nhỏ. Chị Mười làm việc rất tận tình, trách nhiệm nên được các cháu hết sức yêu quý. Cùng bố mẹ đi đâu chúng cũng đòi phải dẫn theo cô Mười đi cùng. Mỗi lần đi cùng gia đình ông bà chủ ra khỏi nhà, chị Mười lại duyên dáng trong các bộ áo dài bằng lụa, đầu tóc óng mượt, mắt đeo kính cận, nụ cười xinh tươi khoe hai hàm răng trắng như ngà, đều tăm tắp. Nhiều đồng sự của Sáu Chống khen, ông có cô bảo mẫu vừa đẹp vừa giỏi, làm cho Sáu Chống hài lòng ra mặt.

Không chỉ chăm sóc các cháu nhỏ chu đáo, mỗi khi có hàng, chị Mười lại nhiệt tình tham gia bốc dỡ. Có khi chị Mười còn tham gia đi chợ mua hàng. Sự tận tình, gần gũi, chu đáo của chị Mười khiến mấy anh lính thuộc cấp của Sáu Chống rất quý mến. Có chuyện gì các chú cũng tâm sự với chị Mười, cả việc riêng lẫn việc công. Nhờ vậy, chị Mười biết trước thông tin, đơn vị sẽ làm những gì, tuần tra kiểm soát ở đâu, kế hoạch chặn bắt các đối tượng tình nghi Việt Cộng như thế nào, việc các chú lính được cấp trên giao nhiệm vụ cải trang thành dân thường để phát hiện manh mối của Việt Cộng ra sao?... Những thông tin ấy được chị khai thác, sàng lọc rồi mật chuyển về căn cứ. Vợ chồng Sáu Chống rất tin tưởng, coi chị như là người nhà. Chị cũng tranh thủ mối thân tình này để gần gũi, trò chuyện với ông chủ và những cộng sự của ông mỗi khi có thể, cả trong bữa ăn gia đình lẫn khi đi dạ tiệc, hội hè... Mỗi lần rời Sài Gòn bí mật trở về căn cứ báo cáo tình hình, Mười Riều tháo bộ răng giả ra, cải trang thành một bà già móm mém, khổ sở để qua mắt địch. 

Ròng rã gần 2 năm “lót ổ” trong nhà Sáu Chống, Mười Riều đã hóa thân hoàn hảo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp cho tổ chức những thông tin quan trọng, kịp thời, góp phần đảm bảo cho đường dây cung ứng lương thực, thực phẩm từ Sài Gòn về chiến khu được an toàn. Từ sự cảm hóa của chị Mười và các đồng chí khác, ông Sáu Chống về sau đã có cảm tình với cách mạng. Sau này ông biết đích đến của các chuyến hàng ấy nhưng đã vô tình “ngó lơ” để tạo điều kiện cho người của ta vận chuyển trót lọt.

“Tiếng oan” trước chi bộ

Năm 1972, má được cấp trên điều trở lại Chiến khu Đ tiếp tục công tác. Vắng đơn vị gần 2 năm, nay bất ngờ trở lại với một diện mạo khác hẳn, nhiều đảng viên trong chi bộ nhìn Mười Riều với con mắt khác. Trong cuộc họp chi bộ sau đó, đồng chí Mười Riều bị nhiều đảng viên trong chi bộ đấu tranh, đề nghị làm rõ và xử lý kỷ luật với 3 khuyết điểm lớn: Thứ nhất, đồng chí đã bỏ sinh hoạt Đảng trong một thời gian dài. Thứ hai, đồng chí không đóng đảng phí theo quy định. Thứ ba, đồng chí đã vi phạm phẩm chất, tư cách đảng viên. Trong lúc đồng đội đang ngày đêm bám trụ căn cứ thực hiện nhiệm vụ thì đồng chí Mười đã “bỏ” vào thành sống sung túc, ăn trắng mặc trơn...

