Chiều ngày 09/02/2011, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã dẫn đầu đoàn đại biểu Nhà trường tới viếng Cụ VŨ ĐÌNH HÒE - Giáo sư, Luật gia, Nhà báo, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Giáo sư Hiệu trưởng đã trân trọng ghi vào sổ tang khẳng định những cống hiến to lớn của Cố Bộ trưởng đối với nền giáo dục và sự nghiệp lập hiến của nước nhà, đồng thời bày tỏ sự thành kính tri ân của lớp lớp thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên Nhà trường đối với công lao khai mở sứ mệnh đào tạo giáo viên trung học của Ban Đại học Văn khoa - tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

HNUE xin giới thiệu  một số bài viết về Giáo sư Vũ Đình Hòe.

TTO: Chỉ trong sáu tháng ở cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Giáo sư VŨ ĐÌNH HÒE đã làm được nhiều việc quan trọng, đáng kể là ba chủ trương mang tính “tạo nền” cho giáo dục Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tán thành và quyết định cho làm ngay.

Giáo sư Vũ Đình Hòe thời trẻ

Giáo sư Vũ Đình Hòe sinh năm 1912 trong một gia đình Nho học, nguyên quán tại làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tiếp thu một cách tự nhiên chí hướng của tổ tiên, từ khi bắt đầu cắp sách đi học đến lúc bảo vệ thành công luận án cử nhân luật khoa tại Trường ĐH Đông Dương, giáo sư luôn kiên trì vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình, cố gắng tự bươn chải kiếm sống mà vẫn nổi tiếng học giỏi, mọi kỳ thi đều đạt hạng tối ưu.

Mừng đại thọ Giáo sư Vũ Đình Hòe
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận chúc mừng đại thọ Giáo sư Vũ Đình Hòe. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại)

 Không mưu cầu giàu sang cho riêng mình

Nhà trí thức trẻ tuổi này không nhằm mưu cầu giàu sang phú quý cho riêng mình. Ông sớm xác định một lý tưởng sống cao đẹp mà nhiều thanh niên ưu tú thuộc thế hệ ông đã hướng tới: bằng trình độ văn hóa cao và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các vị đó muốn chung tay góp sức đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, đưa đất nước thoát cảnh lầm than nô lệ.

 Vì thế ngay khi còn ngồi trong giảng đường đại học (1932-1935) ông đã hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của Tổng hội sinh viên.

Tốt nghiệp đại học, thay vì dễ dàng có một vị trí tốt trong hàng ngũ quan lại, công chức cao cấp của chính quyền thực dân, ông đã chọn con đường dạy học tốt đẹp và thanh bạch tại hai trường trung học tư thục nổi tiếng lúc đó: Thăng Long và Gia Long.

Cùng các giáo sư đồng nghiệp có uy tín khác như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai..., ông đã góp phần đào tạo lớp lớp thanh niên mới, có trình độ văn hóa vững vàng và có tinh thần yêu nước sâu nặng.

Nhiều người trong số đó đã âm thầm theo bước các ông thầy đáng kính, đến với chiến khu Việt Bắc những ngày tiền khởi nghĩa. Và hầu như tất cả học sinh của các thầy sau đó đều đã trở thành cán bộ nòng cốt trong bộ máy chính quyền các cấp của nhà nước cách mạng non trẻ.

Vừa dạy học ông vừa tham gia hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ. Với vai trò phó chủ tịch, ông phụ giúp đắc lực cho cụ chủ tịch hội - cố học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (sau này là chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước VN Dân chủ cộng hòa).

Hai vị, một già một trẻ, đã đến các địa phương kiên nhẫn xây dựng phong trào, với ước muốn thiết tha cháy bỏng sao cho dân mình ngày càng nhiều người thoát nạn mù chữ. Không chỉ đầu tư công sức vào lĩnh vực giáo dục, ông còn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí trong công cuộc “nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí”.  

Các đại biểu Quốc hội khóa I ra mắt đồng bào Thủ đô (từ trái qua phải): Kỹ sư Hoàng Văn Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác sĩ Trần Duy Hưng, Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Giáo sư Vũ Đình Hòe và Giáo sư Nguyễn Thị Thục Viên (Ảnh tư liệu của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản).

 Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn chí cốt, tâm huyết như các tiến sĩ luật khoa Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân chủ trương tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời ấy, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc cả hai giới cựu học và tân học, cả những vị cao niên và tráng niên.

Dưới sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của giáo sư với tư cách chủ nhiệm của báo, nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức VN lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Số đầu xuân 1944, báo đã gióng chuông “giải phóng trong đau khổ” và nghiêm trang dự báo “không còn xa nữa bước ngoặt của lịch sử”.

 Cải cách giáo dục

Tháng 3-1945, giáo sư bí mật thoát ly lên Việt Bắc. Tháng 8-1945, ông tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Cuối tháng đó, ông được mời tham gia chính phủ cách mạng lâm thời và giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

Nhờ những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, ngành giáo dục cách mạng non trẻ ngay từ những ngày độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước.

Sau sáu tháng tại vị, ông được điều sang một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng - lĩnh vực tư pháp, vẫn với cương vị bộ trưởng. Trong non 15 năm (1946-1960), ông đã có những đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa “tư tưởng pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa trên tư tưởng gốc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Từ nằm 1961 trở đi, ông thôi chức bộ trưởng, chuyển sang hoạt động nghiên cứu tại Viện Luật học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội. 15 năm làm việc với tư cách chuyên viên cao cấp (1961-1975) rồi tiếp đến thời kỳ nghỉ hưu, dù hoạn lộ thăng trầm ông luôn giữ được cốt cách một kẻ sĩ: bình tĩnh, ung dung, điềm đạm, vẫn say mê mài miệt viết sách, viết báo, làm từ điển, tham gia các cuộc hội thảo khoa học của Quốc hội và Bộ Tư pháp.

GS Vũ Đình Hoè (năm 95 tuổi) và nguyên Bộ trưởng Bộ GD Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Bùi Tuấn

Những công trình của ông về luật học, đặc biệt về Dân luật đã phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới của đất nước.

Giờ đây, ở tuổi tròn 100, giáo sư Vũ Đình Hòe đã thanh thản về với thế giới những con người cao thượng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mà ông hằng luôn tôn kính “về nhân tính - nhân tình và phong cách sống” (Hồi ký Vũ Đình Hòe, trang 703).

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Đình Hòe

Giáo sư Vũ Đình Hòe đã ra đi nhưng những gì ông để lại khiến chúng ta như thấy người vẫn đang đồng hành với dân tộc hôm nay. Những đổi mới quyết liệt ban đầu trong ngành giáo dục mà giáo sư chủ trương đã và đang tiếp tục tạo đà cho sự nghiệp trồng người.

Tập báo Thanh Nghị còn đó, bất cứ ai khi lật giở từng trang vẫn có thể rút ra những bài học quý từ những nhận thức, suy tư nặng tình yêu nước của thế hệ trí thức cha anh. Và cuốn Hồi ký Vũ Đình Hòe dày non 1.200 trang, trung thực, tâm huyết, giúp ta nhớ lại những biến động dữ dội của lịch sử cùng những bước đi đúng hướng nhưng đầy trăn trở của trí thức VN.  

GS Vũ Đình Hòe và phu nhân trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Ảnh: Minh Quyên

Tất cả những sản phẩm tinh thần xuất sắc ấy cùng với nhân cách phẩm hạnh cao đẹp của ông sẽ luôn gợi nhớ cho những người hôm nay một mẫu hình sống đẹp mà bất cứ ai cũng cần chân thành học hỏi.

TRẦN HỮU TÁ

Theo: tuoitre.vn

 

Tiểu sử Bộ trưởng Vũ Đình Hòe

 

Bộ trưởng Vũ Đình Hòe

thời trẻ

Vũ Đình Hòe (sinh năm 1912) là luật gia, nhà báo, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiểu sử

