Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc các trường Sư phạm tổ chức tại Hà Nội hôm 28/8 kết thúc, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với GDVN. HNUE xin trân trọng đăng lại bài phỏng vấn do phóng viên Xuân Trung thực hiện.

Là người quản lí trực tiếp của một trong hai trường ĐH Sư phạm hàng đầu Việt Nam về đào tạo đội ngũ giáo viên cho cả nước, GS, TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội thấy rằng, cần phải có phương cách đổi mới phương pháp đào tạo vì sắp tới chương trình sách giáo khoa có sự thay đổi.

Đào tạo giáo viên để phù hợp với chương trình SGK mới

Thầy đánh giá thế nào về những khó khăn chung của các trường Sư phạm hiện nay trong đào tạo giáo viên?

Tôi còn nhớ vào quãng thời gian thập kỷ 80-90, đó là thời gian khó khăn, người ta thường có câu dân gian “chuột chạy cùng sào”. Tuy nhiên, sau đó chúng ta đã có những chính sách hết sức tốt cho các sinh viên sư phạm (không phải đóng học phí). Giáo viên ra trường có hệ số đứng lớp.

Như vậy, thời kỳ rất dài chúng ta có được một đội ngũ tốt, với sinh viên đầu vào rất cao. Những số giáo viên đó hiện nay ít nhất đã có 10-15 năm trong nghề và đã được xã hội thẩm định.

Nếu bây giờ chúng ta tiên lượng được những khó khăn trong đầu vào, và sẽ có tác động tới 10-15 năm sau. Thì, ngay từ bây giờ chúng ta phải có những giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng sau này giáo viên kém chất lượng. Đừng để câu nói “chuột chạy cùng sào” được nhắc lại trong dân gian.

Vậy, theo thầy các trường Sư phạm nên làm gì lúc này để nâng cao chất lượng đào tạo đầu ra?


Tôi rất mừng, trong báo cáo của Bộ lần này có nói tới mạng lưới các trường sư phạm. Chúng ta đồng ý luật giáo dục, đăng ký mở mã ngành để các trường căn cứ vào các nhu cầu của mình để tuyển sinh, căn cứ vào nhu cầu xã hội để mở ngành.

Nhưng, đứng về phương diện quản lí, tôi mong rằng nên tập chung vào những trường Sư phạm có uy tín. Vì  những trường đó được tuyển sinh ở phạm vi rộng hơn, các em ở xa đến học có thể tăng cường chỗ ở ký túc xá để giảm chi phí xã hội cho các em.

Tất cả thứ đó sẽ tiết kiệm được nguồn lực xã hội rất lớn. Chỉ cần một vài năm làm được điều ấy, sẽ nâng vị thế xã hội và nâng được vị thế của trường đó trong đào tạo tuyển sinh giáo viên.

GS, TS Nguyễn Viết Thịnh chỏ rằng, việc xét tuyển giáo viên hiện nay nên để quyền tự quyết cho các Sở GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung

Giáo viên phải làm việc trong môi trường đa văn hoá

Có một số ý kiến cho rằng, song song với việc thay đổi SGK thì cần phải thay cả giáo trình dạy các sinh viên Sư phạm, điều này nhà trường đã tính đến chưa?

Với đòi hỏi thực tế, về đội ngũ giáo viên cho tương lai, chúng ta cần phải nâng chuẩn cho giáo viên từ mầm non tới tiểu học. Tôi thấy nước ngoài họ cũng áp dụng như thế, tức là Thạc sỹ mới được dạy tiểu học. Hiện nay, lợi thế của chúng ta là nhiều trường sư phạm đã có khoa tiểu học, đã có khoa mầm non thì cần phải suy nghĩ thế nào để tăng thêm lượng tuyển sinh, mục đích là tăng thêm hạt giống.

Ngay khi chúng tôi tham gia dự án đào tạo giáo viên THCS (viết sách cho CĐ), trong bất cứ một giáo trình cơ bản nào thì cũng có phần hướng dẫn dạy học. Đối với đào tạo giáo viên, xưa nay đã thấm nhuần.