Nghe đồng chí của mình đấu tranh, ban đầu má chỉ im lặng. Việc cách mạng có những nhiệm vụ không thể công khai đến toàn thể đảng viên. Chỉ có những cán bộ chủ chốt và người thi hành cùng biết mà thôi. Đứng trước hiện tượng một đảng viên “vi phạm” nhiều khuyết điểm như thế, các đồng chí đấu tranh phê bình là hoàn toàn đúng. Thấy má im lặng không phản ứng gì, một số đảng viên khác tiếp tục lên tiếng, phê bình đồng chí Mười Riều ý thức tự phê kém, không dám nhận khuyết điểm. Đến lúc này, má mới đứng lên phát biểu:

- Thưa các đồng chí! Cả ba khuyết điểm mà các đồng chí nêu ra, tui không nhận khuyết điểm nào hết. Lý do vì sao, các đồng chí hãy cho tui được trả lời ở một cuộc họp khác. Tui chỉ muốn nói với các đồng chí, tui không bao giờ bỏ Đảng, bởi Đảng là lẽ sống, là niềm tin của tui. Dù có chết, tui cũng không bỏ Đảng.

Tại cuộc họp chi bộ sau đó, những việc làm, thành tích của đồng chí Nguyễn Thị Mười được cấp trên công khai. Khi đã hiểu rõ ngọn ngành, nhiều đồng chí đã ôm chầm lấy má mà khóc. Đồng chí Mười được tôn vinh trước toàn đơn vị. “Làm cách mạng, dù ở cương vị nào cũng luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thiệt thòi, hy sinh. Nhưng khi mình đã dấn thân, đóng góp công sức của mình thực hiện được lý tưởng của Đảng thì hổng có hạnh phúc nào lớn bằng, các con à!” - Má nói với chúng tôi vậy!

Kỳ 1: 10 cây vàng và con tàu vượt biển

Kỳ 2: Đợi con ngày về

Kỳ 4: Kỷ niệm với Đại tướng và chuyện của đứa con nuôi

Ký của THANH KIM TÙNG

www.qdnd.vn

 

Mười Riều - Bà má huyền thoại (Tiếp theo và hết)
 
QĐND - Thứ Năm, 05/05/2011, 21:41 (GMT+7)

Kỳ 4: Kỷ niệm với Đại tướng và chuyện của Đứa con nuôi

QĐND - Tháo vát, năng động trong công tác, hoạt ngôn khi đối đáp, mưu mẹo, biến hóa khi hoạt động trong lòng địch, nhưng đến khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì má Mười lại... rất khó diễn đạt. “Chỉ có mấy câu phát biểu chúc mừng Đại tướng, nhẩm mãi rồi mà vẫn nói lộn. Thiệt là... mắc cười quá đi!”.

Lời chúc thọ Đại tướng

Sau khi trở lại căn cứ, má tiếp tục công việc của mình ở Đoàn Hậu cần 84 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ, 3 mẹ con má Mười trở về Phước Hải sinh sống, làm ăn. Một số đồng chí trong Đảng ủy xã đề nghị bổ nhiệm má giữ một cương vị nào đó trong Đảng ủy, nhưng má bảo, má đã hoàn thành nhiệm vụ với Đảng. Bây giờ đất nước hòa bình rồi, nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế là số một. Việc giữ các cương vị lãnh đạo nên dành cho các đồng chí trẻ, được học hành bài bản. Má tham gia hoạt động trong Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã cho đến ngày nghỉ hưu.

Má Mười nói chuyện với con nuôi Nguyễn Bá Cường qua điện thoại. Ảnh: Lữ Ngàn.

