Trân trọng kính mời quý Thầy, Cô giáo theo dõi Chương trình Người đương thời: “Đào Thu Hương - bước ra từ bóng tối” trên VTV1 vào lúc 22h40 hôm nay (25/2/2011). ĐÀO THU HƯƠNG - nữ sinh viên khiếm thị khóa 56, Thủ khoa tốt nghiệp khoa Sư phạm Tiếng Anh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2010, Đào Thu Hương được UBND Thành phố Hà Nội tuyên dương danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc, đại biểu toàn quốc Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu, danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” của hãng Microsoft,...

Đào Thu Hương sinh năm 1985 tại Thường Tín, Hà Tây (nay là TP. Hà Nội), sinh viên Khóa 56A SP Tiếng Anh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong quá trình học tập, luôn đạt điểm giỏi, đạt danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” về Công nghệ thông tin của hãng Microsoft. Năm 2010, tốt nghiệp Thủ khoa khoa Sư phạm Tiếng Anh, với điểm trung bình chung là 8,75, được tuyên dương Thủ khoa xuất sắc Thành phố Hà Nội 2010, là đại biểu xuất sắc của Thủ đô Hà Nội và toàn quốc tham dự Hội nghị tổng kết 4 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức. Tại Hội nghị tổng kết, sau bài phát biểu trực tiếp, Thu Hương được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tặng hoa biểu dương chúc mừng. Với nghị lực và tinh thần vượt khó, Đào Thu Hương đã thể hiện ý chí của người khuyết tật không quản ngại khó khăn, vươn lên để thành đạt và trở thành người có ích cho đất nước.

Hành trình đi tìm ánh sáng tri thức và vươn tới tương lai của Đào Thu Hương được nêu vắn tắt như sau:

 Thu Hương lớn lên ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Bố Thu Hương trước đây là sinh viên khoa Hóa học của Trường ĐHSP Hà Nội, sau một thời gian đi dạy đã chuyển sang làm kỹ sư, và hiện nay đang làm ở Trung tâm thí nghiệm điện. Mẹ Thu Hương làm ở phòng An ninh Kinh tế, Sở Công an Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu. Thu Hương còn một cô em gái năm nay học lớp 11.

Bố mẹ phát hiện Thu Hương bị khiếm thị từ khi em được 4 tháng tuổi vì phản xạ mắt không được linh hoạt như những đứa trẻ khác. Bố mẹ đã đưa Thu Hương đi chữa ở nhiều bệnh viện và bằng nhiều phương pháp nhưng không có kết quả.

Đến năm 6 tuổi, Thu Hương được đi học như các bạn khác vì lúc đó thị lực của Hương vẫn còn một chút, nhưng mắt em cứ kém dần. Đến năm 10 tuổi, Thu Hương chuyển sang học ở trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị. Sau một thời gian làm quen với chữ nổi, Thu Hương phải học lại 3 năm vì khả năng viết chữ nổi của em khi đó chưa đáp ứng để học tiếp lớp 5. Trong quá trình học tại đây, học lực của Thu Hương ngày càng tiến bộ. Từ năm lớp 6, em luôn dẫn đầu lớp với điểm tổng kết trên 9.0. Sau khi học hết lớp 9, Thu Hương được Giáo sư Văn Như Cương nhận vào Trường PTDL Lương Thế Vinh và tiếp tục giữ vững thành tích của mình. Năm lớp 10, vì rất thích môn Toán, em đăng ký học lớp chuyên ban A. Hết năm học đó, sau khi cân nhắc lời khuyên của một cô giáo dạy tiếng Anh, Thu Hương đã chuyển sang học ban D để thuận lợi hơn cho nghề nghiệp tương lai của mình. Thu Hương đã 3 lần được cử đi dự lễ tuyên dương Học sinh Giỏi Thủ đô năm lớp 5, lớp 9, và lớp 10 và năm lớp 9, Thu Hương được là một trong 20 học sinh tiêu biểu nhất.

