"Hai việc chúng ta bàn là "di dời" và "xây dựng khu đô thị ĐH" có liên quan đến nhau nhưng phải bàn độc lập... Do đó việc di dời cần phải bàn kỹ vì có những tiêu chí chấm điểm chưa phù hợp... Mong muốn xây dựng những khu đô thị ĐH tập trung là cần thiết, nhưng sẽ không làm được trong thời gian ngắn...". Đó là ý kiến của GS Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt ra tại buổi họp xây dựng hệ thống trường ĐH, CĐ tại vùng thủ đô Hà Nội do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 30/11/2010.

Theo Vietnamnet: Tại buổi họp xây dựng hệ thống trường ĐH, CĐ tại vùng thủ đô Hà Nội do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 30/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, việc di dời một phần hay toàn bộ là bắt buộc, không bàn lùi. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các trường ĐH, CĐ vẫn còn băn khoăn...

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - GS Nguyễn Viết Thịnh: "Cần bàn kỹ..."  

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trên diễn đàn Quốc hội - Ảnh: TTXVN.

 

Hai việc chúng ta bàn là "di dời" và "xây dựng khu đô thị ĐH" có liên quan đến nhau nhưng phải bàn độc lập. Khi bàn đến vấn đề di dời các trường ĐH ra ngoại thành thì tôi thấy, chỉ cần có tín hiệu của việc di dời thôi là có thể dẫn đến "treo" cả kế hoạch hoạt động của nhà trường. Cần tính đến yếu tố không để gián đoạn thời gian học của sinh viên.

Do đó việc di dời cần phải bàn kỹ vì có những tiêu chí chấm điểm chưa phù hợp. Tôi đơn cử, tại sao trong thống kê Bộ tính toán ĐHQG Hà Nội còn tình trạng diện tích chỉ có 0,8 m2/ đầu người là vì đáng ra "họ" phải được di dời từ lâu rồi để trả diện tích đó cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Như vậy diện tích chung và diện tích cho sinh viên sẽ khác. Do vậy phải nhìn tổng thể.

Mong muốn xây dựng những khu đô thi ĐH tập trung là cần thiết, nhưng sẽ không làm được trong thời gian ngắn. Vì khu vực Cầu Giấy trước đây thực sự là một khu đô thị ĐH - lúc đó dân thưa lắm nhưng đến giờ thường xuyên tắc đường. Vậy chúng ta đầu tư vào một khu nào đó, giải tỏa không hết thì tương lai cũng sẽ như Cầu Giấy bây giờ.

Nên bàn riêng vấn đề "đô thị ĐH". Bộ nên dành quỹ thời gian nhiều hơn để bàn về quy hoạch khu đô thị ĐH.

 

PGS-TS Nguyễn Văn Lê - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm trung ương: "Phải có đất sạch và kinh phí"

Với nhiều năm làm đào tạo và quản lí, chúng tôi đã nhiều lần hăm hở đi tìm đất xây dựng trường nhưng cuối cùng nhận lại vẫn là con số 0. Cách đây 8 năm chúng tôi có tìm được khu đất gần Trường ĐH Mỏ địa chất - lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã hai lần ghi giấy về nhưng không giải quyết được vấn đề.

Do đó, hội nghị bàn về vấn đề di dời và cấp đất cho các trường là rất quan trọng. Nhưng chúng ta bàn đến vấn đề di dời, chia đất, phân lô sớm quá. Trong khi đó, điều quan trọng là Bộ phải tổ chức một đoàn khảo sát tổng thể xem các trường ĐH, CĐ để biết nhu cầu và tương lai phát triển như thế nào?

Thực tế, có nhiều trường ĐH sinh ra rồi chết yểu vì không tuyển sinh được, nhưng cơ sở thì nhiều trường mơ không được. Do vậy, đề nghị có khảo sát về hiện trạng cơ sở vật chất các trường, về tiềm năng và dự báo tương lai của họ...

Mặt khác cần phải có một đề án quốc gia của Chính phủ - nhà nước đứng ra làm chứ các trường không tự chạy để xin đất.  Đồng thời nhà nước có đầu tư thỏa đáng tạo đột phá.

Cần bàn đất quy hoạch có "sạch" không, ở đâu...đ ể các trường soi vào đó biết mình sẽ hợp tác với "ai".

Chủ trương quy hoạch các đô thị ĐH tập trung là một tư tưởng tiến bộ, nhưng để làm được phải có đất "sạch" và kinh phí. Đáng ra vấn đề này phải được bộ bàn cách đây 10-20 năm rồi thì chất lượng đến nay sẽ khác.

Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội Lê Văn Thành: "ĐH ra, chung cư vào Hà Nội sẽ thành đống rác?"

Nếu nói di dời thì sẽ nảy sinh tiêu cực nhưng nói phát triển thêm các khu đô thị ĐH lúc này là rất cần thiết. Chúng tôi đã tham gia nhiều lần bàn về vấn đề quy hoạch Hà Nội, quy hoạch các khu đô thị, di dời một số trường ĐH ra ngoại thành. Thậm chí khu Tây Nam chúng tôi cũng được tham gia ngay từ đầu từ chuẩn bị dự án, đo và chuẩn bị bồi thường nhưng cuối cùng bàn chỉ bàn để đó.

Hội nghị lần này nếu không thông về tư tưởng sẽ rất tốn kém mà không đi đến đâu. Thời điểm này Chính phủ, TP Hà Nội và Bộ GD-ĐT đều ủng hộ.
Khi đã có được ủng hộ thì cần chỉ ra đất sạch để các trường đăng ký. Kinh phí xây dựng hạ tầng có thể các trường phải chịu. Nếu như Bộ không chỉ được "đất sạch" mà yêu cầu các trường đi xin thủ tục từ dưới lên trên thì sẽ rất lâu và không hiệu quả.
Do đó, chúng ta đã bàn thì phải làm tránh tình trạng đất để lâu sẽ có doanh nghiệp nhảy vào đầu tư như đã xảy ra.
Năm 2009 cùng với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - chúng tôi đi lang thang khắp nơi từ Hưng Yên sang Bắc Ninh để tìm địa điểm. Cái khó nhất ở đây là họ đồng ý cho đất có giải phóng được mặt bằng không. Và sau đó kinh phí lấy đâu ra.

Cũng có ý kiến cho rằng đổi đất nhanh nhất và có giá nhất hiện nay là đổi đất để xây dựng nhà ở.

Tôi đã phát biểu với các đồng chí trong Ban Tuyên giáo TW "các anh đừng nghĩ sinh viên đông quá, thành phố lộn xộn. Giờ đổi sang các khu chung cư đừng nghĩ đó là giải pháp tốt mà còn tệ hơn. Và không khéo lại biến Hà Nội thành đống rác. Bởi các sinh viên, các thầy cô giáo là lớp người có văn hóa hơn. Nếu xây dựng các khu chung cư, dân các nơi đổ về thì văn hóa sẽ như thế nào? Thậm chí việc tắc đường sẽ không giảm".

Do đó, nếu nhà nước nghĩ bán chỗ cũ của các trường đi để đầu tư vào dịch vụ chung cư để giảm tắc đường thì khó khả thi và tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội nhiều hơn. Bởi vậy Chính phủ nên có đầu tư và thực hiện xã hội hóa bằng nhiều hình thức.

Kiều Oanh (ghi)

Nguồn:www51.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/1593/dh-ra--chung-cu-vao--ha-noi-se-thanh-dong-rac-.html

Đăng bởi: Nguyễn Anh.