Trở về cuộc sống sau chiến tranh, buổi đầu gia đình má gặp rất nhiều khó khăn. Hai người con trai của má đều là bệnh binh, hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Anh Nguyễn Văn Mắng sức khỏe yếu, gần như không còn khả năng lao động. Về sau má được Quân chủng Hải quân nhận phụng dưỡng trọn đời và xây tặng nhà tình nghĩa, là căn nhà má đang sinh sống hiện nay. Má được các tổ chức quan tâm, đón ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ, được gặp gỡ, trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Chủ tịch nước Lê Đức Anh đón tiếp... Ấn tượng sâu sắc nhất của má là chuyến ra Hà Nội năm 1991, được đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng tròn 80 tuổi. Bữa ấy má đi cùng đoàn đại biểu những người có công ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện cho đoàn phát biểu chúc thọ Đại tướng. Trước khi đến gặp Đại tướng, má đã dành thời gian nhẩm đi nhẩm lại lời chúc thọ Đại tướng đã được các thành viên trong Đoàn “biên soạn”. “Kính thưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Chúng tôi là những đại biểu đại diện cho những người có công với cách mạng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rất vinh dự được đến chúc thọ Đại tướng nhân dịp Đại tướng tròn bát thập. Kính chúc Đại tướng vui, khỏe, sống lâu!”. Vậy nhưng khi vào gặp Đại tướng, nhìn thấy Đại tướng tươi cười đón chào khách, chữ nghĩa trong đầu má bay đi đâu hết. Nhìn thấy Đại tướng, má chạy ùa tới đứng trước mặt Đại tướng, nói rất to: “Ôi! Bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp ơi! Được gặp bác tui mừng quá. Tui xin chúc bác tám mươi tuổi”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười, đưa tay đón má rồi quay sang hỏi đồng chí thư ký: “Ai đây?”. Đồng chí thư ký báo cáo với Đại tướng về má. Đại tướng ôm chầm lấy má, nói:

- Tôi xin cảm ơn cụ! Tôi đã nghe chuyện của cụ! Cụ thật là giỏi và kiên trung. Công lao của cụ đối với cách mạng rất to lớn. Tôi cũng chúc cụ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi”.

Đại tướng đã dành thời gian ân cần hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống, con cháu của má rồi dặn má: “Những người như cụ bây giờ là vốn quý của đất nước. Tôi mong cụ luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, là tấm gương để con cháu noi theo!” Má nói: “Tui xin hứa với bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tui sẽ luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Má ôm chặt Đại tướng trước lúc chia tay.

Chuyện về đứa con nuôi

Năm 1996, má được ra Hà Nội lần thứ hai, tham dự Hội nghị tuyên dương những gia đình có công toàn quốc. Má được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, động viên. Má kể:

- Chuyến ra Hà Nội lần đó, má đã “lụm” (nhặt) được một đứa con nuôi. Nó ngoan, giỏi và thương má lắm. Má cũng rất thương nó.

Tại hội nghị quan trọng đó, bản thành tích do Ban tổ chức công bố và hình ảnh, câu chuyện của bà má Nam Bộ đã gây xúc động mạnh đối với nhiều người, trong đó có một chàng sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong giờ nghỉ giải lao, cậu sinh viên ấy liền chạy đến bên má.

- Má ơi! Má cho con chụp một bức ảnh với má đi!

Chụp ảnh xong, cậu sinh viên ôm chầm lấy má!

- Má ơi! Con tên là Nguyễn Bá Cường, là sinh viên đại học. Má nhận con làm con nuôi của má nhé!

Má cười, “bẹo” một cái vào má Cường:

- Ừa! Con thiệt là lém lỉnh quá đi! Má không mất công đẻ, không mất công nuôi, giờ “lụm” được một đứa con ở Hà Nội giỏi và ngoan như con, má sướng quá đi chứ!

Má Mười và sinh viên Nguyễn Bá Cường năm 1996. (Ảnh do anh Nguyễn Bá Cường cung cấp).

Kỷ niệm ấy được anh Cường kể lại với chúng tôi:

- Hôm ấy tôi là một trong những sinh viên vinh dự có mặt tham dự hội nghị. Nghe kể về những đóng góp của má cho cách mạng, tôi vô cùng ngưỡng mộ, kính phục má. Tự dưng trong lòng tôi dậy lên một cảm giác tự hào và khao khát. Tôi muốn mình được làm một người con của má.