Do suy nghĩ ra trường không xin được việc, lương thấp. Sinh viên các ngành sư phạm hiện không mặn mà. Ảnh minh họa Xuân Trung

Phải lựa chọn theo kiến thức cơ bản nào để dạy trong đào tạo. Nên chúng ta thấy rất rõ sự khác biệt trong cùng giáo trình cơ bản. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tăng cường biên soạn các loại sách công cụ.

Thực ra, chúng ta cũng phải hình dung việc chúng ta đang đào tạo giáo viên ở một Quốc gia, tuy chúng ta không có dân nhập cư, nhưng chúng ta có 54 dân tộc.

Thực tế, chúng ta phải đào tạo giáo viên làm được việc trong môi trường đa văn hóa. Do sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng miền còn chênh lệch, cho nên cơ sở vật chất cho thực hành, giảng dạy của giáo viên các nơi không giống nhau.

 

Đào tạo làm sao cho giáo viên phải chiến thắng trong mọi hoàn cảnh, thời tiết, trường lụt vẫn phải dạy tốt, mất điện phấn trắng, bảng đen vẫn phải dạy tốt…Cái đó là cái đang hướng tới trong đổi mới.

Mục tiêu là đào tạo đội ngũ giao viên chất lượng cao để phù hợp với yêu cầu thực tế. Ảnh minh họa Xuân Trung

 Sách nhiễu trong tuyển dụng giáo viên là huỷ hoại ngành giáo dục

Theo thầy, có nên có những chính sách đãi ngộ những giáo viên để tăng lượng sinh viên trong các ngành Sư phạm?

Tôi cho rằng việc đầu tiên là sinh viên tốt nghiệp phải có việc làm. Có việc làm để các trường tính xem nên đào tạo bao nhiêu. Vì vậy, hãy nhường những việc đó cho những trường có truyền thống.

Điều nữa, khó nói do không ai nhìn thấy, chỉ có người trong cuộc mới nhìn thấy, đó là liệu có sự sách nhiễu trong vấn đề tuyển dụng hay không. Nếu có, tôi xin nói thẳng nó sẽ hủy hoại ngành giáo dục, hủy hoại ngay nhân cách của người thầy, hủy hoại ngay quan hệ trong hội đồng giáo dục giữa thủ trưởng và nhân viên. Có thể không cần truy cứu nhưng cũng phải có cách để ngăn chặn.

Hiện nay, một số trường ĐH sư phạm có điểm đầu vào rất thấp nhưng khi tốt nghiệp các em lại sở hữu những tấm bằng khá giỏi. Thầy đánh giá như thế nào vấn đề này, liệu đào tạo có thực chất?


Tôi không bình luận về việc này. Vì nếu như chúng ta có thể biến một học sinh trung bình sau một thời kì các em nỗ lực, thành khá giỏi đó là điều hết sức mừng. Cũng có những em trước kia ở gia đình không có điều kiện học thêm nên điểm thi vào ĐH chỉ có thế, nhưng vào ĐH được khích lệ với môi trường mới nên hăng hái học tập. Vấn đề này phải xem cụ thể.

Nếu trường đó đánh giá không khách quan theo tôi chúng ta phải tuyên truyền, phải căn cứ vào thương hiệu của các trường, các trường hãy duy trì thương hiệu để có thể đánh giá được chất lượng đào tạo.
 
Làm thế nào để thu hút được người tài vào học ngành sư phạm?
Hằng năm vẫn có những sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm, nhưng tôi muốn những sinh viên giỏi nhất. Hiện nay, có một điều nguy hại ở thành phố. Các thí sinh ở thành phố lớn thường không thi vào sư phạm nữa. Như thế, những thế hệ giáo viên sau này ở các thành phố lớn lại chủ yếu là sinh viên đến từ các tỉnh thành. Để tiếp cận với một môi trường mới, không quen thuộc gì, đó là một vấn nạn.
 
GS, TS Nguyễn Viết Thịnh
Xuân Trung (thực hiện)

 

Tiêu đề do HNUE đặt.
Tiêu đề của GDVN là: Thạc sĩ mới được dạy Tiểu học.