Chiều ngày 21/04/2025, tại Hội trường 11/10, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội - hướng tới sự kiện trọng đại, mốc son sáng ngời 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025), thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên, sinh viên, được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban giám hiệu, BCH Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội long trọng tổ chức chương trình Giao lưu nhân chứng lịch sử với chủ đề “Tiếp lửa truyền thống - Sáng mãi niềm tin thống nhất”. Chương trình không chỉ là hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là nơi những thế hệ thầy và trò Sư phạm cùng nhau ngược dòng thời gian, chạm vào ký ức dân tộc, chạm vào những điều thiêng liêng đã làm nên hình hài đất nước hôm nay.
Chương trình có sự hiện diện của các quý vị đại biểu từ nhiều cơ quan, tổ chức. Về phía Thành đoàn Hà Nội: Đồng chí Vũ Thị Minh Hằng - Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội.
Về phía trường ĐHSP Hà Nội: chương trình trân trọng đón tiếp PGS. TS Nguyễn Văn Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ khối các Trường Đại học - Cao đẳng Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS. TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS. TS Kiều Văn Hoan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS. TS Hà Văn Minh - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trường; PGS. TS Lê Minh Nguyệt - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trường; GS. TS Đặng Ngọc Quang - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trường; TS Vũ Việt Hùng - Uỷ viên Ban Thường vụ công Đoàn trường.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại chương trình giao lưu “TIẾP LỬA TRUYỀN THỐNG, SÁNG MÃI NIỀM TIN THỐNG NHẤT”
Về phía Ban Chấp hành Đoàn Trường, chương trình vinh dự có sự tham gia của đồng chí Phạm Thị Thanh Thuý - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đồng chí Đinh Hoàng Dương - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Bí thư Đoàn Trường; đồng chí Ninh Xuân Thao - Phó Bí thư Đoàn Trường; đồng chí Đỗ Ba Chín - Phó Bí thư Đoàn Trường.
Đặc biệt, chương trình vinh dự chào đón những vị khách mời - những nhân chứng sống của một thời oanh liệt - những thầy cô đã trực tiếp sống, chiến đấu, và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh:
1. PGS.TS.NGƯT Kiều Thế Hưng - Nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHSPHN.
2. GS.TS.NGND Trần Đăng Xuyền - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN.
3. GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình - Nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐHSPHN.
4. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà - Nguyên Trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐHSPHN.
5. GS.TS.NGƯT Bùi Văn Nghị - Nguyên Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐHSPHN.
Các nhân chứng lịch sử, nguyên lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm nên chiều sâu xúc cảm đặc biệt cho chương trình giao lưu.
Và sự góp mặt của các thầy cô trong Đảng ủy trường, Công đoàn trường, trưởng, phó trưởng khoa, phòng, ban, trung tâm, nhà xuất bản, phân hiệu, trường phổ thông trực thuộc Trường ĐHSP Hà Nội, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan trung ương và Hà Nội; Ban Chấp hành Đoàn trường - Hội Sinh viên Trường, cán bộ chủ chốt các Liên chi đoàn - Liên chi hội; cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin.
Trong khuôn khổ chương trình, PGS. TS Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt của những hoạt động mang tính giáo dục truyền thống, như một phần không thể thiếu trong hành trình hình thành nhân cách, bản lĩnh và lý tưởng sống của sinh viên sư phạm. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng, mà quan trọng hơn, là để thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về giá trị của độc lập - tự do - hòa bình, và trân trọng những gì đang có. Khi được tiếp cận với những câu chuyện thật - những nhân chứng sống, các bạn sinh viên sẽ không chỉ xúc động, mà còn tự vấn chính mình: phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, và trách nhiệm của một người trí thức trong thời đại mới. Với tinh thần đó, Thầy mong muốn rằng ngọn lửa từ chương trình hôm nay sẽ được các bạn trẻ thắp lên trong từng bài giảng mai này, trong từng hành động nhỏ, trong những lựa chọn đầy nhân văn trên hành trình trở thành những người gieo chữ, giữ lửa cho các thế hệ mai sau.
PGS. TS Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSPHN phát biểu tại chương trình giao lưu kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khung trời ký ức dần mở ra qua những chia sẻ đầy xúc động từ các vị khách mời đặc biệt – những nhân chứng lịch sử, những người đã từng sống, chiến đấu và cống hiến trong thời kỳ gian khó nhưng hào hùng của dân tộc. PGS.TS.NGƯT Kiều Thế Hưng, GS.TS.NGND Trần Đăng Xuyền, GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà và GS.TS.NGƯT Bùi Văn Nghị - những cái tên gắn bó sâu sắc với ngôi trường Sư phạm, không chỉ là những nhà giáo mẫu mực mà còn là những chứng nhân sống động của một thời “gian khó mà vinh quang”. Họ mang đến chương trình không chỉ là những câu chuyện, mà còn là ký ức - được giữ gìn, chắt lọc và nâng niu suốt cả cuộc đời. Từ những lớp học sơ tán giữa núi rừng, đến những lần thắp sáng ngọn đèn dầu bên hầm để tiếp tục bài giảng giữa tiếng bom đạn, tất cả đã được kể lại bằng chất giọng mộc mạc, gần gũi nhưng đầy sức nặng. Mỗi câu chuyện là một lát cắt lịch sử, là một minh chứng cho tinh thần học tập không ngừng nghỉ, cho niềm tin không bao giờ tắt vào tương lai của đất nước. Có người nhắc lại hình ảnh những lớp học đặc biệt nơi chiến khu, có người chia sẻ cảm xúc ngày nhận tin miền Nam giải phóng - khoảnh khắc vỡ òa giữa đất trời như chính tim mình cũng reo vang. Có cả nỗi đau, sự mất mát, nhưng vượt lên trên tất cả là lý tưởng sống lớn lao mà mỗi người từng mang theo.
Đại biểu và sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội lắng nghe chia sẻ xúc động từ các nhân chứng lịch sử trong chương trình giao lưu.
Không chỉ dừng lại ở những lời kể, chương trình còn đưa người tham dự bước vào một hành trình cảm xúc trọn vẹn qua video phóng sự được dàn dựng công phu - nơi những thước phim tư liệu quý giá đan xen cùng hình ảnh tái hiện chiến trường xưa và những ngày tháng học tập trong khói lửa chiến tranh. Giữa hội trường lặng đi, ánh sáng trên màn chiếu rọi rõ từng giọt mồ hôi, từng ánh mắt kiên cường của thế hệ đi trước. Mỗi khuôn hình là một lời nhắn nhủ, là một thông điệp gửi gắm tới thế hệ trẻ hôm nay: rằng tự do, hòa bình là giá trị thiêng liêng và không gì đánh đổi được; rằng người trí thức chân chính là người không bao giờ ngoảnh mặt trước vận mệnh dân tộc.
Những thước phim tư liệu quý giá giúp khắc họa rõ nét hành trình cống hiến và ký ức sống động từ các nhân chứng lịch sử.
Trong khoảnh khắc cao trào của chương trình, khi những câu chuyện lịch sử vừa được kể lại, cả hội trường như vỡ òa trong cảm xúc. Hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng nhỏ tạo nên một “biển cờ” rực rỡ, sống động và đầy tự hào. Dưới ánh sáng lung linh, những lá cờ vẫy nhịp nhàng theo từng giai điệu của các tiết mục văn nghệ, phản chiếu niềm tin và khát vọng của thế hệ trẻ hôm nay. Hình ảnh ấy không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước, mà còn là minh chứng cho sự tiếp nối truyền thống, cho thấy ngọn lửa cách mạng vẫn đang được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cháy mãi không ngừng.
Cả hội trường lớn nhuộm sắc đỏ của cờ đỏ sao vàng - nơi ký ức lịch sử và sức trẻ hòa nhịp trong khoảnh khắc thiêng liêng.
Như một lời tri ân sâu sắc, Ban Tổ chức đã dành tặng những bó hoa tươi thắm tới các khách mời - những nhân chứng lịch sử, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Mỗi bó hoa không chỉ là sự kính trọng, mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn và niềm tin thế hệ - thế hệ hôm nay ghi nhớ và tiếp bước con đường các thế hệ đi trước đã mở lối. Trong khoảnh khắc trang trọng ấy, cả hội trường như lặng đi, nhường chỗ cho sự kết nối thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại, giữa những con người của thời đại chiến tranh và lớp trẻ của thời bình.
Những bó hoa không chỉ là lời cảm ơn, mà còn là cầu nối của lòng biết ơn từ thế hệ hôm nay gửi đến những người đã đi qua thời hoa lửa.
Khép lại chương trình giao lưu “Tiếp lửa truyền thống - Sáng mãi niềm tin thống nhất”, những xúc cảm vẫn còn đọng lại nơi hội trường lớn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Không chỉ đơn thuần là một hoạt động kỷ niệm, chương trình đã thực sự trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những ký ức khốc liệt của chiến tranh và khát vọng hòa bình, cống hiến của thế hệ trẻ hôm nay.
Thông qua những câu chuyện chân thực từ các nhân chứng lịch sử, qua từng ánh nhìn xúc động, từng tràng pháo tay nghẹn ngào, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm được khơi dậy mạnh mẽ. Những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ trong tay hàng trăm sinh viên vẫy cao giữa không gian thiêng liêng đã nói thay cam kết của tuổi trẻ: tiếp tục gìn giữ và lan tỏa giá trị truyền thống, sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.
Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng ngọn lửa truyền thống ấy vẫn đang cháy sáng - không chỉ trong lịch sử, mà trong từng trái tim, từng hành động cụ thể của thế hệ hôm nay. Và chính từ những chương trình như thế này, niềm tin vào sự tiếp nối bền vững của dân tộc được khẳng định - âm thầm, bền bỉ và đầy tin yêu.
Khoảnh khắc lưu lại sau hành trình trở về với ký ức dân tộc - nơi các thế hệ cùng nhau chụp ảnh lưu niệm, khép lại chương trình đầy cảm xúc.
Tham khảo thêm link các bài báo:
Nguồn: Đội Truyền thông Đoàn Thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.