Để thực hiện được mong ước ấy, Cường đã xin chép lại bộ phim tài liệu “Dân là gốc” được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, chiếu tại hội nghị, trong đó có một đoạn nói về bà má Nam Bộ Mười Riều. Cường trích đoạn ấy ra làm thành một clip, ghép cùng những hình ảnh của lần đầu tiên gặp gỡ má đem lưu vào máy tính cá nhân. Mỗi lần nhớ má, Cường lại mở ra xem và cho bạn bè cùng xem. Anh nói, việc anh được má nhận làm con nuôi là một niềm hạnh phúc. Anh sẽ sống xứng đáng với niềm hạnh phúc ấy. Cường thường xuyên ghi thư vào thăm má và hẹn một ngày sẽ vào Vũng Tàu thăm má.

Cậu sinh viên Nguyễn Bá Cường ngày ấy, bây giờ đã là giảng viên bộ môn Triết học kiêm Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỗi khi giảng bài về chính trị hay tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên, anh lại kể câu chuyện về má Mười, lấy những hình ảnh về má và những người có công với cách mạng tiêu biểu chiếu cho sinh viên, thanh niên xem. Năm 1999, khi nhận tháng lương đầu tiên của nghề thầy giáo, anh đã mua hai tấm vải dùng để may áo dài, một tấm đem tặng người mẹ của anh, một tấm gửi vào tặng má Mười. Trong thư gửi cho má, anh viết: “Niềm hạnh phúc đầu tiên trong đời làm thầy giáo của con, con xin được thành kính sẻ chia cùng hai mẹ. Một người đã sinh ra con, nuôi con khôn lớn. Một người trong tâm thức của con, là đại diện cho người mẹ Việt Nam, là bà má Tổ quốc, người đã tiếp cho con lý tưởng và lẽ sống. Với món quà này, má hãy coi dù con ở xa nhưng con luôn bên má”. Má gửi thư lại cho anh, tặng anh một tấm ảnh má chụp từ thời má còn là một phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi. Đó là tấm ảnh má chụp trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật thay hình đổi dạng để lọt vô nội thành Sài Gòn thực thi nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của cách mạng mà chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước.

Năm 2005, mười năm sau ngày hai má con gặp gỡ, anh Cường đã thực hiện được mong ước của mình, vào Bà Rịa - Vũng Tàu thăm má. Hai má con gặp lại nhau, mừng vui khôn xiết. Má Mười kể lại:

- Bữa đó nó đi chợ, mua rất nhiều đồ, quà cho má. Về nhà má phải la nó, nhu cầu sử dụng của má có đáng là bao, con mua nhiều như vậy tốn kém. Để dành dụm mà lo cho vợ con, gia đình. Nó biểu: “Gặp lại má, thấy má vui, khỏe, con mừng lắm. Ngày xưa má dành cả gia tài cho cách mạng mà còn chả tiếc. Con mua sắm cho má chút đỉnh, có đáng là bao!”. Nó ở với má vài ngày rồi quay ra Hà Nội. Mà cái thằng cũng thiệt tình, vào dịp lễ, tết, nó hay gửi tiền vào biếu má. Có khi nó gửi cả vài triệu đồng. Má dặn nó không phải gửi gì cho má đâu. Nhớ má, viết thư thăm má, lo cho bản thân được mạnh giỏi, chăm lo cho các cháu của má nên người là má vui rồi. Trước khi chia tay đứa con nuôi lên đường trở về Hà Nội, má Mười lại cẩn thận mở chiếc hộp thiếc lấy ra chiếc nhẫn 2 chỉ vàng. Đó là tài sản đáng giá nhất mà má đã dành dụm từ tiền lương hưu. Má đặt chiếc nhẫn vào lòng bàn tay đứa con nuôi, giọng run run:

- Con vào đây thăm má, má tặng cho con cái nhẫn vàng này. Ngày xưa má từng hiến vàng cho cách mạng. Còn bây giờ, má trao nó cho con, gửi gắm trọn niềm tin cho con. Con hãy giữ kỷ vật này của má cho má vui lòng.

