Ban biên tập hnue.edu.vn: Chúng tôi nhận được ý kiến đề nghị của ThS Nguyễn Bá Cường - Bí thư Đoàn trường, về việc đính chính và bổ sung cống hiến của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu (trong Tiểu sử vắn tắt được công bố ngày 20/12/2010) đối với ngành Sư phạm Việt Nam. Xét thấy đây là vấn đề quan trọng liên quan đến lịch sử phát triển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong đó có sự đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Văn Giàu vào những năm đầu của quá trình xây dựng Nhà trường nói riêng và ngành Sư phạm Việt Nam nói chung, Ban biên tập xin đăng ý kiến này và mong muốn nhận được nhiều ý kiến của độc giả.

 

 Giáo sư Trần Văn Giàu thời trẻ

 

 

Toàn văn ý kiến của ThS Nguyễn Bá Cường:

            Tôi là một cựu sinh viên và hiện nay là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi rất may mắn được vào thăm và có hơn một giờ đồng hồ được tiếp chuyện Giáo sư Trần Văn Giàu. Đó là vào tháng 7 năm 2005, Giáo sư rất vui vì “có người từ trường xưa vô thăm”. Đây là niềm hạnh phúc rất lớn trong đời tôi và cho đến nay những lời giáo huấn của Giáo sư vẫn vang vọng trong trái tim, khối óc thôi thúc tôi phấn đấu trưởng thành.

 Trong những ngày qua, sự ra đi của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu để lại niềm tiếc thương cho toàn thể giới trí thức, khoa học và giới học sinh, sinh viên cùng đồng bào cả nước. Với những cống hiến trọn đời cho cách mạng, khoa học, giáo dục, văn hóa,… Giáo sư Trần Văn Giàu là một tấm gương LÀM NGƯỜI, LÀM THẦY, LÀM NHÀ KHOA HỌC.  

 Chương trình Thời sự của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng 19h ngày 20/12/2010, đã thông báo tổ chức tang lễ Giáo sư Trần Văn Giàu. Tuy nhiên, trongTiểu sử đồng chí Trần Văn Giàu có hai chi tiết liên quan đến lịch sử quá trình công tác của Giáo sư cần phải được đính chính và bổ sung. Đó là mốc thời gian năm 1951 và 1954.  

 Trong “Tiểu sử Đồng chí Trần Văn Giàu” (đã thông báo) có ghi:  

 "- Năm 1954: Đồng chí làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.”  

  Ở đây cần làm rõ hai 2 sự kiện:  

 

 Thứ nhất, sự kiện ra đời của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập theo quyết định số 2138/TC ngày 4 tháng 6 năm 1956 của Chính phủ. Điều này hoàn toàn chính xác và đã được khẳng định trong mọi tài liệu liên quan đến Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay (chi tiết xin xem các website chính thức của Trường này theo các đường link dưới đây:

   - Bài giới thiệu về Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQGHN: http://ussh.edu.vn/category/introduction

               - Bài giới thiệu về Khoa Lịch sử - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQGHN: http://ussh.edu.vn/faculty-history/1738

               - Bài viết về “Khoa Lịch sử - 50 năm xây dựng và phát triển”:  http://khoalichsu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1:mt-vai-net-khai-quat-v-khoa-lch-s-trng-i-hc-khoa-hc-xa-hi-va-nhan-vn&catid=1:khai-quat-v-khoa&Itemid=9

 

 Như vậy, “Tiểu sử Đồng chí Trần Văn Giàu” đã được công bố cùng với thông báo tổ chức lễ tang Giáo sư nêu: “Năm 1954: Đồng chí làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội” là hoàn toàn không có căn cứ, sai sự thật lịch sử vì năm 1954 Trường học Tổng hợp Hà Nội chưa thành lập.

 Vậy mốc thời gian năm 1954, Giáo sư Trần Văn Giàu làm gì và đảm đương cương vị gì? Điều này liên quan đến sự kiện thứ hai.

 

 Thứ hai, sự kiện liên quan đến Trường Sư phạm Cao cấp

 Trong “Tiểu sử Đồng chí Trần Văn Giàu” có ghi: “Năm 1949 đến 1951: Đồng chí được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin, sau đó chuyển sang công tác ở Bộ Giáo dục, tham gia xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp”. Cụ thể: 

 Ngày 11/10/1951 theo Nghị định 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục, Trường Sư phạm Cao cấp (tức Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau này) chính thức được thành lập tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh - Trung Quốc).