Ông nguyên quán làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là hậu duệ đời thứ tư của Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1841).
Tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Đại học Đông Dương, Vũ Đình Hoè chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long, nơi mà ông từng được mời đứng lớp khi còn là sinh viên để lấy tiền trang trải học phí.
Ông tham gia nhóm trí thức cấp tiến Thanh Nghị, làm Chủ nhiệm tạp chí văn chương, chính trị và kinh tế Thanh Nghị, xuất bản từ ngày 15 tháng 5 năm 1941 đến tháng 8 năm 1945.
Ông cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès, cùng nhà văn Nhất Linh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo.
Ông là một trong các thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ Việt Nam (30 tháng 6 năm 1944) và giữ chức ủy viên Trung ương Đảng. Sau này Đảng Dân chủ tham gia vào Mặt trận Việt Minh.
Ngày 16 tháng 5 năm 1945, Hội Tân Việt Nam được thành lập và Vũ Đình Hòe làm Tổng thư ký. Ông cũng làm Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ (thành lập năm 1938) mà Hội trưởng là Nguyễn Văn Tố.
Ông nhận nhiệm vụ vào Bắc Bộ phủ (nhờ có Nguyễn Văn Huyên giới thiệu) thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế thuyết phục hai người đồng sáng lập Thanh Nghị là Phan Anh và Vũ Văn Hiền rút ngay ra khỏi chính phủ Trần Trọng Kim.
Ông có quan hệ thân thiện với các lãnh tụ cộng sản như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Tháng 8 năm 1945 ông được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào do Việt Minh tổ chức ở Tuyên Quang để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho Đảng Dân chủ.
Ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 3 năm 1946 rồi thay luật gia Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó. Trên cương vị Bộ trưởng Quốc gia giáo dục, ông cho mở cửa lại Đại học Đông Dương, từ nay là Đại học Quốc gia Việt Nam giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Bản thân ông cũng trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội - chính trị đặc biệt.
Năm 1957, ông là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban này đã dự thảo ra Hiến pháp năm 1960.
Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể, ông chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp và về hưu năm 1975.
Năm 1996, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Theo: www.moet.gov.vn/

Vị Bộ trưởng khuyến khích sinh viên cãi thầy

 - "Hãy tham gia vào bài giảng bằng các câu hỏi của mình, thậm chí hãy "cãi lại" (tôi để trong ngoặc kép) thầy cô, đương nhiên một cách lễ độ và có lý lẽ - GS Vũ Đình Hòe nói với sinh viên như vậy tại buổi dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày khai giảng ĐHQG Nội.

Để tưởng nhớ Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên vừa từ trần ở tuổi 100 (ngày 29/1), VietNamNet giới thiệu bài phát biểu của ông, về "tinh thần đại học" với những nội dung cho đến nay vẫn mang nhiều giá trị thời sự.

GS Vũ Đình Hoè và phu nhân trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Ảnh: Vũ Thế Khôi

Mở ĐH có "lạc điệu" không?

Tôi khâm phục cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên khi từ năm 1969, ông đề ra vấn đề nghiên cứu vai trò của các ông đồ Nho trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc ta.
Hơn ba chục năm đã trôi qua, đến nay vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng một ông bạn thanh khí khác của tôi, nay cũng đã thành người thiên cổ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên về cuối đời đã tổng kết những trăn trở của mình về mối quan hệ giữa Cách mạng và Trí thức bằng mấy vần thơ:

Cách mạng là Nhân nghĩa

Ông Đồ là Thi thư

Bút tuôn dòng Nhân ái

Từ ngón tay Ông Đồ

Sau nhiều năm mầy mò tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi mạo muội khẳng định: Hồ Chủ tịch hơn ai hết hiểu rõ chân lý trên đây. Liên minh Công - Nông - Trí làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực vô địch của cách mạng Việt Nam - mới đích thực là Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mà trí thức, xưa thì từ cửa các trường Đại tập, nay từ cửa các trường ĐH mà ra. Cho nên chỉ 20 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp dưới sự chủ toạ của Hồ Chủ tịch ngày 22/9/1945, đã "quyết nghị đến 15/11/1945, trường ĐH sẽ mở cửa".

Nếu rèn được cho họ một nhân cách, một bản lĩnh vững vàng thì dẫu có thất nghiệp nhất thời, họ vẫn tìm ra cách ống có ích cho mình và cho xã hội.

Việc làm ấy đáp ứng rất trúng ý nguyện của SV, thanh niên. Họ đến dự khai giảng rất đông. Và ĐH Quốc gia Việt Nam không chỉ khai giảng lại các trường, khoa sẵn có, mà còn mở khoa mới.
Đó là các lớp xã hội - chính trị đặc biệt, với những giảng viên lỗi lạc như GS Võ Nguyên Giáp, GS Phạm Văn Đồng, GS Trần Văn Giàu, GS Hồ Hữu Tường v.v..., với các môn triết học, sử học cũng như các môn chuyên nghiệp về kinh tế, tài chính, về luật học cùng hai môn ngoại ngữ Anh văn và Nga văn.