Người thầy giáo trẻ vừa bất ngờ, vừa cảm động run lên. Anh mím chặt môi, một lúc sau mới thưa với má rằng, anh không dám nhận. Má già yếu rồi, sẽ có lúc cần đến nó. Má Mười nói, má đã có Đảng, Nhà nước, Quân đội chăm lo, phụng dưỡng. Má đâu có việc gì để sử dụng đến vàng. Cứ như thế, má thì đưa, con thì từ chối, cuối cùng má nói: “Con không nhận, má khóc đó!” Rồi má khóc. Anh Cường cũng không cầm được lòng mình. Hai má con ôm nhau khóc rưng rức ở hiên nhà, khiến nhiều người hàng xóm đi bộ ngoài đường nhìn thấy, tưởng có chuyện gì tất tả chạy vô. Đến lúc biết chuyện, ai cũng cảm động. Sau này, khi chúng tôi hỏi chuyện, anh Cường bảo:

- Tôi biết mình đã làm má buồn, nhưng làm sao tôi có thể nhận món quà ấy của má được. Hôm ra về, tôi đã quỳ xuống tạ lỗi cùng má vì đã không nghe lời má. Má đã tha thứ cho tôi.

Hôm đến thăm má, chúng tôi gọi điện thoại cho anh Cường và đưa máy cho má nói chuyện với anh. Anh Cường vui sướng cảm ơn chúng tôi rối rít và nhờ chúng tôi động viên, thăm hỏi má. Câu chuyện của hai má con diễn ra thật nồng ấm, chứa chan tình cảm, chẳng khác gì anh là đứa con do má rứt ruột đẻ ra.  Anh Cường cho chúng tôi biết, anh đang sắp xếp thời gian, công việc để trở vào thăm má trong thời gian sớm nhất.

Chứng kiến câu chuyện của má và người con nuôi, người bạn đồng nghiệp đi cùng tôi xúc động nói:

- Trong cuộc sống ồn ào, sôi động hôm nay, có ai đó đang mải mê chạy theo những tính toán làm ăn, lợi ích, lợi nhuận..., thiết nghĩ cũng nên có những lúc chùng lòng lại để cảm nhận về những khoảng lặng của cuộc sống. Ở đó hội tụ những tấm gương về giá trị đạo đức, lẽ sống của tuổi trẻ hôm nay. Câu chuyện của anh Cường là một minh chứng sinh động cho giá trị ấy. Tôi rất quý trọng anh Cường. Cuộc sống của lớp trẻ chúng ta hôm nay sẽ đẹp hơn, tốt hơn, giá trị hơn khi xã hội ngày càng có thêm nhiều người như anh ấy.

Tôi không biết nói gì, chỉ im lặng gật đầu, đồng ý với bạn! Chúng tôi chia tay má ra về trong một chiều lồng lộng gió biển...

Bà Rịa - Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 4-2011

Kỳ 1: 10 cây vàng và con tàu vượt biển

Kỳ 2: Đợi con ngày về

Kỳ 3: Cuộc hóa thân hoàn hảo

Ký của THANH KIM TÙNG

www.qdnd.vn

 


Đoàn hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển thăm, tặng quà cho bà Nguyễn Thị Mười (thường gọi là Má Mười, 92 tuổi), người đã gom 10 cây vàng quyết mua tàu cho con trai là cựu binh Lê Hà và đồng đội ra Bắc để đưa vũ khí vào Miền Nam.

 

Đường Hồ Chí Minh trên biển: 50 năm huyền thoại một trường ca

Bài 2: Bán gia tài đóng tàu không số

Cập nhật lúc 21:42, Chủ Nhật, 25/09/2011 (GMT+7)

 

Má Mười Riều kể chuyện vận chuyển vũ khí tại bến Lộc An năm 1963.
Má Mười Riều kể chuyện vận chuyển vũ khí tại bến Lộc An năm 1963.