 Từ năm 1951 - 1953, nhà giáo Trần Văn Giàu cùng với các nhà giáo: Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào, Cao Xuân Huy,… giảng dạy tại trường Dự bị Đại học và các lớp Sư phạm Cao cấp ở Liên khu III, IV. 

 Tháng 11 năm 1954, chỉ sau 2 tháng tiếp quản Thủ đô, dựa trên cơ sở Trường Sư phạm Cao cấp, Văn khoa, Khoa học, Chính phủ đã quyết định thành lập Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học. Nhà giáo Trần Văn Giàu lúc này là người đầu tiên đảm nhận công tác lãnh đạo Đảng bộ Nhà trường với chức vụ Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Trường, kiêm giảng dạy các môn khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử cận hiện đại thế giới và Lịch sử cận đại Việt Nam.

 Năm học 1955 - 1956, với những thành tựu đặc biệt to lớn trong khoa học và đào tạo lớp trí thức cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, một số nhà giáo của Đại học Sư phạm Văn Khoa và Đại học Sư phạm Khoa học được coi là tinh hoa trí tuệ Việt, trong đó có Giáo sư Trần Văn Giàu, được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên.

 Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập. Lúc này, Giáo sư Trần Văn Giàu được Đảng và Nhà nước cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tuy nhiên, Giáo sư vẫn miệt mài tham gia đào tạo những khóa sinh viên thế hệ đầu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau này trở thành những trụ cột của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục ở Việt Nam.

 Những điều trên đây không chỉ được ghi trong “55 năm ngành Sư phạm Việt Nam (1946-2006) - Tư liệu, hồi ký và hình ảnh” (Hội khuyến học Việt Nam xuất bản năm 2001 tại Hà Nội), “Lịch sử Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” (Nxb Đại học Sư phạm, 2006),… mà còn được nhiều học trò những khóa đầu của Đại học Sư phạm Văn Khoa và Đại học Sư phạm Khoa học chứng kiến. (xin xem thêm thông tin trên website của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: http://www.hnue.edu.vn)

 Vậy mốc thời gian từ năm 1954 - 1956, Giáo sư Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ Đại học Sư phạm (Văn khoa - các khoa xã hội; Khoa học - các khoa tự nhiên).  

 Từ những căn cứ lịch sử, tôi kính đề nghị Ban tổ chức Lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu và các cấp có thẩm quyền đính chính và bổ sung vào “Tiểu sử Đồng chí Trần Văn Giàu” như sau:

 

 “Năm 1954, Đồng chí làm Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

 - Năm 1956, Đồng chí làm Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”. 

Việc đính chính và bổ sung này hết sức cần thiết và cần được công bố lại trên truyền thông, báo chí. Bởi những thông tin này không chỉ phản ánh đúng lịch sử mà Giáo sư Trần Văn Giàu đã có công lao to lớn xây dựng ngành sư phạm và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập, khẳng định những cống hiến xứng đáng của Giáo sư đối với nền Giáo dục và ngành Sư phạm Việt Nam mà còn thực hiện theo đúng đường hướng mà Giáo sư Trần Văn Giàu đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình: TRUNG THỰC trong cuộc sống và trong khoa học lịch sử.

 Tôi xin trân trọng cảm ơn! 

Hà Nội, 21h30 ngày 20 tháng 12 năm 2010

 Nguyễn Bá Cường

Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội

Địa chỉ email: bithudoantruong@gmail.com 

"Đời tôi chỉ có hai người thầy - Đó là Cụ Hồ và khoa học Lịch sử. Cụ Hồ dạy tôi làm người sống có ích cho dân, cho nước mình. Còn khoa học Lịch sử dạy tôi phải trung thực. Trung thực với đời khó mà dễ. Còn trung thực với mình mới khó. Vì mình có trung thực với mình hay không chỉ có mình mình biết mà thôi”.

 Theo: Trần Thanh Phương. Báo Đại Đoàn kết.