Tôi trộm nghĩ lớp xã hội - chính trị ấy mang đầy đủ tinh thần ĐH, hơn nữa bắt đầu xây đắp nền tảng triết lý giáo dục cho toàn bộ hệ thống giáo dục của nước Việt Nam mới trên cơ sở hoà hợp văn minh Đông và Tây. Văn minh Đông phương là châm ngôn từ ngàn đời nay lại toả sáng:

Ngọc bất trác bất thành khí

Nhân bất học bất tri lý

Học phải đến nơi đến chốn thì mới tri được Lý. Lý đây chính là Đạo lý, là Đạo "ở đời", Đạo "làm Người".
Đạo làm Người tới tuyệt đỉnh là Đại Nghĩa và Chí Nhân. Đại Nghĩa dân tộc là "không có gì quý hơn Độc lập Tự do".
Chí Nhân là "thương người như thể thương thân", "tứ hải giai huynh đệ". Rồi từ "nhiễu điều phủ lấy giá gương", "bầu ơi thương lấy bí cùng" ta sẽ góp sức làm nên "Thế giới đại đồng".

Nếu rèn được cho họ một nhân cách, một bản lĩnh vững vàng thì dẫu có thất nghiệp nhất thời, họ vẫn tìm ra cách sống có ích cho mình và cho xã hội.

GS Vũ Đình Hoè (năm 95 tuổi) và nguyên Bộ trưởng Bộ GD Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Bùi Tuấn

Văn minh Tây phương là các khoa học chuyên môn, kỹ thuật, rất cần cho cuộc sống thời nay. Nhưng cái nền vẫn luôn luôn phải là tinh thần đại học xưa (tức Đại tập), không thì thế giới đại loạn. Tôi nhấn mạnh lại: Tinh thần đại học.

Những điều tôi vừa trình bày trên đây, đó là cái bất biến của nền giáo dục mới, vì mục đích nhân sinh và xây dựng trên các nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng.
Còn hệ thống và phương thức tổ chức đào tạo, nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, kế hoạch thực hiện thì có thể phải thay đổi, theo các điều kiện khách quan và chủ quan của từng địa điểm và từng thời gian hoạt động.

Nay, Đảng lãnh đạo đã đề xuất và đang thực thi đường lối Đổi mới, mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới; một nền kinh tế thị trường năng động và luôn biến động đang hình thành mà hệ thống giáo dục không thay đổi, tiếp tục chú trọng một mớ kiến thức kinh điển và kinh viện, thì SV ra trường bị thất nghiệp cả loạt là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên có điều an tâm là nếu rèn được cho họ một nhân cách, một bản lĩnh vững vàng thì dẫu có thất nghiệp nhất thời, họ vẫn tìm ra cách sống có ích cho mình và cho xã hội.


Giật bằng để leo cao: viện sĩ cũng chỉ là kẻ cơ hội

Nếu giật bằng cao chỉ cốt để leo cao cho dễ dàng mưu lợi riêng thì dẫu có danh viện sĩ cũng chỉ là kẻ cơ hội có mảnh văn bằng, chứ quyết không phải là trí thức.

Các em là ngày hôm nay của nền ĐH VN, ngày mai của kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật nước nhà. Vậy các em phải tập (theo tinh thần Đại tập nói trên) và học như thế nào?

SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Về tập, tức về rèn luyện, các em hãy cố gắng: "Sống, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại".
Vấn đề là hiểu và làm như thế nào.
 Theo thiển ý của tôi thì điều quan trọng nhất không phải là thuyết giáo Tư tưởng Hồ Chí Minh mà là rèn tập cho mình một nhân cách thanh niên trí thức của thời đại Hồ Chí Minh.
Không phải cứ học nhiều, có nhiều bằng cao thì là trí thức. Nếu giật bằng cao chỉ cốt để leo cao cho dễ dàng mưu lợi riêng thì dẫu có danh viện sĩ cũng chỉ là kẻ cơ hội có mảnh văn bằng, chứ quyết không phải là trí thức.