Để đưa con trai và 5 đồng đội bí mật vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bà đã bán hết tài sản của gia đình, mua gỗ đóng thuyền, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Ở cái tuổi 92 nhưng bà vẫn minh mẫn mỗi khi kể về những lần vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí cho chiến dịch Bình Giã. Bà tên Nguyễn Thị Mười, ở khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vốn được người dân ở đây gọi bằng cái tên trìu mến: “má Mười Riều”.

 

Hỏi thăm đường đến nhà má Mười Riều, chị bán hàng rau trước cổng chợ mới Phước Hải chỉ ngay: “Nhà má Mười đúng không, chú chạy thẳng rồi quẹo bên phải nha. Trước nhà có cái cổng màu xanh đó”. Chúng tôi chạy đi vẫn còn nghe chị hỏi với theo: “Má Mười đóng ghe cho đoàn tàu không số ngày trước đúng không chú ?”.

* Cả nhà diệt Mỹ

Má Mười ngồi trên ghế đá trước hiên nhà. Đôi mắt bà nhìn xa xăm về phía chợ Phước Hải. Bà nhớ về những năm tháng chiến tranh, những trận địch càn quét, lần đưa con trai và 5 đồng đội xuống ghe bí mật vượt biển ra Bắc chở vũ khí, đạn dược vốn chưa bao giờ nguôi ngoai trong bà. Câu chuyện bà kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ác liệt của chiến tranh thấm đẫm niềm tự hào của một nữ chiến sĩ đã xả thân cống hiến cho cách mạng. Bà bảo: “Cả đời tui làm cách mạng nên thấy tự hào lắm. Bây giờ, nếu còn sức tui vẫn đi. Tổ quốc cần, tui vẫn làm”.

TIN LIÊN QUAN

Cái tên Mười Riều vốn được ghép từ tên bà (Nguyễn Thị Mười) với tên người đồng đội, người chồng hết mực thương yêu, chăm sóc cho mẹ con bà là chiến sĩ cách mạng Lê Văn Riều. Năm 1961, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Mười tròn 40 tuổi, chồng bà và con trai Lê Hà cùng chiến đấu ở đơn vị 555 (sau này là đơn vị có phiên hiệu 1500). Lúc đó, việc đóng thuyền chở chiến sĩ bí mật vượt biển ra miền Bắc tiếp nhận vũ khí cực kỳ khó khăn. Đại đội trưởng Dương Nam Đông quán triệt: “Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, đơn vị chúng ta tổ chức tuyến đường vượt biển ra Bắc tiếp nhận đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Bây giờ phải có ghe. Đơn vị có ai có tiền không ?”. “Có, tôi có 100 đồng” - lời đại đội trưởng Đông vừa dứt thì nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Mười đã tự nguyện hiến 100 đồng để mua thuyền và xin làm hậu cứ bắt liên lạc, tiếp tế lương thực, tổ chức vận chuyển vũ khí khi đoàn tàu từ Bắc trở về.

Được người chỉ huy động viên như thổi thêm ngọn lửa cách mạng, bà Mười đã về bàn với 2 người cháu ruột dùng số tiền 100 đồng mua thuyền, mua máy chạy ghe cùng 12 cheo lưới, 6 bộ quần áo nâu, làm 6 tờ giấy thế thân (giấy CMND) để phục vụ cho đoàn tàu ra Bắc. Chuyến tàu đầu tiên bí mật vượt biển ra Bắc có 6 chiến sĩ gồm: Nguyễn Sơn, Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh và con trai bà - Lê Hà. Cả 6 chiến sĩ đều mặc quần áo nâu giả làm ngư dân đánh bắt cá trên biển. Ngày tiễn con trai cùng 5 đồng đội ra đi trên bến Lộc An, bà Mười động viên con: “Cứ đi chiến đấu, cả nhà ta đều diệt Mỹ”. Không riêng chiến sĩ trẻ Lê Hà, lời nói ấy của bà đã tiếp thêm sức mạnh cho cả 6 chiến sĩ ra đi hôm ấy.