 

Tin mới nhận: Theo thông tin chúng tôi mới nhận được từ ThS Nguyễn Bá Cường, ngày 23 tháng 12 năm 2010, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thành viên Ban tổ chức Lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu, đã gửi thư cho ThS Nguyễn Bá Cường. Giáo sư xác nhận và sẽ gửi ngay ý kiến đề nghị cần đính chính, bổ sung trong Tiểu sử của Giáo sư Trần Văn Giàu lên Ban tổ chức Lễ tang.

 

Các tin liên quan:

 Tóm tắt tiểu sử đồng chí Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ (trên website của Báo điện tử Đảng CSVN)

dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động TRẦN VĂN GIÀU - Nguyên Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ Trường ĐHSP Hà Nội đã vĩnh biệt chúng ta

Từ điển wikipedia viết về cuộc đời Giáo sư Trần Văn Giàu:

vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_Gi%C3%A0u#S.E1.BB.B1_nghi.E1.BB.87p_gi.C3.A1o_d.E1.BB.A5c

Trần Văn Giàu: Ngời sáng một nhân cách trí thức: tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-23-tran-van-giau-ngoi-sang-mot-nhan-cach-tri-thuc

 

Thông tin về việc bổ sung và đính chính Tiểu sử Giáo sư Trần Văn Giàu

  Sau khi đăng ý kiến “đề nghị đính chính và bổ sung cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với ngành Sư phạm Việt Nam” của ThS Nguyễn Bá Cường - Bí thư Đoàn trường (22/12/2010), Ban biên tập website hnue.edu.vn đã nhận được ý kiến phản hồi và nhiều bài viết liên quan, khẳng định sự sai sót trong “Tiểu sử đồng chí Trần Văn Giàu” (giai đoạn 1954) đã được công bố. Chúng tôi xin thông tin như sau:

1/. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, thông tin sai sót đó, có thể bắt nguồn từ một bộ sách đồ sộ, đáng tin cậy – “Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2”.

Nguồn: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn

2/. Ngay trong sáng 23 tháng 12 năm 2010, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thành viên Ban tổ chức Lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu, sau khi nhận được ý kiến đề nghị của ThS Nguyễn Bá Cường, đã gửi thư điện tử, cho biết: Khi nghe và xem thông báo lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu, tôi cũng đã phát hiện mấy sai lầm trên. Tôi sẽ gửi thêm mấy thông tin của tôi cho Ban lễ tang.

          Cũng trong sáng ngày hôm đó, Báo Sài Gòn giải phóng Online đăng bài “GS Trần Văn Giàu - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam” của Giáo sư Phan Huy Lê, trong đó có đoạn viết: … “Tôi được thụ giáo GS Trần Văn Giàu từ năm 1952 khi ra Thanh Hóa học trường dự bị đại học do GS làm giám đốc. Trước đó, năm 1951 GS từ Việt Bắc được cử vào khu IV để xây dựng một trung tâm đào tạo đại học về khoa học xã hội và nhân văn, lúc đó gọi là Văn khoa, gồm Trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp. GS giảng môn triết học Mác gồm ba giáo trình: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan và Duy vật lịch sử.

Năm 1954, sau khi tiếp quản Hà Nội, GS Trần Văn Giàu được cử về tiếp quản nền đại học và các lớp dự bị đại học chúng tôi cũng về thủ đô tiếp tục học năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm - văn khoa - khoa học. Tuy mang tên ba trường nhưng hoàn toàn học chung, cùng lớp, cùng thầy, cùng môn học. Tôi và anh Trần Quốc Vượng học Ban sử-địa, sau anh Đinh Xuân Lâm là giáo viên phổ thông cũng được vào thẳng năm thứ hai.

 Lúc này, GS Trần Văn Giàu mới bắt đầu chuyển sang dạy môn lịch sử cận-hiện đại Việt Nam. GS Giàu đã viết trong Lời nói đầu của sách “Chống xâm lăng”: “tôi vốn không phải là một nhà sử học mà lúc đầu do yêu cầu làm công tác tuyên truyền, rồi sau là do trách nhiệm giáo dục đại học, mà đi vào nghiên cứu lịch sử”. GS tâm sự với chúng tôi: “Năm 1955-1956, tôi nghiên cứu đến đâu, viết đến đâu thì đem ra giảng ngay cho các chú đến đó và chính các chú đã thôi thúc tôi hoàn thành bộ sử đầu tay “Chống ngoại xâm” (1956)”. Cũng vì thế, trong Lời nói đầu của bộ sách, GS đã “cảm ơn anh chị em học sinh năm thứ ba (1955-1956) Ban sử địa của Trường Đại học Sư phạm-Văn khoa”.”…

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/12/246576/

3/. Báo Nhân dân Online đăng bài của PGS, TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh: “Vĩnh biệt Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu”, trong đó có viết: “… Giáo sư Trần Văn Giàu là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam…

Năm 1951 ông được điều động về Khu  4 (Thanh - Nghệ) làm thầy giáo ở Dự bị Ðại học và Sư phạm cao cấp cho đến 1954. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được cử về tiếp quản các trường đại học ở Hà Nội. Trên cơ sở Trường Dự bị đại học, Sư phạm cao cấp từ Khu 4 và Trường đại học Văn khoa, Ðại học Khoa học ở Hà Nội thành lập Trường đại học Sư phạm, Ðại học Văn khoa và Khoa học, ông Trần Văn Giàu giữ cương vị Bí thư Ðảng ủy nhà trường, đồng thời trực tiếp giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và Việt Nam. Năm 1956, khi Trường đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy, kiêm chủ nhiệm sáng lập Khoa Sử. Học trò ông sau này đã trở thành những tên tuổi lớn của nền Sử học Việt Nam...”

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/chinh-tr/ki-n/v-nh-bi-t-giao-s-nha-giao-nhan-dan-anh-hung-lao-ng-tr-n-v-n-giau-1.279228#VAcWrJuI0aie

4/. Website Đại học Quốc gia Hà Nội đăng bài Giang sơn nhỏ lệ khóc Anh hùng!” của tác giả Phạm Hồng Tung tưởng nhớ GS Trần Văn Giàu, nêu rõ: … “Trần Văn Giàu - học giả lớn, người Thầy lớn

Tháng 11 năm 1954, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Trường Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường, giảng dạy các môn khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Năm học 1955 - 1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy nhà trường và là một trong những bậc thầy khai sáng của hai ngành sử học và triết học hiện đại ở nước ta.

Những năm tháng đó, GS. Trần Văn Giàu và các GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Đức Thảo, GS. Cao Xuân Huy khai nền, mở nghiệp cho ngành sử và ngành triết thật gian nan. Thiếu thầy, thiếu sách vở, nhất là thiếu các sách công cụ, giáo trình. Không thể chần chừ, Trần Văn Giàu cùng các học trò và đồng nghiệp phải “xắn tay áo” biên soạn ngay những bộ giáo trình đầu tiên. Lạ thay! Trong điều kiện như vậy mà bộ giáo trình do ông chủ biên về Lịch sử cận đại Việt Nam, cho đến nay, sau nhiều thập kỷ vẫn có thể được xem như bộ giáo trình cơ bản, sâu sắc và có tầm nhất.”...

Nguồn: http://news.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese/C1736/C1748/2010/12/N29544/?35

Các thông tin khác liên quan:

(Ngày 18/12/2010), Báo VietNamnet đăng bài “GS Trần Văn Giàu: Đi trọn cõi nhân sinh” của tác giả Nguyễn Quốc Tín, có đoạn viết:

“Thiếu đi nhà cách mạng, thêm vào một nhà giáo dục, nhà văn hóa

Năm 1949, Trần Văn Giàu được điều động ra chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Nha Thông tin - Tuyên truyền. Hai năm sau (1951), ông được giao trách nhiệm đặt nền móng cho ngành Giáo dục đại học của nước ta, chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước sau này.

 Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời Trần Văn Giàu. Thiếu đi một nhà cách mạng chuyên nghiệp, đất nước ta có thêm một nhà giáo dục, nhà văn hoá uyên thâm nhiều lĩnh vực và chủ yếu trong ngành sử học.

 Bắt tay vào nhiệm vụ mới, ông đã cùng với các trí thức lớn như Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy... thành lập Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá, triệu tập trên dưới 100 thanh niên, đa số đã có bằng tú tài đang công tác ở nhiều ngành hoặc dạy học.

 Ngôi trường kháng chiến đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn nhưng hiệu quả và đầm ấm lạ thường. Các lớp thường học vào ban đêm, mỗi sinh viên một chiếc ghế nhỏ như ghế các bà bán hàng rong ngoài phố. Ánh sáng là một ngọn lửa leo lét làm từ chiếc lọ pênixilin đựng dầu lạc phía trên có ngọn bấc. Lớp học tù mù, sinh viên không nhìn rõ mặt thầy song nghe như nuốt từng lời giọng thầy sang sảng truyền thụ những kiến thức cổ kim đông tây.

          Lớp học ấy là khởi nguồn một thế hệ trí thức mà giờ đây hầu hết đều đã trở thành các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo đục...

 Năm 1954, hoà bình lập lại. Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm, kiêm giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông là Bí thư Đảng uỷ của trường kiêm chủ nhiệm sáng lập khoa Lịch sử. Từ năm 1960 đến 1975, ông công tác tại Viện Sử học Việt Nam để tập trung vào nghiên cứu Sử học.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-18-gs-tran-van-giau-di-tron-coi-nhan-sinh

(Ngày 21/12/2010) Báo Người cao tuổi Online đăng bài “GS. Trần Văn Giàu, Nhà giáo Nhân dân, một trí thức tài đức vẹn toàn” của Nghiêm Thị Hằng, viết:

          “Tháng 11 - 1954, Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, ông trở thành Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường, kiêm giảng dạy các môn Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam (được coi là người sáng lập những ngành khoa học này của nền Khoa học Sư phạm Việt Nam hiện đại). Năm học 1955 - 1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, nhưng vẫn tham gia đào tạo ở Đại học Sư phạm Hà Nội . Gắn bó gần 60 năm với ngành giáo dục và nghiên cứu khoa học lịch sử, GS Trần Văn Giàu đã viết hàng trăm tác phẩm sử học có giá trị."

Nguồn: http://www.nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=3&ID=5137

(Ngày 22/12/2010): Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh Online đăng bài “Giáo sư Trần Văn Giàu: Một nhân cách lớn, một người thầy mẫu mực”, lược ghi lời của PGS, TS Phan Xuân Biên như sau: ... “GS. Trần Văn Giàu được nhiều người (nhất là những người công tác trong ngành giáo dục) khâm phục về phong cách sư phạm và nghiệp vụ đứng lớp. Tuy không tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm nhưng GS. Trần Văn Giàu gắn bó rất sớm với ngành giáo dục từ ngày chính quyền cách mạng mở Trường ĐH Dự bị trong kháng chiến, sau đó là Trường ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp Hà Nội sau hòa bình. Làm cách mạng và đi dạy được ví như là “cánh tay phải, cánh tay trái” của vị GS lỗi lạc này”.

Nguồn: http://giaoduc.edu.vn/news/van-de-su-kien-665/giao-su-tran-van-giau-mot-nhan-cach-lon-mot-nguoi-thay-mau-muc-154574.aspx

  Kết luận:

             Như vậy, với ý kiến trả lời của Giáo sư Phan Huy Lê và các bài viết đăng trên các báo lớn và các trang web của Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi nhận thấy:

             - Ý kiến của ThS Nguyễn Bá Cường phản ánh đúng sự sai sót và bỏ qua những cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu trong “Tiểu sử đồng chí Trần Văn Giàu” (giai đoạn 1954 – 1956) đối với nền Giáo dục Việt Nam nói chung và ngành Sư phạm Việt Nam nói riêng.

             - “Mấy sai lầm” đó đã được Giáo sư Phan Huy Lê phát hiện ngay và đã có ý kiến với Ban Lễ tang, đồng thời bài viết của Giáo sư Phan Huy Lê cũng đã khẳng định cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với Trường Đại học Sư phạm - Văn khoa - Khoa học.

             - Các bài viết của các học giả, các nhân chứng lịch sử (là học trò của Giáo sư Trần Văn Giàu), các nhà báo cũng đã khẳng định sự gắn bó và sự cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với nền giáo dục cách mạng Việt Nam ngay từ những năm đầu xây dựng.

 Nhân đây, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn ThS Nguyễn Bá Cường đã có phát hiện và ý kiến đề nghị kịp thời, cảm ơn Giáo sư Phan Huy Lê và các học giả, nhà báo,… đã đăng bài, đưa tin về những đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung.

BBT