"Nếu giật bằng cao chỉ cốt để leo cao cho dễ dàng mưu lợi riêng thì dẫu có danh viện sĩ cũng chỉ là kẻ cơ hội có mảnh văn bằng, chứ quyết không phải là trí thức. Người trí thức trước hết phải có nhân cách"

 

Người trí thức trước hết phải có nhân cách. Tôi được biết, các em đang có các phong trào thanh niên tình nguyện về phục vụ đồng bào các vùng sâu vùng xa, thanh niên tự rèn tập sáng tạo khoa học, tuổi trẻ kinh doanh, lập nghiệp.

Các em đang nối tiếp truyền thống ý thức trách nhiệm trước dân của các thế hệ trí thức Việt Nam: các nhà Nho từng hô hào nhau "dũng thoái" ("dũng cảm thoái lui" từ bỏ quan trường cùng bổng lộc triều đình) lui về "vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" (làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã).

Tiếp bước ông cha, lớp trí thức "Tây học" chúng tôi từng kêu gọi nhau: "Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng", "lập tiểu doanh điền".

Tất nhiên, do điều kiện thực tế dưới chế độ phong kiến và chế độ thuộc địa, lớp ông cha, cũng như lớp chúng tôi, làm được ít lắm.
Sở dĩ tôi nhắc lại ở đây thì chỉ là để chứng minh ý thức thường trực về trách nhiệm trước đồng bào như một đặc trưng trong nhân cách của trí thức Việt Nam mà các em đang có điều kiện phát huy đến cao độ. Vậy hãy đẩy mạnh hơn nữa các phong trào này! Đây là phương thức tốt nhất để rèn luyện nhân cách.

Cung kính tiếp thu điều thầy cô dạy chưa phải là học ĐH

Tiếng Việt ta nói "học hỏi". Vậy chưa hỏi là chưa học, đặc biệt ở ĐH. Hãy tham gia vào bài giảng bằng các câu hỏi của mình, thậm chí - hãy "cãi lại" (tôi để trong ngoặc kép) thầy cô, đương nhiên một cách lễ độ và có lý lẽ.
Đó là nói về "tập", còn về "học" thì sao?
Các em là SV ĐH, không phải học sinh phổ thông "cấp 4". Chỉ cung kính tiếp thu những điều thầy cô dạy bảo và chăm chăm trả lời cho phù hợp để được điểm cao thì chưa phải là học ĐH.
Tiếng Việt ta nói "học hỏi". Vậy chưa hỏi là chưa học, đặc biệt ở ĐH.

Hãy tìm đến với thư viện, với sách vở, bây giờ thì cả với máy vi tính nữa, và muốn chúng phát huy tác dụng tối đa thì phải thông thạo, ít nhất ở mức độ đọc hiểu, 1 - 2 ngoại ngữ.

Hãy tham gia vào bài giảng bằng các câu hỏi của mình, thậm chí - hãy "cãi lại" (tôi để trong ngoặc kép) thầy cô, đương nhiên một cách lễ độ và có lý lẽ. Tôi đã trải qua những tình huống đó trong đời dạy học của mình, lại là dạy ở các lớp trường tư, nhiều học sinh cùng tuổi với thầy nên dám "ngang bướng" lắm (ngang bướng hợp lý).
Hãy tìm đến với thư viện, với sách vở, bây giờ thì cả với máy vi tính nữa, và muốn chúng phát huy tác dụng tối đa thì phải thông thạo, ít nhất ở mức độ đọc hiểu, 1 - 2 ngoại ngữ.
Cuối cùng là phải tự định hướng nghề nghiệp; mà muốn vậy hãy cố gắng chủ động tiếp cận môi trường nghề nghiệp tương lai của mình; ngay khi còn ngồi trên ghế trường ĐH, hãy tận dụng mọi cơ hội để học việc, kể cả trong trường hợp không được trả đồng nào.
Học việc cơ mà, không phải trả học phí là may rồi. Chỉ môi trường nghề nghiệp mới cho các em biết mình còn dốt chỗ nào, thiếu những kiến thức và kỹ năng gì để kịp thời tự bổ khuyết.

  • GS Vũ Đình Hoè (Hà Nội, ngày 15/11/2005)

 Theo:vietnamnet.vn