Giữa năm lớp 12 (khoảng tháng 2/2006) với tình yêu nghề sư phạm, Thu Hương đã viết đơn xin thi vào Trường ĐHSP Hà Nội. Giáo sư Đinh Quang Báo - Hiệu trưởng của Trường khi đó, sau khi xem kết quả học tập của Thu Hương, đã không chút ngần ngại tiếp nhận em vào trường. Tháng 3/2006, Thu Hương nhận được quyết định tuyển thẳng vào Trường ĐHSP Hà Nội. Niềm vui mừng khôn xiết được hiện thực hóa khi đầu tháng 9/2006, cánh cổng Trường mở rộng đón Hương để tiếp tục giúp em thắp sáng hành trang tri thức.

Thu Hương được Nhà trường tạo điều kiện ở lại Ký túc xá sinh viên để việc đi học được dễ dàng hơn. Thu Hương tự lập được tất cả mọi việc cá nhân của mình để làm phiền các bạn ở mức ít nhất, chỉ những gì mình không thể làm được như đi mua cơm hay đi một mình lên lớp. Trong môi trường tập thể này, Thu Hương đã có những người bạn thân, thường xuyên chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ nhau trong học tập. Đó là những năm tháng không thể nào quên đối với Thu Hương.

Bên cạnh việc học tập, Thu Hương vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội như dẫn chương trình song ngữ Anh-Việt cho các chương trình hòa nhạc từ thiện, tham gia nghiệp vụ sư phạm ở cấp khoa và cấp trường và đã đoạt giải ba thiết kế đồ dùng dạy học năm 2008 với sản phẩm đĩa CD dạy nói tiếng Anh cho trẻ khiếm thị, dạy gia sư cho các em học sinh tại nhà vào cuối tuần. Tháng 3/2010 vừa qua, Thu Hương là đại diện duy nhất của người khiếm thị Việt Nam dự khóa tập huấn bình đẳng giới và sự phát triển cho người khuyết tật tại Bangkok, Thái Lan. Tháng 8/2010, Thu Hương được là đại diện duy nhất của Việt Nam sang dự khóa học về những khó khăn chung của người khuyết tật trẻ trên thế giới tại Seoul, Hàn Quốc. Hiện nay, Thu Hương tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù Quận Đống Đa - Hà Nội, phiên dịch viên của Tổ chức Samaritan’s Purse.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đào Thu Hương khẳng định: “Chính từ tấm gương đạo đức của Bác là ngọn đuốc sáng đã giúp em có nghị lực và tinh thần vượt khó để vươn lên trong học tập... Các Thầy, Cô giáo ở Trường ĐHSP Hà Nội là những người trực tiếp giúp em có thêm niềm tin và nâng đỡ cho mỗi bước trưởng thành của em. Em sẽ nỗ lực hết sức để thành công hơn nữa”.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường cùng tổ chức Đoàn các cấp, Đào Thu hương xứng đáng được vinh danh và thực sự là một tấm gương sáng về nghị lực trong học tập và rèn luyện để các bạn trẻ có thêm nghị lực và sức sáng tạo, ý chí quyết tâm phấn đấu trở thành những người có ích xây dựng và phát triển đất nước.

Bá Cường

Đào Thu Hương: Học Bác, tôi đã tự đứng lên thay đổi cuộc đời mình

Lên 10 tuổi, nguồn ánh sáng của đôi mắt tôi đã hoàn toàn bị cướp mất, cuốn theo cả những ước mơ tuổi thơ. Tôi đã vô cùng tuyệt vọng, hoang mang, không biết tương lai của mình sẽ trôi về đâu khi cửa sổ tâm hồn đã khép kín… Thế nhưng, tấm gương sáng ngời của Bác đã soi đường dẫn lối cho tôi trong suốt quá trình học tập và rèn luyện của mình. Câu nói của Bác “tàn nhưng không phế” đã giúp tôi vượt qua chính mình, để tự đứng lên thay đổi chính cuộc đời tưởng như không còn ý nghĩa.

Đặc biệt, sự quyết tâm, khổ luyện học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi của Bác đã truyền cho tôi sự chuyên cần trong môn học này. Trong suốt 4 năm học Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi luôn là một trong những sinh viên dẫn đầu lớp và đã đỗ thủ khoa vào tháng 6-2010 với điểm tổng kết 8,75. Năm 2008, tôi được Microsoft vinh danh là Anh hùng Thầm lặng và giành giải ba trong cuộc thi viết tiếng Anh về nền giáo dục Hoa Kỳ do Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ tổ chức...”

Theo: http://www.tienphong.vn