Cứ đến ngày 20/11, trên rất nhiều diễn đàn, người ta lại bàn đến chuyện đi “phong bì” thầy cô . Nhiều bà mẹ có con nhỏ bàn nhau cách “đi” phong bì sao cho khéo. Còn trên một số diễn đàn cho SV, có người thậm chí còn công khai “định giá” phong bì đối với từng thầy cô của mình… SV Sư phạm - những nhà giáo tương lai, họ nghĩ gì về điều này? Không khí rộn ràng chào mừng ngày lễ kỷ niệm 20/11 đang tràn ngập dưới những mái trường. Các bạn SV nói chung và SV khối ngành Sư phạm nói riêng đều coi 20/11 là dịp tri ân những người thầy, người cô đã dạy dỗ, dìu dắt chúng ta nên người.
Nhưng có lẽ với các bạn SV Sư phạm thì ngày nhà giáo Việt Nam còn mang những tình cảm đặc biệt hơn bởi các bạn chính là những thầy giáo, cô giáo trong tương lai.
(Ảnh: internet)
Thanh Vân, SV Khoa Ngữ Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Ngày 20/11 đó là ngày mà tất cả HS, SV ở nước ta đều tỏ lòng biết ơn và tri ân các thày giáo cô giáo, ngày này thì trường nào cũng có không khí kỷ niệm rất rộn ràng và tưng bừng nhưng tôi nghĩ rằng ở môi trường sư phạm như trường tôi và một số trường khác sẽ có không khí đặc biệt hơn cả bởi vì đó là nơi mà sau này sẽ sản sinh ra nhiểu giảng viên, giáo viên tương lai, bản thân tôi được sống trong môi trường sư phạm tôi cũng cảm thấy rất vinh dự và tự hào và yêu mái trường hơn khi được học tập và làm việc trong môi trường như thế.
Nghề dạy học vốn được coi là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí. Ngày 20/11 thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Thế nhưng, trong nhiều năm trở lại đây, cứ đến ngày 20/11, trên rất nhiều diễn đàn, người ta lại bàn đến chuyện đi “phong bì” thầy cô . Nhiều bà mẹ có con nhỏ bàn nhau cách “đi” phong bì sao cho khéo. Còn trên một số diễn đàn cho SV, có người thậm chí còn công khai “định giá” phong bì đối với từng thầy cô của mình…
Rất nhiều SV sư phạm khi được hỏi đều rất bức xúc về điều này.
Thanh Vân: “Có rất nhiều cách để tri ân thầy cô, theo tôi vấn đề phong bì thì tôi không đồng ý. Bởi vì , trong môi trường sư phạm thì vấn đề này làm mất đi cái danh của người thầy. Có được kiến thức là do mình chứ không cần phải mua điểm bằng cách đưa phong bì, phong bao và nếu là một nhà giáo chân chính thì cũng sẽ không muốn nhận điều này từ SV của mình”.
Còn Khánh, một SV khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì cho rằng: Tôi thấy dư luận về vấn đề phong bì hiện nay đôi khi gây tâm lý e ngại của giáo viên với HS, SV. Vô hình chung đó là rào cản trong mối quan hệ thầy trò. Việc nhớ ơn thầy cô là điều đáng quí và đáng trân trọng, điều đáng lên án là SV dùng quà cáp tiền bạc để mua điểm hay chạy chọt. Riêng cá nhân tôi không bao giờ ủng hộ điều đó.
Nhiều SV Sư phạm khác cũng cho rằng, việc SV “đi phong bì” thầy cô dịp 20/11 đã làm mất đi giá trị nhân văn của tình thầy trò.
Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên dạy Văn đã nghỉ hưu chia sẻ những kỉ niệm của mình:
Tôi không còn có thể nhớ được bao nhiêu lứa học sinh đã đi qua nhưng mỗi khi tôi nhận được một lời chúc hay một tấm thiệp thì tôi lại hình dung ra học sinh đó, có những em khi đó rất ghét đi học nên ghét luôn cả thầy cô giáo nhưng khi đến ngày 20/11 thì thày trò chúng tôi đã gạt sang một bên những áp lực về những bài giảng, bài học mà có lẽ ai từng đi qua tuổi học trò thì đều thấy nó từng là gánh nặng, từng là khó khăn. Trong những ngày này thì thày trò chúng tôi đến với nhau, chúng tôi cảm thấy giữa chúng tôi thuần khiết là tình cảm thầy trò rất vô tư bởi vì thực tế các em dù ngoan hay ngỗ ngược đến đâu thì đối với tôi các em đều vẫn là hồn nhiên, trong sáng. Đó là những kỷ niệm mà tôi không thể trưng bày được ở trong giá sách hay trên tủ kính. Ở thời đó thì những ngày này đối với thày trò chúng tôi là những ngày lễ hội, chúng tôi tặng nhau những món quà rất giản dị, thậm chí có những em còn làm những tấm thiệp để tặng, thì đó là những món quà vô giá.