Chiều ngày 20/05/2025 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có buổi tiếp đón và gặp gỡ với đoàn chuyên gia quốc tế đến từ Chương trình Đối tác Toàn cầu vì Giáo dục – Sáng kiến Đổi mới Tri thức (GPE-KIX). Cuộc gặp nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các chương trình nghiên cứu đổi mới giáo dục ở khu vực và toàn cầu.
Về phía GPE-KIX, có sự tham dự của TS. Sangay Jamtsho – Điều phối viên khu vực của KIX thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC), ông Jose Luis – Giám đốc Trung tâm EMAP Hub; bà Aditi Desai – Điều phối tri thức khu vực Đông Nam Á, EMAP Hub.
Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có sự tham dự của TS. Đinh Minh Hằng – Trưởng phòng Hành chính – Đối ngoại; PGS.TS. Dương Minh Lam – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; PGS.TS. Bùi Thị Lâm – Trưởng khoa Giáo dục Mầm non; PGS.TS. Hoàng Hải Hà – Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Phạm Thị Ngọc Quỳnh – Phó Viện trưởng Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế; PGS.TS. Nguyễn Văn Biên – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nghiệp vụ Sư phạm; PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu – Phụ trách Viện Khoa học Xã hội; TS. Đỗ Thị Thảo – Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt; TS. Đinh Nguyễn Trang Thu – Phó Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt; và PGS.TS. Khúc Năng Toàn – Phó Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục.
Mở đầu buổi gặp gỡ, hai bên cùng xem video giới thiệu về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với gần 20.000 sinh viên, đội ngũ giảng viên uy tín và các chương trình nghiên cứu giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực. TS. Đinh Minh Hằng nhấn mạnh vai trò của trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong đào tạo giáo viên và phát triển nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ kỳ vọng tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và sức lan tỏa của các công trình nghiên cứu do nhà trường thực hiện.
Trong buổi làm việc, đại diện GPE-KIX đã giới thiệu tổng quan về các hoạt động của mạng lưới KIX, cơ chế tài trợ cho các sáng kiến nghiên cứu giáo dục, cũng như định hướng phát triển mạng lưới tri thức tại khu vực Đông Nam Á. Đại diện đoàn cũng chia sẻ về các lĩnh vực ưu tiên trong tài trợ của GPE-KIX như Giáo dục mầm non, giáo dục hòa nhập, giáo dục cho người khuyết tật, bình đẳng giới, công bằng và hòa nhập cũng như các nghiên cứu về triển khai chính sách và đổi mới giáo dục dựa trên bằng chứng. Những lĩnh vực này đều được mở rộng một cách linh hoạt, tạo điều kiện cho các tổ chức đưa ra các chủ đề nghiên cứu mang tính đổi mới, phù hợp với bối cảnh quốc gia hoặc khu vực.
Một điểm nhấn quan trọng trong cuộc thảo luận là chiến lược lan tỏa kết quả nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu không chỉ cần đảm bảo chất lượng chuyên môn, mà còn phải có chiến lược truyền thông và phổ biến kết quả tới các đối tượng sử dụng cuối cùng như các cơ quan quản lý giáo dục, nhà hoạch định chính sách và giáo viên tại cơ sở. Các hình thức huy động tri thức đa dạng như hội thảo chính sách, báo cáo khuyến nghị, ấn phẩm học thuật, và tham gia hội nghị khu vực, quốc tế đều được khuyến khích và hỗ trợ.
Tại Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự là đơn vị thứ 3 nhận được tài trợ của Quỹ GPE và Trung tâm nghiên cứu phát triển (IDRC - Canada) cho nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu quốc tế: "Tăng cường năng lực cho giáo viên mầm non để thúc đẩy trải nghiệm học tập chất lượng cao thông qua sáng kiến phát triển chuyên môn dựa trên công nghệ có khả năng nhân rộng - Empowering Early Childhood Teachers to Foster High Quality Learning Using a Scalable Technology-Driven Professional Development Initiative" phối hợp thực hiện cùng Trường Đại học RMIT-Vietnam trong giai đoạn 2024-2026.
Buổi làm việc khép lại trong không khí cởi mở, hợp tác và nhiều triển vọng. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục duy trì liên lạc, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các vòng tài trợ tiếp theo của GPE-KIX. Đây bước đi quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời tạo cơ hội quý báu để đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên sau đại học của trường tiếp cận với các mạng lưới tri thức toàn cầu và các chương trình tài trợ uy tín.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: