TPO - Vào buổi chiều đông đượm nắng, khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội tươi ấm hơn, tôi gặp lại Hoa khôi Đại học Sư phạm Phùng Ngọc Hà. Trong ngày thường, Ngọc Hà vẫn toát lên nét rạng rỡ, duyên dáng như đêm đăng quang tại cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch - 2010” của trường Sư phạm. Với Hoa khôi Ngọc Hà, "người giáo viên đứng trên bục giảng là hình ảnh đẹp nhất"

 


Hoa khôi Đại học Sư phạm 2010 Phùng  Ngọc Hà

 Yêu nghề sư phạm từ nhỏ

Nụ cười tươi rói thường trực trên môi, Ngọc Hà tạo sự thân thiện, thoải mái cho người đối diện. Đang là sinh viên chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc, khoa Sư phạm Âm nhạc – Mỹ thuật (ĐHSP HN), Ngọc Hà chia sẻ: “Giờ học năm thứ ba, bọn em cũng bận hơn trước với nhiều môn chuyên ngành. Em đang học môn Phương pháp giảng dạy… Sang kì tới là đi thực tập rồi”.

 Từ nhỏ Ngọc Hà đã theo học lớp năng khiếu ở trường Trung cấp văn hóa Nghệ Thuật và Du Lịch tỉnh Lào Cai. Nhiều lần tham gia biểu diễn trong các trường văn nghệ của trường, của thành phố, giao lưu ngoài tỉnh..

 
Phùng Ngọc Hà trong đêm chung kết Nữ sinh thanh lịch Đại học sư phạm 2010

 

Quyết định theo nghề “gõ đầu trẻ” của Ngọc Hà được thắp lên từ cảm mến trước tình yêu học trò của cô giáo dạy môn Âm nhạc. Từ cô giáo ấy mà Ngọc Hà muốn “không chỉ mình biết chơi một nhạc cụ không mà muốn truyền thụ kiến thức và tâm hồn qua những giai điệu đẹp cho những người khác”. Ngày mẹ đưa xuống Thủ đô dự thi, cô đã hứa với mẹ con sẽ thi đỗ và trở thành một cô giáo trong tương lai.

Tiếp tục được gắn bó với niềm đam mê – âm nhạc và trải qua gần 3 năm gắn bó với mái trường Sư phạm Hà Nội, Ngọc Hà càng yêu con đường mình đã lựa chọn và quý hơn những người thầy người cô. Với Hà, người giáo viên đứng trên bục giảng là hình ảnh đẹp nhất.

Để thực hiện lời hứa của mình Hà đã không ngừng nỗ lực trong học tập. Để có thêm kinh nghiệm cô đã đi dạy thêm. Ngay khi còn là sinh viên năm hai, cô đã trở thành cô giáo dạy tiếng Việt cho một số bạn sinh viên Hàn Quốc.

Mới đây, cô còn làm “chủ nhiệm của một lớp học đặc biệt tại tầng năm của khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội. Một lớp học có cô giáo trẻ hơn học trò ba lần tuổi. Một lớp học, sau là giờ thụ giảng là những câu chuyện ắp đầy tình cảm bà cháu. Hà chia sẻ “Hơn ba tháng nay, em đang dạy đàn cho cụ Hồng Nhân, nhà ở đường Trần Quốc Hoàn – Cầu Giấy. Cụ đã 62 tuổi, biết rất nhiều về các điệu dân ca và rất thích đàn…”

Cô giáo trẻ tuổi đôi mươi ấy xúc động với hình ảnh người trò già của mình: chăm chỉ và đúng giờ. Một chân bị đau, nhưng đều đặn những ngày có giờ, cầu thang tầng 5 vẫn vang đều tiếng bước chân của người trò già đi học đàn. Nhiều hôm, cụ bà được cụ ông đưa tới lớp học…

Trong câu chuyện vào chiều hôm đầy nắng ấy, Ngọc Hà thổ lộ khi ra trường muốn trở thành cô giáo, làm bạn với các trò tiểu học. Bởi ở các em có được sự hồn nhiên ngộ nghĩnh; quan trọng hơn là muốn được tạo cho các em nền tảng vững chắc ngay từ đầu…

Mê đàn bầu nhưng không cả nể

Người xưa có câu “Đàn bầu ai gãy mà nghe/ Là thân con gái chớ nghe đàn bầu”, bởi tiếng tha thiết, réo rắt có chút gì ai oán của đàn bầu và dễ vận vào cuộc đời… Nhưng cô nữ sinh 9x ấy đã “chót” để một ngăn trong trái tim cho độc huyền cầm.

Theo học lớp năng khiếu từ những ngày đầu học. Có dáng người dong dỏng, các thầy cô xếp Hà vào lớp năng khiếu múa. Có lẽ nếu không có sự xuất hiện của lớp dạy đàn thì giờ đã có một diễn viên múa; hay một cô giáo tương lai hát hay múa đẹp: Phùng Ngọc Hà!

Nhiều người thầy cô trung tâm năng khiếu Lào Cai còn ấn tượng mãi hình ảnh có cô gái lấp ló ngoài cửa ngó vào trong lớp dạy đàn. Mắt nhìn say sưa lớp học, nhạc cụ; đặc biệt dừng lại lâu nhất ở cây đàn bầu.

 

Trong phần thi tài năng cuộc thi Nữ sinh thanh lịch của Trường Đại học Sư phạm, nhiều tiếng vỗ tay của khán giả và ban giám khảo được dành cho tiết mục độc diễn đàn bầu của Hà.

Trước những câu hỏi về tình trạng bạo lực học đường và cách giải quyết, cô giáo tương lai Ngọc Hà suy nghĩ cần một trái tim nóng và cái đầu lạnh. Ở đó luôn lấy tình cảm và sự chân thành làm gốc. “Không chỉ riêng em mà bất kì một người thầy người cô nào cũng đều không muốn phải kỉ luật, đình chỉ và cao nhất là đuổi học học trò của mình”.

Ngọc Hà cho rằng, một tình yêu hạnh phúc là sự gặp gỡ của duyên. Duyên sẽ cho hai người gặp gỡ đến bên nhau. Duyên sẽ gắn kết hai tâm hồn “đối lập nhưng không đối chọi, biết bỏ cái tôi bản thân”. Và hình mẫu của tình yêu hạnh phúc trong cô là bố mẹ

Một yếu tố đảm bảo cho sự hạnh phúc của tình yêu đó chính là sự trung thực, thẳng thắn. Đối với những việc không nên làm, là trái với thuần phong mỹ tục cần tìm cách khéo léo từ chối. Cô chia sẻ “Trong bất kì mọi chuyện, nhất là vấn đề tình cảm luôn cần sự chân thành. Phải thẳng thắn, con gái không được cả nể!”.

 Mai Xuân Tùng - Báo Tiền Phong.

www.tienphong.vn/Gioi-Tre/520977/Hoa-khoi-Su-pham-%E2%80%9CCon-gai-khong-duoc-ca-ne%E2%80%9D.html

Đăng bởi Nguyễn Anh (Tiêu đề là do chúng tôi đặt).