Trên chiếc ghe mui trần, mỗi người đem theo 1 ống sữa bò, một ít gạo, muối, 12 cheo lưới, 6 giấy thế thân vượt biển với lòng yêu quê hương vô hạn.

 * Thân tui chẳng tiếc, tiền vàng tiếc chi

“Các con biết không, nhà má có bao nhiêu tiền, vàng đều cống hiến hết cho cách mạng. Mua thuyền, mua gỗ đóng thuyền phần lớn là tiền của gia đình. Lúc đó nhà có hơn 10 cây vàng và đôi bông tai của má, má đều bán lấy tiền mua gỗ đóng thuyền, mua gạo nấu cơm cho bộ đội. Má nghĩ thân mình chẳng tiếc thì tiếc chi tiền vàng” - má Mười ngẩng cao đầu nói như thế khi chúng tôi hỏi về số tiền gia đình bà cống hiến cho cách mạng.

Má Mười và con trai Lê Hà.
Má Mười và con trai Lê Hà.

 

Để đón chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên từ miền Bắc vào, bà Mười đã bán hơn 10 cây vàng và đôi bông tai của mình để mua 6 tấn gạo cất giấu dự trữ. Chuyến vũ khí đầu tiên về bến Lộc An ngày 23-10-1963 do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, chiến sĩ Nguyễn Sơn và con trai bà (chiến sĩ Lê Hà) làm thủy thủ. Trên tàu chở 19 tấn vũ khí và 16 người. Khi thuyền vào đến cửa biển Lộc An, bà Mười đã bắt liên lạc và yêu cầu tuyệt đối bí mật, vì lúc này trên bờ có nhiều thám báo địch lùng sục khắp nơi. Bà yêu cầu 2 chiến sĩ ở lại canh gác vũ khí và sẵn sàng hủy tàu và vũ khí nếu bại lộ, còn 16 chiến sĩ bí mật tìm mọi cách vào bờ ăn cơm. Trong khi 16 chiến sĩ ăn cơm, bà Mười cùng bà con chuyển vũ khí từ thuyền vào kho cất giấu an toàn. Từ năm 1963-1965, bà Mười tổ chức đón và chuyển trên 50 tấn vũ khí của 3 lượt “đoàn tàu không số”. Số vũ khí sau đó được chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có 2 chuyến vũ khí sau cùng chi viện cho chiến dịch giải phóng Bình Giã (nay thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cuối năm 1965, bà Mười bí mật chuyển vào hoạt động tại chiến khu Đ. Tại đây, bà tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng hoạt động ngoại tuyến. Thời gian này, lương thực, thực phẩm vô cùng khó khăn, bộ đội phải ăn rau tàu bay, riêng bà đã nhai nhiều rễ cây rừng và uống nước suối. Sau nhiều trận sốt rét, răng bà rụng gần hết. “Thấy răng tui rụng gần hết, ông Đông bảo: Mười ơi, tao cho mày ít tiền đi trồng răng nhé. Tui bảo thân tui chẳng tiếc thì tiếc gì hàm răng” - bà Mười cười phơi phới khi nói với chúng tôi.

Suốt thời gian hoạt động bí mật trong rừng, bà Mười và chồng không hề gặp nhau. Bà không ngờ rằng, ngày gặp lại chồng tại bến Lộc An cuối năm 1965 cũng là lần gặp cuối, bởi sau đó ông Lê Văn Riều đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Để bà tiếp tục yên tâm chiến đấu, đơn vị không cho bà biết tin buồn. Mãi đến 4 năm sau ngày chồng hy sinh bà mới được đơn vị cho hay tin. Lúc đó, con trai Lê Hà của bà đã 31 tuổi. Đất nước chưa được giải phóng, nhiệm vụ cách mạng mang nặng hai vai, biến đau thương thành hành động cách mạng, bà tiếp tục chiến đấu. Ngày 29-4-1975 Vũng Tàu Côn Đảo được giải phóng, nước mắt bà tuôn trào bên đồng đội. Các đồng đội của bà, người còn, nhưng có những người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Mai Thắng